Quan hệ lí tưởng giữa con người và động vật hay những mù mờ sinh thái - nhìn từ văn học thiếu nhi

Thứ Hai, 06/11/2017 00:24
. THÁI HÀ

Những con vật bao giờ cũng hiện diện như một sự thách thức đối với con người. Chúng vừa giống lại vừa khác với chúng ta. Ở chúng cũng có hiện tượng kết đôi, một số loài cũng hệt như con người, duy trì tình trạng hôn nhân một vợ một chồng; nhưng đồng thời trước mắt chúng ta, những con vật vẫn luôn là cái gì hoàn toàn không thể hiểu nổi. Trong thực tế, chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật rằng dẫu có nỗ lực đến độ nào, con người cũng không bao giờ thực sự học được cách giao tiếp của loài vật. Đó chính là nghịch lí của sự giống và không giống, của tương đồng và khác biệt, tồn tại ngay trong niềm yêu mến chúng ta dành cho những con vật.

Chúng ta sống cùng những con vật, đôi khi còn đặt cho chúng những cái tên của con người, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang sử dụng chúng cứ như thể chúng chỉ là những thứ vô tri giác, cứ như thể chúng là những đồ vật. Tính phi lí trong mối quan hệ này là điều chúng ta thường muốn tìm cách lảng tránh, thậm chí không chịu thừa nhận. Bằng cách viện đến chân lí, tri thức, lí trí và trật tự, con người xếp những con vật vào chỗ của chúng theo ý muốn của mình. Nhưng chính ở trung tâm của chân lí, tri thức, lí trí và trật tự ấy vẫn tiềm ẩn một nguy cơ, một giới hạn trong quyền lực của con người. Động vật là một trường hợp tới hạn đối với mọi nỗ lực nhận thức của con người. Bởi vậy, chúng cho phép chúng ta nghĩ lại về bản ngã.

Loài vật vừa giống vừa không giống con người, vừa là bạn vừa là thù, vừa được coi như có cá tính riêng vừa bị đem ra mổ xẻ, vừa được yêu thương vừa bị ăn thịt. Như thế, thay vì đưa ra bất cứ xác quyết nào, một vấn đề có tính khiêu khích xuất hiện: Nếu như chúng ta đặt vô số những cách ứng xử và biểu đạt khác nhau về động vật bên cạnh nhau, mọi sự đối lập cố hữu sẽ được phơi lộ, và sự phơi lộ này sẽ nêu ra một loạt những câu hỏi mới. Không quá khó để phát hiện ra được những song đề nghịch lí như thế hiện diện đầy rẫy trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, một mặt chúng ta duy trì mối quan hệ thân mật gắn kết giữa chủ nuôi và thú cưng, mặt khác lại vẫn tiêu thụ thịt động vật một cách tự nhiên trên bàn ăn. Cũng vậy, chúng ta không ngừng lạnh lùng giết mổ động vật sống trong khi đó, lại vẫn đầy xúc động khi đọc những trình hiện nhân cách hóa động vật trong các cuốn truyện thiếu nhi.

 
gió qua rặng liễu
Dù có đưa ra những cách diễn giải khác nhau đến thế nào, dù con người được nhìn như là kẻ thống trị hay người bảo trợ, dù khẳng định quyền sử dụng của con người hay trách nhiệm của loài người với các giống loài khác, con người luôn là người bảo vệ, hoặc là kẻ thống trị và quan sát. Nói cách khác, con người luôn nằm ở vị trí trung tâm của mọi diễn giải ấy. Lập luận này có thể giúp chúng ta chạm đến rất nhiều những kiến giải khác nhau về động vật (nói đúng hơn là về mối quan hệ giữa chúng ta và loài vật) được đặt ra trong từng trường hợp giao tiếp và sử dụng cụ thể như: việc nuôi thú cưng, việc ăn thịt động vật, dùng thú làm xiếc, bóc lột sức kéo, hay những cách thể hiện về loài vật trong văn học, phim ảnh, truyền hình, truyền thông… Điều quan trọng là một sự thức nhận rằng: tiềm ẩn trong đa phần những nỗ lực diễn giải ấy luôn là nhu cầu tự thỏa mãn của con người - tự thỏa mãn trong nhận thức, trong nhu cầu giao tiếp, giải trí, cũng như trong việc kiến tạo một logic dễ chịu nhất để biện minh cho những cách ứng xử đầy mâu thuẫn của chính mình với những con vật. Nhận định này sẽ được minh chứng khá rõ nét nếu đi sâu phân tích các tác phẩm văn học thiếu nhi.

Văn học thiếu nhi là một trong những hình thức phơi lộ rõ nét nhất quan niệm của con người về một mối quan hệ lí tưởng mà chúng ta muốn có với những con vật. Nó cất lên một tiếng nói ham muốn, một niềm ham muốn mà rồi sẽ trở thành tiếng nói sầu muộn khi người ta buộc phải giã từ thời thơ ấu. Bởi thế, mệnh đề cần xem xét trước tiên khi tiếp cận với văn học thiếu nhi là mệnh đề về tuổi thơ. Có lẽ cần nhắc lại quan điểm của Sigmund Freud trong Vật tổ và cấm kị khi ông xem xét cách mà người nguyên thủy nhận thức thế giới xung quanh họ: “Có một sự tương đồng rất lớn giữa sợi dây gắn kết của trẻ em và của người nguyên thủy với những con vật. Ở trẻ nhỏ không hề thấy một chút dấu vết nào của sự kiêu căng ngạo mạn thường hay xúi giục những người lớn văn minh vạch một đường phân cách hà khắc giữa mình và những loài vật khác. Trẻ em không chút ngập ngừng trong việc bộc lộ những nhu cầu thân thể, và không nghi ngờ gì, trẻ em thấy mình gần gũi và giống với những con vật hơn”. Vấn đề về sự ngây thơ mà Freud đặt ra là một vấn đề trung tâm trong khá nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi. Có thể lựa chọn ba cuốn truyện thiếu nhi khá kinh điển để khảo sát những cách thể hiện về động vật: Gió qua rặng liễu, Mạng nhện của Charlotte, và Lassie tìm đường về nhà.
 
Gió qua rặng liễu (Kenneth Grahame - Mĩ) được liệt vào top những cuốn sách được trẻ em yêu thích nhất trong thế kỉ XX. Xuất bản lần đầu tiên năm 1908, tác phẩm là câu chuyện về một cộng đồng sống bên bờ sông với chuột đồng, chuột chũi, cóc, lửng, và những con chồn tai ác. Tuy nhiên, trong cuốn truyện có một độ mập mờ, không rõ liệu những con vật này có phải là động vật thật hay không, nói cách khác, không rõ chúng là những con vật được nhân hóa hay là những con người được thú vật hóa. Câu chuyện gần như phi thực: những con chuột biết cưỡi ngựa, còn cóc thì biết ăn trộm và lái ô tô. Cuốn sách hòa trộn cái thực trong cách miêu tả vùng đồng quê với cái huyễn tưởng về một thế giới trong đó những con vật biết nói tiếng người đến mức Erica Fudge (giáo sư, nhà sinh thái luận người Anh) xếp nó vào hàng hiện thực huyền ảo. Tuy vậy, điều rõ ràng nhất là với cuốn truyện này, trẻ em không được trải nghiệm một thế giới tự nhiên thực sự; mà chẳng khác gì những câu chuyện ngụ ngôn Aesop, nó chỉ là một câu chuyện hoàn toàn về chúng ta thay vì về “kẻ khác” (loài vật). Những con vật bị truyện kể sử dụng như một phương tiện. Bởi vậy, phép nhân hóa mà chúng ta gặp ở Gió qua rặng liễu là một phép nhân hóa toàn phần: Những con vật được nhân hóa trọn vẹn tới mức chúng không khác gì với chúng ta (nói khác đi, chúng chính là chúng ta). Đây là một trong những trường hợp mà tư tưởng nhân loại trung tâm luận hiện hình ở dạng thức cực đoan nhất của nó. Nó khiến chúng ta quên đi rằng trước hết, những con vật là động vật và chúng không phải là chúng ta. Điều nguy hiểm là hiện tượng này càng ngày càng xuất hiện nhiều và được tự nhiên hóa trong các sản phẩm hoạt hình, nơi ta có thể bắt gặp những con vật mặc quần áo của con người, sống trong những ngôi nhà như chúng ta, đi những phương tiện như chúng ta, nói tiếng nói của chúng ta. Tóm lại, trong thế giới ấy, loài vật chẳng có gì khác với chúng ta. Loài vật, lúc này, bị biến thành vô hình hơn bao giờ hết.

 
mang nhen cua charlotte
Mạng nhện của Charlotte (1952, E.B.White - Mĩ) là một bức tranh rất khác về thế giới loài vật. Ý tưởng về sự gắn kết mang tính bản năng và nguyên thủy của Freud được gặp lại khá rõ nét trong tác phẩm này. Mạng nhện của Charlotte trình ra một sự tách biệt triệt để và không thể giao tiếp giữa hai thế giới: thế giới con người và thế giới loài vật. Nhưng tồn tại trung gian giữa hai thế giới ấy chính là trẻ em (trong câu chuyện này là nhân vật Fern). Câu chuyện kể về việc một cô nhện tên là Charlotte nghĩ cách cứu chú lợn con Wilbur khỏi bị giết thịt - điều được cho là định mệnh của giống loài lợn. Nhưng nếu không kể tới độc giả đọc sách, chỉ mình cô bé Fern trong cả cuốn truyện hiểu được tiếng nói, nghĩ suy của những con vật và những gì diễn ra trong khu chuồng. Đa phần những người lớn trong truyện không tin cô bé. Nhưng cha cô bé lại đưa ra hai lời giải thích về việc Fern có thể lắng nghe những con vật: hoặc là cô bé có một trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời, hoặc là đôi tai của người lớn đã không còn được độ tinh nhạy như của cô bé. Cả hai lời giải thích này tiềm ẩn một nỗi phiền muộn, một sự phiền muộn nảy sinh khi con người nhận ra việc trưởng thành, hay lớn lên, rồi sẽ đưa tới một sự mất mát, một khoảng cách bị tách biệt khỏi thế giới tự nhiên không bao giờ có hi vọng nối liền lại được. Một phần của quá trình lớn lên, như thế, là sự xa cách dần với những con vật. Việc những người lớn trong truyện khăng khăng giết Wilbur vì nó là con lợn bé nhất đàn và vì nhu cầu ăn thịt đã xác thực sự tách biệt tuyệt đối của hai thế giới người và vật. Cuốn truyện, bởi thế, chất vấn lại người đọc, rằng có lẽ con người chúng ta đang bị mất đi, hoặc đã tự làm mất đi những năng lực bản năng nhất của mình, và sự mất mát này sẽ khiến đời sống con người hướng theo chiều hủy diệt một cách vô phương cứu chữa.

Lassie tìm đường về nhà (1940, Eric Knight - Mĩ) kể về một cô chó có tên Lassie, bị bán đi và bị lưu lạc rất nhiều lần, nhưng rồi liên tục tìm về được với Joe, cậu chủ nhỏ của mình. Nhưng dù là một câu chuyện xúc động về loài vật, và dù Eric Knight rất ý thức trong việc tránh dùng ngôn ngữ loài người nói thay cho con vật mà chỉ bày tỏ nỗ lực dịch và cố hiểu suy nghĩ của chúng, thì điều mà Lassie tìm đường về nhà muốn nhấn mạnh vẫn chỉ là một ý niệm khá dễ chịu với chúng ta trong tư cách một con người: Lassie luôn cố gắng tìm về với người chủ đích thực của nó. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc Lassie không thôi ham muốn bị-làm-chủ, ham muốn làm kẻ vâng lời, phục tùng.

Những câu chuyện, có thể thấy, đặt vấn đề về thủ pháp nhân hóa. Nhân hóa, như Erica Fudge kết luận, là một lưỡi dao hai mặt. Một mặt, nhân hóa có nguy cơ khiến con vật bị tiêu biến đi, khiến tiếng nói của loài vật bị thay thế bởi tiếng nói con người. Nhưng nếu không sử dụng phép nhân hóa, mọi miêu tả và biểu đạt về động vật rất dễ rơi vào cơ học hóa. Thêm một chiều kích khác của nhân hóa cũng cần được đánh giá công bằng, đó là khi nhân hóa được sử dụng để cất lên những tiếng nói không mấy dễ chịu đối với con người, những tiếng nói chúng ta muốn lảng tránh hay không muốn lắng nghe. Chính khi ấy, nhân hóa sẽ không còn là một hình dung ủy mị về những con vật mà đã trở thành một mối đe dọa, và mọi ảo tưởng bay bổng cũng như mặc định cố hữu của chúng ta sẽ biến thành ác mộng. Con người sẽ biết phải ứng xử ra sao nếu như liên tục bị gợi nhắc về những tiếng kêu cứu, những lời lên án của những con vật? Một bữa tiệc Giáng sinh sẽ còn vui vẻ nữa hay không nếu chúng ta nhận thức lại rằng nó cũng là một thảm họa chết chóc với những con vật đang sống xung quanh mình? Những câu hỏi như thế sẽ khởi đầu một sự suy ngẫm lại về mối quan hệ của con người với loài vật, cũng như về việc mối quan hệ ấy được xây dựng trong các trình hiện văn chương như thế nào.           
T.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)