Cấu trúc thơ Lê Thành Nghị

Chủ Nhật, 01/05/2016 00:58
(Với Mùa không gióMưa trong thành phố)
 . THY LAN
logo Tôi biết Lê Thành Nghị và trân trọng anh với tư cách một nhà nghiên cứu phê bình văn học. Đọc các bài viết của anh tôi cảm nhận đó không chỉ là ngòi bút “sắc lạnh giác quan”, mà còn là những tình cảm chân thành, sẻ chia ở nhiều góc độ. Chính sự đam mê nghiên cứu và thái độ ứng xử với những vấn đề nhỏ nhất của văn chương đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi niềm tin về sự vững bền của chân giá trị ở đời, rằng “hữu xạ tự nhiên hương” và đã là ngọc thì có khả năng tự phát sáng. Tác phẩm văn chương vốn dĩ đời thường mà khác thường là vì thế chăng?

Tình cờ đọc tập thơ Sông trôi không lời (Nxb Hội Nhà văn, 2014), tôi ngạc nhiên bởi chất thi sĩ trong anh lại “nhập thế” đến lạ. Được đọc kĩ hai tập thơ Mùa không gió và Mưa trong thành phố (Nxb Hội Nhà văn, 2010), tôi nhận ra sự nhất quán nội dung và hình thức tạo nên phong cách thơ Lê Thành Nghị. Mới hay sự thâm trầm, lặng lẽ trong anh đã làm nên sự đằm trong cảm xúc, sự lắng đọng của chiều sâu triết lí, sự lan tỏa, dồn nén, hội tụ… của những ý thơ. Thơ anh còn toát lên điều gì đó rất thương mến hay mang nặng nỗi niềm miền Trung và vì vậy làm nên hồn cốt, hương vị riêng: Miền Trung quê anh cát bay trong sữa mẹ; Có miền đất im lìm đứng lên/ Tự mình xây núi lớn (Hồng Lĩnh). Hay trong bài Rượu quê anh viết: Cất từ nước sông Nghèn/ Từ lửa rú Hồng sau trận cháy/ Hạt gạo năm nắng mười mưa đọng lại/ Hóa thành men! Cái men rượu quê ấy có lẽ không thể say lây sang người lữ thứ mà tạo sự đồng điệu, nếu thiếu đi những câu thơ như ảo giác mà chân thật: Núi cao say đứng/ Núi thấp say nằm/ Sỏi đá và mặt trời cùng nhòe dưới suối/ Vạt lau mùa không gió thổi/ Ngả nghiêng trong trăng. Tản Đà từng có câu thơ đầy chất ngông thi sĩ nói về sự say: Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười? (Lại say). Câu thơ từ thời ông sống đến hôm nay vẫn sinh động. Tản Đà còn phác họa chân dung mình: quê hương thì có, cửa nhà thì không. Vậy nên “nước non”, “non nước” nghĩa tình, ám ảnh làm nên cái ngông, cái lạ, cái đa cảm cho thơ. Quê hương với mỗi nhà thơ đắm đuối, da diết và bền bỉ trong tâm hồn mà cấu thành vóc dáng thi nhân, hồn cốt dân tộc.

Lê Thành Nghị cũng tựa vào quê hương như tựa vào gió trời mà thả dây diều yêu, thương, nhớ, tiếc. Cái đáng ghi nhận ở thơ anh là người viết biết tạo đà để bật lên ở câu kết, chốt được điều anh muốn nói:
Ôi quê hương!
Chỉ có thể quỳ trước quê hương
Như quỳ trước những gì tinh
                            khiết nhất!
                       
                         (Rượu quê)
Quê hương tinh khiết, cái cách anh gọi trìu mến, chung đấy mà cũng riêng tư đấy, hẳn là chắt ra từ “lửa”, “nước”, “hạt gạo”, “năm nắng nười mưa”, “đỉnh núi mờ mây”, “dòng sông trôi tím”, “vạt lau ngả nghiêng” khiến ta “say đứng”, “say nằm”. Nhưng men bài thơ mang lại, hình như không hẳn thế. Cái nhân bản, nhân văn, nhân ái lại toát ra từ câu thơ cuối với hình tượng quỳ. Quỳ mà vượt lên những cái thông thường. Rồi một chút “ngả nghiêng”, một chút nồng ấm làm nhân lên cái mơ mộng, nhớ nhung, khắc sâu, nhắc nhớ. Một chút vô vi mà hiển hiện chân dung năm tháng, đời người trong sự co thắt, giãn nở của thời gian.

 
4 1

Điều làm tôi thú vị là thơ anh không làm dáng, làm điệu, làm từ mà tình ý cứ như tơ mành giăng mắc trên trang giấy:
Sau chùm lá miên man lời
                                    ước hẹn
Miên man mưa, biển cũng chẳng
                                         hề đầy!
Nhưng chiều nay biển hình như
                                  thêm mặn
Cuối chân trời không một vệt
                                  chim bay
Nhưng chiều nay biển mới là
                                  thật biển
Mênh mang buồn chia sớt cho ai?

                                (Chiều nay biển)
Cái cô đơn, vô cùng, vô tận của biển, của lòng người được nhà thơ nói ra lời “chẳng hề đầy”, ấy thế mà cứ đầy ngợp, nói “miên man” mà lại ám ảnh lạ lùng. Không có câu thơ nào nói đến nước mắt mà đọc lên thấy mắt cay, không nói một từ biệt li mà sao mênh mang màu li biệt. Một sự nín chịu đến căng cảm xúc đẩy lên cao hơn sự trách hờn là sự “lặng thầm”, khao khát, thiết tha mà làm nên cái tôi thi sĩ đa cảm, đa sầu, yếu đuối. Xưa nay viết về sự dở dang trong tình yêu, nhiều người viết hay. Vượt qua được cửa ải của sự lặp, sự nhàm là không dễ chút nào. Lê Thành Nghị luôn tìm được tứ cho thơ để phát lộ, dẫn dắt những suy cảm tuôn trào hay kết đọng. Ứng với những cách xử lí khác nhau về tứ, thơ anh cho ta những giọng điệu tương thích. Bài thơ Hoa thuở ban đầu là đặc trưng cho một kiểu giọng:
Loài hoa như nửa mặt trăng non,
               như nắng mấp mé thềm
Như gió trở đầu mùa, mây ngang
                                        cuối hạ
Cái vô hạn vững bền bỗng dưng
                                        tan vỡ
Cái mong manh vĩnh cửu
                             cũng từ… hoa.

Thơ Lê Thành Nghị không trọng vần nên yếu tố tạo nên sự chặt chẽ trong thơ anh là ý và nhịp điệu. Những câu thơ trên là kiểu giọng giãi bầy, ưu tư. Kiểu này tính triết lí không nhiều mà thiên về sự xúc động trước hiện thực đời sống hay những hoài niệm của bản thân tác giả. Lật tìm kí ức dường như là cảm hứng thường trực trong thơ anh, có lẽ vì anh luôn nhớ khôn nguôi hoa thuở ban đầu. Sở dĩ thơ anh chạm đến tâm tư nhiều người đọc vì anh đánh thức được những kỉ niệm thầm kín bằng hình tượng gợi cảm. Chỉ một bông hoa, chiếc lá, ánh trăng… mà len lỏi vào những mạch ngầm cảm xúc, làm sống động giác quan, khơi gợi chiêm nghiệm và đồng cảm của bạn đọc. Để thấy rõ điều này, xin đọc các bài: Mùa hoàng lan, Chợ huyện, Một mình, Hoa loa kèn, Cha tôi, Tàu về thảo nguyên, Muộn màng, Mùa hoa xoan, Bếp lửa, Matxcơva - mùa tuyết đang tan, Trước đài hóa thân hoàn vũ…      

Thơ dễ làm nhưng khó hay. Cái lẽ ấy vận vào thơ như định mệnh. Ai có “căn” với thơ thì trốn cũng không được. Cái sự ghét, sự yêu khi người ta dính vào thơ thì như bùa ngải mà mê hoặc, đa đoan kiếp người không gỡ được. Đó là khi cảm xúc thơ thăng hoa vượt lên lẽ thường, tạo ra sự khác biệt, ngạo nghễ, cô đơn… Thơ cao hơn lẽ thường vì thơ làm được cái việc là dẫn người đọc vào thế giới bao gồm cả hữu thức và vô thức. Khi vô thức xuất hiện trên nền tảng của hữu thức thì sức liên tưởng xa hơn, sâu hơn rất nhiều. Yếu tố này chỉ có ở những nhà thơ tài hoa. Ta gặp ở thơ Lê Thành Nghị những câu thơ như thế: Vẫn còn mơ màng sông/ Dù đã vô hồi tiếng gõ thuyền đánh cá/ Đêm buông lưới bốn bề/ Và gió…/ Ta sẽ mắc vào đâu/ Những mắt lưới muộn phiền! (Vô thức tiếng chim đêm). Phải có một trái tim đa cảm lắm mới cảm được tiếng chim như vọng về những mắt lưới muộn phiền. Để rồi đi đến khái quát về biến động của dòng đời Nào ai còn nhớ/ Những dặm đường đã qua/ Nào ai kịp cất/ Những tiếng chim đã mất nên đau đáu, xót xa trước cái sự vô cảm, vô tình. Liên kết ngầm trong thơ anh được tạo ra bởi những đan xen, tương tác giữa hai tầng vô thức và hữu thức. Đây cũng là đặc điểm cấu trúc thơ Lê Thành Nghị, với các bài thơ tiêu biểu: Tây hồ đêm, Chuyện nhân thế, Hoa gạo, Cô gái tổng đài, Trong cỏ, Rượu quê, Mẹ trên cao, Không đề 1.
Anh viết:
Đã hóa thân làm lửa
Cháy hết mình mới thôi
Dù trong mưa, trong gió.

                                (Hoa gạo)
Thời gian lên men thầm lặng
                            trong bình
Ý chí sủi tăm đáy chén!

                                (Không đề 1)
Nếu giọng thơ giãi bày, ưu tư khiến con thuyền thơ anh chở nặng những rung động thì giọng thơ triết lí lại uyển chuyển, linh hoạt với những chiêm nghiệm về đời người, thân phận. Tâm hồn nhà thơ uyển chuyển giữa hai bờ xúc cảm và triết lí. Hầu hết các bài thơ anh viết đều thấm đẫm nỗi đời, như: Những câu hỏi thường ngày, Trong suốt sông Kỳ Cùng, Triết lí của hoa, Vội vàng lên với chứ, Hoa rừng Cúc Phương, Dự  định, Thi đàn, Không đề 2, Gửi biển, Thi sĩ, Lời thề…
Hãy nghe anh chia sẻ:
Anh vẫn biết, mềm không riêng
                                     gì nước
Thế nghĩa là núi cũng phải
                                    trôi thôi
Thế nghĩa là sẽ cùng trời cuối đất
Sẽ theo sông cho đến tận
                                        kì cùng

(Trong suốt sông Kỳ Cùng)
Hay:
Hoa đâu chỉ đẹp và thơm
Chỗ đông bàn chân tới!

 (Hoa rừng Cúc Phương)
Cũng giọng thơ trên, anh viết về Nam Cao:
Có ai yêu cuộc đời như ông
Cái kiểu yêu nhọc nhằn lấm láp…
Ráng chịu tìm đức tin
Giữ để không bước thêm
                      một bước
Xuống bùn!

Ranh giới giữa ánh sáng và bóng đêm, Phật và quỷ sa tăng, cao cả và thấp hèn là vô cùng hay gang tấc? Nam Cao đã dựng lại bối cảnh xã hội “hỗn chiến” mà đau lòng, Lê Thành Nghị nhận ra cuộc hỗn chiến ấy “còn diễn biến đến bao giờ”. “Nhân vật nháo nhâng” của Nam Cao vẫn tồn tại hôm nay để văn chương luôn phải nhập cuộc. Tính hiện đại của bài Nam Cao nằm ở hai câu kết:
Loạt súng!
Với ông điều đó chẳng bất ngờ!

Nam Cao dự cảm về thời cuộc, dự cảm về đời mình, nhưng cao hơn hết điều mà nhà thơ muốn nói là tính chiến đấu trong văn chương đời nào cũng phải có, đối diện với hiện thực là cách nhà văn “yêu cuộc đời” dù nhọc nhằn, ngang trái, nhiễu nhương… Lê Thành Nghị viết về Nam Cao, chỉ mấy trang thơ mà tác phẩm và thời đại của Nam Cao sống dậy cùng những xót xa, tự trào, chiêm nghiệm, dự báo… Với kết cấu tự sự đan xen trữ tình, thơ anh mở rộng biên độ tiếp nhận, cách mở hay kết thơ không lẫn với nhà thơ nào. Và thơ anh không dừng lại sau dấu chấm kết bài. Cấu trúc mở là đặc điểm thơ anh.

Trong các tập, Lê Thành Nghị còn sử dụng thơ văn xuôi. Đây là kiểu cấu trúc thơ hiện đại, cách tân cả về hình thức lẫn tư duy nghệ thuật. Nếu viết không khéo câu chữ có thể trở nên rườm rà, rối rắm. Vậy mà thơ văn xuôi của anh thật hay, giàu xúc cảm, quyến rũ. Bao kí ức tuổi học trò về cùng cơn mưa và một vòm xanh biếc lá me xanh hay những trận mưa đêm về cùng mối tình đầu, cảm thấy như vẫn còn đây vết mực tím lặng thầm. Nhà thơ viết thật cảm động về kí ức chiến trường: Mưa vẫn thế chẳng có gì khác lạ. Nghìn năm rồi vẫn xuống từ mây. Ta một thời trẻ trung đi cầm súng. Qua bao những trận sốt dài. Chôn đồng đội trước một vòm núi dựng. Mùa mưa rừng lo núi sạt, đá trôi. Những đồng đội nhận về mình cái chết, biến mình thành hư vô… Niềm tiếc thương đồng đội hi sinh được nhà thơ giãi bày qua hình ảnh xúc động có bông chuối rừng đỏ mắt suốt mùa mưa. Từ cơn mưa dại khờ đến cơn mưa sợ hãi là sự trải nghiệm của đời người qua những bước thăng trầm. Nhưng ao ước được làm “cơn mưa muộn” là nỗi ao ước của một tâm hồn đa cảm, nhiều khát vọng về những gì tốt đẹp ở đời. Nếu ở thơ thể tự do anh luôn kiệm lời, tụ ý thì bài thơ Mưa trong thành phố là sự tuôn trào cảm xúc, đa điệu. Cơn mưa mở ra chân trời kí ức và thi sĩ tự thấy mình cô đơn, nhỏ nhoi: ta chỉ là hạt mưa xuống đất. Bài thơ đánh dấu một hướng đi triển vọng với thể thơ cách tân hiện đại được anh phát huy nhuần nhị.

Thơ Lê Thành Nghị không phải bài nào cũng hay. Vẫn có những bài chưa sâu, những câu rơi vào khô khan. Đôi khi cái hay có được là nhờ tứ thơ độc đáo cứu cánh. Nhưng nhìn chung, các bài đều có tứ chặt và gợi, cấu trúc thơ chặt chẽ hài hòa về ý, lời, nhạc. Thi sĩ mà minh triết, thơ anh có cái mênh mang, lan tỏa mà vẫn hàm súc, lắng đọng. Những câu kết của anh bao giờ cũng buộc người ta phải đọc lại toàn bài để hiểu rằng, thơ không chỉ là bạn qua đường mà còn nằm lòng bám rễ trong ta, khích lệ ta hay giúp ta nhận thức một điều gì đó. Như anh đã viết:
Có những câu thơ dù thiêu cũng
không thể cháy
Như thể lửa càng to thảm cỏ mọc
càng dày.

                                (Thi sĩ)
                                                                                                                        T.L
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)