Một phác dựng về văn nhân quân đội

Thứ Hai, 28/11/2016 00:53
(Đọc Văn nhân quân đội, tập tiểu luận - phê bình - đối thoại
của Lý Hoài Thu, Nxb Văn học, 2015)
.  BÙI VIỆT THẮNG

1. Văn nhân quân đội là tập sách thứ ba của Lý Hoài Thu, không tính đến mười lăm đầu sách in chung của tác giả. Trong số không nhiều cây bút nữ viết phê bình văn chương xuất hiện sau năm 1975, Lý Hoài Thu là một gương mặt, một giọng điệu, một cá tính gây ấn tượng với văn giới. Còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, Lý Hoài Thu đôi lần cùng tôi “xông” vào nhà số 4 Lý Nam Đế - tạp chí Văn nghệ Quân đội - một địa chỉ văn chương sang trọng, uy tín ở Việt Nam đầu tiên chị tiếp cận, để rồi từ nơi đó chị cất cánh “bay” sang báo Văn nghệ và các diễn đàn văn chương khác trong Nam, ngoài Bắc. Vì thế mà Phạm Hoa trong lời giới thiệu Văn nhân quân đội đã gọi tác giả cuốn sách là “người bạn của các nhà văn quân đội”. Biết bao nhiêu cây bút phê bình đã gắn bó với “phố nhà binh”, với nhà số 4 Lý Nam Đế, nhưng mấy ai đã được gọi trìu mến là “người bạn của các nhà văn quân đội” như Lý Hoài Thu. Thiết nghĩ, đây là một hạnh phúc đơn sơ nhưng thấm thía của người làm phê bình, cái công việc nhọc nhằn khổ ải nhưng đôi khi lại bị giới sáng tác thành kiến. Lý Hoài Thu đến với các văn nhân quân đội trước hết bằng cái tình và khi viết chị thể hiện triệt để cái tình để soi sáng tác giả, tác phẩm, thậm chí phác dựng phong cách của mỗi văn nhân. Có vẻ như Lý Hoài Thu ít trưng ra các lí thuyết, các thứ chủ nghĩa (ism) đang được lạm dụng ở đâu đó. Có lẽ xuất phát từ tình cảm thông hiểu, trân trọng những trang văn đôi khi đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu của các văn nhân quân đội nên Lý Hoài Thu trong khi viết thường gạn lọc cái hay, cái được, cái thành công, cái lan tỏa nơi những tác phẩm của họ. Nói thế không có nghĩa là chị dễ dãi bỏ qua những khiếm khuyết khó lòng tránh khỏi của đối tượng phê bình. Cách viết của Lý Hoài Thu về các văn nhân quân đội, tôi thấy nghiêng về “nhu”, cố tiết chế “cương”, nên đọc thấy dễ vào, dễ thấm, dễ có ấn tượng và tạo sinh khả năng đồng cảm và sáng tạo (như tựa một tác phẩm của chị xuất bản cách đây chưa lâu).
 
2. Lý Hoài Thu đã đến với các văn nhân quân đội bằng con đường nào? Tôi vẫn thường tự hỏi như thế khi dõi theo lộ trình viết phê bình của chị và nhất là khi đọc Văn nhân quân đội một cách kĩ càng và thú vị. Không hề có một công thức nào. Cũng không có những thao tác, “ngón” nghề nghiệp quen thuộc đến mức rơi vào nguy cơ lặp lại chính mình. Có thể tùy vào đối tượng tiếp cận mà Lý Hoài Thu “bắt mạch” theo cách riêng phù hợp. Nhưng phải nói ngay rằng có một nguyên tắc chung mà Lý Hoài Thu kiên trì trong lúc viết, đó là tìm ra sự “khác lạ độc đáo” của mỗi cá tính sáng tạo (quan niệm này thể hiện trong bài viết về Đào Thắng và tiểu thuyết Dòng sông mía). 

 
van nhan quan doi 09 42 48 964

Về Hữu Thỉnh, trong sự đọc của riêng tôi, đã có nhiều bài viết, nhưng công phu và hấp dẫn hơn cả vẫn là hai bài của Lý Hoài Thu: Thơ Hữu Thỉnh - một hướng tìm tòi và sáng tạo từ dân tộc đến hiện đại và Cây như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh. Bài đầu thì rõ là chỉn chu, mạch lạc, sáng rõ, lí và tình quyện bện khi tác giả tỏ rõ tình yêu không giấu giếm của mình với… thơ Hữu Thỉnh - một thành tựu đáng kể của thơ chống Mĩ, nhưng tính luận lí vẫn còn phảng phất đâu đó. Ở bài thứ hai thì khác hẳn. Có cảm giác nhà phê bình khi viết bài này cũng “nhập đồng” như nhà thơ khi sáng tác. Đúng là chạm đến cái ngưỡng của đồng cảm và sáng tạo. Tôi thích những nhận xét có vẻ như thoáng qua nhưng thực ra đã được nghiền ngẫm kĩ càng: “Bằng những trải nghiệm cá nhân, những buồn đau thành thật của người cầm bút, Hữu Thỉnh đã mang đến những suy cảm mang tính nghiệm sinh sâu sắc”. Bởi đọc thơ đương đại, nhất là thơ trẻ, tôi gặp không ít nỗi đau giả vờ, nỗi đau tưởng tượng, nỗi đau ích kỉ của người viết. Nói ngòi bút Lý Hoài Thu chạm đến độ tinh tế là vì thế. Những bài viết về các văn nhân quân đội khác như Hồ Phương, Đào Thắng, Chu Lai, Phạm Hoa… cho thấy Lý Hoài Thu có một nhãn giới rộng xa khi nhìn văn chương sinh tồn trong các thể loại của nó. Là người giảng dạy giáo trình Thể loại văn học nhiều năm ở trường đại học, nên khi tiếp cận kí, truyện ngắn, tiểu thuyết, Lý Hoài Thu có cái gốc lí thuyết vững chãi đã đành, nhưng phê bình lại đôi khi đòi hỏi năng lực của trực giác. Chẳng hạn khi viết về Chu Lai và tập truyện ngắn Phố nhà binh, Lý Hoài Thu đã “chộp” được cái “mùi chữ” của nhà văn này: sống trong tầng tầng lớp lớp của kí ức, hóa thân vào nhiều cảnh đời khi viết, văn hơi ồn ào. Với Đào Thắng và Dòng sông mía (giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II, 2002-2004, của Hội Nhà văn Việt Nam), Lý Hoài Thu đã phát hiện ra sức hấp dẫn của tiểu thuyết này “là ở màn sương huyền thoại, là không khí folklore bao bọc chung quanh đời sống con người ở một vùng đất tuy không rộng nhưng khá đa dạng về môi trường, sinh thái, tôn giáo và văn hóa”. Hơn thế Lý Hoài Thu còn nhấn mạnh, sức hấp dẫn của Dòng sông mía “đó là sự khác lạ độc đáo”… 

Rất bất ngờ, với riêng tôi, khi đọc những bài đối thoại trong tập sách. Có bốn cuộc đối thoại giữa Lý Hoài Thu với Chu Lai, Phạm Hoa, Trần Đăng Khoa và Trần Anh Thái. Trong trải nghiệm đa dạng nghề văn của mình, tôi thấy thật không dễ dàng gì khi thực hành một cuộc đối thoại văn chương, từ khâu chuẩn bị câu hỏi cho trúng vấn đề, từ cách tiếp xúc nhằm tạo hòa khí thân thiện để có thể giãi bày, chia sẻ, kích hoạt người ta mở/trải lòng, rồi đưa đối thoại lên mặt báo… Thế mà Lý Hoài Thu làm “ngon ơ”. Tản mạn với Trần Đăng Khoa là một bài hay. Như ta biết Trần Đăng Khoa được coi là một “thần đồng thơ”. Mà cái người này trông bề ngoài có vẻ “u ơ” thế thôi nhưng thông minh, lịch lãm, thâm hậu ra phết, và thường hay “lẩn” đám đông khi thấy không cần thiết. Vậy mà Lý Hoài Thu đã “khều” được để đối thoại. Đối thoại với Trần Đăng Khoa, Lý Hoài Thu nêu vấn đề trúng và khéo về cái gọi là “tài năng bẩm sinh liệu có phải là yếu tố quyết định cho cả sự nghiệp sáng tác”. Hỏi khéo thì dễ có được câu trả lời khéo: “Tài năng bẩm sinh là cái của trời cho. Trời cho rồi lại lấy đi mất. Hoa nở sớm thì sẽ tàn sớm”. Cuộc đối thoại với tác giả Đùa của tạo hóa - Phạm Hoa, có vẻ lắng đọng hơn so với cái không khí dí dỏm, vui tươi, hồ hởi khi hỏi chuyện Trần Đăng Khoa. Qua cách khơi gợi của người hỏi chuyện mà Phạm Hoa rất quý mến, tác giả Đùa của tạo hóa bật mí: “Tôi nhìn cuộc đời ở góc hoàn toàn tự nhiên, lành mạnh nhất”. Rồi người hỏi chuyện khéo dẫn dắt thế nào đó mà Phạm Hoa rất tiết tháo khi đau đáu: “Không phải chỉ buồn và lo đâu! Cái lối sống không đếm xỉa đến quá khứ, không thèm biết đến ân hận của một số trong lớp trẻ bây giờ là một mối nguy lớn. Đúng! Con người ta đừng vì ham sống quá mà quên mất điều đó: quá khứ nào cũng tham dự một cách tích cực vào đời sống hiện tại”. Đọc Phạm Hoa trả lời Lý Hoài Thu, lại tiếp xúc nhiều ở ngoài đời, càng thấy tác giả Đùa của tạo hóa như hòn than nóng ủ kĩ trong tro.
 
3. Còn điều gì chưa làm ta hài lòng khi đọc Văn nhân quân đội của Lý Hoài Thu? Tôi, trước khi viết bài này, đã kì công ngồi thống kê theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn, 2010) để tìm ra con số 383 nhà văn Việt Nam hiện đại đã và đang mặc áo lính (trong đó có nhiều người đã mất, hi sinh). “Con số biết nói” phản ánh một nền văn chương hình thành và phát triển trong bão tố cách mạng và chiến tranh, và đặc biệt là các thế hệ nhà văn mặc áo lính suốt mấy chục năm qua đã tận hiến cho đời bằng ngòi bút của mình. Con số 11 nhà văn quân đội được Lý Hoài Thu phác dựng trong tập sách này liệu có đủ để tường minh một phạm trù rộng lớn: văn nhân quân đội? Chắc chắn là chưa. Nhưng như cổ nhân nói, “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Công việc này đòi hỏi còn phải tiếp tục dài lâu bởi chính Lý Hoài Thu và đồng nghiệp.

B.V.T
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next