Hằng năm khi cây lúa bắt đầu trổ bông, cây ngô đã lên xanh là đồng bào Hà Nhì ở huyện Bát Xát (Lào Cai) lại chung vui mở lễ hội “Khù già già” truyền thống để cầu mong một vụ mùa bội thu. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của người Hà Nhì đen. “Khù già già” là một ngày hội lớn thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, là nơi thể hiện lòng tin với thần linh, đồng thời cũng là dịp mọi người nghỉ ngơi, đi thăm hỏi sau những ngày làm việc vất vả.
“Khù già già” tiếng Hà Nhì có nghĩa là "Múc ăn mãi ", hiểu nôm na là “Mong mùa màng bội thu”. Đây là lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên của đồng bào Hà Nhì đen huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Các hoạt động chính của buổi lễ được diễn ra tại công viên của khu rừng cấm đầu bản.
Nơi một chiếc lán mới vừa dựng được lợp bằng lớp cỏ gianh cắt từ vùng đất chỗ con trâu được chọn cúng thần hay ăn.
Dây trói trâu làm lễ hiến sinh được làm bằng da buộc thắt nút chắc chắn.
Theo tục lệ, trâu cúng thần phải là trâu đực, khỏe, lông đen tuyền được tìm mua từ bản khác.
Người được phân công làm lễ hiến sinh trâu là người có sức khỏe, con cháu đầy đủ, kinh thế khá giả, gia đình yên ấm để mang lại phúc đức cho dân làng.
Bánh dầy “Hò thò” cũng được chuẩn bị để cúng tổ tiên.
Buổi tối đầu tiên của ngày Tết, các gia đình cúng tổ tiên bằng thịt trâu và bánh dày "Hò thò". Khi cúng người Hà Nhì không thắp hương, mà chỉ thắp ngọn đèn nhỏ. Người làm lễ là đàn ông trụ cột trong gia đình.
Người cúng mặc chỉnh tề, khom lưng trước bàn thờ, chắp tay vái lạy tổ tiên trước, sau đó các thành viên trong nhà cùng ra quỳ lạy.
Sáng hôm sau, tại khu rừng công viên, mọi người cùng tập trung đi lấy dây rừng về làm dây đu, chặt gỗ về làm cột đu.
Nghi lễ cúng thần rừng được diễn ra vào buổi chiều tối với các gia đình trong thôn.
Những mâm cỗ cúng với đầy đủ sản vật được người dân chuẩn bị từ trước.
Cỗ của ông thầy cúng chính “gạ ma à guy” có từ 10 - 12 món ăn,
được đặt vào lá chuối cạnh cột đu với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, mọi người bình an, khỏe mạnh, sinh sôi phát triển.
Tiếp đó thầy cúng làm lễ đu quay (A guy) cầu may.
Sau buổi làm lễ, thầy cúng đu trước 2 vòng theo chiều kim đồng hồ và 1 vòng theo chiều ngược lại để lấy may.
Sau đó mọi người bắt đầu chơi đu.
Người chơi đu chủ yếu là các thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng. Họ cùng hò reo vui vẻ bên hai cột đu.
Những người lớn ngồi trong lán uống rượu, chúc phúc và hưởng lộc. Trong quá trình hưởng lộc lần lượt từng người xuống quỳ trước nhà làm Lí để tỏ lòng thành kính thần linh, cầu ban lộc đến cho gia đình mình.
Toàn thể thôn bản nghỉ ngơi, vui chơi trong suốt 4 ngày, đây là một trong những ngày Tết truyền thống lớn nhất của người Hà Nhì trong năm; những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ ở xa, sinh sống ở xa đều phải về lễ tết, thăm hỏi bố mẹ.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Lê Đức