Những viên kim cương của nghệ thuật múa

Thứ Ba, 19/04/2016 00:10
. NHƯ BÌNH

logo Tôi thấy mình thật sự may mắn vì được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật múa tuyệt vời của các nghệ sĩ - cựu chiến binh thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội trong đêm 17/11/2015.

Đây là buổi biểu diễn của hai mươi ba nghệ sĩ - chiến sĩ mà người trẻ nhất cũng thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, bụi thời gian phủ trắng mái đầu. Hầu hết các nghệ sĩ múa quân đội thế hệ ấy đã theo sát bước quân hành của đoàn quân giải phóng. Họ đến Điện Biên, đem lời ca điệu múa góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Họ vào khu IV anh dũng, khu V kiên cường, Tây Nguyên bất khuất trong những năm chống Mĩ và họ cũng có mặt trong cuộc hành quân thần tốc những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử. Hòa bình lập lại,  họ tiếp tục lên đường tới mọi vùng miền của Tổ quốc biểu diễn phục vụ đồng bào, đồng đội cho đến ngày nghỉ hưu. Và ngày hôm đó, họ lại gặp nhau, cùng nhau biểu diễn tại mái nhà chung Nhà hát Quân đội - nơi họ đã cống hiến cả cuộc đời. Mặc dù sức khỏe, thanh sắc đã giảm sút nhiều, nhưng các nghệ sĩ quân đội đã biểu diễn thành công sáu tác phẩm truyền thống của nghệ thuật múa dân tộc. 

Buổi biểu diễn được mở màn bằng điệu múa Mùa hoa ban nở, biên đạo múa Nghệ sĩ nhân dân Minh Tiến, âm nhạc Lê Lan. Đây là tác phẩm mà biên đạo cũng có mặt trong đội Tuyên văn của Sư đoàn 351 trong những ngày phục vụ ở Điện Biên năm xưa. Điệu múa mở đầu bằng những bước chân tạp lào thướt tha, bồng bềnh như đang nhún nhảy trên nhà sàn, tay nâng cánh nón uyển chuyển nhẹ nhàng của mười hai nghệ sĩ trong trang phục áo Thái dài gợi hình ảnh bông hoa ban lung linh rực rỡ, bung nở bao trùm không gian. Tác phẩm này đã từng giành huy chương Vàng tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ VI năm 1957 ở Moscow. Khi tiếng vỗ tay chưa ngớt thì MC Khắc Tuế, người nhiều năm làm Trưởng Đoàn Ca múa Quân đội (tên gọi cũ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) bước ra sân khấu giới thiệu tác phẩm tiếp theo: Cô gái Pa Ko của biên đạo múa Ngọc Minh, âm nhạc Huy Thục do tốp múa nữ, được dẫn đầu bởi NSƯT Phạm Ngọc Loan biểu diễn. Điệu múa thể hiện sự rộn ràng, vui tươi của các cô gái Vân Kiều khi gùi gạo, muối ra chiến trường. Bằng tài năng của mình, những nghệ sĩ múa gạo cội của Nhà hát Quân đội đã tái hiện thành công những bước leo dốc trèo đèo vất vả cực nhọc nhưng vẫn toát lên niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của những cô gái Pa Ko năm xưa làm cả khán phòng dậy lên hàng loạt tràng vỗ tay tán thưởng.

 
scan0002
Tiết mục Mùa hoa ban nở do các cựu chiến binh Nhà ca múa nhạc Quân đội biểu diễn
Ảnh: LÊ LAN

 Sau Cô gái Pa Ko là điệu múa Roong chiêng của các dân tộc Tây Nguyên do Ngọc Minh, Hàn Đức Trọng (Kiên Cường) và Nhật Linh sáng tác, âm nhạc Văn Thắng. Điệu múa là bức tranh sống động của các chàng trai, cô gái buôn làng Tây Nguyên trong ngày hội mùa. Họ say mê đánh cồng, đánh chiêng, uống rượu, vui chơi chào đón xuân mới. Tác phẩm Roong chiêng từng giành huy chương Vàng trong Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ VII tại Vienna năm 1959.

Nếu múa Roong chiêng xuất phát từ sự chắt lọc các vũ điệu của các dân tộc Ba Na, Gia Rai và Ê Đê thì múa Chàm Rông (sáng tác Khương Thế Hùng) lại được khai thác từ múa dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Điệu múa toát lên sức sống phơi phới, rộn ràng. Những thiếu nữ Chăm cầm trên tay những cánh quạt màu vung vẩy bằng cổ tay nhịp nhàng, những chàng trai trổ tài phi ngựa trong giai điệu tưng bừng. Cách tạo hình luôn di chuyển đan xen vung quạt của các cô gái như tôn lên sức bền, cái khỏe khoắn của các chàng trai. Tác phẩm này cũng đoạt huy chương Vàng tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ VIII ở Phần Lan.

Có thể thấy, bằng việc sắp xếp đan xen các điệu múa đặc trưng của các vùng miền, chương trình luôn thay đổi sắc thái, màu sắc cả âm nhạc lẫn vũ đạo, do đó tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Và một trong những tiết mục gây ấn tượng của đêm diễn là màn múa Xòe hoa của Nghệ sĩ nhân dân Minh Tiến, âm nhạc Nguyễn Đình Tích. Tác phẩm này được bạn bè quốc tế và đặc biệt là nước chủ nhà Cộng hòa dân chủ Đức đánh giá rất cao khi lần đầu tiên được công diễn tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ X tại Berlin. Điệu múa đã được Bộ Văn hóa Cộng hòa dân chủ Đức tổ chức cho các đoàn nghệ thuật Đức học tập - việc làm có ý nghĩa như một biểu hiện cao đẹp của tình hữu nghị Việt - Đức.

Sau cùng là một trong những tác phẩm múa đi cùng năm tháng: điệu múa sạp, một điệu múa ra đời ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Điệu múa do đạo diễn Mai Sao dàn dựng, lột tả niềm vui mừng, phấn khởi của bà con các dân tộc Tây Bắc khi ùa ra đường chào mừng bộ đội Cụ Hồ chiến thắng trở về. Các anh bộ đội tay trong tay cùng nhảy múa với bà con thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết. Điểm nhấn của điệu múa là hình ảnh những người lính nắm tay đồng bào dân tộc cùng tạo nên cổng chào kết hoa mừng chiến thắng và những tạo hình guồng sạp nâng cao ngang đầu như thể máng nước, lấy nước từ suối chảy vào những cánh đồng bậc thang. Trong Đại hội mừng công tháng 7/1954 được tổ chức ở núi Hồng, dốc Tỉn Keo thuộc Định Hóa - Thái Nguyên, điệu múa sạp được đạo diễn Khắc Tuế và tập thể nghệ sĩ Quân đội biểu diễn với sự chuẩn bị chu đáo hơn với phần âm nhạc hoàn chỉnh của nhạc sĩ Bàng Thúc Hiệp và những đóng góp, sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Điệu múa sạp cũng đã đoạt huy chương Vàng ở Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ VI tại Moscow. Tính đến nay, điệu múa đã hơn sáu mươi năm tuổi, luôn là “bài tủ” của các thế hệ nghệ sĩ múa nước nhà trong các chương trình biểu diễn ở nước ngoài. Nói thêm về múa sạp, có bốn cặp vợ chồng nghệ sĩ - chiến sĩ tham gia múa sạp từ những ngày đầu đến nay con cháu đã đề huề đó là Khắc Tuế - Ngọc Diệp, Thanh Hà - Ngọc Xuyến, Hàn Đức Trọng (Kiên Cường) - Ngọc Tiếp và Trần Phúc - Thanh Nga. Ở thế hệ tiếp theo không thể không nhắc tới Ths. Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Minh - Minh Định và Đại tá, Trưởng phòng Huấn luyện Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội Phạm Hùng, rồi Đỗ Viết Lai và NSƯT, Đại tá Xuân Sơn, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu VI. Thế hệ trẻ tiếp theo có những tài năng như Ngọc Lan, Hồng Vân, Kim Phụng…

Sau khi kết thúc chương trình, các nghệ sĩ cựu chiến binh ca múa nhạc được NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam,  tặng hoa và bày tỏ sự xúc động, trân trọng, yêu quý, cảm phục tinh thần và tài năng của các đồng nghiệp - những nghệ sĩ ở tuổi “cổ lai hi” mà biểu diễn vẫn say mê, đằm thắm ấn tượng.
Họ, những nghệ sĩ - chiến sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thật xứng đáng là những viên kim cương của nghệ thuật múa. 

N.B
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)