. NGUYÊN THANH
Hình thức tương phản được tác giả sử dụng để mỉa mai chế giễu những sự việc lố bịch, phản tiến bộ của những kẻ đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Trong các năm 1957, 1959, 1961 Liên Xô lần lượt đưa vệ tinh, tên lửa rồi tàu vũ trụ lên không trung. Ganh tị, ghen ghét và quyết chạy đua vũ trang với Liên Xô, đế quốc Mỹ cũng quyết đưa vũ trụ lên làm bạn với “chị Hằng”. Nhưng: “Việc phóng con tàu vũ trụ thất bại càng thảm hại. Đại tá Glen đã ngồi vào hòm kín chờ suốt 4 tiếng đồng hồ. Tổng Ken đã đến sẵn ở đài vô tuyến truyền hình, chỉ chờ đến phút truyền tin tức và hình ảnh khắp thế giới. Hải quân Mỹ đã động viên 30 chiếc tàu, 4.000 thuỷ thủ và hơn 2.000 chuyên gia bố trí khắp bốn biển, chờ vớt phi công Glen lên. Công ty "vô tuyến truyền hình" đã tiêu 50 vạn đôla để chuẩn bị đưa tin và ảnh. Nhưng...
"Hoãn! Không bay được!". Mệnh lệnh sét đánh ngang tai đó đã làm cho "cả nước Mỹ chìm đắm trong bầu không khí bi quan ảm đạm... Chính phủ quảng cáo quá rùm beng cho nên nhân dân thất vọng càng sâu sắc... Mọi người ngẩn ngơ và buồn bực... Tổng thống cũng không giấu được sự thất vọng..." (lời các báo Mỹ).
Cuộc "du hành vũ trụ" thất bại đã hao tốn 400 triệu đôla. Nếu chia ra cho 180 triệu người Mỹ thì mỗi người phải mất toi 2 đôla 16 xu (Tập 10, tr 508). “Du hành vũ trụ” là điều đáng biểu dương nếu mang mục đích hoà bình nhưng“du hành vũ trụ” kiểu Mỹ phục vụ chiến tranh nên đáng bị lên án. Bác Hồ đã mỉa mai “việc phóng con tàu vũ trụ thất bại” bằng cách dựng lại các sự kiện trước thì vui mừng hồi hộp nô nức bao nhiêu và sau khi “hoãn”, thì bi quan ảm đạm, thất vọng càng sâu sắc, ngẩn ngơ và buồn bực bấy nhiêu. Chưa hết, sự thất bại này còn tạo ra một tương phản khác: vì tốn kém nên rút cuộc, gánh chịu hậu quả lại chính là người dân Mỹ. Một ý nghĩa toát ra: chế độ nào làm ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người dân đều đáng chế giễu. Ơ một ví dụ khác cũng dùng phép tương phản để làm bật ra bản chất hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc: “Trong lúc đại biểu 17 nước đang họp ở Giơnevơ để bàn cách giải trừ quân bị và cấm bom hạt nhân, thì Mỹ (và Anh) bắt đầu (25-4-1962) thử lại bom hạt nhân, do máy bay từ mấy chục cây số trên trời thả xuống.
Trước đây, Mỹ đã từng thử bom ở xứ Nêvađa, trong nước Mỹ. Lần này, chúng thử ở Thái Bình Dương, cách xa Mỹ hàng ngàn cây số. Vì lần này tia phóng xạ nguy hiểm hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết: sau cuộc thử bom này, mưa phóng xạ sẽ tràn về phương Nam đến Inđônêxia, Ấn Độ, Nam Việt Nam, châu Phi, châu Nam Mỹ... Rồi nó sẽ quay lại các vùng phía Bắc địa cầu.
Giáo sư Pôlinh nói: Ngay sau đợt phóng xạ này, ít nhất sẽ có 286.000 trẻ con mắc bệnh nguy hiểm, và độ 3 triệu trẻ con trong thai mẹ và mới đẻ - sẽ chết ! Đó là chưa kể những tai hại lớn xảy ra sau này.
Thật là tội ác tầy trời!
Có người hỏi: Tháng 9 năm ngoái, Liên Xô cũng thử bom hạt nhân thì sao?
Trả lời: Là một nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô không có một căn cứ quân sự nào ở nước ngoài. Liên Xô không hề đe doạ ai. Liên Xô thử bom chỉ nhằm cảnh cáo bọn đế quốc khiêu khích.
Mỹ là một nước đế quốc chủ nghĩa, có hàng trăm căn cứ quân sự khắp năm châu, đe doạ Liên Xô, đe doạ các nước xã hội chủ nghĩa khác và các dân tộc đang đấu tranh để giành lại độc lập, tự do (Tập 10, tr 562). Một loạt tương phản được Người đưa ra, tương phản về mục đích, một bên là mục đích hoà bình: Trong lúc đại biểu 17 nước đang họp ở Giơnevơ để bàn cách giải trừ quân bị và cấm bom hạt nhân, một bên thì chuẩn bị chiến tranh: thì Mỹ (và Anh) bắt đầu (25-4-1962) thử lại bom hạt nhân; tương phản về thời gian: trước đây và lần này; tương phản về không gian: về phương Nam đến Inđônêxia, Ấn Độ, Nam Việt Nam, châu Phi, châu Nam Mỹ... Rồi nó sẽ quay lại các vùng phía Bắc địa cầu; tương phản giữa Liên Xô và Mỹ tuy cùng hành động thử bom nhưng mục đích khác hẳn nhau.
Diễn tả cuộc sống khốn cùng nhân dân lao động và sự mất nhân tính vì lợi nhuận của bọn chủ tư bản nhưng nhờ sử dụng hình thức tương phản, chỉ bằng mấy câu văn ngắn đã làm bật ra được cái mâu thuẫn không thể dung hoà: “Châu Mỹ latinh có độ 200 triệu người. Hai phần ba là thổ dân, người lai và người da đen bị coi như nô lệ. Cứ một phút đồng hồ thì có bốn người chết vì đói khổ, vì bệnh tật, vì già yếu. Trong một năm có 2 triệu người chết thê thảm như vậy. Mặt khác, cứ một phút thì bọn tư bản Hoa Kỳ ở châu Mỹ latinh thu được 4.000 đôla tiền lãi. Nhân dân mất một người chết thì bọn tư bản được 1.000 đôla” (Tập 11, tr 26). Số phận dân đen sống dưới sự chà đạp của chủ nghĩa tư bản là thế, mà bọn tư bản Hoa Kỳ lại làm giàu trên xương máu của người dân là vậy. Ý nghĩa toát ra từ sự tương phản này: còn chủ nghĩa tư bản là còn sự bóc lột, còn sự bất bình đẳng, còn mâu thuẫn trời vực giữa nhân dân lao động và kẻ bóc lột! Xin dẫn một ví dụ khác Bác Hồ vạch ra những chuyện “kỳ quái”,”ngược đời” trong xã hội Mỹ để chúng ta cùng thấy thực trạng đen tối, nhất là mâu thuẫn về quyền sống của hai giai cấp, kẻ bóc lột và người bị bóc lột:
“Độ 50 triệu người Mỹ sống dưới mức thấp nhất: ăn không no, đói không chết, ốm không thuốc men, nhà ở lụp xụp, không được học hành. Người ta gọi họ là một nước Mỹ khác...
- Những sự ngược đời. Trong lúc hàng chục triệu người dân Mỹ ở trong tình trạng khốn khổ như vậy, thì bọn tư bản kếch sù Mỹ lại sống xa xỉ một cách không thể tưởng tượng. Ví dụ: Tờ Tin tức hằng tuần viết: Trong năm 1963 bọn nhà giàu Mỹ đã tiêu cho mèo và chó "yêu" của chúng hơn 3.000 triệu đôla. Chó và mèo của chúng có người hầu hạ, có thức ăn đặc biệt tẩm bổ, có áo sang trọng đắt tiền, có vòng đeo bằng châu báu, có xe hơi và phòng ở riêng, có lớp huấn luyện lễ phép, v.v…
Kỳ quái hơn nữa: để mua chuộc lòng dân trong cuộc tuyển cử tổng thống sắp tới, hồi tháng tư năm nay, tổng Giôn đã mở một "chiến dịch đánh lùi nghèo khổ". Y trích 300 triệu đôla cho việc này. Nếu chia số tiền đó cho 50 triệu người Mỹ nghèo khổ, thì mỗi người một năm được sáu đôla (một tháng được năm hào). Trong khi đó mỗi tháng Mỹ tiêu một triệu 50 vạn đôla trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam.
Bộ mặt thật của Mỹ là như vậy đó (Tập 11, tr 278, 279). Đây là một đoạn trong bài báo Mỹ mà không đẹp, Bác viết đăng trên báo Nhân dân, số 3712 ngày 29 - 5 - 1964 với bút danh Chiến Sĩ, tất nhiên là nói về xã hội Mỹ những năm đó. Từ đó đến nay, chủ nghĩa đế quốc không thay đổi về bản chất, về cơ bản xã hội Mỹ vẫn là như vậy. Những ví dụ như trên cho chúng ta một bài học nhận thức về chủ nghĩa đế quốc, không tin cậy hay ảo tưởng về một thế lực đã từng đưa quân sang xâm lược chiếm giết nhân dân, đồng bào ta.
Có những sự vật hiện tượng tương phản “buồn cười” đến mức lạ lùng chỉ có ở nước Mỹ:
“Buồn cười nhất là "Hội bảo trợ súc vật" ở Ferdinando Valley (Mỹ) đọc điếu văn các con thú chết ở Bikini. Ban đầu, họ đem âm nhạc nhà binh ra thổi, bị quân đội phản đối không cho thổi, vì lẽ rằng làm như vậy là khinh thường âm nhạc của nhà binh. Rồi họ muốn treo cờ rủ để chia buồn, lại bị dân chúng phản đối, vì lẽ rằng quốc kỳ là của người chứ không phải của súc vật. Tức mình, các hội viên ra lệnh cho chợ bán dê "mặc niệm" ba phút. Khi mặc niệm, dê kêu be be rầm cả chợ!” (Tập 4, tr 387).
Đọc văn Bác Hồ chúng ta luôn được học hai bài học, bài học về nội dung ý nghĩa và bài học về cách sử dụng các nguyên tắc hình thức nghệ thuật. Về bài học nghệ thuật, chắc là khi viết tác giả của nó không cố ý vì câu chữ rất mực giản dị, nhưng đằng sau cái giản dị ấy là một nghệ thuật bậc thầy, tự nhiên, không cố ý. Một ví dụ dưới đây chúng tôi xin minh hoạ cho phép tương phản trong văn xuôi của Người, một ví dụ thật mộc mạc mà sâu sắc, tinh tế: “Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví dụ như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước ở tận sau thuyền, dưới ướt trên khô. Buồm thì thảnh thơi. Lái suy bì với chèo, chèo suy bì với buồm: “Anh buồm nằm yên một chỗ, đến khi căng lên, có trăng có gió, trông thật thảnh thơi, ai ai cũng thấy. Còn tôi vất vả suốt ngày mà chẳng ai thấy. Ba bộ phận đòi đổi cho nhau: Lái làm buồm, buồm làm chèo, chèo làm lái. Như thế sẽ đi đến đâu? Sẽ không thành chiếc thuyền nữa. Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang cả. So với số lượng đảng viên của Đảng ta lúc Cách mạng Tháng Tám, số đảng viên ở các cơ quan Trung ương hiện nay đông hơn gấp bốn lần. Đó là chưa kể hơn một vạn đoàn viên thanh niên lao động. Cho nên, phải lãnh đạo đảm bảo công tác chuyên môn cho tốt. Mỗi đảng viên phải nhận rõ nhiệm vụ của mình là phải tiến bộ trong công tác, tiến bộ về tư tưởng, làm gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời lấy tinh thần của người đảng viên cộng sản giúp đỡ anh em ngoài Đảng cùng tiến bộ. Các chi bộ phải thi đua với nhau, giúp đỡ lẫn nhau làm tròn nhiệm vụ (Tập 10, tr 166, 167). Lời văn ở mảnh đoạn đầu mang dáng dấp của một ngụ ngôn nói về quan hệ giữa các bộ phận không thể thiếu trong một con thuyền. Trên cơ sở đó tác giả liên hệ đến công việc cách mạng ở mảnh đoạn sau. Một sự liên tưởng hết sức tự nhiên mà phù hợp nội dung của công việc được nói tới. Qua hình ảnh con thuyền có chèo, lái, buồm Bác cụ thể hoá một quy luật tự nhiên: các sự vật như ba bộ phận chèo, lái, buồm kia là không thể thay thế, gánh vác các chức năng của nhau. Công việc cách mạng cũng vậy, không ai làm thay ai, ai cũng có nhiệm vụ, trách nhiệm riêng. Và đó là bài học cho tất cả mọi người.
Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, cả nước ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ. Vì chưa có thời gian đào tạo huấn luyện cán bộ nên hàng ngũ lãnh đạo không ít người không chỉ khó khăn trong công tác chỉ đạo mà còn vấp ngã về lối sống. Đứng trước tình hình đó, ngày 1- 3- 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ với mục đích “ kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm”. Điều rất nên chú ý là những bài học ấy, ở ngày hôm nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Người chỉ ra một loạt các khuyết điểm như: Địa phương chủ nghĩa, Óc bè phái, Óc quân phiệt quan liêu, Óc hẹp hòi, Ham chuộng hình thức, Làm việc lối bàn giấy, Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, Ích kỷ hủ hóa. Xin trích một vài “căn bệnh”:
“Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe…
Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông "vua con" ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hoẹ. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc "ông tướng, bà tướng" ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân…
Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được.
Tư tưởng hẹp hòi, thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi không thể phát triển… (Tập 5, tr 72). Bác triệt để dùng phép tương phản trong việc chỉ ra biểu hiện cụ thể của mỗi khuyết điểm, và cũng chỉ phép tương phản mới làm nổi lên những khuyết tật đáng chê trách hoàn toàn đi ngựơc lại đạo đức cách mạng: Dĩ công vi thượng. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (viết xong tháng 10 - 1947, xuất bản lần đầu tiên năm 1948), ở chương III Tư cách và đạo đức cách mạng, mục 5 phần B có tên Những khuyết điểm sai lầm, Người chỉ ra tám căn bệnh: Bệnh tham lam, Bệnh lười biếng, Bệnh kiêu ngạo, Bệnh hiếu danh, Thiếu kỷ luật, óc hẹp hũi, óc địa phương, óc lãnh tụ, và một số bệnh khác như: Bệnh “hữu danh vô thực”, Kéo bè kéo cánh, Bệnh cận thị, Bệnh “cá nhân”…Qua phép tương phản Người chỉ ra một cách nổi bật mỗi căn bệnh để mọi người dễ nhận ra để khắc phục, sửa chữa. Chúng tôi xin chép lại một vài “căn bệnh” để thấy, ở ngày hôm nay, đây vẫn là những ung nhọt cần “giải phẫu” một cách triệt để thì mới có thể thực hiện nhanh hơn ước mơ của Bác Hồ, đưa nước ta trở thành một nước sánh vai với các cường quốc năm châu:
“a) Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình.
Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình.
b) Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh.
c) Bệnh kiêu ngạo - Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác” (Tập 5, tr 255).
Trong phần IV cuốn Sửa đổi lối làm việc Người dành riêng cho Vấn đề cán bộ, coi đây là một trong những vấn đề hạt nhân của công việc cách mạng. Chúng tôi rất chú ý tới lời Người dạy về cách chọn cán bộ làm sao cho thật hài hoà nội dung và hình thức, lý luận và thực tế: “Trong Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gụi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó.
Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù” (Tập 5, tr 275). Trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những mâu thuẫn tương phản như vậy, điều quan trọng và cần thiết như Bác nói là “phải sửa chữa ngay những điểm đó”. Không phải chỉ ở thời điểm đánh giặc chúng ta mới chú trọng hơn cả đến vấn đề nội dung thiết thực, mà ở thời nay cũng vậy, lời Bác phê bình vẫn là bài học lớn: “Dài dòng, rỗng tuếch - Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài” (Tập 5, tr 299). “Dài dòng, rỗng tuếch” là hình thức vô bổ, hơn thế đúng như Bác mỉa mai qua so sánh “Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”. Đấy là tinh thần thiết thực đề cao hiệu quả công việc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bốn chữ Cần Kiệm Liêm Chính của cổ nhân mà Bác Hồ cho rằng không bao giờ cũ, đấy chính là tư tưởng biện chứng về kế thừa tinh hoa truyền thống để làm tốt hơn, hay hơn, lợi ích hơn ở hiện tại. Ví dụ dưới đây Người nói về tinh thần tiết kiệm, ai cũng thấy đúng, thời nào cũng đúng:
“- Việc đáng chê - Vừa rồi, vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã "liên hoan" hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê! Đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè. Cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi?
Lãng phí tiền của và công sức như vậy, là lỗi tại ai?
Lỗi tại các cán bộ huyện, cán bộ xã. Lỗi tại đảng viên và chi bộ!
- Việc đáng khen - Một hợp tác xã nông nghiệp ở xã Chiến Thắng, tỉnh Hưng Yên chuẩn bị "liên hoan" được mùa dự tính mua một bò, một lợn hết độ 140 đồng. Nhưng sau khi học tập bài "Cần kiệm xây dựng hợp tác xã" đăng trong báo Nhân dân, bí thư chi bộ và ban quản trị khai hội bàn bạc. Toàn thể xã viên đều nhận rằng "liên hoan" như thế là lãng phí, là không đúng. Và bà con đã nhất trí tán thành dùng số tiền ấy thêm vào vốn để sản xuất Đông - Xuân” (Tập 10, tr 38). Đặt hai việc đáng khen đáng chê ngay cạnh nhau đã làm rõ sự lợi hại của tiết kiệm và lãng phí. Tư tưởng về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể gói gọn trong bốn chữ: Dĩ công vi thượng, nghĩa là người cách mạng phải coi việc công, việc chung, việc của tập thể lên trên hết. Chính vì thế nó hoàn toàn tương phản với chủ nghĩa cá nhân. Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Bác đã giải thích trong phép tương phản với đạo đức tập thể: “Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội (Tập 10, tr 306).
NT