Dòng chảy

Từng có một Sư đoàn Bộ binh 1

Thứ Bảy, 13/07/2024 07:11

Sau gần 50 năm kể từ khi ra đời và làm tròn sứ mệnh trên bốn chiến trường lớn giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ, Sư đoàn Bộ binh 1, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Bộ Tổng Tham mưu) mới được định hình lại một cách chính thức và rõ ràng bằng tất cả sự nỗ lực và những nhân chứng còn lại với cuốn lịch sử Sư đoàn vừa được ra mắt.

Có mặt tại buổi giới thiệu cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1” có đông đảo các cựu chiến binh thuộc Ban liên lạc Sư đoàn Bộ binh 1 cùng một số thân nhân của các cựu chiến binh đã mất. Gần 50 năm kể từ khi thành lập, mỗi người gắn bó với Sư đoàn ở một thời gian khác nhau, với các đơn vị khác nhau, chiến trường khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là đều đứng trong đội hình của Sư đoàn 1, sư đoàn đầu tiên đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội kể từ sau kháng chiến chống Pháp. Có lẽ trường hợp Sư đoàn 1 là độc nhất vô nhị trong lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ sự quyết định ra đời đến việc đánh trận trước cả khi công bố thành lập, đến việc thay đổi các trung đoàn trực thuộc cũng như hành trình di chuyển từ chiến trường này đến chiến trường khác, sang nước bạn Campuchia… tất cả chỉ gói gọn trong vòng 9 năm, nhưng đó là 9 năm làm nên lịch sử.

Cuốn sách "Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1" mới được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Đáp ứng nhu cầu của Mặt trận Tây Nguyên

Khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, Mĩ chuyến sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Về phía ta, bộ đội chủ lực lúc này đã có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn. Đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn bộ binh cùng nhiều tiểu đoàn, trung đoàn kĩ thuật. Lúc này ta cần khẳng định sức chiến đấu của bộ đội chủ lực trên các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Tây Nguyên, nơi được coi là nóc nhà Đông Dương, được phía Mĩ nhìn nhận, bên nào nắm giữ được Tây Nguyên sẽ làm chủ cả Đông Dương. Phía ta, Tổng Quân uỷ cũng khẳng định khu vực Tây Nguyên rất quan trọng, nếu ở trong tay địch thì rất khó cải biến cục diện miền Nam, có phát triển lực lượng vào Tây Nguyên mới giành được thế chiến lược quan trọng nhất.

Tuy vậy, vấn đề nổi cộm gây băn khoăn cho cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận Tây Nguyên khi đó là: sở trường tác chiến của quân Mĩ như thế nào, ta có thể đánh thắng được Mĩ không và đánh bằng cách nào? Đảng uỷ Mặt trận Tây Nguyên hạ quyết tâm: “Trước hết phải dám đánh Mĩ và quyết tâm đánh thắng. Cứ đánh khắc tìm ra cách đánh…”. Ngoài Trung đoàn 320 đã được Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung cho Tây nguyên từ tháng 9 năm 1964, đến tháng 8 năm 1965 Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung cho Tây Nguyên thêm hai trung đoàn chủ lực nữa là Trung đoàn 33 và Trung đoàn 66. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương về chủ trương thành lập các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên, giữa năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Kiện lúc đó đang là Tư lệnh Sư đoàn 304 và đồng chí Nguyễn Nam Khánh, Chính uỷ Lữ đoàn 305 vào Tây nguyên để nghiên cứu thành lập sư đoàn chủ lực mới. Ngày 22 tháng 9 năm 1965 hai đồng chí cùng bộ khung sư đoàn đã tới Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên để triển khai thành lập Sư đoàn Bộ binh 1, tuy nhiên tình hình chiến sự cấp bách, yêu cầu phải khẩn trương triển khai chiến dịch Plei Me nên các đơn vị tập trung chuẩn bị chiến đấu, lùi việc thành lập sư đoàn lại.

Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, hiện là Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn Bộ binh 1. Ảnh: BTC

Ba trung đoàn bộ binh 320, 66 và 33 sau khi tham gia Chiến dịch Plei Me thắng lợi, lúc đó mới đầu quân về Sư đoàn Bộ binh 1. Lễ công bố quyết định thành lập Sư đoàn Bộ binh 1 được tổ chức tại mặt trận Tây Nguyên ngày 20 tháng 12 năm 1965. Từ đó, ngày này được lấy làm ngày truyền thống của Sư đoàn, tuy rằng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy quyết định thành lập Sư đoàn. Khi thành lập, đồng chí Hoàng Kiện được giao giữ cương vị Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Huỳnh Đắc Hương giữ vị trí Chính uỷ, đồng chí Hà Vi Tùng làm Tư lệnh phó và đồng chí Nguyễn Nam Khánh làm Phó Chính uỷ. Trong 4 năm hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên, Sư đoàn 1 luôn là lực lượng nòng cốt, chủ công của Mặt trận Tây Nguyên. Các đơn vị thuộc Sư đoàn sau Chiến dịch Plei Me đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như Sa Thầy, Sa Thầy 2, Đắk Tô 1, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Từ trận Ia Drang…

Tình hình chiến trường miển Nam năm 1965 đang là thời điểm “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mĩ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Khác biệt lớn nhất của chiến lược này đó là Mĩ đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến, thực hiện “tìm và diệt” quân chủ lực của ta trên các chiến trường. Hàng loạt những tên tuổi sẽ tham chiến như Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận, được mệnh danh là “Anh cả dỏ” của Quân đội Hoa Kì, được thành lập từ năm 1917, chưa từng thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai; Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 Bộ binh với danh xưng “Tia chớp nhiệt đới”; Lữ đoàn 173 dù với danh xưng “Thiên thần mũ đỏ”. Mĩ muốn mọi thứ đi đến một sự ngã ngũ. Mối quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị trên chiến trường miền Nam lúc đó là thăm dò, tìm hiểu quân Mĩ để tìm ra cách đánh đối tượng tác chiến mới trên chiến trường miền Nam, từ đó đi đến những quyết định mang tầm chiến lược.

Cuốn "Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1" được trưng bày trang trọng tại Lễ ra mắt. Ảnh: BTC

Những câu hỏi lớn được đặt ra. Và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 1 đã trả lời những câu hỏi ấy. Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 11 năm1965, với 4 trận đánh của Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33, ta đã tiêu diệt Tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mĩ, đây là trận then chốt mang tính quyết định của Chiến dịch Plei Me. Trận đánh đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân Mĩ. Tướng Westmoreland sau này phải thừa nhận, đây là tổn thất nghiêm trọng của Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mĩ trong trận đầu ra quân ở Tây Nguyên. Trận đánh đã vượt quá khuôn khổ chiến thuật, trở thành trận đánh có tầm cỡ chiến dịch, mang ý nghĩa chiến lược. Vì những thành tích xuất sắc trong chiến dịch Plei Me, Sư đoàn đã được tặng một lúc 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất vì theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó, những chiến công của Sư đoàn xứng đáng được khen thưởng hơn thế, nhưng vì Quân đội ta không có huân chương nào cao hơn huân chương quân công nên tặng cho Sư đoàn 2 huân chương một lúc.

Trận đánh Ia Drang đã đi vào lịch sử chống Mĩ như một dấu mốc mang ý nghĩa lớn lao. Ý nghĩa đầu tiên đó là trả lời cho câu hỏi của Bộ Chính trị: Ta có đánh được Mĩ không? Tiếp đó, trong Chiến dịch Đắk Tô 1, với trận đánh then chốt ở Điểm cao 875 ngày 10-11/7/1967 tại Kon Tum, Sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn 173 Dù sừng sỏ của Mĩ. Niềm tin đánh Mĩ đã được củng cố, từ đó ta đã có những quyết sách chiến lược trên chiến trường miền Nam.

Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh

Thắng lợi của Chiến dịch Plei Me do các trung đoàn 320, 33, 66 tham gia đã giải đáp những băn khoăn của quân ta tại Mặt trận Tây Nguyên, giải đáp hàng loạt câu hỏi về cách đánh Mĩ, quyết tâm đánh Mĩ, tạo niềm tin tưởng, phấn khởi và quyết tâm đánh giặc. Dù vũ khí của Mĩ có hiện đại, trang bị có tối tân thì ta vẫn có cách đánh. Từ thắng lợi này cho thấy bộ đội chủ lực của ta hoàn toàn có thể đánh thắng quân chủ lực của Mĩ.

Càng chiến đấu với quân Mĩ ta càng hiểu Mĩ để tìm ra cách đánh Mĩ. Cách đánh ấy đã được Sư đoàn Bộ Binh 1 đúc kết rất giản dị “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, chỉ thế thôi nhưng đã trả lời được câu hỏi lớn quyết định đến phương châm tác chiến ở tầm chiến lược. “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” được đúc kết từ thực tiễn đã trở thành phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn Bộ binh 1 sau Chiến dịch Plei Me. Phương châm ấy tiếp tục được áp dụng ở các chiến dịch Sa Thầy, Sa Thầy 2, Đắk Tô 1, làm cho quân chủ lực Mĩ liên tục bị động, phải đối phó và chuốc lấy những thất bại lớn.

Các đại biểu nhận sách tượng trưng tại Lễ ra mắt "Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1". Ảnh: BTC

Các chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh 1 trước đây nay cũng đều ở tuổi 85 - 87, lãnh đạo chỉ huy sư đoàn hầu hết đều đã về thế giới người hiền, rất may mắn là vị chính uỷ đầu tiên, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương hiện vẫn còn sống và khá minh mẫn. Thời kì Sư đoàn mới thành lập ở Mặt trận B3 đồng chí Hoàng Kiện được giao vị trị Tư lệnh Sư đoàn, còn ông Huỳnh Đắc Hương được trên giao đảm nhiệm vị trí Chính uỷ. Nói về tinh thần chiến đấu của bộ đội Sư đoàn 1 ngày ấy, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể câu chuyện, một lần địch phát hiện vị trí đóng quân của ta đã đổ quân bằng đường hàng không tập kích vào đơn vị, các bộ phận chiến đấu đều đã đi thực hiện nhiệm vụ chỉ có bộ phận nuôi quân ở nhà nhưng anh em đã cầm súng đánh giặc hết sức kiên cường, nghe tiếng súng nổ, các đơn vị của ta mới nhanh chóng hiệp đồng và yểm trợ. Từ đó Sư 1 cũng đã ra đời cách đánh “hiệp đồng bằng tiếng súng”, cùng với nhiều cách đánh khác như “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “đánh điểm diệt viện”, sau này đã trở thành cách đánh địch của bộ đội ta trên khắp các chiến trường miền Nam, phong trào “Dũng sĩ diệt Mĩ” cũng được ươm mầm và lan toả từ Mặt trận B3, từ phong trào thi đua của các đơn vị Sư đoàn Bộ binh 1.

Tại buổi gặp mặt ra mắt cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1”, các cựu chiến binh Sư đoàn ở những thời kì khác nhau đã cùng ôn lại lịch sử vẻ vang của Sư đoàn. Đại tá Hoàng Oanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu, hiện là Phó ban liên lạc Sư đoàn nói rằng, sự ra đời của Sư đoàn Bộ binh 1 gắn liền với sự ra đời của Mặt trận Tây Nguyên B3. Ông và các cựu chiến binh Sư đoàn coi việc thực hiện cuốn sử kéo dài hàng chục năm qua là trách nhiệm của những người còn sống với hàng nghìn đồng đội hi sinh vì Tổ quốc khắp các chiến trường mà Sư đoàn Bộ binh 1 đã chiến đấu, từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả trên đất nước Campuchia.

Dấu chân trên khắp các chiến trường

Đáp ứng với nhu cầu của chiến trường, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, từ sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 Sư đoàn Bộ binh 1 liên tục di chuyển qua các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Với kinh nghiệm chiến đấu của một sư đoàn chủ lực, ở chiến trường nào, nhiệm vụ nào, hoàn cảnh nào Sư đoàn Bộ binh 1 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dấu chân các đơn vị thuộc Sư đoàn đã in đậm ở nhiều địa danh đánh dấu những trận đánh oanh liệt như những dấu son lịch sử, một loạt các địa danh Sóc Con Trăng, Đồng Pan, Lộc Ninh, Suối Đá, Cầu Khởi, Núi Dài, Ô Tà Sóc, Núi Đất, Núi Két, Ba Soài, Tà Keo, Cam Pốt, Công Pông Xpư, Kirirom, Sót Trút… đã gắn liền với sự chiến đấu, hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ, của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 1 Anh hùng.

Do yêu cầu nhiệm vụ, đến năm 1974, Sư đoàn Bộ binh 1 được lệnh giải thể, các đơn vị thuộc sư đoàn được biên chế về một số Quân khu, Quân đoàn trong toàn quân, những cán bộ chỉ huy từng gắn bó với Sư đoàn 1 cũng đi nhận nhiệm vụ mới, đảm đương những cương vị mới. Có lẽ vì thế mà suốt một thời gian dài, Sư đoàn Bộ binh 1 với những chiến công lẫy lừng trong lịch sử chỉ được lưu giữ trong kí ức của những cựu chiến binh sinh sống khắp đất nước.

Bút tích của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền đồng ý với đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Sư đoàn Bộ binh 1 của Ban Liên lạc Sư đoàn. Ảnh: NXT

Năm 2002, Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn đã có thư gửi thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Sư đoàn. Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Sư đoàn 1 do Đại tá Phạm Thái, khi đó là Trưởng phòng Hậu phương, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, nguyên là Trưởng Ban Cán bộ Sư đoàn 1 từ năm 1966 đến khi giải thể lập. Văn phòng Bộ Quốc phòng sau khi tiếp nhận đã làm thủ tục trình lên Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà và chuyển ý kiến Đại tướng Phạm Văn Trà cùng hồ sơ sang Tổng cục Chính trị. Trong đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng cho Sư đoàn Bộ binh 1 năm 2002, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết: “Gần đây, tuy có văn bản số 66/CPTW ngày 19/12/1997 do đồng chí Lê Khả Phiêu, thường trực Bộ Chính trị ký “không đặt vấn đề tuyên dương Anh hùng cho những đơn vị đã giải thể hoặc sáp nhập với đơn vị khác, trừ trường hợp đặc biệt”. Chúng tôi cho rằng, việc tuyên dương Sư đoàn 1 là một trường trường hợp đặc biệt”. Trong những lí do đặc biệt đó Thượng tướng Lê Ngọc Hiền đã thông tin, qua 9 năm hoạt động từ chiến dịch Plei Me đến đầu năm 1974, qua các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nam Campuchia, Sư đoàn 1 đã diệt gần 9 vạn tên địch, trong đó có 36.352 tên Mĩ, 21.513 Nguỵ Sài Gòn và 31.185 Nguỵ Lon Non, đã đánh 2945 trận, diệt 60 tiểu đoàn, trong đó có 21 tiểu đoàn Mĩ…

Năm 2013, nguyện vọng của những người lính Sư đoàn Bộ binh 1 đã thành hiện thực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Sư đoàn Bộ binh 1.

Góp cho Quân đội những trang sử chói lọi

Việc thực hiện công trình lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1 cũng đã manh nha từ thời điểm đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho đơn vị, nhưng phải mất rất nhiều thời gian và công sức, mười năm sau, bằng những tư liệu dày công sưu tầm từ các nguốn sử liệu, hồ sơ lưu trữ của Bộ Quốc phòng và sự cung cấp tư liệu của một số nhân chứng, đặc biệt là cuốn sổ ghi chép của đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn vẫn còn giữ được, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam mới hoàn thành công trình “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1”, sau khi Bộ Quốc phòng thẩm định, có ý kiến năm 2022, năm 2023 Viện Lịch sử Quân sự đã chỉnh sửa bổ sung theo chỉ đạo để hoàn thiện. Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1” vốn là đề tài khoa học của Viện, với rất nhiều những gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu qua ngót mười năm, đến ngày 11/7/2023 công trình mới được nghiệm thu sau khi chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp từ 4 cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học công phu. Đại tá Nguyễn Văn Sáu cho rằng, cuốn sử là phần hồn của các chiến sĩ Sư đoàn 1.

Thượng tướng Bế Xuân Trường đánh giá cao những nỗ lực của Viện Lịch sử Quân sự và các cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 1 để có thể ra mắt cuốn lịch sử sư đoàn. Ảnh: BTC

Sự ra đời của cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1” như một sự khẳng định sự hiện hữu của Sư đoàn trong 9 năm kháng chiến cam go, ác liệt nhưng cũng là giai đoạn quyết định để đi đến ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt hơn, câu chuyện về Sư đoàn 1 với những chiến thắng huyền thoại sẽ góp phần làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập. Trường hợp Sư đoàn cũng là minh chứng sống động cho phương châm chỉ đạo, nghệ thuật tác chiến của ta trong những năm chống Mĩ.

Dự buổi ra mắt cuốn “Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 1”, Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói rằng, Sư đoàn Bộ binh 1 tuy không còn phiên hiệu nhưng là sư đoàn có nhiều chiến công oanh liệt nhất trong kháng chiến chống Mĩ của Quân đội ta, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ. “Lịch sử chiến đấu của Sư đoàn đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm trong chiến đấu, làm sâu sắc hơn nghệ thuật quân sự “đánh điểm, diệt viện” thừa kế từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, tạo ra thế đột phá chiến lược từ Tây Nguyên. Những nét nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam đã được Sư đoàn nâng lên tầm cao mới. Những chiến công của Sư đoàn đã gắn với lịch sử chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, với lịch sử dân tộc Việt Nam bằng những trang chói lọi nhất”, Thượng tướng Bế Xuân Trường nói.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)