Âm vang tiếng cười sảng khoái

Thứ Tư, 11/01/2017 02:29
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. VƯƠNG TRỌNG
Mặc dù trực tiếp làm lính của ông ngót chục năm, quen ông trên ba mươi năm, nhưng trong kí ức tôi vắng hình ảnh ông mặc quân phục chỉnh tề cũng như đóng com lê cà vạt, thay vào đó là một bộ quân phục tầm tầm không quân hàm, hoặc áo dân sự sẫm màu kết hợp với chiếc quần bộ đội. Tóc ông bao giờ cũng cắt ngắn, lốm đốm bạc, làm cho cái đầu thêm vươn hẳn lên cao. Đó là nhà thơ Vũ Cao.

Vũ Cao không phải là tên chính thức, giấy khai sinh ghi tên ông là Vũ Hữu Chỉnh. Thời đi học ông đã cao khác người, bạn bè gọi đùa là Vũ Cao. Nghe thấy hay hay, thế là ông chọn làm bút danh cho mình.

 Vũ Cao người to cao, có bàn chân dài “ấn tượng”. Giày quân nhu ông đăng kí cỡ 43, 44... nhưng rất ít khi mang giày, ngược hẳn với nhà thơ Thanh Tịnh. Vũ Cao thích đi dép cả những ngày lạnh và dù đôi dép của ông đã ngoại cỡ rồi vẫn không đủ sức chứa đựng bàn chân, nên ngón chân phải vươn ra ngoài dép để “tìm đất đai”. Quanh chuyện đôi dép và bàn chân nhà thơ Vũ Cao cũng có nhiều giai thoại. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế có nhiều phòng đẹp, sàn gỗ lim nhẵn bóng, nên các nhà văn, nhà thơ công tác ở đây thường lau sạch, làm luôn giường ngủ. Bởi thế ngoài cửa phòng nào cũng có tấm biển nhỏ đề: “Xin mời bỏ giày, dép ở ngoài”, đề phòng những cộng tác viên từ xa đến, mang đất bụi thập phương vào phòng, mất công lau, việc “nhà” nào cũng ngại. Riêng ngoài cửa phòng của nhà thơ Xuân Sách lại đề: “Trừ nhà thơ Vũ Cao, xin mời bỏ giày dép ở ngoài”! Một lần Vũ Cao có việc muốn gặp Xuân Sách, tìm lên phòng, thấy tấm biển có tên mình, bèn hỏi:
- Sao ông lại ưu tiên mình quá thế, không sợ người khác bảo nịnh thủ trưởng à?
  Xuân Sách cười:
 - Đâu phải thế anh, chẳng qua là vì chuyện vệ sinh thôi!
 - Vệ sinh thì ai cũng phải tháo giày dép cả chứ?
 - Nhưng riêng với anh thì không nên tháo dép, vì dép của anh sạch hơn… chân!
 - Ha ha ha!

 
VuCao
Nhà thơ Vũ Cao
Vũ Cao cười vang cả hành lang, vọng vào các phòng làm việc. Ông có tiếng cười thật sảng khoái, vô tư, ai nghe cũng thèm. Đó là một nét đặc trưng của ông và cũng là của Văn nghệ Quân đội dưới thời ông. Tiếng cười đó khi thì từ phòng ông phát ra, khi từ ngoài sân vọng vào, trong khoảnh khắc phá tan sự tĩnh lặng, tạo ra phút giải lao và tiếp thêm “năng lượng” cho những cái đầu bên bàn biên tập. Ông không bao giờ tự ái khi bị cấp dưới trêu. Năm 1972, ông và nhà văn Từ Bích Hoàng, Phó Tổng biên tập, cùng năm mươi tuổi, nhà văn Xuân Thiều tặng hai ông một đôi câu đối, mượn lời hai cán bộ phụ trách nói với nhau:
Tớ năm mươi, cậu năm mươi, ờ nhỉ đôi ta tròn trăm tuổi;
Đó cấp tá, đây cấp tá, ô hay hai đứa chẵn đôi quan.
Đôi câu đối có hai chữ trăm tuổi và đôi quan nghe rất đáng kiêng kị, nhưng Vũ Cao chỉ cười ha ha và khen tài.

 Chiếc xe đạp của nhà thơ Vũ Cao còn nổi tiếng hơn đôi dép “sạch hơn chân” của ông. Đó là chiếc xe đạp Pháp, không gác đờ bu, không phanh, không rõ mang nhãn hiệu gì vì quá cũ, tróc hết sơn, hết chữ, chỉ biết lốp nhỏ như xe đua và cỡ vành rất to. Vũ Cao không hề dùng khóa, ông cho rằng chẳng thằng trộm nào dám động tới xe mình vì nó thừa biết leo lên là ngã gãy răng! Một buổi sớm ông dắt xe vào cơ quan, nghe có tiếng lọc xọc, tôi hỏi chiếc xe ông kêu ở bộ phận nào thì ông trả lời ngay:
 - Xe mình thì bộ phận nào cũng kêu, trừ chuông ra. Ha ha ha!

Ông là người ăn mặc giản dị, phòng ở đơn sơ, nói năng ngắn gọn, ghét kiểu cách. Tháng 3 năm 1970, trong buổi lễ trao giải cuộc thi thơ năm 1969 của tuần báo Văn nghệ, nhà thơ Ngô Văn Phú chuyển lời chúc mừng của nhà thơ Vũ Cao và nói ông mời tôi sang tạp chí chơi. Tôi tìm đến và hết sức ngạc nhiên là Tổng biên tập lại ở một căn phòng chừng mười mét vuông trong ngôi nhà cấp bốn phía sau, chứ không ở trong ngôi nhà mái cong, sang trọng phía trước. Ông bảo rằng, anh em biên tập, sáng tác cần có phòng tốt để làm việc, hơn nữa có người còn nghỉ ngay tại đó, chứ mình đi về loăng quăng, ở đó làm gì cho phí! Khi gặp ông, tôi nhớ hồi học cấp một có bài tập đọc về anh hùng Nguyễn Thị Chiên, phía dưới có ghi mấy chữ “Nguyễn Thị Chiên kể, Vũ Cao ghi”, tôi kể lại thì ông vội gạt đi và bảo quên đi chuyện ngày xưa. Tôi quay sang bài thơ Núi Đôi:

 - Có người nói bài thơ Núi Đôi anh viết từ một chuyện có thực, nhưng có người lại nói, trong một lần đi thực tế cùng đoàn nhà văn quân đội, ngồi trên xe, từ ngoài quốc lộ nhìn thấy hai ngọn núi, người trên xe bảo đấy là núi Đôi, thế là anh thốt lên: “Núi vẫn đôi mà anh mất em”! Rồi anh dùng câu này để hư cấu, bố cục thành bài Núi Đôi. Với anh, ý nào là chính xác?
 - Hiểu thế nào cũng được, văn học ấy mà!

Nhà thơ Vũ Cao chỉ nói thế rồi chuyển sang chuyện khác, nhắc tôi gửi bài cho tạp chí Văn nghệ Quân đội và hỏi tôi có thích làm nhà thơ chuyên nghiệp không. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ ông hỏi cho vui, nhưng không phải thế, sau đó hai năm tôi được quân đội cho đi học khóa 5 lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn, rồi sau được điều về công tác ở Nhà số 4 theo đề nghị của hai nhà thơ Chính Hữu và Vũ Cao.

Về tạp chí chưa lâu, cuối năm 1974, nhà thơ Vũ Cao gọi Duy Khán, Gia Dũng và tôi lên căn phòng nhỏ của ông và hỏi chung một câu:
- Ba ông đi B được không?

Ông không bao giờ ra mệnh lệnh như các cán bộ quân đội khác, nhưng chúng tôi hiểu rằng đó là mệnh lệnh, vì được biết trước đây Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh đều đã nghe câu hỏi như thế và hiện tại những người đó đang ở các chiến trường miền Nam. Khi đó Duy Khán, Gia Dũng đã có con, còn tôi chưa có vợ. Khi chúng tôi vui vẻ nhận lời đi B, nhà thơ Vũ Cao hỏi riêng tôi:
 - Đang yêu cô nào thì cưới đi, nếu cần, mình đi hỏi vợ cho!

 Dạo đó tôi đang yêu một cô vừa tốt nghiệp Đại học Y về công tác ở Hải Phòng, được nhà thơ Vũ Cao đi ăn hỏi thì còn gì bằng. Thế là với chiếc xe Bắc Kinh ghế dọc, nhà thơ Vũ Cao và chú tôi ở Vụ Hành chính Quốc hội đi về một làng sát biển của huyện ngoại thành Hải Phòng để hỏi vợ cho tôi. Thời bao cấp vùng quê ấy khá nghèo, trong nhà không có bàn tiếp khách, mùa đông tãi rơm ra nền nhà rồi trải chiếu lên cho “bà con hai họ” ngồi nói chuyện. Nhà thơ Vũ Cao tỏ ra thích thú khi tháo dép ngồi xếp bằng trên tấm chiếu phập phồng rơm, người ngoài trông vào thật khó phân biệt nhà thơ nổi tiếng với những người nông dân cũng quen mặc quân phục cũ, có khác chăng là mái đầu đốm bạc của ông vươn cao lên hơn những người khác. Nhà thơ Vũ Cao là người nói chuyện với đối tượng nào cũng hợp. Những người nông dân quê vợ tôi coi ông như bạn, chuyền tay ông chiếc điếu bát, cùng hút thứ thuốc lào “chân chua khói trường” nổi tiếng của vùng Tiên Lãng. Hơn chục năm sau, mẹ vợ tôi còn nhắc tới ông với lời khen ông giản dị và mộc mạc.

Vũ Cao không thích quan trọng hóa vấn đề, ngay cả một số việc người khác thường coi là quan trọng. Ở các đơn vị, mỗi đợt phong thăng quân hàm, thủ trưởng thường triệu tập những người được thăng cấp, quân phục chỉnh tề đến phòng làm việc. Trước khi trao quyết định đến tận tay từng người, thủ trưởng nêu hết mục đích ý nghĩa và nhắc nhở mọi người phải tích cực phấn đấu ở cương vị mới để đáp lại lòng tin và sự quan tâm của Đảng và Quân đội. Vũ Cao không làm như thế. Một buổi chiều tôi đang ngồi làm việc ở căn phòng cấp bốn có cửa sổ trông ra lối đi, bỗng nghe một tiếng “Này!” cùng cánh tay một người luồn qua song cửa, bỏ nhanh một tờ giấy xuống bàn rồi đi ngay. Người đó là Tổng biên tập Vũ Cao, tờ giấy đó là quyết định thăng quân hàm của tôi. Sau đó tôi đi ra ngoài gặp Lê Thành Nghị, anh cũng nói rằng vừa mới nhận được tờ giấy như thế qua khung cửa sổ!

Tạp chí Văn nghệ Quân đội thời nhà thơ Vũ Cao làm Tổng biên tập thật hoàng kim, đặc biệt đội ngũ sáng tác gồm các nhà văn tài năng như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh... đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị. Có người gặp nhà thơ Vũ Cao để học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo văn nghệ của ông, không ngờ ông trả lời bí quyết của mình “lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả” với tiếng cười rất vô tư. Ai cũng biết rằng đó chẳng qua là cách nói của ông, người hiểu sâu sắc đặc trưng văn nghệ và cá tính của văn nghệ sĩ. Trong sáng tác, ông tôn trọng cái riêng của từng người và tạo điều kiện cho nó phát triển. Với những nhà văn đi B, ông đặc biệt quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của gia đình họ. Ngoài việc đôn đốc Ban Trị sự - Hành chính chuyển lương đều đặn cho gia đình những người đi B, nhiều dịp Tết, ông về Ninh Bình thăm vợ con Nguyễn Thi, vào tận Nghệ An thăm vợ con Nguyễn Trọng Oánh và mẹ của Nam Hà... “Không lãnh đạo gì” là cách nói vui của ông, cũng như ông tự nhận mình là nhà thơ nghiệp dư, trong khi nhiều bài thơ của ông như Ngày xưa, Đèo trúc, đặc biệt là Núi Đôi, được bạn đọc hết sức mến mộ.

Ông đã từ giã cõi đời này, tôi cũng đã nghỉ hưu, thế mà mỗi lần ghé thăm số 4 Lý Nam Đế, tôi như được thấy, được nghe hình dáng giản dị của ông và tiếng cười âm vang sảng khoái.
V.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)