Từ kho sách của thư viện Trung đoàn

Thứ Ba, 01/11/2016 00:37
. MAI NAM THẮNG

Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ bên thượng nguồn sông Gianh của miền tây tỉnh Quảng Bình. Cách làng tôi chừng ba cây số là thung lũng Đồng Bang nằm cạnh tuyến đường sắt xuyên Việt. Đây là nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực ngày 12/9/1945, tiền thân của Trung đoàn bộ binh 18, trung đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Bình; nay là Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 (Đoàn Bình Trị Thiên), thuộc Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang.

Suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung đoàn 18 hoạt động khắp chiến trường Bình Trị Thiên, góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu là trận Xuân Bồ nổi tiếng với tấm gương anh hùng - liệt sĩ Lâm Úy bất tử. Tuy phân tán hoạt động nhiều nơi, nhưng trung đoàn bộ của Trung đoàn 18 vẫn đóng ở Đồng Bang, cạnh làng tôi. Đến cuối năm 1965, khi đế quốc Mĩ đẩy mạnh cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, Trung đoàn 18 được lệnh “đi Bê”, toàn bộ doanh trại và doanh cụ bàn giao cho chính quyền địa phương quản lí. Năm ấy tôi đã “tốt nghiệp” bậc vỡ lòng nên còn nhớ rất rõ: Cơ ngơi nhà cửa của bộ đội thì do xã Đồng Hóa quản lí. Theo đó, một số nhà gỗ được tháo dỡ đưa về cất giữ ở các hộ gia đình. Khu vực nhà xây cấp bốn thì xã chuyển đổi thành trại chăn nuôi tập thể, cung cấp thịt lợn, thịt bò cho cửa hàng thực phẩm huyện, gọi là nộp “nghĩa vụ Nhà nước”. Xã tôi ở xa hơn nên được giao quản lí các loại doanh cụ. Theo đó, hàng trăm chiếc phản nằm, tủ đựng tài liệu, bàn ghế nhà ăn… được sơ tán về các hộ gia đình ở làng tôi cất giữ…

 
da quy

Hồi đó, bố tôi là Phó Chủ tịch xã phụ trách văn hóa nên tự phân công cho gia đình tôi quản lí toàn bộ số sách báo của thư viện Trung đoàn. Chỉ trong một đêm, trung đội dân quân khuân mấy chục bao tải sách về xếp chật gian giữa nhà tôi. Mấy ngày sau, bố tôi nhờ thêm mấy người nữa, làm một ngôi lán nửa nổi nửa chìm ở góc vườn, kiểu như lớp học phòng không của bọn trẻ chúng tôi thời ấy, để kê sách báo. Ngôi lán được trình tường bằng đất sét trộn rơm, trần che bằng phên nứa, rồi đổ một lớp cát lên để chống bom bi. Ban đầu chỉ duy nhất bố tôi được lục lọi trong ngôi lán để kiểm tra mối mọt, ẩm mốc. Nhưng rồi công việc thời chiến bận rộn quá, có khi cả tuần bố chẳng có thời gian ngó nghiêng xem sách báo ra sao, thế là tôi được đặc cách giúp bố việc ấy. Nói theo kiểu ngày nay thì tôi đã trở thành “thủ thư trung đoàn” từ hồi bảy tuổi(!)

Ngày ấy, làng tôi nghèo đói lắm, thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến các vật dụng gia đình. Tuy vậy, tuyệt nhiên không ai dám sử dụng đến các loại doanh cụ của bộ đội được giao về cho các gia đình bảo quản. Có nhà giát giường là mấy cây nứa chẻ đôi đập dập, nhưng mấy tấm ván nằm của bộ đội vẫn được gác trên xà nhà. Bàn học của trẻ con đôi khi cũng là mấy thanh gỗ ghép, nhưng bàn ăn của bộ đội thì xếp chồng một góc, nếu tàu bay Mĩ thả bom cháy nhà thì đó là những thứ phải bê vác đầu tiên. Còn nhớ có lần bác mẹt Hường ở xóm Phúc Sơn đi làm mương bằng chiếc cuốc cán sơn xanh là loại cuốc bộ đội dùng để tăng gia, liền bị chi bộ họp kiểm điểm mấy tối liền, cứ y như bắt quả tang được kẻ cắp…

Tóm lại, đã là tài sản của bộ đội gửi nhân dân thì thứ gì cũng bất khả xâm phạm. Nhưng mà ngày ngày chui vào chui ra trong cái lán đựng toàn sách, rờ rẫm kiểm tra từng cuốn sách đủ loại dày, mỏng, xanh, đỏ, cũ, mới… thì tôi hết chịu nổi. Ngày ấy bọn trẻ chúng tôi không chỉ đói cơm thiếu áo mà còn đói cả sách vở. Một viên phấn, một mẩu bút chì cho nhau đã là món quà quý. Sách giáo khoa thì phải ba, bốn đứa mới có một bộ để học chung. Giấy viết đôi khi phải dùng vở cũ ngâm nước vôi cho bạc chữ đi rồi phơi khô dùng lại. Cho nên cái kho sách góc vườn quả là một thứ cám dỗ ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Thế là tôi liều mạng, với ý nghĩ mình chỉ mượn đọc cẩn thận, xong lại xếp đúng chỗ cũ là được. Cuốn sách đầu tiên tôi vi phạm là tập truyện phản gián Mũi tên 17, tên sách thì nhớ như in, nhưng tên tác giả lại không để ý. Đó là một cuốn truyện trinh thám hút hồn tôi từ đầu đến cuối. Thế rồi ăn vụng quen mồm, tôi thò sang quyển khác, rồi quyển khác nữa. Suốt mấy năm học cấp một rồi lên cấp hai, tôi ngốn gần hết đống sách của trung đoàn, mà toàn là sách cho người lớn, từ các tác giả trong nước như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Đào Vũ… đến sách nước ngoài như Người mẹ, Thép đã tôi thế đấy, Ruồi Trâu, Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Tiếng gọi nơi hoang dã… mà hồi đó tôi không thể nào nhớ nổi những cái tên tác giả loằng ngoằng rất khó đọc. Lại có những quyển sách sau này tôi được biết là “sách cấm” như Mở hầm của Nguyễn Dậu, Mùa hoa dẻ của Văn Linh… nhưng không hiểu sao ngày đó vẫn có trong thư viện của Trung đoàn 18.

Trong kho sách ấy, tôi còn nhớ rất rõ những cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội thường nhàu nhĩ, quăn bìa, sờn mép, chắc do bộ đội chuyền tay nhau đọc nhiều quá. Hồi đó, tạp chí Văn nghệ Quân đội khổ rộng hơn nhưng mỏng hơn cuốn tạp chí hiện nay, trang bìa và các bài thường có tranh minh họa rất đẹp. Mấy trang cuối mỗi cuốn tạp chí lại có thơ trào phúng, thơ châm biếm, tranh vui và tranh đả kích mà tuổi con nít chúng tôi rất khoái. Đến nay tôi còn nhớ như in một bức tranh vui vẽ chú bộ đội giương trái bầu dài ngoẵng theo tư thế tập bắn, “ngắm” vào “bia” là một cái nồi quân dụng to tướng, phía dưới ghi câu chú thích: Nhất định trúng! Không chỉ xem tranh vui, tranh đả kích, thơ châm biếm, thơ trào phúng…, tôi còn đọc được trên các số tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày ấy những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ như Tố Hữu, Thanh Tịnh, Giang Nam, Thanh Hải, Nguyễn Trọng Oánh, Lưu Trùng Dương… Văn xuôi thì có những trang hễ bập vào là bị cuốn theo không dứt ra được của Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Hồ Phương, Nguyễn Khải, Bùi Đức Ái, Hữu Mai, Nguyễn Thiều Nam (Xuân Thiều), Lê Khâm (Phan Tứ)… Truyện ngắn, truyện vừa, bút kí, tùy bút… trên Văn nghệ Quân đội hồi đó tôi đã đọc của rất nhiều tác giả, nhưng sở dĩ nhớ được mấy tên tuổi như trên là bởi sau này học lên cấp ba và vào đại học, những tác giả này liên quan đến những bài luận, bài thi học phần và khóa luận tốt nghiệp của tôi. Nhiều trang văn thơ của họ tôi đã đọc trên Văn nghệ Quân đội ở thư viện Trung đoàn 18, sau này lại phải lên thư viện nhà trường hoặc Thư viện Quốc gia để nghiền ngẫm lại như Hương thơm bốn mùa của Nguyễn Trọng Oánh, Những người đáng yêu nhất của Lưu Trùng Dương, Trăng sáng và Đôi bạn của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Thư nhà và Cỏ non của Hồ Phương, Bên kia biên giới của Lê Khâm…

Lại nói theo ngôn ngữ ngày nay thì chính cái kho sách gọi là thư viện Trung đoàn ấy đã “gieo mầm văn chương” trong tôi, một thằng con nít sinh ra và lớn lên trong những ngày bom rơi đạn nổ, ở một làng quê heo hút nghèo đói cả cái ăn, cái mặc lẫn sách báo, phim ảnh. Của đáng tội, ngày đó tôi đã tập tọng làm thơ. Sau khi đọc được trong thư viện Trung đoàn mấy cuốn sách nói về việc viết văn, làm thơ của các tác giả nổi tiếng như Xuân Diệu, Tô Hoài, Vũ Tú Nam…, tôi càng hứng chí, quyết thử làm theo xem sao. Bài thơ đầu tiên tôi viết về một trận bom tọa độ của máy bay Mĩ ở làng tôi: Máy bay phản lực/ Mày chực đồng bào/ Mày rình bộ đội/ Lẻn vô Phú Hội/ Mày thả bom đêm/ Miểng văng vô thềm/ Bể chum ông Hựu/ Không may ông Dịu/ Miểng chặt đứt tay/ Ông Xuân không may/ Miểng lia vô cẳng/ Miểng văng vô đẳng/ Bể chảo Sẵn Sàng/ Chết con chó vàng/ Nhà ông mẹt Vượng…

“Sẵn Sàng” là tên đơn vị thanh niên xung phong người Nam Hà đóng ở làng tôi, đảm bảo giao thông cung đoạn đường sắt từ Đồng Lê về hang Minh Cầm. Các o, chú Sẵn Sàng ban đêm đi lấp hố bom, ban ngày học văn hóa, tập văn nghệ và chơi với đám con nít chúng tôi. Nhiều o, chú khen thơ tôi và động viên tôi cố gắng để nổi tiếng như cậu bé thần đồng thơ Trần Đăng Khoa cũng tầm tuổi tôi ở Hải Dương. Trẻ con hiếu thắng cả tin, được khen tôi càng phởn chí làm thơ, cứ vài ngày một bài, mà bài nào cũng hừng hực ý chí căm thù Mĩ ngụy. Đây là bài tả cánh đồng Hung làng tôi: Đồng Hung một dải quê em/ Hố bom chi chít, lúa lên xanh rờn/ Mặc máy bay ngày đêm bắn phá/ Mặc bom rơi đạn nổ quanh mình/ Bà con vẫn bám đồng chiến đấu/ Bám hố bom sản xuất thâm canh…

Rồi ca ngợi chiến công quân và dân miền Bắc: Ba ngàn năm trăm/ Máy bay tan xác/ Rơi trên miền Bắc/ Thế mới đáng đời/ Ních Xơn chớ đến vùng trời/ Tham ăn, cắn trộm, thì đời tan thây… Và mừng bộ đội miền Nam: Sáng nay tin xôn xao/ Từ Khe Sanh, đường Chín/ Bộ đội ta vây kín/ Đánh Mĩ ngụy tơi bời/ Không lực như sung rơi/ Vận thiết xa nát bấy… Có đến hàng chục bài hừng hực khí thế như vậy. Bài nào cũng đọc khoe với các o, các chú Sẵn Sàng và được khen nức nở. Các o, chú bảo chép lại sạch sẽ, đưa họ gửi báo giúp cho. Không rõ các o, các chú ấy có gửi cho báo nào không, nhưng từ tuổi thiếu niên đến năm đi bộ đội, tôi chưa có bài thơ nào được đăng báo. Sau này trưởng thành, đọc lại những bài thơ trên đây, tôi lại thầm mong là chúng chưa được gửi cho báo nào…

Năm kia nhà tôi có việc hiếu. Cơ quan báo Quân đội nhân dân cử một đoàn cán bộ vào viếng thân phụ tôi. Xe xuất phát ở Hà Nội đã chiều, nên vào đến thành phố Hà Tĩnh phải nghỉ lại hôm sau đi tiếp. Từ đấy về làng tôi chỉ hơn một trăm cây số, thế mà anh em phải sấp ngửa hơn nửa ngày đường xóc nảy lên dốc xuống đèo mới đến nơi. Ai đời giữa lúc tang gia sầu thảm như vậy mà anh bạn Văn Yên - Trưởng phòng Thời sự quốc tế - ghé vào tai tôi: “Này, cái mảnh đất khỉ ho cò gáy như này sao lại nứt ra một thằng nhà báo, nhà thơ như ông nhỉ?”. Tôi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời anh bạn, nhưng như một phản xạ tiềm thức, tôi đưa mắt nhìn ra góc vườn, nơi từng có cái lán chứa sách của thư viện Trung đoàn 18 năm xưa… 

M.N.T 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)