Mĩ thuật Việt Nam có thực sự đổi mới?

Chủ Nhật, 22/01/2017 05:25
.  NGUYỄN MINH QUANG     

Triển lãm mĩ thuật “Mở cửa” vừa diễn ra tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Theo thông tin của ban tổ chức, “triển lãm là dịp tổng kết, đánh giá thành tựu của mĩ thuật trong ba mươi năm qua, từ năm 1986 đến năm 2016”. 

Lẽ ra triển lãm phải nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cổ vũ của đồng nghiệp và công chúng quan tâm. Nhưng trên thực tế đã có không ít phản hồi trái chiều với sự kiện mĩ thuật đang được cho là lớn và quan trọng bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Xem qua một vài tiêu đề của các bài báo có thể thấy điều đó, như: “Mở cửa”: Sao lại dùng những tác phẩm mang hơi thở đã cũ và yếu ớt để đại diện cho 30 năm?, hay Triển lãm “Mở cửa”: một bữa cỗ thiếu đậm đà cho các tiên chỉ đã mệt mỏi, Những lí do khiến cho “Mở cửa” không thể thực hiện như mong muốn, dù rất muốn, và “Mở cửa” là mở chỗ nào và có gì là mới…?

Nếu thẳng thắn nhìn lại sự phát triển của mĩ thuật Việt Nam trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn. Kể từ 1986 đến nay, những vấn đề của mĩ thuật Việt Nam đã bộc lộ khá rõ. Có thể nói, mĩ thuật đang trải qua một giai đoạn trì trệ, bế tắc và mất phương hướng hơn bao giờ hết. Tại sao vậy?

Sau ba mươi năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, xã hội có nhiều chuyển biến về kinh tế, nhưng bên cạnh đó nhiều vấn đề của xã hội cũng phát sinh và biến đổi rất nhanh. Văn hóa nghệ thuật - trong đó có mĩ thuật - luôn phải song hành với đời sống xã hội, giúp cho xã hội cân bằng và ổn định để phát triển. Việc thay đổi ngôn ngữ nghệ thuật và vấn đề biểu đạt trong hoàn cảnh mới là tất yếu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mĩ thuật Việt Nam giai đoạn vừa qua, hình như chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

Nếu căn cứ vào giá trị thời đại của một trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Những sáng tạo nghệ thuật hiện nay có phải là giá trị mà bản thân các nghệ sĩ cảm nhận, chưng cất từ thực tế cuộc sống, hay đó chỉ là sự háo hức cập nhật những điều “mới lạ” của nghệ thuật thế giới? Với những gì gọi là “mới lạ” hiện nay, mĩ thuật Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự phát triển chung của mĩ thuật thế giới và khu vực? Thế hệ các họa sĩ ngày nay đã làm được những gì để xây dựng hình ảnh mĩ thuật Việt Nam đổi mới, hay chỉ là sự tiếp nối mờ nhạt từ thế hệ họa sĩ Đông Dương 1925-1945 do Pháp đào tạo, và cũng yếu ớt hơn rất nhiều tinh thần nghệ thuật vệ quốc 1945-1975?

Nếu tìm trên google với từ khóa “mĩ thuật Việt Nam đổi mới”, những tác phẩm của các nghệ sĩ có mặt trong triển lãm “Mở cửa” cho kết quả hiển thị rất ít. Đã có lúc mĩ thuật Việt Nam tưởng chừng theo kịp thời đại nhưng giờ đây vẫn còn lúng túng trong những vấn đề cũ và đang bộc lộ sự mất phương hướng. Thật đáng tiếc, những tín hiệu lạc quan của thế hệ nghệ sĩ đầy hứa hẹn khoảng đầu thập niên 90 thế kỉ XX đã không thể phát triển thành hạt nhân cho công cuộc đổi mới mĩ thuật Việt Nam ngày nay.

Trường hợp họa sĩ Trương Tân (1963) là một ví dụ. Anh đã rất thành công với hàng loạt tác phẩm về vấn đề giới tính, những biểu tượng tình dục trong tác phẩm của anh đã gây sốc cho mĩ thuật Việt Nam thời hậu chiến. Quan điểm cá nhân của họa sĩ đã góp phần giải phóng cái nhìn tập thể trong nghệ thuật Việt Nam vào thời điểm đó. Ngày hôm nay, khi xem tác phẩm Tình yêu & tình yêu của Trương Tân trong triển lãm “Mở cửa”, chúng ta thấy độ “hot” của vấn đề đó đã không còn nguyên giá trị nữa.

Những băn khoăn, dằn vặt của nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi (1967) trong hàng loạt tranh sơn dầu có tính biểu hiện cao, chất chứa nội tâm, mô tả sự cô đơn, nỗi sợ hãi của con người trong xã hội Việt Nam những năm đầu Đổi mới đã từng rất cuốn hút người xem, thì nay khi xem tác phẩm Hai người đàn bà ngồi cũng với chủ đề trên, người ta chỉ còn thấy sự nhạt nhẽo được diễn đạt bởi bề mặt sơn dầu nghèo nàn cùng bút pháp dễ dãi không thay đổi gì suốt mấy chục năm qua.

Thêm ví dụ nữa, Nguyễn Văn Cường là một nghệ sĩ từng có nhiều tác phẩm đặt ra những vấn đề xã hội khá thông minh, sinh động và thú vị như Karaoke, super life, Dream… giờ đây đã gần như không hiển thị trên không gian mạng, và hình như tác phẩm của anh cũng vắng bóng trong triển lãm “Mở cửa” này. Còn nhiều nghệ sĩ khác, xin không nhắc tới, đang gây ra sự ngờ vực, băn khoăn cho nền mĩ thuật Việt Nam hôm nay.

Trên mạng truyền thông đã có nhiều bài viết khen, chê từ ban tổ chức triển lãm cho đến tác giả, tác phẩm. Trong bài viết này chúng tôi không có ý đi sâu phân tích, đánh giá triển lãm “Mở cửa”, mà muốn đi tìm nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của mĩ thuật Việt Nam hôm nay.

 
4
Triển lãm "Mở cửa" thu hút đông đảo người xem - Ảnh: ST


Vấn đề về tầm nhìn để phát triển
Chúng ta chưa có một tầm nhìn chiến lược để xây dựng nền mĩ thuật Việt Nam tiên tiến, nhân văn và khai phóng, cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phải thấy rõ sự cần thiết của việc xây dựng thiết chế cho nghệ sĩ và trí thức tham gia phát triển nghệ thuật cộng đồng, cần có những khoản đầu tư thích đáng dành cho không gian nghệ thuật công cộng và những hoạt động đối thoại, tương tác nghệ thuật quần chúng… Điều đó sẽ giúp cho việc hình thành, phát triển môi trường văn hóa - xã hội văn minh và thẩm mĩ tiến bộ. Nếu được định hướng tốt với kế hoạch khoa học và lộ trình cụ thể, mĩ thuật Việt Nam sẽ góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển và hội nhập. Ngược lại, thiếu đầu tư, quy hoạch, định hướng sẽ dẫn đến sự phát triển tự phát, mĩ thuật sẽ biến thành chủ nghĩa hình thức vô cảm và trống rỗng, méo mó và lòe loẹt, thiếu nhân văn và tụt hậu… Hệ quả sẽ là đánh mất bản sắc, thậm chí bị thực dân hóa về văn hóa.

Vấn đề của công chúng
Ngày nay, trong xã hội còn rất ít người quan tâm đến hoạt động của mĩ thuật Việt Nam, phải chăng đó là hậu quả của việc thiếu đầu tư cho phát triển giáo dục nghệ thuật. Đời sống văn hóa của người Việt hôm nay đã bị suy thoái nghiêm trọng, và thật đáng buồn là còn kéo theo cả giáo dục. Giáo dục thẩm mĩ là một phần hình thành nhân cách con người, vậy mà ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được chương trình giáo dục nghệ thuật phổ thông tầm cỡ quốc gia. Kiến thức mĩ thuật trong các chương trình giáo khoa phổ thông, từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở hầu như không thay đổi gì từ thời chiến tranh cho đến nay. Bậc phổ thông trung học không dạy về mĩ thuật, và thiếu hẳn ngành đào tạo nghệ thuật công cộng trong các trường nghệ thuật ở bậc đại học và sau đại học. Những bất cập trên đã dẫn đến hệ quả là công chúng Việt Nam hôm nay bị thiếu hụt căn bản về cơ sở văn hóa thẩm mĩ để có thể tiếp cận nghệ thuật khoa học và tiến bộ. Đó là thực trạng đáng buồn của văn hóa nghệ thuật nói chung và của mĩ thuật nói riêng.

Vấn đề của cá nhân nghệ sĩ
Đổi mới và mở cửa đã nhanh chóng phân hóa xã hội. Nghệ sĩ cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nghệ sĩ trưởng thành trong giai đoạn vừa qua hầu hết được đào tạo bởi chương trình giáo dục thời chiến và thời bao cấp, việc thiếu kiến thức về ngoại ngữ và công nghệ thông tin đã trở thành rào cản trên con đường tiếp cận văn hóa, nghệ thuật toàn cầu. Thiếu thông tin sẽ dẫn đến sự ngộ nhận về nhận thức. Kinh nghiệm và sự tự mày mò sẽ là không đủ cho nghệ sĩ trong thời đại internet và toàn cầu hóa. Từ 1986 đến nay, sự chuyển biến mạnh mẽ không ngừng của xã hội đã phát sinh những vấn đề mới của đời sống mà con người phải đối diện, cân nhắc, lựa chọn hoặc đánh đổi… Lẽ ra đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sáng tạo nghệ thuật, là khởi nguồn chân thực cho những ý tưởng, nhưng dường như nguồn nguyên liệu đó ít được sử dụng cho mục đích sáng tạo của nhiều nghệ sĩ Việt Nam hôm nay. Xã hội Việt Nam đang chuyển hóa quá nhanh, nếu mỗi cá nhân nghệ sĩ không có đủ tri thức và sự nhạy bén, năng động sẽ rất khó tiếp cận.

Cho dù tình trạng hiện nay của mĩ thuật Việt Nam đáng bi quan như thế nào, tôi không tin rằng nó sẽ chỉ dừng lại ở đó. Thực tế là, ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ tài năng, tâm huyết đang nỗ lực tìm kiếm lối đi riêng cho thế giới nghệ thuật của mình, đồng thời ghi chép lại những biến động đang diễn ra trong lòng mỗi con người Việt Nam, xã hội Việt Nam. Với sự dấn thân của mỗi cá nhân nghệ sĩ và sự ủng hộ của công chúng, xã hội, mong rằng chúng ta sẽ xây dựng được một nền mĩ thuật Việt Nam đổi mới thực sự.

N.M.Q                         
                                                                                     
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)