Nhà văn Phạm Hoa

Chủ Nhật, 15/10/2017 00:39
. TRUNG TRUNG ĐỈNH

Chúng tôi quen nhau, thân nhau ngay từ hôm đầu tiên gặp mặt giữa một “đống” các nhà văn tên tuổi đang rộ của văn đàn quân đội. Họ đều là lính tráng từ trong các cánh rừng, trong các bưng biền, các “vùng chiến thuật” sau cuộc chiến khốc liệt với Mĩ và quân lực Việt Nam Cộng hòa, hồi ấy gọi là ngụy. Đó là một serie nhà văn “trung úy” theo cách gọi của Liên Xô cũ. Một cách gọi rất đáng yêu, vừa gần gũi trân trọng, thân thương, vừa có cái gì đó kiêu hùng.

Tất cả được Tổng cục Chính trị điều về đây để theo học khóa 1 trường Viết văn Nguyễn Du.

Nhóm chúng tôi gồm Thái Bá Lợi, tôi và Nguyễn Trí Huân từ trại viết Quân khu V ra, bị chậm cả tuần lễ, gặp Phạm Hoa tới sau, cùng nhập cuộc. Các thành viên từ các vùng miền khác đến đúng hạn đã yên vị hai người một phòng. Bốn chúng tôi được phân cho ở chung trong căn phòng đầu hồi của dãy nhà cấp bốn, trước đây gọi là phòng họp, nay thành nhà ở. Bốn “tên” bốn cái giường cá nhân, bốn cái bàn con con, bốn cái ghế con con, tự thu xếp sao cho coi được là lớp trưởng Hữu Thỉnh có biệt danh “tuyệt vời” phê chuẩn luôn.


 
1436807148 zgqe213210 1
Nhà văn Phạm Hoa
Lúc ấy, quả thật, tôi chưa đọc gì của Phạm Hoa và Phạm Hoa cũng chưa biết gì về tôi. Cả hai thằng đều mới in một hai truyện ngắn gì đó trên báo Trung ương nên không biết nhau là đúng. Anh Huân, anh Lợi là hai tay bút sáng giá, mỗi người đã in cả tập truyện ngắn, cả tiểu thuyết lừng danh. Hoa bảo tôi, hắn là tay xế Trường Sơn, cả tuổi trẻ ôm vô lăng, suốt đêm ngày chỉ lo tính chuyện qua ngầm, qua “trọng điểm”. Ăn thì tuyền lương khô, đồ hộp, cơm sấy, uống nước suối, thỉnh thoảng được các em thanh niên xung phong đón đưa một tí xao động cả cánh rừng... Kể rồi hắn vò đầu vò tai, cầm cái điếu cày to tổ bố, bỏ thuốc vô nõ rít một hơi gân cả cổ, điếu thì không kêu, cứ xè xè mà khai mù. Hắn hút thuốc lào sao mà khổ sở, không giống vài tay điếu sành điệu như bác Xuân Đức, bác Thái Vượng. Các bác ấy điếu phải đẹp đẽ đã đành, thuốc phải ngon, nặng, nhưng không sốc, không nóng. Đóm tre ngâm phải cháy êm, tàn trắng, nước điếu phải sạch sẽ thơm tho, mỗi lần thay nước điếu là một kì công. Ngoài nước sạch từ vòi công cộng ra, đôi khi phải thêm chén rượu Vân, chén trà Thái đặc, người hút rít lên, điếu kêu xoe xóe, nghiêng đầu, hất một cái, bã thuốc xỉa ra điệu nghệ và sau đó là ung dung ngửa cổ, nhả khói. Khói lan tỏa khắp trên đầu. Dường như cái khói ấy làm nên vẻ ung dung sảng khoái nhịp nhàng cùng với cặp đùi cắp cái điếu cày dài mà rung tít mù đầy khoái cảm. Đấy, người ta hút thuốc lào có bài có bản thế, chứ còn anh chàng Phạm Hoa bạ điếu nào cũng hút, bạ thuốc ai cho cũng xơi, không có điếu hắn chụm ngay bàn tay thành như quả đấm hờ, lấy kẽ hở ngón cái và ngón giữa, nhồi mồi thuốc vô, xòe máy lửa, nghiêng đầu, hút. Không có âm thanh gì ngoài tiếng xuýt xuýt của cú hút khan. Thế mà vẫn có khói tuôn ra hai lỗ mũi, mắt hắn vẫn lim dim sảng khoái. Vì cái lối sống tuềnh toàng của hắn mà tôi lại khoái. Không những thế tôi còn bắt mê luôn. Tôi và hắn kết nhau vì cả hai đều là hạng lính vô danh vô sản, mỗi thằng một cái ba lô con cóc lép. Hình như tôi hơn hắn còn có cả trăm cuốn sách quý đem từ miền Nam ra. Của đáng tội, hôm rồi hắn khoe có cái áo len Lào, một anh nhà văn khen đẹp, có ý thích quá, hắn liền tặng luôn. Sau thấy hắn có đôi dép tông Lào anh ấy cũng bảo đổi cho anh ấy… lấy… lấy… Hoa ta bảo đổi chác gì, bác thích thì em xin biếu bác luôn. Tôi thấy động thái ấy của Hoa đơn giản nhẹ nhàng, càng kích thích sự nể phục của tôi hơn. Dưới con mắt tôi lúc ấy, lính xế là loại lính ngông nghênh bất cần, ăn to nói lớn đã đành, lên rừng xuống biển, gian khổ khó khăn là cái “đinh gỉ”. Cái sự ăn chơi xả láng hết mình của lính xế Trường Sơn, tôi cũng đã có cả tháng trời theo một tốp ba bốn ông từ đơn vị vận tải của đường dây về giúp bệnh viện 559 chuyển quân thu dung từ Quảng Nam sang Lào rồi lại từ Lào về. Hồi ấy tôi là lính trên đường hành quân vô Nam bị sốt ác tính phải nằm viện 559. Số đen, đúng tết chúng tôi bị bom B52 tá hỏa. Hình như bị bom nên tôi tỉnh nhanh hơn. Xe tải mỗi xe chất cả trăm nhân mạng, hốt chúng tôi lên, lôi chúng tôi xuống, ốm đau yếu đuối, mặc. Tất cả là thương bệnh binh, chỉ cần an toàn sống sót, còn đau với ốm, rên với la, khóc với chửi là kệ các bố. Sống cái đã rồi tính sau. Đấy, lí lẽ của các bố xế Trường Sơn là thế đó.
*
*    *
Một hôm trời mưa rỉ rả, rét ngọt. Hai thằng “trại viên mới” vừa đều ngưng bút ngồi tán chuyện ăn gì trời mưa phùn gió bấc, uống gì khi rét ngọt thì Phạm Hoa rủ tôi ra công viên chơi. Tôi đang cuồng cẳng liền đi ngay. Hai thằng chui qua “ngõ lỗ thủng”. Tôi bảo kiếm cái gì. Hoa bảo cứ đi ra công viên rồi biết. Túi tôi rỗng nên chưa dám nghĩ ra trò gì thì thấy Hoa tót lên cây phi lao nhìn sang bên kia hồ rồi soi dọc bờ rào ven tường bao. Một lúc sau hắn tụt xuống bảo đi với tao. Thế là Hoa phăm phăm đi sát theo mép bờ tường, tới một bụi rậm. Trong khoảnh khắc hắn chộp được hai tay thiếu niên đang dấm dúi gỡ mấy xâu cá mè cho vào cái túi cói. Hoa quát: “Hai thằng kia!”. Không ngờ hai cậu bé bỏ cá tung tóe chạy. Tôi hô theo: “Đứng lại!”. Chúng không đứng lại mà biến rất nhanh vào bụi. Chúng tôi vạch đám bụi nơi hai cậu thiếu niên vừa rời khỏi thu “chiến lợi phẩm”. Hiện trường be bét, tìm được bốn con mè cỡ bàn tay, có một con to cỡ hơn cân. Sướng rồi, Hoa nói, coi như chiều nay ta được bữa canh dưa thoải mái. Rồi Hoa bảo tôi đứng đây chờ. Một lúc sau Hoa đi theo dấu vết hai chú nhỏ và xách được một chú lôi về, bảo, lần sau thấy chúng anh không được chạy nghe chưa, có tội mà bỏ chạy, tội tăng gấp đôi gấp ba, nghe chưa. Nói rồi móc túi tìm được mấy đồng. Sau này tôi hỏi mày trả chúng nó bao nhiêu. Hoa bảo số tiền tao đưa chắc chắn khá hơn gấp đôi mua hai cân mè ngoài chợ, yên tâm đi. Bấy giờ Hoa còn ra vẻ hách dịch nói với hai tên “trộm cá”: “Đây! Chúng tao cho tiền cá, nhưng lần sau chúng mày cấm có được bắt trộm cá của Nhà nước nghe chưa! Nghe chưa!”. Các chú nhỏ vâng dạ tíu tít và chúng tôi nhanh chóng chuồn về gốc bàng trước phòng nổi lửa. Tôi tính chút nữa ra chỗ anh Gù chủ quán nước quen thân của bọn tôi xách về một bi đông rượu cuốc lủi, chờ bác Lợi về gọi bác Trần Vũ Mai, bác Đào Hùng tới, mấy anh em đánh chén, đời lại lên hương!

Nhóm mấy anh em tôi được cả trại viết gọi là Cánh rừng phía Tây - tên một cuốn tiểu thuyết của ai đó được vang danh suốt thời trại viết quân đội theo học Nguyễn Du. Tôi có mấy chục cuốn sách quý của các nhà văn cổ điển thế giới mà mình mê mẩn đọc đi đọc lại, sau mỗi cuộc nhậu khoe ra là cả nhóm biểu quyết đem ra ông già chủ hiệu sách cũ ngoài đường Tô Hiến Thành. Sách này ông ấy mua liền, giá cao hẳn hoi vì miền Bắc không có. Mỗi cuốn “đẩy đi” cũng được đôi ba bữa rượu. Dần dà hết sách. Có hôm tôi và Hoa thấy anh Dương Duy Ngữ khoe có cuốn Tử vi áo bí của cụ Huỳnh Liên, nhà chiêm tinh của miền Nam cũ. Tôi biết cụ này nổi tiếng lắm. Sau 75 tôi chơi thân với ông Huỳnh Thiệu, Phó Ti Văn hóa Gia Lai, mà ông Thiệu là em trai cụ nên đã có lần ổng đưa tôi và hai cô con gái vô Sài Gòn thăm bác. Tôi cũng có một quyển nhưng đã tiêu tán lâu rồi. Tôi đọc để cho biết chứ không có máu nghiên cứu môn tử vi tướng số. Tôi bảo Hoa, sách này rất quý hiếm vì là loại sách không bị cấm nhưng không ai dám lưu hành vì nói như bây giờ là nó “nhạy cảm”. Một hôm có việc gì đó cả trại đi đâu hết, tôi và Hoa chuyện gẫu khô miệng. Tôi bảo Hoa, sách này không được công khai nên anh Ngữ giữ rất bất lợi, lỡ có ai biết sinh rách việc. Hoa vốn rất thân với anh Ngữ nên cũng bảo bác Ngữ không nên giữ. Rồi Hoa còn lí luận thêm rằng, bác ấy không nghiên cứu lĩnh vực tử vi mà giữ trong tủ, coi như tàng trữ sách chế độ cũ, mà nếu là sách tốt thì kể cũng lãng phí quá. Thế là hai thằng nhất trí “cuỗm”, đem ra hiệu sách cho người cần đọc họ tìm mua. Bắn một mũi tên trúng hai đích, hay quá còn gì! Cuốn sách ấy mua được nguyên một bộ chân giò to, một bộ lòng lợn gồm cả tai, mũi, họng và nửa cái thủ. Cánh rừng phía Tây mở đại tiệc, mời Cao Duy Thảo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Hoàng Thu bên dân sự sang cùng “chiến”. Hoa và tôi là hai đầu bếp, tay dao tay thớt cỡ siêu hạng. Anh Thái Bá Lợi chịu trách nhiệm gọi Trần Vũ Mai và bác Đào Hùng cùng tới, các bác lo kiếm rượu ngon, nâng lên đặt xuống, lên bờ xuống ruộng suốt đêm ấy. Mỹ Dạ xinh đẹp hát như chim. Hoàng Thu nói tiếng Anh điệu nghệ. Tôi thì hát tiếng Bahnar còn Hoa ta cắm cúi lo bếp núc cho cả nhà!

Phải đến sau đó cả năm chúng tôi mới dám khai thật với ông anh Dương Duy Ngữ. Không ngờ bác Ngữ lại nói câu tỉnh queo: “Hồi ấy tao biết tỏng hai thằng mày ăn cắp sách của tao, nhưng tao lơ đi cho, chứ tao có phải thằng ngu đâu!”. Ô, khiếp thế! Chả biết bác ấy nói thật hay bắt nẹn hai thằng đàn em hư. Hoa bảo tôi, mày vớ vỉn, bác ấy nói thật đấy!
*
*    *
Hồi ấy chúng tôi đều chưa vợ, chưa cả người yêu, thằng nào cũng mê đọc sách, mê rượu và ham chơi, ham viết văn. Thời gian sau 75, ở Gia Lai, như đã nói, tôi thân với ông Huỳnh Thiệu. Mỗi lần Ti Văn hóa của ông cho xe đi một vòng thị xã thu hồi sách báo của chế độ cũ là tôi bám theo, bám về tận kho, cứ sách văn học dịch, sách của tác giả được giải Nobel và sách của các nhà văn tiền chiến là tôi ôm về “kho” của tôi. Sau được chuyển về trại viết Khu V càng  có nhiều sách đọc, nhiều thời gian, đọc cả đêm cả ngày, mờ cả mắt. Có hai ông anh Ngô Thế Oanh và Thanh Thảo sành nghề chỉ cho nên đọc cuốn này nên đọc cuốn kia, tôi được mở mang kiến thức và tự thấy, nếu không có mấy năm về đó đọc sách, chắc tôi không vỡ vạc ra được. Tôi bảo Hoa nên đọc sách này nên đọc sách kia, nhưng Hoa đọc kiểu của Hoa, tôi không thể làm hoa tiêu cho hắn được. Hoa độ này suốt đêm ngày ôm bàn viết. Hắn ngồi trong xó, đánh trần, mặc cái quần đùi bộ đội, khăn mặt vắt vai, lưng còng, thỉnh thoảng nằm dài thượt trên cái giường con, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, đầy nghiêm trọng. Thằng này đúng là kể cả ngủ cũng nghiêm trọng! Đang ngủ, thỉnh thoảng lại bật dậy ngồi “cày” như trâu. Viết văn khó nhọc thế thì bố cháu cũng xin vái các cụ. Nhưng cái tính hắn khổ sở thế thì biết làm sao. Được cái nết hiền lành xởi lởi, viết xong đến đâu đưa cho tôi đọc “tươi” đến đó. Các truyện ngắn của Phạm Hoa truyện nào cũng lí thú, cũng rất đặc sắc và sinh động. Hắn thực sự làm tôi ngạc nhiên quá mức tôi tưởng. Hoa viết về lính không chân chất thật thà, không khoa trương màu mè, không ba hoa tâng bốc, không nói năng như chính trị viên, như chính cái miệng hắn nói ra hàng ngày. Mà các nhân vật lính của Hoa rất bình thường, tự nhiên, không lên gân đóng vai nhà quê hay lên mặt trí thức. Nó hồn nhiên nhi nhiên. Nó xuất hiện trên trang viết nhẹ như tự nó phải như thế, mà vì thế nó đặc sắc chất lính Trường Sơn, đặc sắc chất lính lái xe, đặc sắc kiểu của chị em thanh niên xung phong thời bom đạn. Kì tình cho đến lúc ấy tôi chưa thấy tay bút nào viết được hồn nhiên trong trẻo và ấm áp đến thế. Tôi mừng cho bạn, đem đánh máy truyện của Hoa ra mấy bản đưa cho các đồng nghiệp, có vài người khen, có vài người mải lo viết không để ý. Năm thứ hai học trường Viết văn Nguyễn Du, báo Văn nghệ in một lèo trong năm 5 truyện ngắn của Hoa, cùng một đề tài mà truyện nào cũng khác truyện nào. Truyện nào cũng hay, làm cho giới sáng tác trẻ chúng tôi sôi sục mừng. Truyện ngắn của Phạm Hoa hớp được hồn độc giả ở cái không khí tươi trẻ hồn nhiên trong sáng, mà văn thì giản dị, tinh tế, rất khác xa tính cách sống thường ngày úi xùi như “ông cụ non” của hắn. Mặt mũi hắn lúc nào thấy cũng nhàu nhĩ, suốt ngày gãi đầu gãi tai kêu chán kêu buồn mà chả biết chán gì buồn gì. Khi ngồi vào bàn một mình, sống cùng kí ức, cuộc sống thời trai trẻ trở về thì cái chất nghệ sĩ chiếm lĩnh, choán hết cả cái sự lo âu thường nhật. Phạm Hoa viết tinh tế đến nao lòng. Nói thật, tôi cũng có đọc một số các anh nhà văn quân đội đồng trang lứa, nhưng tôi thấy văn của Phạm Hoa khác hẳn. Các truyện ngắn của Phạm Hoa tự nó tránh được lối tư duy ồn ào, cách viết sáo rỗng mà không ít người lâm vào. Đấy là đoạn đầu viết văn của Phạm Hoa. Nó làm nên tên tuổi nhà văn Phạm Hoa một cách không ồn ào, không gây sự nổi trội trên văn đàn, nhưng những người viết truyện ngắn hồi đó, theo tôi được biết, đều mến phục. Có lần tôi đưa cho nhà văn Nguyễn Thành Long mấy truyện của Hoa mà tôi đánh máy thành tập. Ông nhà văn đàn anh đọc xong bảo tôi: “Cậu Hoa viết truyện ngắn rất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ này hiếm lắm, bộc lộ một tài năng đáng nể  đấy, Đỉnh ạ!”. Vâng. Tôi cũng thấy thế và vì chơi với Hoa, gần Hoa nên tôi cứ luôn bị tiếc.  Có lần tôi bảo với Nguyễn Trí Huân, người ta “đôn” thằng Hoa đi làm cán bộ thì chúng ta mất một nhà văn tài năng và được một tay cán bộ dở nhưng mẫn cán và tốt bụng!

Những năm sau này số phận chọn Hoa hay Hoa chọn con đường cho mình, mà theo cách nhìn của tôi, là thật phí cho văn chương. Mặc dù Hoa đi làm cán bộ lên tới cấp Cục. Tôi thậm chí còn cáu với bạn vì thấy cái mặt hắn lúc nào cũng nghiêm trang, nói năng có vẻ nghiêm trọng, lúc nào cũng quân phục, lon ngù đỏ chói. Trời ơi, thằng bạn thời lính xế Trường Sơn của tôi đâu rồi? Nghệ sĩ Phạm Hoa của tôi đâu rồi? Có lần tôi tạt vào phòng hắn, thấy trên bàn giấy tờ xếp nghiêm chỉnh, ngăn nắp, một tệp gì đó hắn đang viết, tôi tò mò lật xem qua một bản thảo dày đặc toàn chữ, gạch xóa, viết thêm, ngoắc ra ngoắc vào rất kĩ. Tôi bật đèn bàn. Tôi thấy tệp bản thảo nghiêm chỉnh là một bài diễn văn hay đại loại bài phát biểu gì đó to tát lắm, long trọng lắm cho một ai đó. Tự nhiên tôi cáu sườn thò ngón tay trỏ vào lọ mực của hắn, viết một chữ rõ to, rõ đểu, rồi biến.

Cuộc sống thời hậu chiến của cánh lính như bọn tôi là loại lính may mắn, có tí văn chương gà què nên được cấp trên tuyển chọn cho về “trại viết” ở tập trung, viết gì tùy ý, tuy lương lậu đều thấp xì, cao thì có anh trung úy, thấp bé nhẹ cân như tôi và Hoa cỡ trung sĩ thượng sĩ, phiếu thực phẩm hạng bét, mỗi tháng mấy lạng thịt. Ở rừng thời chiến đã đói, hòa bình rồi đói vẫn hoàn đói. Gia cảnh thì nhà nào cũng rối tinh rối mù, cũng đói kém. Thời thế thì ngăn sông cấm chợ, lúc nào cũng toàn nghĩ đến miếng ăn. Tôi có bà chị cả ở quê phải đi kinh tế mới tận Tân Trào, Tuyên Quang, vì là đảng viên nên phải gương mẫu cùng ông chồng nhà quê làm ruộng cuốn cả lũ năm sáu đứa con lóc nhóc lên rừng khai khẩn. Nhà nước cho đâu mấy chục cân gạo, vài ba đồng bạc, xe đưa lên cờ xí biểu ngữ khẩu hiệu vang trời. Cán bộ chỉ cho mỗi nhà một quả đồi, tự mà cắm cọc mốc, thế là tự bới đất lên mà kiếm ăn. Tôi lên thăm chị, xót ruột quá về kể với Hoa. Hoa bảo tao và mày làm một chuyến lên thăm chị. Mang theo hai ba lô, huy động toàn bộ vốn liếng mua được mấy bộ xích líp xe đạp Tàu, về quê huy động được mấy cân thuốc lào và mấy cái phích nước, thu gom được mấy chục cân phiếu gạo đút túi, mỗi thằng một xe đạp, không cờ đèn kèn trống, nhằm hướng Việt Bắc, tiến!

Xe đạp cà tàng, đường sá tuyền đường đất gập ghềnh, lên dốc xuống khe, qua sông qua suối kẽo kẹt cả tuần lễ, ăn bờ nằm bụi thế mà cũng mò được lên đến nơi. Đúng là xứ sở của khỉ ho chó ngáp, rừng sâu núi thẳm, nhìn thấy ông anh rể và bà chị gái gầy đét với đàn cháu nheo nhóc mà mặt mày không tươi lên được. Mừng có hai cậu lên thăm, anh chị tôi ôm các em khóc, rồi cũng huy động đàn con đứng vào cái cối giã gạo, giã được một mẻ. Hoa ngậm ngùi bảo tôi, nom chúng nó như một cái dây treo quần áo rách. Ông anh rể bắt được một con gà to nhất, thịt đãi hai cậu. Bữa ấy hai cậu chỉ dám ăn cái cánh với bát cơm độn sắn. Nhưng bù lại, đêm ấy ngủ một giấc rõ sâu vì đi đường mệt. Sáng ra chúng tôi rủ nhau ra đồi xem dân chúng sống thế nào. Ở đây nhà nào cũng đói cũng rách nát. Hoa bảo tôi, anh em mình phải chuồn về thôi, ở lại anh chị khổ thêm. Thế là hai thằng vào bản đồng bào dân tộc tính bán số xích líp và phích nước đem theo định “đánh một quả”, lấy tiền cho chị. Nhưng vào đấy họ cũng đói, còn đói hơn dân kinh tế mới nữa, đành đem ra bàn với ông anh rể cách “đẩy” hàng đi. Anh rể tôi bảo ở đây có nhà chú Tút chuyên mua hàng dưới xuôi bán lại cho bà con, để anh sang hỏi xem chú ấy có nhận mua cho không. May quá, bán được liền, giá thì rõ ràng là không có một xu lời…

Giờ đây chúng tôi đều đã già nua cóc cáy, về vườn cả rồi. Tôi vẫn chứng nào tật nấy, cứ sơ sẩy cái là tếch đi chơi đó đây cùng chúng bạn. Còn Phạm Hoa, chủ yếu vẫn trụ ở nhà với cô vợ chưa thể nói là già, một thời xuân sắc, một thời đã đưa hắn lên đỉnh của cuộc đời trai trẻ, làm cho hắn biết thế nào là cuộc sống thường ngày của một trang nam nhi. Và bây giờ hàng ngày cô chăm chỉ đi tập Pháp luân công, cùng chăm lo ba bốn bữa cho hắn, nhà văn Phạm Hoa. Hắn thì vẫn thuốc lá thuốc lào, vẫn rượu cuốc lủi nâng lên đặt xuống đều đều, mặc dù tim đã phải gắn sten. Đến nay hắn vẫn không internet, không công nghệ, không email, không facebook, vẫn ngồi gù lưng viết tay, suốt ngày đọc hàng đống bản thảo các nhà văn bạn bè nhờ đọc. Phạm Hoa là đại tá nhưng hưởng lương cấp tướng. Tôi thấy hắn vẫn mặc quân phục thỉnh thoảng đi đâu đó, hỏi  ra là lại đi họp. Họp khi “hội” này, khi “hội” kia, mặt mũi vẫn nghiêm trọng, nói năng vẫn chừng mực. Tôi bảo bạn buông bỏ đi, tuổi của mình giờ thì chẳng có gì nghiêm trọng nữa, ngoài “ông” sức khỏe. Hắn gãi đầu gãi tai, nói một câu rõ tục rồi xìa li rượu vào mặt tôi nhắc: “Uống! Uống đi! Đồ sợ chết!”.

Hắn “ực” một phát hết li cuốc lủi rồi không quên nhắc lại cái chữ rõ to và rõ “đểu” mà tôi gắn thẻ tặng cho hắn, giữa trang bản thảo bài diễn văn năm nào.
                                                                               
Hà Nội, 10/6/2017
T.T.Đ

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)