Hình ảnh người lính biển qua trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo

Thứ Tư, 13/04/2016 00:54
 . TUỆ MỸ
logo
      Nhặt lên hạt muối thưa rằng
                        Một phần biển mặn. Mấy phần
                                                            máu xương...
Đó là hai câu thơ mở đầu trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo xuất bản tháng 9 năm 2015. Biển Việt Nam là của người Việt Nam. Để biển đảo của Tổ quốc mình không lọt vào tay kẻ xâm lăng, con dân Việt phải đổ bao xương máu. Mà đứng đầu mũi nhọn cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo là người lính biển. Do vậy, hình ảnh người lính biển là hình ảnh trung tâm của trường ca này.

Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi năm 1975. Những tưởng dải giang sơn gấm vóc Việt Nam không còn bị ngoại bang đe dọa, nhưng khi một phần biển đảo quê hương bị cưỡng chiếm, xâm phạm, người lính lại phải lên đường để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Khúc quân hành lại phải tiếp nối:
Cha đã lính bây giờ con lại lính
Những thế hệ nối nhau đi giữ
                              nước non nhà
Xưa cha Trường Sơn Rừng
Nay con Trường Sơn Biển
Những hòn đảo dựng vòng cung
                               phòng tuyến
Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên


Nói đến Trường Sơn là nói đến thế hệ Việt Nam anh hùng thời chống Mĩ. Đó là những con người không tiếc máu xương vì lí tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy nên Trường Sơn huyền thoại không còn là địa danh mà đã là biểu trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Xưa cha Trường Sơn Rừng/ Nay con Trường Sơn Biển. “Trường Sơn Biển” là một hình ảnh thơ đầy sáng tạo để khẳng định vẻ đẹp của người lính biển hôm nay thừa kế dòng máu anh hùng của cha ông trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Đây là hình ảnh những “Trường Sơn Biển” ra quân:
Tin dội về: Biển đảo bị xâm lăng
Thề giữ biển, giữ yên từng
                               tấc sóng
Những người lính hiên ngang
                      cùng chiến hạm
Những con tàu thẳng hướng
                               Hoàng Sa
Đẹp hơn cả là hình ảnh người lính biển trực diện chiến đấu với kẻ thù
                     đến giọt máu cuối cùng trên biển khơi:
Khi con tàu đang chìm dần
                              xuống biển
Trung tá Trần Đức Thông vẫn
                         đứng trên boong
Anh đã chết nhưng anh không
                              gục xuống…

Tư thế chết của Trung tá gợi nhớ tư thế chết của anh Giải phóng quân năm nào trên chiến hào chống Mĩ: Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng (Lê Anh Xuân). Tượng đài người lính cách mạng ở thời kì nào cũng lấp lánh ánh hào quang của chủ nghĩa anh hùng.

biển mặnHình ảnh người lính biển bảo vệ cờ Tổ quốc giữa biển đảo được nhà thơ tái hiện đã gây xúc động khôn cùng trong lòng người đọc. Kẻ thù bắt ta hạ xuống cây cờ đỏ, nhưng: Một vòng tròn lính biển kết thành hoa/ Bao bọc cờ Tổ quốc; Những người lính sát vào nhau một vòng tròn khép kín/ Mặc pháo 100 li từ biển bắn vào. Nguyễn Văn Phương ôm cột cờ giữ chặt và rồi Đạn bắn vào đầu Phương, anh ngã xuống. Nhưng lập tức Nguyễn Văn Lanh thay Phương làm nhiệm vụ/ Giữ lá cờ giữa “vòng tròn bất tử” dù “lưỡi lê quỷ dữ đã đâm anh”. Các anh có “ngã” nhưng nhất định cây cờ phải “đứng”, lá cờ phải “tung bay”. Vì đây là lá cờ xương máu biết bao đời nên phải giữ cho bằng được. Dõi theo cuộc chiến tay không giành giật bảo vệ cờ Tổ quốc của người lính biển, lòng người đọc thắc thỏm từng cơn. Tưởng chừng như còn vang vọng đâu đây tiếng hô của anh Nguyễn Văn Phương: Hãy để máu tô cờ. Tiếng hô của anh vọng về lời của Bác Hồ “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước...”. Màu cờ Tổ quốc đã thắm máu cha ông bao đời giờ càng thắm hơn bởi máu các anh. Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trời lộng gió ta như thấy hiển hiện bóng hình các anh bởi:
Các anh hóa thành sao
Các anh hóa thành cờ
Mỗi người lính - một lá cờ
                           Tổ quốc

Hồn các anh đã nhập vào hồn nước linh thiêng, bất tử.

Người lính biển đảo không chỉ từng ngày từng giờ đối mặt với hỏa lực địch mà còn thường xuyên chống chọi với bão tố:
- Cơn bão điên cuồng gió giật
                                 cấp 12
- Cơn bão biển từ phương đông
                              đang đến
Sóng đã chồm qua đầu hòn
                               Đá Lớn
Biển ngả nghiêng chơi trò
                            cập kênh
Trước mặt chúng tôi tối
             sầm ngọn gió đen


Bão tố phong ba không chỉ phá hoại nhà cửa, hoa màu trên đảo mà còn đe dọa đến các phương tiện chiến đấu:
- Bạt che pháo trong gió lùa tơi tả
- Dây điện thoại đứt tung như
                                        chỉ rối

Thế nhưng người lính đã bảo vệ đến cùng vũ khí chiến đấu:
Những người lính cởi áo ra che
                                              pháo
Những người lính ngã nhoài trong
                                          gió bão
Lại đứng lên. Gió lại giật
                                       ngã nhoài
Không thể đi thì bám đất trườn đi
Dây điện nối men theo triền
                                         đá xám


Đoạn thơ gợi nhớ đến Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm (Tố Hữu) trong kháng Pháp. Xả thân cứu pháo để phục vụ chiến đấu, hành động của người lính thật cao đẹp! Chỉ vì các anh tâm niệm một điều:
Không thể nào mất đảo đất liền ơi
Trong gió bão chúng tôi nghe
                               người gọi
Chúng tôi nghe tiếng đất liền
                               vang dội
Tiếng đất liền từ ngực chúng
                                  tôi đây...


Hình ảnh người lính xuất hiện trong mỗi tình huống khác nhau, khi làm cột mốc sống, khi trực diện chiến đấu với quân thù hay khi chống chọi cùng bão tố đều sáng lên phẩm chất anh hùng: yêu nước, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng xả thân vì mỗi con sóng thiêng của Tổ quốc. “Nguyễn Trọng Tạo đã dựa vào bộ xương sử sách để tái tạo hình ảnh của Biển Đông hôm nay”, “Trường ca Biển mặn thoát ra được chiếc vỏ hoành tráng giả tạo” (Mặc Lâm). Hình ảnh người lính biển dưới ngòi bút của Nguyễn Trọng Tạo không mang dáng dấp những trượng phu phi thường kiểu văn học cổ, mà rất chân thực, bình dị, gần gũi nhưng vẫn sáng ngời cốt cách của người anh hùng thời nay.

Viết Biển mặn, tác giả sử dụng nhiều phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, thông tấn, chính luận… nhưng bao trùm bản trường ca vẫn là yếu tố trữ tình. Dừng lại ở mỗi dòng thơ viết về người lính, người đọc như thấy được nhịp rung của trái tim nhà thơ. Nhà thơ cũng là người lính. Còn gì thật hơn, cảm động hơn khi viết về đồng đội của mình. Cái tài của tác giả không phải là kể, tả giỏi mà là đã truyền cảm xúc từ trái tim mình đến trái tim người đọc. Biển lắng máu cha ông biển xanh biêng biếc. Câu thơ làm nhức nhối lòng người về cái giá đắt phải trả cho từng con sóng quê hương. Lại càng thấm thía hơn cái vị mặn của biển:
Và em hiểu: biển nơi này
                                mặn lắm
Những cuộc đời máu thắm đã
                                 thành hoa


Vâng, cây đời nở hoa là nhờ máu của biết bao con dân Việt đã sẵn sàng tưới xuống. Cuộc sống yên bình, hạnh phúc ta đang hưởng là do những người đứng mũi chịu sào ở đầu con sóng ngọn gió không tiếc máu xương. Vậy nên, bên cạnh cảm xúc tự hào, khâm phục, yêu thương, lòng ta dào lên một cảm xúc hàm ơn khó tả về người lính biển. Nếu người lính đảo Chúng tôi nghe từ đất liền vang dội/ Lời đất liền từ ngực chúng tôi đây, thì người đất liền cũng hướng trái tim mình về biển đảo xa xôi để hòa cùng hơi thở nhịp tim với người lính biển trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc mình. 
 T.M
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)