Với Văn nghệ Quân đội

Thứ Năm, 22/12/2016 15:46
. VĂN CÔNG HÙNG
 
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

Tôi không nhớ bài thơ đầu tiên của tôi được in trên Văn nghệ Quân đội là bài nào và vào thời gian nào nữa. Lâu lắm rồi, nhưng cho đến giờ, thi thoảng được in ở Văn nghệ Quân đội vẫn run rẩy sướng.

Giờ trong nhà tôi, tạp chí Văn nghệ Quân đội xếp hàng dãy dài trên giá sách. Thời những năm 80, 90 của thế kỉ trước, cứ hết năm tôi lại đóng thành tập, lưu cẩn thận như báu vật.

Cái thời khó khăn nhất, ăn đói mặc rét đầu những năm 80 trên Tây Nguyên ấy, tôi vẫn bỏ tiền túi ra đặt tạp chí Văn nghệ Quân đội, căn đúng ngày phát hành, chính xác là ngày tạp chí về đến Pleiku ở cái thời từ Pleiku ra Hà Nội mất ba ngày xe đò, lên văn thư cơ quan nhận về (hồi ấy đặt báo phải có giấy giới thiệu của cơ quan, và đặt với danh nghĩa cơ quan thì dễ hơn), đi từ phòng văn thư về phòng mình, tôi đã kịp đọc lướt mục lục, sau đấy cất vào ngăn kéo, để tối mới nhẩn nha đọc kĩ. Cho sướng.

Hồi ấy, trong hai tờ báo văn chương lớn nhất nước, Văn nghệ Quân đội cực mạnh về truyện ngắn. Cái gu truyện ngắn Văn nghệ Quân đội khiến hàng vạn người mê. Nó xum xuê, tầng lớp, hấp dẫn, gay cấn và cuốn hút. Tôi nhớ hôm ấy lên văn thư nhận tạp chí, mở xem lướt, đập vào mắt là cái truyện ngắn Có một đêm như thế, tôi vừa đi vừa đọc khi về đến phòng là hết cái truyện ngắn ấy. Tất nhiên là có mấy đoạn đứng lại để đọc vì đường khá ngắn. Đến phòng, tôi nói ngay với Ngô Thị Hồng Vân, đồng nghiệp của tôi, và cũng là một cây bút khá nổi hồi ấy, sau này chị bỏ ngang vào Sài Gòn buôn bán và cũng rất thành đạt, rằng chắc chắn truyện ngắn này sẽ được giải Văn nghệ Quân đội năm nay. Vân vồ lấy đòi đọc, nhưng tôi bảo, từ từ, mai tớ cho mượn đọc chứ tớ không cho ai mượn khi tớ chưa đọc xong. Vân ấm ức vì sau đấy tôi không đọc, mà như thường lệ, bỏ vào ngăn kéo để tối mới đọc, nhẩn nha đọc, từ từ đọc, mới thấm hết cái sự... sướng.

Cũng hồi ấy, các nhà văn trong ngôi nhà số 4 luôn là những ông thánh trong tôi. Vài lần đi qua đấy, cũng như nhìn 65 Nguyễn Du hồi còn là trụ sở Hội Nhà văn, 17 Trần Quốc Toản... tôi đều chỉ len lén nín thở đi qua, rồi lại rón rén vòng lại, tất nhiên là ngoài đường, rồi cuối cùng là... tiếc rẻ đi thẳng, chứ không dám vào. Bởi trong ấy toàn là các đấng, các bậc, nghe tên đã khiếp đối với bọn mon men viết lách như tôi chứ làm sao mà dám gặp, tiếp xúc.

Rồi cũng có lần tôi lọt được vào đấy. Và té ra là các “đấng”, các “bậc” ấy hiền lành đến mức khiến tôi ngạc nhiên, tưởng mình quen các ông ấy tự đời nảo đời nào. Ngồi trong phòng nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhìn ra, tôi thấy các thần tượng của tôi đang... khoe xe máy. Mỗi bác nghiêm trang dựng một cái xe máy trước mặt, tay cầm cái khăn, nổ máy lên, lấy khăn bịt ống xả, xe nào nổ nhỏ nhất là xe ấy tốt, các bác ấy bảo thế. Hồi ấy tôi nhớ toàn Cub, mà “kim vàng giọt lệ” là oách nhất. Xe nào xe nấy sạch như lau như li chứng tỏ các bác thường xuyên quan tâm đến xe, chăm chút chúng từng li từng tí.

Và các bác ấy cũng mang sự kĩ tính ấy vào văn chương.
Các tác phẩm được chọn in trên Văn nghệ Quân đội đều là những loại “không phải dạng vừa đâu”. Nghiêm ngắn, chỉn chu, bề thế, sang trọng, đọc sướng, dẫu có người bảo dư ba đời sống vào đấy hơi ít. Ngay bây giờ, khi mà thế giới mạng cho phép mỗi người viết đều là chủ một tờ báo và một nhà xuất bản, thì được in ở Văn nghệ Quân đội vẫn là niềm vinh dự của rất nhiều người. Ít thấy người khùng lên vì bị Văn nghệ Quân đội sửa hoặc từ chối in, mà phần lớn là tâm phục khẩu phục. Trong nhiều bài thơ in ở Văn nghệ Quân đội, tôi một lần được các anh ấy sửa cho một chữ, và khi đọc lại thì hết sức thán phục, vì nó đúng và hay. Ấy là câu: Hoang sơ chiều rót đầy vai/ ché và chiêng và đầy vơi rượu cần, được sửa thành: Hoang sơ chiều rót tràn vai. Thứ nhất trong trường hợp này tràn hay hơn đầy, thứ hai nó không bị lặp ở chữ đầy của câu sau. Đến giờ, bài thơ này in lại ở đâu cũng đều mang chữ tràn của Văn nghệ Quân đội.

Sau lớp các đàn anh thì đến lớp ngang lứa, bạn bè và giờ là lớp đàn em. Đàn em là về tuổi tác, chứ tôi rất phục họ về văn tài. Cái truyền thống Văn nghệ Quân đội lớp này truyền lớp khác, họ vẫn giữ, nhất là sự kĩ, sự chỉn chu. Tôi thấy cách “ông” Đỗ Tiến Thụy làm văn xuôi mà khiếp. Không nể nang, không du di, cương quyết khó tính đến cùng..., hay “ông” Phùng Văn Khai làm thơ cũng thế, kĩ và tinh, nhờ thế nó làm nên một Văn nghệ Quân đội thương hiệu, một Văn nghệ Quân đội ngôi đền văn chương, một trụ sở Hội Nhà văn thứ hai như một nhà thơ nổi tiếng từng phát biểu...

Cụm từ “Nhà số 4” giờ là biểu trưng của một trung tâm văn chương, và nó đang được trẻ hóa, đầy năng động và cũng đầy sức sống. Một mặt nó phát huy truyền thống của các đàn anh, các bậc thầy truyền lại, mặt khác, nó đang mở ra thêm nhiều chiều, nhiều hướng để tạp chí vẫn thâm nghiêm, trầm mặc như hai cây đại già - biểu tượng của Nhà số 4 - tự thời nào, mà lại tươi, mà mướt, mà khỏe khoắn như đội ngũ các nhà văn đang “trụ trì” trong ngôi nhà này, như cái búp nõn của cành đại luôn vươn mãi trong nắng khiến nhiều người xốn xang. 

V.C.H 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)