- Cao Nguyệt Nguyên tên thật là Bùi Thị Thu Hà, sinh năm 1990 tại Quảng Ninh. Hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Đã xuất bản tập truyện ngắn Trăng màu hổ phách và hai cuốn sách cho thiếu nhi: Bộ truyện tranh giáo dục Chuột Chi Hô lên thành phố; Truyện dài Alê hấp - Ké Xanh. Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014.
Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên
|
P.V: Một dạo tôi thấy tên chị thường xuyên xuất hiện trên trang văn nghệ của các báo và tạp chí, điều đó phần nào nói lên nội lực của cái tên Cao Nguyệt Nguyên. Nhưng gần đây tôi thấy chị thưa xuất hiện.
Cao Nguyện Nguyên:Tôi nghĩ rằng đối với người cầm bút đôi lúc rất cần những quãng ngưng. Giống như những cánh đồng sau mỗi mùa thu hoạch cần phải được nghỉ ngơi, chăm sóc để bắt đầu một mùa mới. Thì đối với người viết văn cũng như vậy, quãng ngưng để để tâm hồn và sự trải nghiệm của mình được bồi đắp, viết chậm nhưng sâu sắc mới là điều quan trọng. Và với tôi, tôi cần những khoảnh khắc ấy.
P.V: Tập truyện ngắn đầu tay Trăng màu hổ phách, cùng giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã ghi nhận cái tên Cao Nguyệt Nguyên trên văn đàn một cách khá thuyết phục. Chị nghĩ đây là thành quả hay may mắn?
Cao Nguyệt Nguyên: Nếu như bạn đã nói cái tên Cao Nguyệt Nguyên được ghi nhận một cách khá thuyết phục thì có lẽ tôi cũng không cần phải nói nhiều thêm. Nhưng tôi thấy mình may mắn vì thời điểm mới cầm bút, mới chập chững bước vào con đường văn chương đã được tham gia vào một cuộc thi văn chương uy tín nhất nhì nước. Được trải nghiệm, cố gắng, nhiệt huyết, được cọ sát và tiếp xúc, học hỏi ở rất nhiều những nhà văn, tác giả xuất sắc để để có thêm nhiều bài học cho riêng mình. Và giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng là một động lực vô cùng lớn, khích lệ những người trẻ như tôi mạnh dạn dấn thân, thử nghiệm ngòi bút của mình và bắt đầu có những bước đi chững chạc trên con đường văn chương.
P.V: Tôi nhận thấy, truyện ngắn của chị, nhân vật chính hay đề tài chủ yếu là phụ nữ. Vì chị là phụ nữ hay vì chị thấy người nữ cần phải được hiểu hơn về thân phận, bản thể?
Cao Nguyệt Nguyên: Tôi luôn viết về những gì mình hiểu và hiểu một cách sâu sắc nhất. Những gì làm mình rung động và cảm xúc. Và thân phận phụ nữ luôn là điều khiến tôi day dứt. Viết về họ cũng là viết lên một phần tiếng nói của mình trong đó, có khi là nỗi đau, nỗi ám ảnh, và cả khát khao hạnh phúc.
P.V: Chị nghĩ sao khi người ta luôn nói phụ nữ viết văn thì đa đoan? Có cái giá, hay sự đánh đổi nào không khi chị đến với văn chương?
Cao Nguyệt Nguyên: Vì sao mà đề tài viết về thân phận phụ nữ luôn được những người viết lựa chọn và dành nhiều tình cảm. Bởi lẽ ngàn đời người phụ nữ sinh ra vốn đã phải chịu những thiệt thòi, họ hi sinh nhiều cho gia đình, chồng, con. Những người may mắn thì gặp được một người chồng thực sự yêu thương và trân trọng những hi sinh của họ, còn những người không may thì gặp phải người chồng chẳng ra gì. Phụ nữ viết văn chúng tôi lại thuộc típ những người phụ nữ nhạy cảm và đặc biệt hơn một chút. Là chúng tôi mang vào mình nghiệp viết, niềm đam mê và dấn thân trong ngòi bút. Khi gắn bó với ai đó thì phải xem họ có thật sự là người hiểu mình không, đủ bao dung và chấp nhận, ủng hộ con đường đi của mình không. Có lẽ vì thế mà đa số những người nữ viết văn e dè và chậm hơn trong việc kết hôn. Nhiều người nói phụ nữ viết văn đa đoan, có lẽ vì chúng tôi là những người quyết liệt cả trong công việc lẫn chuyện tình cảm. Với tôi thì không để cho mình phải trả giá hay đánh đổi điều gì trong tình cảm để đến với văn chương vì tôi luôn xác định ngay từ đầu. Nếu yêu tôi thì phải hiểu và chấp nhận và ủng hộ con đường đi của tôi. Còn nếu không thì sẽ không yêu ngay từ đầu.
P.V: Chia sẻ về nghề viết, chị nghĩ nhà văn trước khi viết một tác phẩm nào đó là khi họ bắt đầu một tâm thế như thế nào?
Cao Nguyệt Nguyên: Nói như vậy thì hơi to tát, chứ thực ra tôi nghĩ đa số những người viết đến với văn chương một cách bất ngờ. Vậy nên tác phẩm đến với tôi cũng vậy, chẳng ai định cho mình cái tâm thế nào khi ngồi vào bàn viết cả. Nó là những cảm xúc, cảm hứng thôi thúc, dốc cạn mình để viết ra như trải lòng mình vậy thôi.
P.V: Gây chú ý với một loạt truyện ngắn đầy ám ảnh về thân phận, bản năng, dục vọng của con người, nhưng một ngày người đọc thấy chị háo hức viết sách cho thiếu nhi. Chị muốn thay đổi phong cách hay điều gì đã thôi thúc chị ở mảng này?
Cao Nguyệt Nguyên: Thế giới tuổi thơ luôn có sẵn trong mỗi người, chỉ là ở một thời điểm nào đó bạn khơi dậy nó, khơi dòng cho nó thôi. Viết sách cho thiếu nhi khiến tôi thấy cuộc sống này nhẹ nhàng hơn, trong trẻo hơn và cách xa cái thế giới ồn ào, xô bồ hiện tại.
P.V: Có điều gì đáng để phân biệt giữa việc viết cho người lớn và thiếu nhi? Ý tôi là về giọng điệu, vì thường thì mỗi nhà văn đã có riêng sẵn một giọng điệu cho một mảng nào đó. Vậy mà dường như chị đã chinh phục độc giả ở cả hai độ tuổi này.
Cao Nguyệt Nguyên: Đối với mảng đề tài nào cũng vậy bạn chỉ viết hay được nó khi bạn hiểu và trân trọng nó. Thực ra ở mảng đề tài thiếu nhi viết được hay là rất khó. Bạn không thể viết cho các em bằng đôi mắt, cái nhìn của một người lớn, bạn phải tưởng tượng, hòa mình vào cuộc sống của các em để hiểu tâm lí của từng lứa tuổi.
Mỗi một đề tài đều có sự thú vị riêng, và mỗi người viết không nên đóng khung mình ở một mảng nào cả mà hãy cứ thử nghiệm.
P.V: Nếu để tôi hình dung về chị và lao động nghệ thuật của chị thì tôi sẽ bảo chị là một nhà văn trẻ khá chỉn chu. Chị nghĩ sao?
Cao Nguyệt Nguyên: Nếu theo bạn nghĩ chỉn chu ở đây về cách tôi lao động nghệ thuật thì tôi rất mừng. Vì với tôi việc sáng tác là một công việc nghiêm túc, thể hiện sự đam mê của mình nên mỗi tác phẩm mình viết ra không thể cẩu thả trong câu chữ được. Chỉn chu ở đây giống như một sự trân trọng với nghề. Và tôi luôn cố gắng hết mức để làm điều ấy.
P.V: Cuộc sống, công việc đem lại điều gì cho văn chương của chị?
Cao Nguyệt Nguyên: Những ngày đầu cầm bút là khi tôi mới ra trường, cái nhìn của tôi về cuộc sống xung quanh cũng khác. Càng ngày khi càng trưởng thành hơn và có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm nhiều mang đến cho tôi những chất liệu văn chương đa dạng và sâu sắc.
Chỉ có điều công việc ngày càng bận rộn thì thời gian dành cho văn chương, niềm đam mê của mình càng bị rút ngắn lại. Mình phải biết chắt lọc và sắp xếp thời gian để viết. Ngày xưa thời sinh viên tôi có thể viết bất cứ lúc nào nhưng bây giờ thì không thể, thời gian dành cho văn chương chỉ còn vào đêm, khi đó là lúc lắng đọng nhất và tĩnh tâm nhất để nghĩ về cuộc đời và những điều mình muốn viết.
P.V: Sau cùng, chị có vẽ trước một con đường để rồi bước đi theo nó với những gạch đầu dòng đã định và chắc chắn hay chị sẽ khám phá nó theo cách bất ngờ và mạo hiểm?
Cao Nguyệt Nguyên: Tôi là người luôn thích sự bất ngờ, không tính toán hay hoạch định gì cả. Ngay trong cuộc sống, tình yêu của tôi cũng như vậy, nếu mà người yêu tôi là một người tính toán cân đo đong đếm, chờ thiên thời địa lợi thì tôi cũng bỏ ngay. Nếu cái gì cũng gạch đầu dòng, sắp xếp sẵn thì chán lắm.
Với văn chương, tôi đến với nó như một cái duyên, một sự bất ngờ. Nó giống như một con đường dài chứa đựng biết bao điều thú vị và cần phải khám phá. Tôi là người viết bằng cảm xúc nên tôi sẽ chọn cách khám phá và chinh phục văn chương của riêng mình.
P.V: Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ. Chúc chị tiếp tục có những dấu ấn riêng trên con đường văn chương.
KIM NHUNG (Thực hiện)