Từ đêm thơ sân khấu cát

Chủ Nhật, 06/11/2016 00:41
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. DU AN
Mỗi khi xuân về, đến Ngày thơ Việt Nam, thấy nơi nơi rộn ràng náo nức sân khấu, cờ hoa, tôi lại nhớ một đêm thơ trên đảo. Đêm thơ trên sân khấu cát, thơ cùng ngư dân, chiến sĩ gặp nhau nơi đầu sóng ngọn gió.

Hôm ấy là 27/4/2011, cuối mùa xuân, biển lặng. Con tàu của bộ đội biên phòng Bình Định đưa các nhà thơ, nhà văn tham dự trại sáng tác “Thơ lục bát về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ra thực tế tại đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh). 

Lần đầu về biển, ra giữa trùng khơi, trời biển mênh mông như vô tận, tâm trạng tôi chộn rộn khó tả. Gặp các chiến sĩ trên biển, ấn tượng rõ nét nhất về họ là nước da màu nắng gió với nụ cười trắng. Con tàu lướt lướt, xa xa từng đàn hải âu tung bay trên ngọn sóng đằng trước như chỉ đường, còn gần ngay mạn tàu, thỉnh thoảng vút ngang một chú cá chuồn, nước nắng óng ánh. Biển xanh trong, nhìn rõ từng đàn cá là lạ, không biết tên là gì, chỉ thấy con dài dài nhọn nhọn như cái kiếm, con tròn tròn như bánh lái… rất chi là thân thiện. Chắc chúng tưởng tàu cũng là một loài cá bạn bè. Tôi mê ngắm sung sướng những thứ mình chưa bao giờ thấy ở rừng. Trong cảm xúc bồng bềnh theo nhịp sóng tàu, đầu chớp lên đôi câu lục bát: Đường đi của những con tàu/ bao nhiêu đàn cá ngẩng đầu trông theo. Xung quanh, các nhà thơ Trần Trí Thông, Bình Nguyên, Ninh Đức Hậu, Phạm Trọng Thanh, Ngọc Tuyết, Thai Sắc, Vũ Thiên Kiều, Trần Dũng, Lê Vũ Trường Giang, Nguyên Quân, Phạm Xuân Phụng… cũng đang háo hức. Qua câu chuyện, biết đa số anh em chả lạ gì biển, nhưng có chị quê biển lại bảo: “Lần nào ra biển mình cũng có cảm xúc mới”. Dễ gì có được giây phút như thế này, tôi đứng lên mũi tàu ngửa mặt đón gió cho biển lộng vào vùng chữ nghĩa sâu tít. Một lúc, chợt thấy quay quay, nôn nao… Hóa ra là say sóng. Say xe, tôi đã miễn dịch từ lâu. Bây giờ dù đường lên Điện Biên liên tục cua tay áo, dù có lúc xe xoay vòng như chiếc com-pa hay quay tít như bánh xe quay khám tuyển phi công, tôi vẫn thoải mái ngồi ngắm hoa ban, các cô gái Thái và… làm thơ. Vậy mà ở đây, sau tiếng đồng hồ ố á thích thú, trước những con sóng vút cao rồi ập xuống, tôi lại say. Có lẽ biển thấy người ở rừng xuống nên muốn “thử thách”, “nắn gân” một tí. Rồi cũng không biết khỏi lúc nào, tôi lại nói cười, thâu nạp biển trời.

 Thuyền cập đảo. Các chiến sĩ đồn biên phòng Nhơn Châu, Đại đội 30, ngư dân ra đón tận cầu tàu. Những cái bắt tay, thấy cứng; những câu chào hỏi to, đúng là ăn sóng nói gió. Đảo đương ngập nắng, gió bốn phía ù ù, cát bay như đạn li ti, ran rát. Nhìn những cây dừa tướp lá, những đám rau mùng tơi, dền, ngót được quây úm cẩn thận, bước chân các nhà thơ chợt thật chậm, mờ mờ. Người đi trong phong ba, tiếng cười nói chợt lặng, những khuôn mặt trầm tư đang rất sâu hai tiếng Tổ quốc. Đến đảo, bốn phía nắng gió cát bay, tiếng công dân trong mỗi nhà thơ chợt vút lên, rưng rưng lạ. 

Sau cuộc gặp mặt nhanh với ban chỉ huy đại đội 30, chúng tôi “tự do” thăm đảo. Cũng ngõ xóm, cũng lối vào nhà quanh quanh, cũng quán bia nước ngọt như đất liền. Tôi qua đường, thấy một lớp học, dừng lại nghe, tiếng cô tiếng trò vang vang, sóng chỉ còn ầm ì xa xa. Theo lối bê tông nhỏ, đi sâu vào xóm thấy có quán cà phê, có mấy người ngồi ghế nhựa. Chị chủ quán có chồng đang đánh cá ngoài khơi, hai đứa con, một đang học nghề, một đã đi làm trong Quy Nhơn. Câu chuyện về đảo của chị cứ đều đều. Đảo hiện có 480 hộ với hơn một nghìn dân, cuộc sống lấy đánh bắt hải sản làm mưu sinh chính. Nhưng cái khó bó cái khôn, biển cả mênh mông, vốn liếng hạn hẹp, nên các ngư dân nơi đây chỉ đánh bắt ven bờ bằng tàu nhỏ. 

Chúng tôi ra bãi cát, ở đó có rất đông các ông già, bà cả, phụ nữ, người ngồi người đứng ngóng ra khơi. Đảo đang rất nóng, chắc là họ hóng gió mát? Ngồi nói chuyện với họ, tôi mới biết suy nghĩ của mình... ai bét. Người bảo đợi tàu cá về, người nói đợi tàu mang rau, hàng hóa từ đất liền ra, còn lại đa số lắc đầu bảo chả biết, chỉ biết đây là thói quen, cứ chiều chiều ra ngóng biển khơi vậy thôi. 

Tối ấy, đêm thơ chạy trước kế hoạch. Mới 7 giờ tối, nhân dân đảo, các chiến sĩ đã đến, vui mừng háo hức. Các nhà thơ cuống cả lên, gọi nhau í ới, có người ngượng vì đến muộn một chút. Sân khấu giữa trời, toàn cát lấp lánh vui vui.  

MC của chương trình, nhà thơ Phùng Văn Khai, dẫn vo rất mộc, đầy ngẫu hứng, vui vẻ trẻ trung đánh võng câu chữ theo gió. Các nhà thơ đọc ngay những câu thơ  vừa sáng tác. Trăm phần trăm thơ lục bát, câu lục như sóng, câu bát như đảo, nhịp nhịp chòng chành ngân. Các chiến sĩ kể chuyện đảo, gia đình, ngư dân hát. Cả một vùng sóng gió, sóng thơ nhạc ngân ngân.

Tôi cũng đã vài lần nghe thơ, đọc thơ trong hội trường máy lạnh, điện sáng lóa, vỗ tay ran ran. Nhưng đêm nay, nói xúc động mà không sợ sáo rỗng, bởi nhà thơ, các chiến sĩ, nhân dân đảo… (cả cát nữa), ai cũng như ai, cười vui phấn chấn. 

Để đến được “đêm thơ sân khấu cát”, tham dự trại sáng tác thơ lục bát của Tạp chí Văn nghệ Quân đội giữa biển trời như thế này, với tôi không hề đơn giản. Trước đó nhiều năm vừa dạy học vừa làm thơ, viết văn, viết báo vặt, tôi chưa hề nghĩ có ngày mình được in ở Văn nghệ Quân đội. Từ ngày chuyển sang Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi tự nguyện chịu một sức ép tu chỉnh về nghề nghiệp. Tôi viết liên tục và  ngầm nhắm vào Văn nghệ Quân đội, nơi có bao nhà thơ, nhà văn mình mê mẩn từ bé. 

Sau bao ngày đắn đo, cuối cùng tôi cũng liều gửi một chùm thơ về số 4 Lý Nam Đế. Gửi xong thấy kinh quá, nhưng hối không kịp nữa. Từ khi gửi, tôi suốt ngày nhớ mong trông ngóng hồi âm về số phận mấy “em thơ” của mình. Vào một sáng mùa xuân, cuối tháng 2/2010, có một cuộc điện thoại gọi vào máy tôi:
 - Alo, đây có phải số máy của Du An không? 
- Dạ, đúng rồi ạ. 
- Anh là Nguyễn Bình Phương ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số này sẽ in hai bài thơ của em… đừng gửi cho báo khác nữa nhé. 

 Thế là sướng run hết cả người. Suốt hai tuần tôi chả làm được gì, đầu óc cứ thấy... lâng lâng. Khi nhận được Văn nghệ Quân đội số 708, đầu tháng 3/2010 theo đường bưu điện, tôi lập tức ngắm nghía, lật nhanh đến bài mình, ngón tay đọc rê từng chữ. Tôi đem tạp chí đi khoe khéo, khoe thô, linh tinh râm ran suốt cả tháng trời.

 Văn nghệ Quân đội  đã kích hoạt vùng văn chương non nớt e dè của tôi. Sau chùm mở màn, tôi còn được in vài bài nữa. Rồi Văn nghệ Quân đội mở cuộc thi thơ lục bát đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thừa thắng xông lên, tôi  gõ bàn phím đêm ngày. Kết quả, năm 2010, tôi có hai chùm lục bát được in trong mục thơ dự thi. 

Hành trang đi trại Văn nghệ Quân đội đầu tiên của tôi là như thế. Tôi nhận được giấy mời, rồi hôm trước một tuần tàu Thống Nhất vô Nam, nhà thơ Nguyễn Bình Phương trưởng trại, điện thông báo lại lịch trình và dặn: “Tớ đặt vé cho cậu rồi, cậu sẽ đi cùng Phùng Văn Khai, Uông Triều...” 

Những ngày ở Quy Nhơn, nhà khách Binh đoàn 15, tôi được hòa mình vào biển văn chương, tình người viết với người viết. 

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương trưởng trại nhè nhẹ, quan tâm chi tiết tới anh em. Hỏi thăm hoàn cảnh, chuyện viết… đến bữa thấy ai chưa xuống ăn là điện ngay. Trước lúc đi trại tôi mới đọc anh được một ít, giờ gần anh thấy chất lính, chất nhà thơ hòa quyện.      

Nhà thơ Phùng Văn Khai luôn là tiêu điểm của những hội thảo mini, cả thơ văn, cả nhậu. Cái dáng hơi gù gù, vai nhâng lên một tí, kiểu nói như khách Lương Sơn Bạc trà trộn vào khiến anh em trại viên, già cũng như trẻ vừa sợ vừa thích. 

Anh em trại viên từ Bắc chí Nam, được dịp gặp gỡ cọ xát, chung sống thân ái. Ngoài thơ quê hương xóm làng, tình yêu đôi lứa quen viết, giờ ai cũng quyết tâm đặt mình vào thử thách - viết về người lính sao cho hay - mới - lạ. Trong thời gian ở trại, ngoài chuyến đi đảo Nhơn Châu kể trên, các nhà thơ, nhà văn còn có chuyến thực tế tại các đội sản xuất của Binh đoàn 15 ở Đức Cơ (Gia Lai). Tận thấy biển đảo, núi rừng biên giới, khó khăn vất vả vui buồn của người lính, nhiều tác phẩm đã òa ra. Người lính thời bình hôm nay, dù ở đâu cũng bình dị, kiên trung.

Sự gặp gỡ giữa Văn nghệ Quân đội, nhà thơ nhà văn và người lính - kiểu trại viết “ba trong một” đầy bản sắc ấy đã vào tôi nhiều bài học thấm thía, tiến lên. Mỗi lần ngồi bàn viết ì ạch mãi chỉ trang giấy trắng, khó quá, tôi lại thấy đêm thơ trên sân khấu cát, những người lính tay súng, tay trồng cà phê hồ tiêu. Văn nghệ Quân đội đang ở bên tôi, nhẹ nhàng mà đầy sức mạnh 

D.A                   
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)