. CAO HẢI SINH
Tương phản - một thủ pháp nghệ thuật truyền thống, quen thuộc được sử dụng nhiều trong truyện cười dân gian, trong tục ngữ ca dao trào phúng. Đặc điểm của tương phản là luôn có hai hoặc nhiều sự vật, hiện tượng trái ngược nhau nhưng được đặt cạnh nhau để chúng tự làm nổi rõ đặc điểm. Trong tiếng cười Hồ Chí Minh, hình thức này giúp người đọc khám phá ra bản chất của các phạm trù cái hài đối lập với những hình thức che giấu nó.
Trên báo Le Paria, số 5, ngày 1- 8-1922 có bài viết với tiêu đề : Khai hoá giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Ngay cái tiêu đề này đã gây sự chú ý ở sự mâu thuẫn: khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man nhất, tàn bạo nhất. Nội dung bài báo cũng là sự tương phản triệt để hai không gian: Xứ Đông Dương và Mácxây: “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Xarô?”. Năm 1922, Hội chợ triển lãm thuộc địa Macxây được tổ chức với mục đích trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về với dụng ý nói lên sự giàu có của thuộc địa và “công lao khai hoá” của thực dân Pháp, qua đó mời gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác ở các thuộc địa. Bài báo này đó vạch trần sự giả dối của Hội chợ: người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương. Tác giả tận dụng phép tương phản để vẽ ra hiện thực chết đói, giết người ở xứ Đông Dương. Trong phần tái bút, người viết cụ thể hoá sự tương phản này qua một chi tiết:
“T.B.- Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì ngài Tổng thanh tra Rêna, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi, bình đẳng! Bình đẳng quý hoá thay!” (Tập 1, tr 95). Một tương phản gắt gao, không thể chấp nhận: cũng là con người mà một đằng thì “không đáng giá một đồng trinh”, một đằng chỉ “bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường”. Hai chữ “bình đẳng” được tác giả nhại ở cuối bài bổ sung thêm, làm rõ tính chất cực kỳ phản động, giả dối của thực dân Pháp.
“Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và nhà thờ. Xưa kia, dưới chế độ An Nam, ruộng đất chia thành nhiều hạng tuỳ theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền các quan cai trị người Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. Thế là người dân cày An Nam buộc phải nộp thuế cho đám ruộng của mình nhiều hơn số họ thu hoạch được”( Tập 1, tr 227). Đây là một đoạn trích trong bài báo Tình cảnh nông dân An Nam được tác giả cho in trên báo La Vie Ouvrière ngày 4 -1 1924. Chúng ta chú ý tới sự mỉa mai trong câu văn qua mâu thuẫn “è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ”. Công ơn bảo hộ mà lại phải “è cổ ra mà chịu”? Đúng là nghịch lý nhưng nghịch lý này lại làm bật ra một sự thật: người Pháp sang An Nam bóc lột nhưng lại rêu rao là sang “khai hoá, bảo hộ”… Đoạn văn nổi lên một sự tương phản phi lý giữa nông dân An Nam “phải è cổ ra mà chịu” và những kẻ “bảo hộ”. Người nông dân An Nam thì: chịu bị áp bức, chịu bị ăn cắp, chịu bị cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản… phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch… Còn kẻ “bảo hộ” thì sao? Đó là một lũ người ăn bám, lũ người lười biếng. Đó là những tên đao phủ có một cuộc sống rất thừa thãi. Đó là những kẻ phù thuỷ mà “chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt”.
“Ông Xarô tốt bụng, Bộ trưởng cấp tiến Bộ Thuộc địa, cái người bố thân yêu của dân bản xứ (ông ta nói thế), âu yếm người An Nam và được họ quý trọng.
Để truyền thụ nền văn minh của Pháp mà ông ta là tác nhân chính, ông ta không lùi bước trước một cái gì hết, kể cả những hành vi hèn hạ và những tội ác” (Tập , tr 25). Tác giả nói về ông “Xarô tốt bụng, Bộ trưởng cấp tiến Bộ Thuộc địa” cũng là một cách để nói tới chính sách của thực dân Pháp vì ông này thay mặt Chính phủ “bảo hộ” người An Nam. Hai chữ “âu yếm” thường được dùng trong nghĩa cụ thể nhưng trong văn cảnh này lại dùng theo nghĩa trừu tượng đã bật ra hàm ý mỉa. Ông là “cái người bố thân yêu của dân bản xứ” nhưng không phải là dân bản xứ nói mà là ông ta nói. Dù có là mỉa đi chăng nữa thì vẫn chưa rõ cái ý châm biếm sâu cay bằng cái vế trong một câu văn: “Để truyền thụ nền văn minh của Pháp mà ông ta là tác nhân chính, ông ta không lùi bước trước một cái gì hết, kể cả những hành vi hèn hạ và những tội ác”. Câu văn vẫn cấu trúc theo lối nghịch nghĩa: văn minh là tốt đẹp trái hẳn với “những hành vi hèn hạ và những tội ác”. Một sự tương phản rõ rệt giữa hình thức (lời nói) và nội dung (hành vi) nổi lên sự giả dối tàn bạo đểu cáng của chính sách thực dân mà ông “Xarô tốt bụng” là đại diện.
“- Tiếp theo châm ngôn "Đã có nước Đức trả" là câu châm ngôn "Đã có các thuộc địa trả". Nước mẹ đòi hỏi các thuộc địa phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ, trong khi đó thì nước mẹ lại vừa cấm xuất khẩu pôtát của Andátxơ sang thuộc địa, để hoàn toàn dành riêng sản phẩm đó cho nông nghiệp Pháp” (Tập 1, tr 270). Thật là một sự ngược đời trắng trợn. Theo lôgích thông thường thì “mẹ” phải nuôi con, chăm sóc dưỡng dục con, đằng này lại hoàn toàn ngược lại, nước Mẹ Pháp không những bắt các con thuộc địa “phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ” mà còn bắt các con … nhịn đói! Bản án chế độ thực dân Pháp được Nguyễn Ái Quốc cho in lần đầu tại Pari có thể coi như là một trong những bản kết tội đanh thép nhất, có sức thuyết phục nhất về tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước thuộc địa. Bút pháp chủ đạo của tác phẩm là bút pháp trào phúng đả kích, mỉa mai, châm biếm sâu cay chiến tranh mà thủ phạm chính là chủ nghĩa thực dân. Những kẻ gây ra chiến tranh đồng nghĩa với những kẻ lừa đảo dối trá:
“Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, - chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế(Tập 2, tr 23). Đoạn văn là tầng lớp các hình ảnh tương phản. Cùng một hình tượng dân bản xứ nhưng trước 1914 và sau đó thì khác hẳn, trước 1914 là “những tên da đen bẩn thỉu, những tên "Annamít" bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn…”. Sau 1914 lại là “những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa”. Thậm chí họ đựơc coi "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Lại một sự tương phản tiếp theo: “để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào”. Họ phải trả giá cho “cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do" bằng cái chết thảm thương: “phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu”… Và đặc biệt là sự tương phản gay gắt: “lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”. Một sự tương phản qua cách nói vòng. Nếu nói thẳng: họ chết để cho các ngài thực dân hưởng lợi thì là nói trắng ra không còn gì là hài hước mỉa mai; phải cho câu văn “vòng vèo” để chêm vào đó những danh từ đáng phỉ nhổ. Ý nghĩa phổ quát từ hình thức tương phản này toát lên một sự thật: sự không thể dung hoà giữa chủ nghĩa thực dân và các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân là chiến tranh, là dối trá, là sống trên máu xương của người dân thuộc địa. Còn chủ nghĩa thực dân thì các dân tộc thuộc địa còn chịu làm nô lệ!
“Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nêgrô lẫn người "Annamít" mặc nhiên trở lại "giống người bẩn thỉu".
Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, v.v. trước khi đưa họ đến Mácxây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!", đó sao?
Thế là những "cựu binh" - đúng hơn là cái xác còn lại - sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lý nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lý cả” (Tập 2, tr 29). Cái gốc của văn trào phúng vẫn là tình thương yêu con người sâu sắc, cháy bỏng, và như một hệ quả của tình yêu thương ấy là sự căm ghét cái ác, căm ghét đến tận cùng những gì đi ngược lại cái nhân tính của con người. Đoạn văn trên là một thí dụ rất tiêu biểu. Những phương tiện để biểu hiện cho sự mỉa mai là cảm hứng chủ đạo, rất phong phú các phép tu từ gây hài. Là ẩn dụ trào phúng: đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, tức là chiến tranh đã chấm dứt. Nếu chỉ nói ý mà không có ẩn dụ thì không thể nói được sự vô nghĩa của những cái chết của người dân thuộc địa châu Phi (thịt đen), châu Á (thịt vàng). Là phép lặp cú pháp kết hợp với câu hỏi tu từ: chẳng phải, chẳng phải…như đay đả, cật vấn về tội ác, về sự phản bội niềm tin của các ngài thực dân với các "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Là sự nói ngược, “để ghi nhớ công lao người lính An Nam” mà lại bằng cách “đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ”… Và nhất là phép tương phản. Tương phản trong hình tượng “các ngài cầm quyền nhà ta”, trước chiến tranh thì có“những lời tuyên bố tình tứ”, sau chiến tranh thì đúng là cả một lũ “cạn tàu ráo máng”: "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!"…
Dĩ nhiên là có cả sự tương phản trời vực giữa nước Mẹ chính quốc và các nước thuộc địa. Sự tương phản giàu có, văn minh lạc hậu là đương nhiên, nhưng cái oái oăm lại là sự tương phản đến mức phi lý như thế này:
“Như các bạn đều biết, các thuộc địa vẫn được gọi là những nước Pháp hải ngoại, và người Pháp của những nước Pháp ấy là người An Nam, người Mađagátxca hoặc người...v.v.. Bởi thế, cái gì ở bên này là phải thì ở bên kia là trái, và cái gì ở bên kia được phép thì ở bên này bị cấm. Thí dụ: ở bên ấy, tất cả người Pháp đều được phép làm cho dân bản xứ ngu muội đi bằng thuốc phiện, họ càng bán được nhiều thuốc phiện, thì càng được quý trọng; nhưng ở bên này, nếu anh đem bán thứ thuốc độc ấy thì, anh sẽ bị tóm cổ ngay lập tức. Nếu ở bên Pháp, một viên chức cao cấp được phép vận quần áo lót để đi ra đường, thì ngược lại một ông hoàng bản xứ không có quyền mặc áo bản xứ, ngay cả khi ở nhà và đang ốm” (Tập 2, tr 47). Từ sự tương phản phi lý bật ra hai ý nghĩa: một là chính sách ngu dân bằng đầu độc rượu và thuốc phiện của thực dân ở thuộc địa, hai là tước bỏ rồi tiến đến xoá bỏ văn hoá thuộc địa. Tất cả đều là phản động đến mức phản văn minh. Còn đây là tương phản về "dân chủ": “Một giáo viên bản xứ lĩnh 555 phrăng và một giáo sư người bản xứ lĩnh 1.200 phrăng mỗi tháng, còn một giáo viên người Pháp lại lĩnh những 3.750 phrăng và một giáo sư người Pháp lĩnh những 6.000 phrăng mỗi tháng, đấy là chưa kể mọi thứ phụ cấp mà chỉ riêng giáo viên và giáo sư người Pháp mới được hưởng.
Ta hãy nêu ra một vài con số nữa: một viên thiếu uý Pháp lĩnh 62.244 phrăng; một viên trung uý Pháp được 77.844 phrăng; một viên đại uý Pháp thì được 93.444 phrăng; một viên công sứ ở Bắc Kỳ thì mỗi năm được 234.000 phrăng, chưa kể các khoản phụ cấp. Còn một công nhân nông nghiệp người bản xứ thì mỗi năm kiếm được từ 400 đến 500 phrăng.
Ách thống trị của bọn đế quốc được dựng lên không những chỉ bằng chính sách ngu dân, chế độ không bình đẳng và nạn bóc lột, mà còn bằng chính sách khủng bố và mật thám nữa. Ở Pháp, người ta nói rằng xứ Đông Dương chưa bao giờ được phồn thịnh và an ninh như thế cả. Nhưng nhà tù ở Đông Dương lại chật ních và chế độ kiểm duyệt thì thường xuyên” (Tập 2, tr 344). Sức mạnh chinh phục của lập luận không phải là các nguyên tắc mà là các số liệu, các con số đã vạch trần sự “dân chủ” thực dân.
Chúng tôi xin trích dẫn một câu hỏi của nhà báo W. Bơcsét và câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đin Raxcơ đã nhiều lần tuyên bố là cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do một "sự xâm lược" hoặc "can thiệp" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đin Raxcơ cũng nói rằng "mọi việc sẽ ổn thoả" nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Tất cả những lời tuyên bố của giới cầm quyền Mỹ về cái gọi là "sự xâm lược" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào miền Nam Việt Nam đều hoàn toàn là bịa đặt. Trái lại, toàn thế giới đều thấy rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng trăm tấn bom napan và thuốc độc để giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chính đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần phái bọn biệt kích gián điệp ra hòng phá hoại miền Bắc chúng tôi.
Còn về chuyện "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ" thì thật là đổi trắng thay đen nếu không muốn nói là ông Đin Raxcơ đã bịa đặt. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ từ ngày ký kết cho đến nay. Trái lại, Mỹ đã không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ và ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực đã tích cực hành động phá hoại Hiệp định ấy. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ngày nay là do Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống, đã ngăn cản việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7 năm 1956, phá hoại công cuộc hoà bình thống nhất đất nước chúng tôi. Mỹ đã đem một lực lượng quân sự hùng mạnh và dùng bọn bù nhìn tiến công vào nhân dân miền Nam Việt Nam không có vũ trang. Đó là những sự việc rõ rệt mà ông Đin Raxcơ không thể chối cãi. Đó là những nguyên nhân thực sự của tình hình gay go hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không "dùng sức mạnh hay đe doạ dùng sức mạnh" thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam” (Tập 11, tr 251). Câu hỏi nhắc lại ý của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ vu cáo miền Bắc “xâm lược” miền Nam và câu trả lời hoàn toàn bác bỏ luận điệu vu cáo tráo trở, bịa đặt của đế quốc Mỹ qua nghệ thuật tương phản: “chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược” mà lại dám trắng trợn nói ngược lại. Tác giả đưa ra hàng loạt các tương phản làm bằng chứng, sự tương phản giữa kẻ đi xâm lược với “hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng trăm tấn bom napan và thuốc độc”. “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ”, trái lại “Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống” …Đúng là chỉ có đế quốc Mỹ mới dám “đổi trắng thay đen” bịa đặt như vậy.
“Về chính trị, cần phải vạch rõ mưu mô xỏ lá của đại bợm Giôn. Càng thua, Giôn càng giãy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh miền Nam, càng rêu rao cái món hoà bình giả dối. Từ tháng 4 năm 1965, y đưa ra cái gọi là "đàm phán không điều kiện" hòng bịp thiên hạ. Đồng thời y lặng lẽ từng đợt, từng đợt phái thêm nhiều lính Mỹ sang miền Nam.
Đến 28-7, Giôn định phái thêm 5 vạn lính Mỹ nữa. Việc này càng bộc lộ Mỹ đang thất bại. Lần này, y càng làm ra vẻ giương cao hơn nữa ngọn cờ hoà bình. Ví dụ:
Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã ghi rõ: cấm nước ngoài đưa quân đội vào Việt Nam và lập căn cứ quân sự trên đất Việt Nam... Hiệp định đã quy định 20 tháng 7 năm 1956, Việt Nam sẽ có tổng tuyển cử tự do để thống nhất. Chính đế quốc Mỹ là kẻ thủ phạm đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Thế mà bợm Giôn dám ba hoa rằng y là kẻ bảo vệ Hiệp định Giơnevơ và tán thành Việt Nam có tổng tuyển cử.
Để thêm dấm ớt vào món lừa bịp đó, y còn yêu cầu Liên hợp quốc hoạt động để "đưa đến một nền hoà bình trong danh dự" (Tập 11, tr 496, 497). Một loạt tương phản, tương phản về tư cách giữa vị thế Tổng thống một cường quốc và tư cách hèn mạt của một “đại bợm Giôn”; giữa “mưu mô xỏ lá” trong ý đồ xâm lược cùng các hành động “phá hoại Hiệp định Giơnevơ” như “lặng lẽ từng đợt, từng đợt phái thêm nhiều lính Mỹ sang miền Nam” và hành động giả dối bên ngoài: “càng làm ra vẻ giương cao hơn nữa ngọn cờ hoà bình” và “ba hoa rằng y là kẻ bảo vệ Hiệp định Giơnevơ”, không những thế “còn yêu cầu Liên hợp quốc hoạt động để "đưa đến một nền hoà bình trong danh dự". Tương phản trên thực tế: “Càng thua, Giôn càng giãy giụa, càng đẩy mạnh chiến tranh miền Nam, càng rêu rao cái món hoà bình giả dối”. Những tương phản ấy đã làm bật ra ý đồ và hành động xâm lược. Đế quốc Mỹ ăn cướp nhưng lại núp dưới chiêu bài hoà bình, mà ví dụ dưới đây cũng là một minh hoạ:
“Tổng Giôn yêu chuộng "hoà bình". Tối nào y cũng đọc kinh cầu nguyện cho hoà bình. Nhưng đọc kinh xong, y liền trắng trợn tuyên bố: "Mỹ quyết không rời khỏi Nam Việt Nam" (tháng 4-1965); "Mỹ quyết theo đuổi những cố gắng chiến tranh ở Nam Việt Nam. Cần thêm bao nhiêu lính Mỹ, sẽ có bấy nhiêu" (8-12-1965).
Những tên tai to mặt lớn trong Chính phủ Mỹ đều nói theo kiểu đó” (Tập 12, tr 11). Những tương phản giữa hành động và lời nói không chỉ của tổng Giôn mà còn của cả bè lũ đế quốc Mỹ đã tự vạch trần bản chất của kẻ xâm lược lừa bịp, giả dối, trắng trợn!
CHS