Người phía quân Tưởng trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 26/08/2017 00:27
hoc tap

. TRIỆU HỒNG
Nói về mục đích, lí do và hoàn cảnh chuyến đi Trung Quốc của Hồ Chí Minh tháng 8 năm 1942, Trần Dân Tiên viết:
“Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với vũ khí thô sơ, gươm, giáo, mác, và một số súng cướp được của giặc. Đến lúc cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của Đồng minh.

Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Nam là Trung Quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung Quốc.

Trong những người cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết Trung Quốc và người Trung Quốc hơn ai hết. Vì vậy, mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi.

Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ.
*
*    *
Đi liền mười đêm và năm ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt.
Và gian khổ lại bắt đầu”(1).

Buổi chiều đó là ngày 29/8/1942 tại một thị trấn - phố Túc Vinh thuộc huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây. Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng nghi là gián điệp, đã vô cớ bắt giam. Cụ đã viết bài thơ Bị bắt ở phố Túc Vinh để ghi lại sự kiện này:
Túc Vinh mà để ta mang nhục,
Cố ý làm cho chậm bước mình;
Bịa chuyện tình nghi là gián điệp.
Cho người vô cớ mất
                                  thanh danh.(2)


Đáng lẽ đây là bài thơ mở đầu, nhưng tác giả về sau sắp xếp lại, đưa bài thơ có ý nghĩa đề từ bốn câu cho tập Nhật kí trong tù làm bài thứ nhất và sau đó là bài Mở đầu tập nhật kí (Khai quyển) làm bài thứ hai, bài Bị bắt ở phố Túc Vinh làm bài thứ ba. Từ bài thơ này trở đi, nhiều bài tác giả nhắc đến người phía quân Tưởng, có thể là gián tiếp (qua hành động, việc làm), có thể là trực tiếp (tên, kí hiệu chữ cái, tên họ, chức vụ, hay đầy đủ họ và tên). Người phía quân Tưởng là người trong chính quyền Tưởng Giới Thạch và trong Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Năm 1912, Quốc dân Đảng được thành lập từ sự cải tổ Trung Quốc cách mạng đồng minh hội. Đảng này dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn với học thuyết tam dân có chủ trương đoàn kết với nước Nga Xôviết, Đảng Cộng sản và quần chúng công nông, xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với nước ngoài. Sau khi Tôn Trung Sơn mất, năm 1927, Tưởng Giới Thạch đã phản bội, cướp quyền lãnh đạo và biến Quốc dân Đảng thành đảng phản động chống lại nhân dân. Khi Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch đang làm Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc. Lúc này Trung Quốc đang bị phát xít Nhật xâm lược, Quốc dân Đảng đã liên minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống Nhật và nhà nước Trung Quốc nằm trong khối Đồng minh với Anh, Mĩ, Nga chống phát xít Đức, Ý, Nhật.

Hồ Chí Minh là đại biểu Việt Nam đến Trùng Khánh, nơi Quốc dân Đảng và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc đóng để cầu viện trợ, có giấy tờ hợp pháp của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam nhưng vô hiệu. Chúng cố tình bắt và đày đoạ Cụ Hồ, giải đi giải lại qua nhiều huyện của tỉnh Quảng Tây, giam cầm tại nhiều nhà giam. Khi đến Liễu Châu viết bài Đến cục chính trị chiến khu IV, Cụ Hồ tỏ ý bất bình:
Quảng Tây giải khắp
                  mười ba huyện,
Mười tám nhà lao ở đã qua;
Phạm tội gì đây? Ta tự hỏi,
Tội trung với nước với dân à?


Trên thực tế, chúng đã giải Cụ Hồ qua gần ba mươi nhà giam, ròng rã hơn bốn tháng qua khắp các huyện lị, thị trấn của tỉnh Quảng Tây. Chúng thừa biết Cụ Hồ là ai, tổ chức Việt Minh là một tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương lập ra và người lãnh đạo cao nhất là Hồ Chí Minh. Chúng còn biết Hồ Chí Minh là Lý Thụy (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) - cố vấn và phiên dịch cho M.M.Borodin - đại sứ Liên Xô tại Quảng Châu, người có quan hệ thân thiết với những người cánh tả trong hàng ngũ của Quốc dân Đảng, người cán bộ giảng dạy chính trị cho học viên trường Quân sự Hoàng Phố, lúc đó Tưởng Giới Thạch đang làm Hiệu trưởng, người đọc tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Quốc tại Quảng Châu năm 1926 mà nhiều người trong họ còn nhớ, mặc dù đến dự đại hội và đọc tham luận Cụ Hồ mang tên Vương Đạt Nhân.

Hồ Chí Minh coi Chính phủ Trung Hoa dân quốc và Quốc dân Đảng Trung Quốc lúc này là đồng minh gần nhất của Việt Nam chống Nhật - Pháp nên mới trông cậy vào họ. Cụ Hồ bị chính quyền Tưởng bắt, giam cầm, đày đoạ nhưng Cụ vẫn coi họ là bạn hữu. Trong bài thơ Gửi Nêru, một người chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ, đang bị thực dân Anh giam giữ, Cụ có câu kết nói rõ hoàn cảnh mình đang bị giam trong nhà lao của bạn hữu, còn Nêru đang bị tù đày trong gông xích của bọn thù địch:
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,
Anh trong gông xích bọn
                                cừu nhân.


Từ chỗ coi là bạn hữu nên Hồ Chí Minh vẫn giữ được thái độ dung hoà với họ. Từ đầu đến cuối tập thơ, chúng ta thấy Hồ Chí Minh không có lời nào xúc phạm họ cả, chỉ có lên án, trách móc, phê phán hoặc bất bình vì những cư xử không đúng, không thân thiện của họ. Với lại, họ chỉ có xét hỏi chứ không tra khảo đánh đập gì; bắt cùm bắt xiềng, bắt đi khuya về tối, không cho tắm rửa, cho ăn đói mặc rét như để thử thách thái độ, tìm ra con người thực của Hồ Chí Minh. Cụ Hồ coi đó là chuyện bình thường. Sẵn có tinh thần của một nhà cách mạng kiên trung, trong gian nan Cụ càng thể hiện tinh thần cao hơn. Nhiều câu thơ Cụ viết ra nhằm động viên mình:
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần
                                  thêm hăng.

                        (Tự khuyên mình)

Hay nghe tiếng giã gạo, Cụ nghĩ đến việc tự rèn luyện bản thân:
Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.

                    (Nghe tiếng giã gạo)

Cụ Hồ luôn tin tưởng sẽ có ngày được tự do. Ngay bài Mở đầu tập nhật kí (Khai quyển), Cụ đã đinh ninh rằng:
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.


Lòng tin ấy, Cụ gửi cả về phía bên Tưởng, lực lượng của Đồng minh lúc này có thể giúp đỡ Việt Nam, giúp đỡ mình. Cho nên ngòi bút của Cụ luôn khách quan khi viết về người phía quân Tưởng.

Người phía quân Tưởng trở thành một chủ đề trong Nhật kí trong tù. Người đầu tiên là bạn tù L. - “nguyên là chủ nhiệm”, bị chính quyền bắt tù vì tội lạm quyền, tham nhũng, buôn bán tài nguyên trái phép. Bài thơ phê phán nhẹ nhàng cái con người biến chất đó:
Quốc gia phó thác giữ biên khu,
Sao nhãng việc công, mải việc tư;
Quặng thiếc tuôn ra biên giới sạch,
Nên lò đúc bạc… đúc thơ tù.

        (Bạn hữu L. nguyên là chủ nhiệm)

Viết về người xấu, Cụ Hồ không nêu tên của họ, chỉ nêu chức vụ và những hành động sai trái của họ:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Giải người cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
Chong đèn huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

                           (Lai Tân)

Bọn lính dẫn tù thì chè chén dọc đường đã thành thói quen. Cụ Hồ cũng chỉ ra cho mọi người được biết:
Qua Quả Đức thì chén cá tươi,
Qua Bảo Hương lại xơi thịt chó;
Cho hay bọn giải tù nhân này,
Cách sống đôi khi cũng sành đó.

            (Thịt chó ở Bảo Hương)

Cụ Hồ ca ngợi những người tốt trong quân Tưởng, những người có trách nhiệm, thanh liêm, chính trực như Sở trưởng họ Lưu:
Làm việc đúng thay Lưu sở trưởng,
Ai ai cũng báo bác công bình;
Đồng tiền, bát gạo đều công bố,
Sạch sẽ, lao tù rất vệ sinh.

        (Sở trưởng Long An họ Lưu)

Cụ Hồ ca ngợi người hào hiệp giúp đỡ mình vô tư, tự nhiên. Người này không thấy Cụ nhắc tới họ tên, chức quyền, nhưng được đến nhà tù để giúp đỡ người tù như Hồ Chí Minh phải là người có thế lực. Cụ khen ngợi và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người đó một cách chân thành và tỏ lòng biết ơn:
“Bèo nước gặp nhau” chuyện gần xa,
Ông Quách ân cần đối đãi ta;
“Rét đến cho than”, không mấy kẻ,
Đời nay người thế vẫn còn mà.

                    (Tiên sinh họ Quách)

Trong nhà lao cũng có một ban trưởng thật tốt, thương yêu phạm nhân, hào hiệp và ân nghĩa:
Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp,
Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân;
Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ,
Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân.

                (Trưởng ban họ Mạc)

Cụ Hồ bị giải đến Liễu Châu, một trung tâm quân sự và chính trị của chính quyền Tưởng và Quốc dân Đảng. Tới đây, Cụ suy tư lại chặng đường đã qua, làm thơ ghi rõ ngày 9/12 cùng với nỗi buồn, cay đắng:
Muôn cay nghìn đắng đâu vô hạn,
Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu;
Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng,
Tỉnh ra, trên mặt vẫn vương sầu.

                                (Đến Liễu Châu)

Thời gian đã qua 116 ngày, chúng vẫn chưa giải quyết, Cụ Hồ tiếp tục bị giam ở nhà tù Liễu Châu. Cụ biết vấn đề phức tạp của nó và đã nêu câu hỏi nghi vấn:
Thuốc đắng, cạn liều càng thấy đắng
Đường gay, cuối chặng lại thêm gay;
Dinh quan chỉ cách đây nửa dặm,
Sao mãi giam ta ở chốn này?

                            (Giam lâu không được chuyển)

Sau này, Cụ Hồ được biết ở Liễu Châu có tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần lãnh đạo, đã nghi cho Cụ sang phá tổ chức này, đã báo cho chính quyền Tưởng ở đây biết nên chúng giam giữ Cụ lâu hơn.

 
nhaatk kí trong tù 110k mềm copy

Chúng giam Cụ Hồ thêm mấy chục ngày mới dẫn đến dinh quan trưởng, nhưng kết cục Cụ vẫn không được ra tù. Nhà chức trách Liễu Châu yêu cầu giải Cụ đi Quế Lâm, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây để xem xét:
Tưởng qua cửa ải này là hết,
Ngày tự do âu cũng chẳng chầy;
Nào biết gian nan còn ải nữa,
Quế Lâm còn phải giải đi ngay.

                              (Đến dinh quan trưởng)

Thời gian này đã hơn bốn tháng bị giam, bị giải đi giải lại đến hơn nghìn cây số, Cụ làm bài thơ Bốn tháng rồi phản ánh thực trạng cơm không no, đêm thiếu ngủ, áo không giặt giũ, răng rụng một chiếc, tóc bạc mấy phần, gầy đen như quỷ đói, ghẻ lở đầy người. Nhưng ý chí của Cụ đã chiến thắng:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân.
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần.


Trên đường đến Quế Lâm, Cụ bị ốm nặng. Vào tù đã là thử thách, ốm nặng trong tù lại thêm một thử thách, Cụ vẫn giữ được tinh thần lạc quan:
Ở tù mắc bệnh càng cay đắng,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.

                           (Ốm nặng)

Cụ bị giam giữ ở Quế Lâm hơn bốn mươi ngày rất cực khổ, thân bị ốm nặng,  trong một nhà tù lạnh lẽo, u ám. Có thể nói, ở đây Cụ Hồ phải chịu cực khổ nhất. Nhưng sau này một người bạn hỏi Cụ “Đời tù ở Quế Lâm Cụ thấy thế nào?”, Cụ Hồ cười nói “Nhắc lại làm gì chuyện cũ”(3). Ở Cụ luôn mênh mông tấm lòng nhân từ, thái độ vị tha nên Cụ không muốn đề cập đến chuyện khổ đau của riêng mình.

Như thế, từ khi bị bắt ở phố Túc Vinh, huyện Thiên Bảo, cho đến ngày ở nhà giam Quế Lâm, thủ phủ Quảng Tây, Cụ bị giam trong những nhà giam dân sự, do các nhà chức trách, nhà cầm quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện phụ trách.
Lần cuối, chúng đưa Cụ trở lại Liễu Châu nhốt vào nhà giam quân sự của Cục Chính trị Chiến khu IV, một kiểu nhà giam chật hẹp giữ nhiều người:
Hai thước rộng, ba thước dài,
Ngày đêm luẩn quẩn bốn người tù nhân;
Mỏi chân, không chỗ duỗi chân,
Người đông, phòng hẹp, khó phần trở xoay.

                    (Nhà giam của Cục Chính trị)

Một thời gian ngắn, phía quân Tưởng đã có thay đổi trong cách đối xử với Hồ Chí Minh. Chúng giam Cụ vào nhà giam riêng và đã có phần ưu đãi. “Ở đây, Cụ được hưởng chế độ chính trị. Có đủ cơm ăn, mười lăm phút buổi sáng và mười lăm phút buổi chiều để đi ỉa, có người gác. Không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo, hoặc một quyển sách.

Một hôm Cục trưởng Cục Chính trị đến cắt tóc ở trong phòng người gác. Ông này hạ lệnh người gác cho phép Cụ đi lại nửa giờ trong sân nhỏ, cắt tóc cho Cụ và cho Cụ tắm nước nóng.
Đức Phật Tổ đại từ bi, tốt biết bao! Mấy hôm sau ghẻ lặn gần một nửa”(4).

Trong thơ Nhật kí trong tù, Cụ Hồ có ghi về sự ưu đãi này:
Ăn có cơm rau, ngủ có mền,
Báo xem, thuốc hút, cấp cho tiền;
Ông Lương chủ nhiệm đãi ta hậu,
Cảm kích lòng ta nói chẳng nên.

                                     (Được ưu đãi)

Đó là Trung tướng Lương Hoa Thịnh, lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Chiến khu IV. Sau này ông này được phong chức Phó Tư lệnh Chiến khu, Cụ Hồ có làm thơ mừng và ca ngợi uy danh, chiến công của ông đối với đất nước Trung Hoa:
Đốc quân ngày trước vùng Tương, Chiết,
Chống giặc năm nay mạn Miến, Điền;
Lừng lẫy uy danh, thù mất mật,
Khải hoàn mừng trước, xướng thanh thiên.

    (Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó Tư lệnh)

Cả chú lính Hầu (Hải) của Lương tướng quân cũng được Cụ Hồ tặng thơ căn dặn những điều chí tình:
Bé thì phải học, lớn thì hành,
Với dân, đảng, nước, dạ trung thành;
Kiệm cần, dũng cảm và liêm chính,
Chớ phụ ông Lương dạy dỗ mình.

                            (Tặng chú Hầu (Hải))

Thời gian này, nhiều người ở Cục Chính trị tới thăm Cụ. Hai người đến thăm đầu tiên là khoa trưởng họ Ngũ và khoa viên họ Hoàng. Cụ làm thơ ghi lại tình thương mến và cảm ơn sự ân cần, cứu giúp đáng quý của họ:
Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng,
Thấy ta cùng cực động lòng thương;
Ân cần thăm hỏi và cứu giúp,
Như nắng bừng lên giữa giá sương.

                    (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng)

Người đến thăm sau là Trần khoa viên, Cụ phấn khởi làm thơ ghi lại cảm tưởng vui mừng, phấn khởi của mình:
Lính tráng tuần canh nhìn rõ mặt,
Hôm nay mới được gặp văn nhân;
Người trông nho nhã ai không thích,
Mái tóc ta xanh lại mấy lần.

                          (Khoa viên họ Trần tới thăm)

Một người được nhắc nhiều trong thơ Nhật kí trong tù và ngoài thơ là Thiếu tướng Hầu Chí Minh - người lên thay Lương Hoa Thịnh làm Chủ nhiệm Cục Chính trị Chiến khu IV, người trực tiếp tiếp xúc và thường xuyên làm việc với Cụ Hồ, người tặng Cụ cuốn sách Tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn - lãnh tụ đầu tiên của Quốc dân Đảng. Cụ Hồ đọc và ghi lại cảm tưởng của mình:
Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang,
Đọc đoạn tinh thần thật mở mang;
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ,
Chân trời một tiếng sấm rền vang.

                   (Chủ nhiệm họ Hầu tặng bộ sách)

Ngày 10/9/1942, Hầu Chí Minh đem lệnh của Tưởng Giới Thạch trực tiếp thả Hồ Chí Minh, Cụ Hồ làm bài Kết luận, khép lại tập thơ và có lời cảm tạ ơn nghĩa của Hầu Chí Minh:
Sáng suốt, nhờ ơn
Hầu chủ nhiệm,
Tự do trở lại với mình rồi;
Ngục trung nhật kí từ nay dứt,
Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người.


Cụ Hồ được ra tù, nhưng tiếp tục bị quản chế, lưu giữ ở Liễu Châu. Cụ thường xuyên làm việc bên cạnh Hầu Chí Minh. Sau này Hầu Chí Minh có lời kể và nhận xét về Cụ Hồ: “Khi ấy ông Hồ và tôi cùng các nhân viên công tác trong Cục Chính trị, cùng ăn cùng ở với nhau, không phân giới hạn. Ấn tượng của tôi về ông Hồ là lão thành thận trọng, trầm mặc, ít lời”(5).

Hồ Chí Minh đã tạo được uy tín lớn đối với những người có thế lực như  Trung tướng Lương Hoa Thịnh - Tư lệnh phó, Thiếu tướng Hầu Chí Minh - Chủ nhiệm Chính trị, Trương Phát Khuê - Tư lệnh trưởng Chiến khu IV và nhiều người trong chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tháng 9/1944, tướng Trương Phát Khuê cho Cụ Hồ về nước, cùng với một số hội viên Việt Nam cách mạng đồng minh, mặc cho các lãnh tụ Việt Nam cách mạng đồng minh hội phản đối.

Như vậy, Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh đã viết về những người phía quân Tưởng một cách khách quan với thái độ khoan hòa, bao dung, nhân nghĩa. Xuất phát từ lập trường cho rằng họ là bạn hữu, là đồng minh chống phát xít xâm lược. Tuy thời gian đầu họ đối xử tồi tệ với mình, nhưng Cụ Hồ vẫn bình tĩnh chịu đựng, kiên trì đấu tranh, dựa vào họ để tương kế tựu kế nhằm giải thoát cho mình và thực hiện mục đích chính trị của chuyến đi. Có thể nói rằng, đây là chuyến đi ngoại giao lịch sử, người đi cầu viện phải chịu đựng tù đày cực khổ nhất, nhưng đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lớn cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 10/1945, Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc có đoạn nói về kết quả và ý nghĩa chuyến đi này:
“Trong sự rủi lại có sự may. Nhân dịp ở ngoài mà tôi hiểu rõ tình hình thế giới và chính sách của các hữu bang, trước hết là Trung Quốc.
Nay tôi mang về cho đồng bào, đồng chí một món quà cực kì quý báu, tức là lòng đồng tình sốt sắng của 450 triệu đồng bào Trung Quốc đối với 25 triệu đồng bào Việt Nam về cái tin Trung Quốc sẽ tích cực giúp đỡ cuộc dân tộc giải phóng của chúng ta”.
Do nắm được tình hình thế giới và chính sách của các nước đồng minh, trong thư này, Cụ Hồ đã đưa ra được dự đoán:
“Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp ta phải làm nhanh”(6).

Đúng như dự đoán thiên tài đó, một năm sau nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Hồ đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ý nghĩa đó càng lớn khi mối quan hệ của Hồ Chí Minh với nhà nước Trung Hoa dân quốc và quân đội của họ đã được thiết lập. Nên khi Việt Nam giành được độc lập, 20 vạn quân Tưởng vào nước ta giải giáp quân đội Nhật, việc giải quyết các vấn đề chính sự tại khu vực từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc được thuận lợi hơn. Mặc dù có những rắc rối nhất định, nhưng chúng ta đã tránh được một cuộc xung đột, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta có thời gian chuẩn bị xây dựng lực lượng để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
T.H
  
------
1. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, 1990, tr. 89-90.
2. Toàn bộ thơ trích dẫn trong bài viết này đều từ nguồn Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004, tập 3. 
3. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, sđd, tr. 92-93.
4. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, sđd, tr. 92.
5. Dẫn theo Hoàng Tranh, Viện Khoa học Xã hội Quảng Đông, Trung Quốc.
6. Hồ Chí Minh, “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 3, tr. 505.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)