Đợt sóng cách tân đầu tiên của thơ Việt sau 1975

Thứ Tư, 25/05/2016 00:24
.  VĂN GIÁ
logo Nếu tính mốc tập thơ Củi lửa của Dương Kiều Minh ra đời (1989) cho đến nay đã là 27 năm. Nhìn lại, ngay sau Củi lửa chỉ một năm thôi là hai tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc lần lượt ra đời: Từ nước (1990), Ngày sinh lại (1990). Và tiếp liền Nguyễn Lương Ngọc cũng chỉ già năm Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều xuất hiện (1992). Mấy năm liên tục với những tập thơ sáng giá của ba cây bút thuộc cùng trang lứa, độ tuổi 30. Ngày nay nhìn lại, hóa ra, sau thế hệ các nhà thơ thời chiến trước 1975, chỉ đến sự xuất hiện của ba nhà thơ này với bốn thi phẩm kể trên, nền thơ ca Việt Nam mới thấy thực sự đổi khác. Đổi khác này có ý nghĩa không chịu đi theo những tiếng nói thi ca ổn định, có nguy cơ đóng băng. Đổi khác này cũng mang ý nghĩa truyền cảm hứng, hô ứng để nối tiếp những đổi khác khác. Nếu hình dung công cuộc làm mới thơ ca như những đợt sóng, thì ba nhà thơ này, với những thi phẩm này đã làm nên đợt sóng thứ nhất, trong vai trò từ giã những cái trước đó, tạo khác biệt, tạo động lực để làm cho thơ ca bứt lên phía trước. Họ là đợt sóng đầu tiên của công cuộc đổi mới thơ ca sau 1975, đúng hơn là sau 1986.
 
Một thi quyển rạn nứt và thôi thúc
Mỗi một hiện tượng văn học luôn là một sự kiện xã hội tổng thể. Bốn thi phẩm kể trên cần được nhìn trong một bối cảnh xã hội, văn hóa - văn học cụ thể mà nó ra đời, thuộc về.
Ngày ấy, tinh thần đổi mới văn học được khai thông bởi câu nói nổi tiếng “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Nghị quyết 05 về văn hóa - văn nghệ. Tiếp nối tinh thần này, vào đúng thời điểm công cuộc đổi mới văn học vừa mới bắt đầu, nhà văn Nguyễn Minh Châu lại lên tiếng bằng một bài viết hết sức mạnh mẽ, lay động và phản tỉnh: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987). Rồi hội thảo văn học Chung quanh mấy vấn đề thời sự văn học của khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1989 do giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chủ trì, tập hợp những tiếng nói đổi mới mạnh mẽ nhất, sắc nét nhất của cả đội ngũ sáng tác và lí luận phê bình đương thời. Có thể nói, chưa bao giờ các vấn đề của văn học, nghệ thuật lại được thảo luận sôi nổi, công khai, cởi mở như bấy giờ.

Như chúng ta đều biết, những cuộc cách tân văn học, thường khi diễn ra không đồng đều trên các thể loại. Xét những năm cuối của thập niên 80 thế kỉ trước, cuộc cách tân văn học phải ghi công cho văn xuôi, bắt đầu bằng Nguyễn Huy Thiệp, rồi đến Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh (trước nữa phải tính từ Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng)… Đối với thơ, ghi danh đầu tiên cho cách viết táo bạo, có tính khiêu khích, mới lạ của Dư Thị Hoàn. Lúc ấy, trước Dư Thị Hoàn, chưa có một xuất hiện nào đáng kể, vẫn là các “soái” thuộc về thế hệ thời chiến trước 1975.

Nhìn lại tập Lối nhỏ (1988), sự cách tân chưa phải thuộc về thi pháp, mà chủ yếu nghiêng về cảm hứng, chất liệu (cái được biểu đạt). Nhưng rõ ràng, vào thời điểm này, chỉ với một câu thơ của nữ thi sĩ đã làm xôn xao thi giới, như một sự khiêu khích gay gắt đối với thơ trước đó: Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em (Tan vỡ). Cũng phải nói cho công bằng, trước Dư Thị Hoàn đã có không ít những cựa quậy, tự làm mới mình của không ít các nhà thơ đàn anh: Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo, Thi Hoàng… Các đổi mới của những nhà thơ này thực chất là mới trong một khung hệ hình không còn mới, mà nhiều người gọi theo những cách khác nhau: thơ trữ tình công dân, thơ sử thi lãng mạn, thơ “lửa cháy”, thơ diễn tả cảm xúc, thơ vụ nghĩa, thơ Thơ mới kéo dài… Một số sáng tạo của các nhà thơ này đã bước vào véc-tơ của sự chuyển mình (trữ tình cá nhân, đời tư, vụ chữ…), nhưng chưa đủ mạnh để trở thành một cuộc lên đường mới, dứt khoát. Tuy nhiên, thơ của họ cũng đã làm nên một phần năng lượng cho sự bứt phá của các cây bút tiếp theo như Trần Quốc Thực, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương và những cây bút khác.

Tôi muốn nói đến một trường hợp thuộc thế hệ thời chiến trước 1975 có mặt vào những năm đầu Đổi mới này trong vai trò trợ lực và kích hoạt cho một số tiếng nói thơ trẻ: Trúc Thông. Lúc bấy giờ ông được xem là người tập hợp và quan tâm đặc biệt đến rất nhiều cây bút thế hệ sau ông, nhất là những cây bút trẻ: Trần Quốc Thực, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương... Ở ông, người ta đọc thấy một ý hướng muốn làm mới thơ một cách mạnh mẽ, thường trực. Điều này không chỉ được thể hiện trong các lần gặp gỡ, trò chuyện, mà còn ở trong những tiểu luận, những bài bình về thơ, đặc biệt thể hiện ngay trong những bài thơ như những minh chứng thuyết phục. Vào thời điểm lúc bấy giờ, sự tự ý thức về thơ (bằng các hoạt động phê bình) của ông đối với công cuộc làm mới thơ Việt, so với cùng thế hệ, ông đã đi xa nhất, thuyết phục nhất. Sau này, với toàn bộ sáng tạo của mình, có thể nói ông đã thiết lập được một mô hình thơ khác, với một thi pháp khác và một giọng điệu khác so với thơ thời chiến trước 1975. Ông đã vượt lên chính ông, và vượt lên thế hệ mình để làm khác thơ Việt. Chỉ mấy dòng thơ này thôi, ông đã đem đến cho thơ Việt lúc này một hơi hướng khác hẳn: Nhoai lên, quành xuống/ giữa núi xanh/ tiếng chim rơi tịch mịch/ nỗi người đi muôn trùng (Đường lưng đèo Gió). Hẳn là, để chứng minh cho nhận định trên, cần phải dài lời hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, bạn đọc hãy đọc bài viết xuất sắc của nhà nghiên cứu - phê bình Chu Văn Sơn Ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ (nghĩ về Trúc Thông và cách tân thơ) (tạp chí Thơ, tháng 11/2015) để hiểu những điều tôi vừa nói ở trên trong khi tôi chưa thể nói được điều gì hơn thế. Có điều, “tính công” cho việc đổi mới thơ của Trúc Thông là căn cứ vào toàn bộ đời thơ của ông, còn nếu như chỉ căn cứ vào tập Chầm chậm tới mình (1985), thì ông chưa có được một diện mạo và công lao như vậy. Ông dần dần hoàn tất thi pháp có tính cách tân của mình tiếp tục bằng các tập sau này như Maratong (1993), Một ngọn đèn xanh (2000), Vừa đi vừa ở (2005). Nói điều này để thấy rằng ông là người vừa có tác động, lại vừa đi cùng các nhà thơ trẻ vào thời điểm bấy giờ - cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỉ XX.

Cũng phải nói thêm vào quãng thời gian này có sự tái xuất đồng loạt của một số cây bút như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Phùng Cung; và lớp sau một chút là Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng. Mỗi người một vẻ, họ đã thể hiện những nỗ lực phi thường và đáng khâm phục trong việc phụng sự cho sự cách tân thơ Việt. Họ không chỉ sáng tác, mà còn lí thuyết hóa lao động nghệ thuật của mình bằng các tiểu luận, ghi chú, thẩm bình về thơ với những gương mặt tiêu biểu nhất như Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng. Các khái niệm chìa khóa của những cách tân thơ ở họ là “thơ dòng chữ” (đối lập với thơ “dòng nghĩa”),  thơ “con âm”/“bóng chữ” (“vụ chữ” chứ không “vụ nghĩa”), “thơ âm bồi”, “thơ vụt hiện”… nhất loạt bước vào sinh hoạt và thảo luận thơ lúc bấy giờ. Tuy hồi ấy không có mấy hưởng ứng công khai, nhưng các sáng tạo của những nhà thơ này đã có một tác động ngấm ngầm và mạnh mẽ cho ý thức đổi mới thơ Việt. Những tìm tòi của các nhà thơ sau 1975 không thể không bị tác động ít nhiều của từ trường này. 
Ngoài ra, lúc này văn học dịch từ nguồn văn học thế giới trong đó có thơ, cùng các lí thuyết văn học được có mặt ở Việt Nam khá cởi mở, không còn bị kháng cự như trước nữa. Cánh cửa văn học đã được khai thông với thế giới. Đó là những tham khảo, những kích thích tố quan trọng cho sự tìm tòi và đổi mới văn chương, trong đó có thơ ca.
 
anh dep hoa cuc

Ba nhà thơ xuất hiện và tham dự
Không phải sự xuất hiện nào cũng có khả năng khiêu khích. Ba nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Quang Thiều xuất hiện cùng với các thi phẩm mang tính chất khiêu khích nền thơ đương thời. Nói là “khiêu khích” bởi bản thân những sáng tác của họ tự chúng mang tính đối thoại, chất vấn với thơ của những tác giả khác, nhất là những tác giả trước 1975. Lí do là ở chỗ: ba nhà thơ này đã tạo ra được những khác biệt, xin nhấn mạnh là KHÁC BIỆT. Điều này thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, ba nhà thơ ở các mức độ khác nhau, đã dám lên tiếng, bộc lộ quan niệm nghệ thuật và thơ ca của mình, một kiểu quan niệm riêng, mới và khác trước. Về điểm này, hiển nhiên là các nhà thơ khẳng định tư cách nghệ sĩ của mình bằng tác phẩm, chứ không nhất thiết phải tuyên ngôn. 

Với Dương Kiều Minh, người xuất hiện đầu tiên, tuy khá dè dặt, nhưng trong một số bài thơ của mình anh bộc lộ khát vọng tự do một cách mạnh mẽ. Anh viết: Một sớm quờ lên chân lí/ Lời đồng dao vén mở bên hè (Cố hương); Ở đâu dòng sông/ ở đâu cánh đồng/ ở đâu những hạt buồn gieo xuống/ tự do trái cây êm dịu giữa mùa (Bộc bạch V); Cơn khát tự do/ Tự do như nắng/ Tự do cơn mưa cuốn chạy trên đồng (Cổ tích). Khao khát tự do chính là biểu hiện của cái cảm giác đang thấy mình không có tự do, thấy thèm tự do. Trong nỗi khao khát tự do nhiều chiều kích đó, chắc chắn có tự do biểu đạt thơ ca, làm mới thơ ca. Một câu thơ tuyệt hay của thi sĩ này được xem như một ngụ ý biểu đạt cái tư thế, vẻ đẹp, khát vọng tự do, khát vọng mình được là mình: Bông loa kèn nở ngang tàng mùa hạ (Không đề 1).

Ở Nguyễn Lương Ngọc, với một bản tính quyết liệt, sáng trắng, sắc sảo, không che chắn, anh mượn thơ tuyên bố: Khi mắt đã no nê/ Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ/ Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/ Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội họa lập thể). Nói hội họa để nói văn chương, nghệ thuật nói chung. Vào thời điểm bài thơ ra đời, không ít người đánh giá không mấy thiện cảm về Nguyễn Lương Ngọc. Bài thơ có tính tuyên ngôn, gây hấn thực tiễn sáng tác lúc bấy giờ. Ở đây là câu chuyện về cái cũ đã đông cứng, rắn lại cần phá hủy, và khát vọng hướng về cái mới bằng việc đi tìm cái lõi của sự thật gồm cả về nội dung biểu đạt và cách thức biểu đạt. Đoạn thơ như một tuyên ngôn cứa vào những ai tha thiết với công cuộc làm mới thơ Việt lúc bấy giờ. Phần lớn các bài trong hai tập Từ nước và Ngày sinh lại là một minh chứng cảm động cho nỗ lực làm mới thơ ca của Nguyễn Lương Ngọc.

Với Nguyễn Quang Thiều, sự xuất hiện Ngôi nhà 17 tuổi (1990), tuy chưa bắt nhịp ngay vào sự đổi mới thơ ca, nhưng, như anh nói: “Trong bài thơ này tôi viết về tôi trong “một bản đồng ca thánh thót” và ý chí ra đi khỏi dàn đồng ca đó. Những câu thơ của Lạc nhịp đã tuyên ngôn con đường sáng tạo của tôi: Thế mà tôi lạc nhịp đi ra/ Cánh chim mỏng ngược về nơi chớp giật/ Và ngọn gió đón tôi vào đội ngũ/ Một nửa tôi hóa bão cuối chân trời/ Thế mà tôi lạc nhịp đi ra/ Như ngựa hoang cắt mình qua cỏ cháy/ Cỏ xòe lá đón tôi vào với cỏ/ Một nửa tôi thành gai trên lá cỏ non mềm”. Tuy nhiên, về tập thơ này, chính tác giả thú nhận: “Trên gương mặt tôi đôi lúc thoáng hiện lên một gương mặt khác, trong giọng nói tôi đôi lúc lại pha một giọng nói khác”. Phải chờ đến Sự mất ngủ của lửa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mới tạo ra được giọng nói của riêng mình, tức là một kiểu thơ khác biệt so với trước đó của chính anh, và so với người khác trước đó và cùng thời. Cái ý thức cách tân được khởi lên từ Ngôi nhà 17 tuổi đã được quán triệt và thực hành dõng dạc ở tập thơ ngay sau đó: Sự mất ngủ của lửa.

Thứ hai, điểm mới so với trước đó của ba nhà thơ này ở những tập Củi lửa, Từ nước, Ngày sinh lại, Sự mất ngủ của lửa, về cơ bản đã hạ tông cảm xúc trữ tình công dân để đào sâu vào trữ tình cá nhân (cá thể, bản thể, đời tư) với tất cả các biểu hiện đa dạng và với các cấp độ của nó. Nguồn thi hứng của họ là những chuyện tâm tình cá nhân, riêng tư, có khi bé nhỏ, thường ngày, lắm khi rất thầm kín, bản năng, có khi lại thuộc về thế giới tâm linh bí ẩn - những thứ mà thơ thời chiến trước 1975 về cơ bản né tránh, bỏ qua.
Giờ đây họ công khai đi vào những tâm tình cá thể, cái mà nhà thơ Dương Kiều Minh định danh: Điều gì dào lên trong những hạt li ti (Hi vọng). Thơ không thích sự to tát, không thích những cái phi thường, chỉ muốn cố nắm bắt và biểu đạt những thứ “hạt li ti” của đời sống con người. Và ở Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, tâm tình cá nhân được đẩy đi rất xa đến cõi bí ẩn mơ hồ của tâm giới, linh giới.

Thơ Dương Kiều Minh phục sinh một khu vườn cổ tích của tuổi thơ, mẹ, quê hương với một điệu buồn mang màu hoài niệm, nỗi buồn tự cảm: Màu xanh rưng rức dậy buồn (Bộc bạch IV), Khát vọng/ mang vạm vỡ nỗi buồn (Trômpet)… Các nhà thơ xem nỗi buồn như một trạng thái tâm lí tất yếu, đồng thời như một vẻ đẹp của đời sống, không thể và không nên né tránh, cần phải được cất lên thành thơ ca và nghệ thuật. Nguyễn Lương Ngọc khi viết về một nhà thơ đã khuất, ở trong con người này, còn hơn cả nỗi buồn là nỗi đau khổ của bi kịch xã hội, bi kịch nghệ sĩ: Anh không đủ can đảm mang đến người yêu nỗi buồn/ Nỗi buồn, anh còn yêu chị/ Anh không đủ dũng khí ứa ra một giọt nước mắt/ Nghìn giọt chất mãi nhão cả ngực/ Anh không đủ dũng khí bắt mọi người phải khóc vì họ/ Hôm nay bao người khóc (Với một nhà thơ vừa tắt)… Còn đối với Nguyễn Quang Thiều, cả một thế giới làng quê được dựng lên mang màu sắc, ánh sáng, hương vị của một nỗi buồn gần như là định mệnh - định mệnh làng. Nỗi buồn phổ vào phong cảnh, nhà cửa, mồ mả, bến sông, thấm sâu vào mỗi con người sống trong không gian đó. Cảm xúc buồn trong thơ Nguyễn Quang Thiều là một thứ cảm xúc mĩ học, mĩ học về cái buồn. Anh nhìn đời sống chỉ thấy một trạng thái buồn thăm thẳm, phổ lên tất cả. Trong nỗi buồn miên viễn đó, con người sống, khát vọng, làm tình, yêu thương, và cùng nhau tạo dựng lịch sử, nhất là lịch sử tâm hồn cộng đồng làng. Bởi thế, nỗi buồn trong thơ Nguyễn Quang Thiều chính là hiện thân của Cái Đẹp. Nó cho phép xuất lộ những câu thơ khác lạ, độc quyền, không có ở bất cứ nhà thơ nào: Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi (Bài hát về cố hương).

Như đã nói, các nhà thơ này còn đào sâu vào thế giới tâm linh, một thế giới hầu như bị vắng mặt ở nền thơ ca trước 1975. Sau này, đến Trúc Thông với Chầm chậm tới mình (1985), nhà thơ mới dám công khai nói về thế giới tâm linh huyền hồ mà bí ẩn gắn liền với hình ảnh cha mẹ, nhất là người mẹ đã khuất: Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió, người không thấy về (Bờ sông vẫn gió). Vào thời điểm này, những câu thơ về cõi tâm linh vẫn đang còn rất hiếm.   
Nếu ở tập Chầm chậm tới mình (1985) của Trúc Thông đang còn thấp thoáng, thì đến các tập thơ của ba nhà thơ này, thế giới tâm linh đã tràn vào với một mật độ khủng khiếp, đặc biệt là càng ngày càng đầy lên nếu tính từ Dương Kiều Minh, qua Nguyễn Lương Ngọc đến Nguyễn Quang Thiều. Dương Kiều Minh khi nhớ về tuổi thơ và cố hương, hay nhắc đến phần tử (mộ cha mộ mẹ), cánh đồng, dòng sông, khu vườn của những ngày thơ ấu trong cái cảm từ phía tâm linh: Chiều. Chiếc lư lớn khổng lồ/ sương khói dâng lên ngùn ngụt (…) Nhiều khi buồn nức nở/ ngóng cánh đồng bên sông Hồng cuộn đỏ/ đấy cố hương/ và đây cố hương (Cố hương). Rất gần với Dương Kiều Minh, nhưng đậm đặc hơn, ám thị hơn, đó là tâm linh làng, thuộc văn hóa làng tự ngàn đời trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những hình ảnh thuộc không gian làng: dòng sông, cánh đồng, ngõ xóm, những người vợ liệt sĩ, những đám ma, những người đàn bà gánh nước đêm, hình ảnh người bà, cha, mẹ… Tất cả được chìm trong màn sương của huyền thoại làng, tâm linh làng, ẩn ức làng (Sông Đáy, Tháng Mười, Những ví dụ, Âm nhạc, Bài hát về cố hương…) - cái mà phân tâm học C. Jung gọi là “vô thức tập thể”.

Sâu và xa hơn tâm linh, là những cơn mộng mị, những trạng thái tinh thần bất định, đột hiện, không thể cắt nghĩa được, gây nên những hoang mang. Các nhà thơ đã cố gắng nắm bắt và diễn đạt một cách đầy ám gợi về những biểu hiện bí ẩn này. Nguyễn Quang Thiều viết về người cha với một câu thơ gai người: Tiếng chó lại rộ lên từ đầu làng về ngõ nhà ta/ Tóc cha trắng một tiếng cười ngửa mặt (Tiếng cười). Về điểm này, ở tập thơ Củi lửa, hầu như chưa có biểu hiện nào đáng kể mà phải chờ đến các tập sau, càng về sau, nhà thơ Dương Kiều Minh mới càng rút sâu vào cõi mê, thậm chí nhiều khi mê sảng, bất định, cô độc. Nhưng với Nguyễn Lương Ngọc, ngay từ đầu nhà thơ cũng đã rất sớm nhận ra cái chiều sâu tăm tối, bí ẩn, khó nắm bắt của tâm giới con người. Có hai bài thơ cho đến nay vẫn được xem như thuộc trong số những bài thơ hay của tập thơ Từ nước, nhưng vẫn còn là một ẩn số bởi tính mờ nghĩa của chúng: Tiên cảm và Lời hát. Những câu Mơ, mơ/ Chân đâu/ Mình đâu/ Buồn tiên cảm hát chân cầu lưu thủy (Tiên cảm) còn cho phép đoán định nét nghĩa nào đấy cho dù cũng rất đỗi mơ hồ. Nhưng đến mấy câu thơ Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao (…) Yêu không thể giải thích/ Chen chúc hoa lên tịch mịch/ Yêu không thể giải thoát/ A…a…a…A…a…a/ Người là người, ta là ta/ Ta là người, người là ta/ A…a…a…A…a…a (Lời hát), nghĩa hầu như đã chạy trốn khỏi mọi thăm dò, đoán định của người đọc. Biểu đạt miền tâm giới mơ hồ bất định, trong số ba nhà thơ này, Nguyễn Lương Ngọc là người đi xa nhất.

Như vậy, dò tìm và gọi lên thành thơ cõi tâm linh với nhiều tầng bậc và sắc thái của đời sống tinh thần là một trình độ chiếm lĩnh nhận thức về con người, là sự chối bỏ dứt khoát cái nhìn duy lí và thô sơ về con người. Đây là điểm cốt tử làm nên nét khác biệt bản chất giữa thơ của ba nhà thơ này, những người tiên phong của thế hệ sau 1975, đối với thơ của các bậc đàn anh trong thời kì chiến tranh trước 1975. 
Thứ ba, về lối viết, thơ của ba nhà thơ này đã lần lượt phá vỡ tính nhân quả, sáng rõ, từ chối lí tính, thiết lập những liên tưởng xa, bất ngờ, coi trọng khoảng trống, tính mơ hồ. Về điểm này, tập Củi lửa chưa đi được xa hẳn, mới thấp thoáng. Phải chờ đến Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Quang Thiều, mỗi nhà thơ mỗi cách, đem đến những lối kiến tạo câu, đoạn thơ rất biến hóa, phóng túng. Cả hai nhà thơ này không hề tìm đến thơ cách luật truyền thống (thơ 7, 8 chữ theo lối Đường thi, cổ phong, hành, thơ lục bát…), mà là một lối thơ tự do với nhiều biến ảo. 

Nguyễn Lương Ngọc, ngoài những bài thơ rất lạ đi theo tinh thần tạo lập khoảng trống, liên tưởng bất ngờ, mơ hồ hóa về nghĩa (Tiên cảm, Đàn giang), có một “ca” đặc biệt: bài Lời hát. Bài thơ rất gần với “thơ con âm”, gần với trò chơi, mang hơi hướng ma thuật. Các câu thơ có vẻ như rời rạc, không gợi lên ý nghĩa xác định nào, đặc biệt âm “a” vang lên, kéo dài, lặp lại, thuần túy âm thanh, như tiếng kêu, siêu ngôn ngữ. Ấy thế mà lại ám gợi. Có phải là tiếng kêu tuyệt vọng của con người trước cõi bí ẩn vô cùng của cái sống và cái chết, cái thực tại và cái hư huyền?…

Nguyễn Quang Thiều đã thiết tạo một thế giới thi ảnh trùng điệp của những tương quan so sánh thông qua mối nối của quan hệ từ “như”. Xin dẫn vài ví dụ trong rất nhiều trường hợp: Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi chiều đi làm về vất vả, Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc, Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, Mẹ tôi đã già như cát trên bờ (Sông Đáy); Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như vầng trăng khuyết từ bùn vớt lên/ Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước, Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận, Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám (Trên đại lộ)… Cách làm này, thoạt nhìn bề ngoài dễ khiến ai đó cho là bị khẩu ngữ hóa, thừa chữ “như”. Nhưng ở Nguyễn Quang Thiều, chữ “như” và các cặp quan hệ so sánh đó lại có cái lí của nó. Sự xuất hiện dày đặc các tương quan như vậy không gì khác hơn là cuộc đua tranh với tạo hóa của thi sĩ nhằm biểu đạt cho được những trạng thái muôn màu muôn vẻ của đời sống. Nếu vế so sánh không có gì mới so với những gì đã có trong nền thơ thì không có chuyện để bàn, nhưng ở Nguyễn Quang Thiều, vế so sánh trong mối tương quan với vế được so sánh bao giờ cũng hiện lên hết sức mới mẻ, bất ngờ, độc đáo, ấn tượng. Điều này làm cho các câu thơ mang phẩm chất mới lạ, tinh khôi, riêng khác. Nếu ai đó tiến hành một bảng thống kê về các tương quan hình ảnh trong hình thức so sánh, ví von sẽ thấy được một cường lực liên tưởng mạnh mẽ, một trữ lượng hình ảnh thực tại giàu có đến kinh ngạc, từ đó cũng xác quyết tính độc quyền của hệ thống thi ảnh mang tên Nguyễn Quang Thiều. Các bài thơ của Nguyễn Quang Thiều đều chan chứa những vẻ đẹp phong nhiêu, phồn thực của hình ảnh thuộc về thực tại lẫn tâm linh. Chỉ cần mấy câu thơ này thôi đã là một xác quyết mạnh mẽ cho lối thơ Nguyễn Quang Thiều mà các nhà thơ trước đó không có được: Ta gặp cha ta năm người hai mươi tuổi/ Dưới những nhát búa cùn/ Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa (Mười một khúc cảm). Câu thơ cuối cùng với 10 chữ đã bao quát cả một quá trình của sự sống nhờ sự liên tưởng hết sức bất ngờ, mới lạ đến kinh ngạc. Nó là kết quả của cảm giác có tính siêu việt về thực tại, phi logic, phi thời gian, xuyên thấu, dồn nén. Câu thơ biểu thị một hiện đại tính trong toàn thể câu chữ, hình ảnh. Thơ hiện đại Việt Nam phải chờ đến thế hệ này mới có được những câu thơ tân kì, mang tính quốc tế đến vậy.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao đến lúc này, thơ lại hướng mạnh mẽ vào cõi tâm linh, tâm giới đầy bí ẩn, bất ngờ đến kinh ngạc như vậy? Câu trả lời nằm ở chỗ: các nhà thơ trẻ lúc bấy giờ đã vỡ lẽ ra một điều rằng, sự sống luôn luôn phức tạp, phong phú, bí ẩn vô cùng vô tận và bất khả tri. Cùng với ý thức chi phối đời sống, lại còn thế giới của cái vô thức, tiềm thức, cái bản năng; cùng với tính nhân quả trực tiếp, sáng rõ, cắt nghĩa được còn là phi nhân quả, phi tuyến tính, đa chiều, bất khả giải… Trong nền văn học chiến tranh từ sau 1945 đến quãng những năm 80 của thế kỉ XX, hiếm có thức nhận khả dĩ thăm dò vào những vùng mờ tối của cõi tinh thần như vậy, mà tất cả đều hiện lên dưới ánh sáng của lí tính mạch lạc, sáng sủa, tuyến tính, đơn chiều, và nhờ vậy, tất cả đều dễ hiểu. 
Khi xuất hiện những bài thơ như Từ nước, Vẽ chim, Tiên cảm, Lời hát, Đàn giang (Nguyễn Lương Ngọc), Cái đẹp, Bầy kiến qua bàn tiệc, Trên đại lộ (Nguyễn Quang Thiều)… người ta nhận thấy chúng đã từ chối mọi cắt nghĩa thô thiển của những thói quen đọc thơ dễ hiểu, công khai trình hiện một lối thơ của những vùng nghĩa mơ hồ. Đến các nhà thơ trẻ này, mơ hồ như một phẩm tính thơ ca mới được quyền sống chính đáng. Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, vào thời điểm ấy, đã cấp hộ chiếu chính thức cho tính mơ hồ hiện diện công khai và kiêu hãnh trong cõi thơ.
 
Những đợt sóng gối nhau
Chính họ chứ không ai khác, ba nhà thơ này tiếp tục bùng nổ bằng các tập thơ tiếp theo mà ở đó, người đọc chứng kiến những bài thơ xuất sắc nhất của họ và của nền thơ đương thời.
Nếu Dương Kiều Minh trong veo hồn hậu ở Củi lửa, thì đến các tập Dâng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, Khúc chuyển mùa, càng ngày thi cảm của anh càng rút sâu vào bản thể với những cơn mơ, những ám ảnh cái chết, những nỗi cô đơn có phần giá lạnh, tuyệt vọng. Bút pháp thơ anh ngày càng đa dạng hơn, biến hóa hơn. Những bài thơ như Chào bản Giốc, Phố Bưởi, Gửi con gái Nhật Ngân đầu xuân 2010, Trăng xuân, Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống... ở các tập thơ sau này thuộc phần tinh hoa nhất của thơ Dương Kiều Minh cả về thi cảm lẫn thi pháp.

Nguyễn Lương Ngọc liên tục vận động, biến hiện, đa dạng và hoàn tất thi pháp của mình ở Lời trong lời (1994). Đến tập thơ này, tác giả đã tỏ ra hết sức tự tin, thoải mái trong những chiêu thức của mình. Anh đã có những thi phẩm đỉnh cao, không chỉ của chính anh, mà là của nền thơ cùng thời: Gọi hạc, Những cúc, Một cái ngủ, Liên bút từ sen. Ở đây, độ chơi ngôn từ của anh đã đạt tới mức cao cường. Ngôn ngữ cũng ảo diệu hơn, tâm linh hơn, nhòe mờ hơn. Nó đã rất xa thế giới của thực tại mặt đất, của những cái thông thường để đi vào thế giới của cái siêu việt, siêu linh mang dấu hiệu rõ rệt của triệu chứng hậu hiện đại.
Nguyễn Quang Thiều với các tập Những người đàn bà gánh nước sông, Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng, chính là con đường làm giàu có và hoàn mĩ hơn những phẩm chất đã có ngay từ Sự mất ngủ của lửa trước đó. Vì thế, hồn thơ này đạt tới độ vạm vỡ, tươi mới, liên tục biến hóa, không chịu cũ.

Tuy nhiên, nếu chỉ có ba nhà thơ này sẽ không có một nền thơ đa dạng, phong phú và nhiều thành tựu như ngày hôm nay. Chỉ sau ít năm của đợt sóng đầu tiên, có tác giả gần như đồng thời, đã xuất hiện một lứa các nhà thơ cộng hưởng và góp sức. Người ta thấy nhất loạt những giọng nói của Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Giáng Vân, Trần Tiến Dũng, Trần Hùng, Trương Đăng Dung… Cho đến thời điểm này, Mai Văn Phấn đang rất cường tráng, biến hóa, và hội nhập. Trương Đăng Dung giàu tư tưởng và hiện đại. Trần Hùng trong lành và tươi mới. Có thể nói, thế hệ các nhà thơ tiếp liền với thế hệ trước 1975 khá đông đảo, và mỗi người một sắc thái góp phần tạo dựng một nền thơ đa dạng, nhiều thành tựu, khác hẳn trước đó, góp phần đưa nền thơ Việt Nam có được một vóc dáng mới, đa giọng điệu, hội nhập.

Tiếp lứa thơ này là các thế hệ tạm gọi theo cách ước lệ: 7x, 8x. Họ cũng mang niềm tự trọng và kiêu hãnh không kém các thế hệ đi trước. Họ cũng vật vã cách tân, muốn làm mới hơn những gì đã có. Họ hội nhập thế giới mạnh mẽ hơn bằng tất cả ưu thế của chính mình và thời đại mình. Cứ thế, họ lại làm nên các đợt sóng tiếp theo, có khi dữ dội hơn, mang những trữ lượng phù sa khác trước, cùng với những hệ lụy khác trước.
Tuy nhiên, với một cái nhìn khách quan và mang tính quá trình, không thể không ghi công cho đợt sóng cách tân đầu tiên, mang tinh thần tiên phong, đột khởi với ba nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Quang Thiều
 
V.G
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)