Nhớ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang

Thứ Hai, 26/12/2016 15:11
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. TRẦN ĐĂNG KHOA

Khi tôi viết mấy dòng này thì Thượng tá, nữ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đã thành người ở cõi nhớ thương rồi. Chị đã lặng lẽ giã biệt chúng ta vào hồi 0h23 phút ngày 5/12/2016 (tức ngày 7/11 âm lịch). Hưởng thọ 81 tuổi.

Tôi không bao giờ nghĩ Nguyễn Thị Như Trang đã ở tuổi 81. Càng không bao giờ nghĩ chị đã ra đi. Nhưng dẫu sao thì chị cũng đã đi rồi. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ngôi nhà chung ấm áp của chúng tôi giờ lại mất thêm một nhà văn, một con người ưu tú nữa. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được.

Tôi biết nói gì với bạn đọc về chị bây giờ? Trên tay tôi chỉ có mấy tập truyện ngắn của chị. Nhưng nói về Nguyễn Thị Như Trang, không thể chỉ loanh quanh trong mấy tập truyện ngắn. Chị còn cả một mảng sáng tác khá đồ sộ là tiểu thuyết và kí. Đặc biệt là tiểu thuyết. Ở đó, chị đã bộc lộ một sức lực dẻo dai, một lòng yêu văn chương, yêu cuộc sống và sự dấn thân trên con đường sáng tạo mệt nhọc và khổ ải.

Nhưng bây giờ, trong khoảnh khắc đau thương này, chưa phải lúc để chúng ta khảo sát sự nghiệp văn chương của nữ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang. Có chăng, đây chỉ  là một vài cảm nhận bước đầu ở một thể loại sáng tạo cụ thể của chị. Thể loại truyện ngắn.

 
Từ trái sang phải, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh Ảnh tư liệu
Từ trái sang phải: các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú,
Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh - 
Ảnh: TL
 

Nguyễn Thị Như Trang nổi tiếng từ những năm sáu mươi của... thế kỉ trước. Chị cầm bút cùng thời với Nguyễn Minh Châu. Nhưng tác phẩm đầu tiên chị “trình làng” năm 1964, lại không phải truyện ngắn, cũng không phải tiểu thuyết, mà là vở kịch Ông cửa hàng trưởng. Vở diễn này từng đoạt huy chương vàng trong hội diễn của ngành thương nghiệp. Thành công bước đầu ấy vẫn chưa đủ sức kéo chị đến với sân khấu. Năm 1967, chị lại giành giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ với tác phẩm Màu tím hoa mua. Thực chất, đây là một dạng truyện người tốt việc tốt, với khuôn mẫu là nhân vật có thật, một anh hùng của ngành thương nghiệp, quê ở vùng đồi trung du Phú Thọ. Truyện được đánh giá là có nhiều sáng tạo trong việc bám sát thực tế đời sống. Nếu lấy giải thưởng Màu tím hoa mua làm một thành tựu, một cột mốc đánh dấu sự phát triển của nhà văn thì ta thấy Nguyễn Thị Như Trang đã có một bước tiến khá dài ngay trong địa hạt truyện ngắn này. Bằng cớ Màu tím hoa mua, cái truyện mang cho chị niềm vinh quang đầu tiên, là cái “giấy thông hành” để chị đến với văn học, cũng đã không có mặt trong nhiều tuyển tập của chị. Không phải thời gian loại bỏ, mà chính chị đã tự loại bỏ. Điều đó đủ thấy Nguyễn Thị Như Trang là một cây bút nghiêm túc và có phần còn khe khắt nữa. Tuy nhiên, cái truyện đầu tay, được bạn đọc một thời yêu mến, dù có bị thải loại, cũng vẫn để lại dấu ấn rất sâu đậm trong chị. Nó đã góp phần hình thành một lối viết của chị. Đó là viết về người tốt, viết về cái cao cả. Hình như chị luôn muốn bạn đọc hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cách viết này đã chi phối toàn bộ sáng tác của Nguyễn Thị Như Trang, bao gồm ở tất cả các thể loại, đặc biệt là truyện ngắn. Nếu bảo Nguyễn Thị Như Trang không có khả năng tạo dựng những con người xấu, những nhân vật phản diện thì cũng không phải. Điều cốt yếu là chị không quan tâm đến cái xấu. Cái xấu chẳng tiêu biểu được cho cái gì hết, vì thế, chẳng nên để nó tồn tại, càng không nên lưu giữ trong tác phẩm nghệ thuật. Nguyễn Thị Như Trang chỉ đề cập đến những con người chị yêu mến, cảm phục. Viết về cái tốt, cái cao đẹp cũng chính là cách tốt nhất chống lại cái ác, cái thấp hèn. Có lẽ vì thế chăng mà ta luôn gặp trong văn chương của chị những con người đôn hậu, luôn xả thân vì nghĩa lớn. Trong đó, có cả người anh hùng được cả nước biết đến, còn phần nhiều, họ là những anh hùng vô danh. Đó là những người lính tình nguyện ở Campuchia, những cô gái trên trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, những người mở hầm trên công trường thuỷ điện sông Đà... Họ đều là những người tốt.

Viết về cái tốt, cái cao cả là một công việc không mấy dễ dàng. Nếu không chinh phục được độc giả, nó dễ thành một thứ xưng tụng. Nhưng may mắn thay, Nguyễn Thị Như Trang đã vượt qua được cửa ải ấy. Những trang sách của chị có sức thuyết phục, chính vì sự chân thật, nhờ những chuyến đi thực tế, áp sát đời sống.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Như Trang. Lâu rồi. Có lẽ cũng đã đến nửa thế kỉ rồi. Khi ấy tôi đang còn là một chú học trò ở một làng quê hẻo lánh. Còn chị đã là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lần ấy, chị cùng các nhà văn Thanh Tịnh, Hồ Phương, Hữu Mai đi công tác đâu đó, rồi tiện đường ghé qua nhà tôi. Lúc đó, chị đẹp và trẻ lắm. Mà trông chẳng giống bộ đội chút nào. Tóc ốp. Da trắng nõn. Gương mặt bầu bĩnh. Trông chị duyên dáng, yểu điệu như một thứ cây cảnh. Dường như con người ấy sinh ra chỉ để cho người đời chiêm ngưỡng và nâng niu. Vậy mà thật không ngờ, chị đã từng lặn lội vào tận Trường Sơn, có mặt trên nhiều trọng điểm ác liệt cùng với những người lính cảm tử. Đi thực tế, với Nguyễn Thị Như Trang, không phải là một dạng du lịch vãn cảnh, mà thực sự nhập cuộc, làm một người trong cuộc. Sau này, có dịp về Văn nghệ Quân đội, thành đồng đội ở cùng cơ quan với chị, lại cùng chị đi thực tế Binh chủng Không quân, sống cùng với những người lính bay, rồi lại cùng chị vượt sóng gió ra Trường Sa, tôi mới hay những nhân vật của Nguyễn Thị Như Trang hoàn toàn không phải những hình nhân do chị “nặn” ra theo trí tưởng tượng chủ quan của người viết, mà đều là những con người có thật ở trong đời sống. Chính vì thế mà nó rất sinh động và hấp dẫn. Có đi thực tế với Nguyễn Thị Như Trang, tôi mới biết chị là người rất giỏi chế biến, biết tận dụng tất cả những chất liệu của đời sống để làm nên tác phẩm. Xem cách làm việc của chị, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến mấy bà buôn tre cần mẫn ở quê. Kiếm được cây tre nào, các bà cũng rất tài trong việc phân bổ, sử dụng. Khúc lớn dựng cột nhà. Khúc nhỏ, không làm nhà cửa được thì ngả ra đan thúng mủng, rổ rá, dần, sàng. Cật tre thì làm đóm. Những phoi phoi không làm đóm được thì làm tăm. Nguyễn Thị Như Trang cũng thế. Chỉ một chuyến thực tế, chị làm được đến mấy “mặt hàng”, mà xem ra, cái nào cũng xum xuê. Những chất liệu bề thế thì dựng tiểu thuyết, truyện ngắn. Những chuyện nhất thời thì chế mấy cái kí. Cái không thể làm được kí, cũng không biến thành những bài báo được thì làm giai thoại văn chương. Nghĩa là chị chả bỏ đi cái gì.
Thế mới tài chứ.

 Nguyễn Thị Như Trang cũng rất có ý thức về mình. Chị tỉnh táo biết rõ sở trường sở đoản của mình ở đâu. Chị bảo: “Am tường nông thôn thì làm sao tôi bằng được ông Lê Lựu, ông Nguyễn Khắc Trường. Chất lính thì tôi thua đứt ông Khuất Quang Thuỵ, thua đứt cả ông Chu Lai”. Vậy thì chị là gì? Và bằng cách nào mà chị đến được với bạn đọc? Bí kíp của chị ở đâu?

Lần giở từng trang sách của Nguyễn Thị Như Trang, tôi càng thấm thía câu nói của nhà thơ Xuân Diệu. Ông bảo: “Khi phụ nữ đã ngang tầm trí tuệ với đàn ông thì họ hơn đứt đàn ông cái tình cảm và xúc cảm. Mà tình cảm, xúc cảm mới là gốc của văn chương, nghệ thuật”. Điều ấy thật đúng với trường hợp Nguyễn Thị Như Trang. Quả là chị cuốn hút người đọc không phải bằng lối viết mới lạ, hay cốt truyện li kì, hoặc số phận éo le của nhân vật, mà bằng chính tình cảm, xúc cảm và tấm lòng của người viết. Đó là tấm lòng đôn hậu, tin yêu con người và có trách nhiệm với cuộc sống. Điều ấy lại được thể hiện bằng ngòi bút điềm đạm và cái nhìn tinh tế của một người phụ nữ từng trải. Ngay cả những chi tiết rất vặt vãnh của chị, mà rồi đọc một lần, tôi vẫn nhớ mãi, ví như những vũng nước mưa đọng lại trên hè đường, hay cây sấu già có những cái rễ trồi lên, đội gồ cả hè phố. Truyện viết về bom đạn, ở giữa thời bom đạn mà người đọc vẫn không sao quên được cái rễ sấu đội gồ hè đường này. Mới hay trong văn chương, những chi tiết nhỏ cũng rất quan trọng. Chả thế, có nhà văn bảo: “Chi tiết nhỏ cũng có thể làm nên nhà văn lớn!”.

Nguyễn Thị Như Trang có rất nhiều truyện gây được ấn tượng. Nhưng tôi thích nhất vẫn là Tiếng mưa. Cứ như mắt tôi đọc, thì đây là cái truyện toàn bích nhất của Nguyễn Thị Như Trang. Đồng thời đây cũng là cái truyện bộc lộ rõ nhất tài năng của chị và cũng tiêu biểu cho phong cách của chị. Mà truyện có gì to tát đâu. Cốt truyện rất đơn giản, đơn giản đến mức sơ lược, tưởng như không thể dựng được thành truyện. Cô chiến sĩ quân y, trước khi vào chiến trường, ghé về thăm mẹ ở một làng quê trung du. Đó là một gia đình cách mạng, cả mấy thế hệ đều tham gia cách mạng. Mỗi người bằng những con đường riêng mà đến với cuộc kháng chiến chống Mĩ, bà mẹ cũng nhập cuộc chỉ vì lòng thương con. Người anh trai của cô gái đã ở chiến trường. Giờ lại đến lượt cô đi... Chỉ có thế thôi. Đây là một dạng truyện không có truyện, tóm tắt rất nhạt, vì chẳng có gì để mà gom nhặt. Đem ra bình luận, giãi bày, hay mổ xẻ phân tích lại còn nhạt hơn nữa. Nhưng đọc lại xúc động. Đặc biệt, những trang miêu tả tâm lí mẹ con rất tinh tế. Văn đẹp. Đọc rồi, cứ thấy bâng khuâng mãi. Nếu không có tâm hồn, không có tài văn thì không thể viết nổi. Trong đời viết của mình, tôi cũng chỉ ước có được những trang văn thắm đượm như thế...
 
 Hà Nội, ngày 8/12/2016           
 Ngày tiễn đưa nữ nhà văn về cõi Vĩnh hằng
 T.Đ.K
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)