Miền ân tình ấm áp

Thứ Tư, 05/10/2016 00:13
NGUYỄN THỊ KIM HÒA
 
nha 20so 204

Lần đầu tiên tôi đến Nhà số 4 là một ngày giữa tháng mười một. Hà Nội lạnh se sắt. Bỡ ngỡ. Hồi hộp. Và có cả chút lo lo khi tôi bước chân qua cánh cổng lớn thâm nghiêm. Dù hôm ấy tôi đi cùng với mẹ. Dù hôm ấy tôi vui lắm. Tôi vượt hơn nghìn cây số đi nhận giải thưởng văn chương lớn đầu tiên của cuộc đời mình. Giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014.

Lễ trao giải được tổ chức vào sáng hôm sau. Nhưng biết mẹ con tôi lần đầu ra Bắc, lại không quen biết ai, nên các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội đã chủ động mời cả hai mẹ con đến thăm tạp chí, và như cách các anh nói vui là “tiếp đón tân hoa khôi”.

“Tân hoa khôi” thực ra là một đứa lơ ngơ lại mắc bệnh… đãng trí cấp cao. Được nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dặn dò hai ba lượt, lại thêm bác bảo vệ nhiệt tình chỉ dẫn, thế mà vào đến sảnh trong, chẳng biết hồi hộp kiểu gì mà tôi quên sạch, không biết đi tiếp cách nào…

Đã thân quen với nhà văn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy và nhất là trại trưởng Đỗ Tiến Thụy ở trại sáng tác Văn nghệ Quân đội mở tại Đồng Nai trước đó, nhưng khi vừa dứt cuộc gọi điện, chưa đầy hai phút đã thấy nhà văn Đỗ Tiến Thụy xuất hiện ở cầu thang cười chào đón, tôi vừa xúc động, vừa thấy cái lạnh của đông Hà Nội bắt đầu ấm dần lên.
Cũng trong buổi chiều ấy, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đưa tôi đi gặp Tổng Biên tập mới của tạp chí: nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Được ngồi trong căn phòng ấm áp, bên bình trà ấm, nghe nhà văn Nguyễn Bình Phương chân tình hỏi thăm về cuộc sống, về gia đình và việc viết lách, chút bỡ ngỡ, lo lo ban đầu khi tôi vào cổng Nhà số 4 đã bay vèo hết sạch. Ở trại sáng tác Đồng Nai, tôi cũng đã được gặp nhà văn Ngô Vĩnh Bình, được ngồi ăn cơm cùng bàn với bác và nghe những lời động viên chân tình bác dành cho người viết trẻ. Tham gia một cuộc thi truyện ngắn nhưng lại được tiếp xúc, được nhận lời động viên từ cả hai đời tổng biên tập, chắc cũng ít ai có may mắn như tôi.

Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình đến với Văn nghệ Quân đội là có hẳn một sự sắp đặt từ lâu lắm. Sắp đặt của duyên số.
Năm hai mươi tuổi, khi còn là cô sinh viên Kinh tế đối ngoại ở Sài Gòn, tình cờ tôi mua được một quyển tạp chí có cái tên lạ lạ - Văn nghệ Quân đội - trong nhà sách cũ. Quyển tạp chí như một dòng nước hiếm hoi tưới lên “mầm cây” văn chương tưởng đã chết trong tôi quãng thời gian đó, vì tôi ngập giữa những con số, hợp đồng, phương thức thanh toán... Sáu năm sau, khi bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên, tôi quyết định phải có quyển tạp chí ấy bên cạnh, như một người thầy, một người bạn. Hai năm sau nữa, tôi quyết định thử làm người cộng tác. Và chưa bao giờ có được cảm giác vỡ òa nào hơn lần được vỡ òa khi đọc thấy tên mình ở mục văn xuôi trên quyển tạp chí ấy. Lần đầu tiên.

Câu-chuyện-hành-trình này tôi có chia sẻ khi phát biểu trong lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn. Một buổi lễ trang trọng và có lẽ mãi là dấu ấn đáng nhớ trong đời viết của tôi.

Tôi, một con nhỏ chỉ mới tập tành viết được vài năm, một đứa quanh năm chỉ quanh quẩn trong góc nhà, một con cá bé tí trước cửa biển lần đầu chạm tới. Choáng ngợp. Vui sướng. Ngơ ngác. Bao nhiêu tâm trạng đổ dồn cùng lúc. Cuối cùng, tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài… cười.

Đến nỗi lúc còn ngoài hội trường, tên bạn viết, bạn thi, bạn giải là Đinh Phương nhờ chụp giùm tấm hình cùng nhà văn Bảo Ninh, một trong những vị giám khảo đã dành rất nhiều khen ngợi cho chúng tôi trong cuộc thi, bấm máy cho hắn xong, tôi vẫn không đủ can đảm để xin bác được chụp hình. Đến chạy lại chào và giới thiệu mình với bác, tôi cũng không dám nốt. Tận bây giờ tôi vẫn còn tự trách mãi vì sự nhút nhát khi ấy của mình.

Tôi cứ nhớ câu nhà văn Chu Lai nói với tôi khi ông ghé Ninh Thuận vào mùa hè sau đó bốn tháng, trong chuyến ông phượt ô tô Bắc - Nam cùng hai nhà văn Hà Đình Cẩn và Hà Phạm Phú. Ông nói: “Con bé này có tính cách của người viết văn!”. Chắc cũng vừa khen vừa ngầm ý phê bình tính nhát hít, hay bất ngờ thu mình trong các cuộc vui của tôi. Nhà văn Chu Lai cũng là vị giám khảo đã dành cho những truyện ngắn đoạt giải của tôi nhiều lời khen và nhận xét quý giá. Tôi cũng đã nhận được thêm nhiều chia sẻ kinh nghiệm viết lách và lời khuyên từ ông cũng như hai nhà văn đi cùng trong dịp ghé Ninh Thuận ấy.

Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ, thu nhặt thêm nhiều vốn liếng văn chương. Từ đó, tôi bắt đầu có những suy nghĩ rộng hơn, nghiêm túc hơn về viết lách. Tôi đã từng chỉ viết cho mình. Tôi viết để giải tỏa bản thân, để kiếm một liều thuốc tinh thần. Giờ, tôi thấy mình dần nhìn văn chương ở góc độ nghề nghiệp thực sự. Dù chỉ là một nghề “tay trái”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Có nhà báo đã hỏi tôi: “Khi mới bắt đầu viết, chị sợ gì nhất?”. Tôi trả lời  rằng: “Số phận!”. Không phải số phận của nhân vật hay của truyện tôi viết. Tôi sợ người ta đọc tôi bằng số phận của tôi. Đã có nhiều bài báo khai thác câu chuyện của tôi ngay từ khi tôi bắt đầu viết và được chú ý. Tôi hiểu tấm lòng của những người viết. Nhưng tận sâu thẳm, tôi vẫn không xua được một chút cả nghĩ, chạnh lòng. Tôi có nói vui với nhà văn Văn Thành Lê, người bạn tôi vẫn hay chia sẻ ngay từ những ngày đầu theo đuổi văn chương, rằng: “Hình như chuyện đời mình hấp dẫn hơn thứ mình viết”.
Nên thành thực mà nói, cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội cũng là cơ hội kiểm chứng của tôi. Xem liệu mình có thể làm được điều ngược lại.

Trước cuộc thi tôi chỉ mới đăng được ở Văn nghệ Quân đội một truyện. Bẵng đi hai năm, dù có gửi cộng tác, nhưng không truyện nào phù hợp. Khó khăn này cũng là một thôi thúc để tôi thêm quyết tâm chinh phục cuộc thi.

Quyết tâm là thế. Nhưng khi cuộc thi vào giai đoạn nước rút, đã có lúc tôi hoàn toàn kiệt sức. Bận rộn tối mặt với lớp học, thi cử của học trò trong giai đoạn ấy làm tôi không cách nào tập trung viết được. Sau trại sáng tác Văn nghệ Quân đội ở Đồng Nai, dù có thêm một truyện ngắn dự thi nữa được đánh giá cao, nhưng tôi đã định sẽ bỏ cuộc.

Chính nhà văn Nguyễn Đình Tú và Đỗ Tiến Thụy đã vực tôi dậy. Sau này tôi mới biết, là những người theo sát cuộc thi, lại được tiếp xúc với chúng tôi qua trại viết Đồng Nai, nắm và ước chừng được sức của từng thí sinh, nên hai anh đã không cho phép tôi ngừng lại. Trong giai đoạn đó, trước khích lệ và cả thúc giục của hai nhà văn, tôi đặt mình vào một áp lực kinh khủng.

Đối diện với áp lực, lạ là tinh thần tôi không chùn xuống mà bắt đầu giương lên như… gai nhím. Phải vượt qua. Nhất định phải vượt qua. Đó là điều tôi tâm niệm duy nhất trong lúc đó. Lần lượt ba truyện ngắn Giấc mơ đá vỡ, Đỉnh khói và Thôi mùa cỏ cháy ra đời sau đấy đã chứng minh, tôi có thể làm được.

Ai cũng từng có khoảnh khắc rưng rưng khi ngồi trước những dòng mình viết trên mặt báo. Rưng rưng tuyệt vời nhất của tôi, cho đến giờ, vẫn thuộc về giai đoạn ấy. Giai đoạn tôi nhận ra mình có thể vượt qua bản thân để, như nhà văn Nguyễn Đình Tú từng nói, “cháy hết mình” cho một quyết tâm, một đam mê trót dấn thân.

Đến với cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, tôi không chỉ được truyền lửa từ những người đi trước, được hiểu rõ hơn sức mình, mà còn được thêm một “gia tài” vô cùng quý giá trong cuộc đời. Đó chính là những người bạn. Những người bạn viết trên khắp mọi miền đất nước gắn bó với tôi đến giờ phút này đều là nhờ cầu nối trại viết Văn nghệ Quân đội.
Giải thưởng từ cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, với tôi, là món quà văn chương dành cho nỗ lực của bản thân. Một món quà khá bất ngờ. Món quà cho tôi thêm niềm vui, động lực để mỗi khi cầm bút lên, đối diện với những cơn đau, tôi luôn tự nhủ sẽ quên hết, sẽ chỉ sống cho trang viết. Như tinh thần những ngày tôi tham dự cuộc thi.

Giải thưởng Văn nghệ Quân đội cũng mở ra cho chặng đường sau này của tôi nhiều cái duyên. Sau giải thưởng, được chú ý hơn trên văn đàn, tôi tiếp tục cố gắng mài giũa, chuyên nghiệp hóa ngòi bút, dấn thân sang nhiều lĩnh vực, đề tài khác và giành thêm được nhiều bằng khen, giải thưởng ý nghĩa. Nhiều đồng nghiệp cứ chọc vui, rằng tôi là đứa “sát giải”, là đứa sở hữu “bộ sưu tập giải”, và sự trưởng thành của tôi là một “thành tích” đáng kể của Văn nghệ Quân đội.

Thực sự, là một tác giả trẻ, liên tục nhận được nhiều giải thưởng và vinh dự, tôi không khỏi cảm thấy áp lực và loay hoay bứt phá để khẳng định giải thưởng. Chính lúc ấy, Văn nghệ Quân đội lại trở thành chỗ dựa để tôi từng bước định hình lại bản thân, một lần nữa ra khỏi áp lực.

Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện lần thứ hai với nhà văn Nguyễn Bình Phương, ở hành lang bên ngoài Nhà số 4. Nghe tôi “than thở” về việc chưa tìm được hướng viết ưng ý, sau khi kể vài câu chuyện vui, cho tôi vài lời khuyên, anh cười bảo: “Cuối cùng, khi viết em phải quên hết đi. Kể cả lời khuyên của anh!”. Lời khuyên này sẽ theo tôi, chắc chắn dài lâu.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, với mỗi truyện ngắn tôi gửi cộng tác sau cuộc thi, hiểu cố gắng vượt qua hào quang giải thưởng của tôi, luôn dành cho tôi những lời động viên chân tình và cả những nhắc nhở nghiêm khắc.

Tác phong, nhiệt tình và tấm lòng của những nhà văn áo lính Nhà số 4 đối với tôi, có lẽ mãi mãi tôi không bao giờ quên được. Từ một con bé mò mẫm, xa lạ với những bước đầu tiên trong văn chương, nhờ Văn nghệ Quân đội, tôi đã thực sự trưởng thành. Những lần hiếm hoi được ra Hà Nội, đôi chân luôn tự giác đưa tôi về phố nhà binh, về ngôi nhà lớn thâm nghiêm, sang nhã, mà giờ với tôi đã thân thiết như gia đình.

Một ngày, lướt qua facebook nhà văn Đỗ Bích Thúy, thấy ảnh chụp khoảng sân phủ trắng màu hoa sứ, bỗng nhớ vô cùng một gốc cây, một khoảng sân, dù tôi mới dạo qua chỉ đôi lần.

Chắc vì màu hoa gắn bó với khoảng sân Văn nghệ Quân đội cũng chính là loài hoa champa tôi yêu nhất trên vùng sa mạc nắng quê tôi. Hay vì với mỗi góc ngôi nhà ấy, Nhà số 4, với tôi, đều thấm đẫm ân tình.

Ngồi giữa con nắng hè xứ Phan Rang khô khốc, tôi mong lắm lại một lần nữa bước qua cánh cổng Nhà số 4. Tôi thấy rõ ràng mình đang mỉm cười vui sướng, đang bước đi thật nhẹ, thật nhẹ rồi tinh nghịch ù ra ôm hết tất cả vào vòng tay.
Như một đứa con lâu lắm chưa về nhà.

N.T.K.H
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)