Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Công trình xây dựng Nhà Quốc hội Lào: Để tháng năm còn vương mãi…

Thứ Bảy, 22/09/2018 00:26
dt9
 
IMG 0899
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng
Em ở bên này Tây Trường Sơn/Anh ở bên này Đông Trường Sơn/Luôn gửi cho nhau câu hát ân tình/Câu hát dân ca Lào Lùm, Lào Thâng, Lào Sủng/Câu hát dân ca của quê mình quan họ... Những ca từ trong ca khúc Tình Việt Lào của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới như văng vẳng bên tai tôi trong phòng khách của Binh đoàn 11, hòa quyện trong những câu chuyện về mối tình đoàn kết Việt - Lào, về những người lính đang làm nhiệm vụ xây dựng công trình quan trọng, công trình mà Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphan Phengkhammy nói rằng, nó sẽ là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào. Đó chính là Công trình Nhà Quốc hội Lào - món quà của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đang được những người lính thợ Binh đoàn 11 từng ngày từng giờ gấp rút thi công.
 

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng! Công trình xây dựng Nhà Quốc hội Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Anh có thể cho biết vì sao công trình này lại được giao cho Binh đoàn 11 xây dựng?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Thứ nhất đó là sự khẳng định của chúng tôi trong lĩnh vực xây dựng với hàng loạt các công trình tiêu biểu mà Binh đoàn đã thi công thời gian vừa qua. Nhưng quan trọng hơn, đó là sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng, Nhà nước, Quốc hội vào Quân đội, vào doanh nghiệp Quân đội, vào những người lính thợ Binh đoàn 11. Từ sự tin tưởng và kì vọng ấy, Bộ Chính trị nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã chỉ đạo chọn Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng làm tổng thầu thi công Công trình Nhà Quốc hội Lào. Ngày 9/8/2017, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 3184-QĐ/BQP giao nhiệm vụ tổng thầu xây dựng Nhà Quốc hội mới nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cho Binh đoàn 11. Chính vì vậy, đây không chỉ là công trình xây dựng mà còn là công trình văn hóa, công trình ngoại giao, công trình của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt. Đây vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn đối với những người lính Binh đoàn 11 chúng tôi.

PV: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội hai nước đều xác định đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, việc thành lập Ban Quản lí dự án cũng như các thành phần triển khai thi công chắc hẳn đã được lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn tuyển lựa kĩ càng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Như đã nói, đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn trong mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Để chuẩn bị tốt cho việc này, chúng tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thi công Công trình Tòa nhà Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngoài việc đảm bảo tiến độ, chất lượng kĩ - mĩ thuật, an ninh, an toàn vệ sinh môi trường, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết Việt - Lào, qua đó còn khẳng định uy tín, danh dự của Binh đoàn, cũng là của Quân đội, đất nước. Chúng tôi đã lựa chọn những đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn tay nghề, ưu tiên người có kinh nghiệm làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi cũng chỉ đạo chặt chẽ về quản lí tiến độ, thực hiện tốt việc quản lí chất lượng công trình đảm bảo vừa đúng yêu cầu thiết kế, thỏa mãn công năng sử dụng vừa đẹp về kiến trúc, vững chắc về kết cấu. Trong quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến các công trường, công sở lân cận và dân cư xung quanh. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện kĩ thuật trong thi công. Đảm bảo tốt công tác tài chính, trong quá trình thi công không để thiếu vốn, đảm bảo luân chuyển các nguồn vốn theo thông lệ quốc tế và quy định của hai nước Việt Nam và Lào.

PV: Tình cảm gắn bó và mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Lào sẽ là bệ phóng để những người lính Binh đoàn 11 hoàn thành nhiệm vụ… Những yếu tố văn hóa truyền thống ấy đã được triển khai đến những người lính thợ Binh đoàn 11 đang làm nhiệm vụ tại Lào ra sao thưa anh?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Có lẽ mỗi người dân Việt Nam khi lớn lên đều đã từng biết đến điệu Lăm vông Lào, đều đã từng nghe bài dân ca Hoa Chăm-pa với lời hát quen thuộc: Hoa đẹp Chăm-pa, đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy, hoa vẫn ngạt ngào, thơm ngát mùi hương, tháng năm còn vương. Tình cảm và sự gắn bó ấy đã thấm đượm và lan tỏa tự nhiên giữa hai dân tộc. Làm sao để mỗi người lính Binh đoàn khi sang Lào thực hiện nhiệm vụ phải thấm nhuần những giá trị văn hóa truyền thống ấy. Khi nhận nhiệm vụ quan trọng này, một trong những việc đầu tiên chúng tôi đã làm là triển khai các lớp học tiếng Lào cho số anh em sẽ tham gia công trình. Chúng tôi đã mời giáo viên về tổ chức các lớp dạy giao tiếp tiếng Lào cũng như một số phong tục tập quán của Lào cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Làm sao để trước khi sang Lào, anh em đã có những hành trang kiến thức, hành trang văn hóa nhất định. Binh đoàn 11 có một vốn quý là chúng tôi đã có những năm tháng gắn bó với nước bạn Lào, thậm chí nhiều cán bộ của các đơn vị thuộc Binh đoàn tại Lào đã lấy vợ, sinh con, lập nghiệp tại đây. Đó chính là những nguồn lực quý, họ chính là những đại sứ văn hóa, là những bàn đạp cho chúng tôi khi triển khai nhiệm vụ quan trọng này.
Lễ động thổ công trình được tổ chức vào đúng dịp Lễ hội That Luang, một trong hai lễ hội quan trọng nhất của Lào. Trong lễ động thổ, chúng tôi đã cho lập một am thờ nhỏ như cách mà người Lào vẫn làm, mời nhà sư đến làm lễ theo đúng phong tục truyền thống của Lào. Phía bạn đã rất ngạc nhiên và trân trọng điều này. Tình đoàn kết Việt - Lào cũng như văn hóa truyền thống cũng có ảnh hưởng qua lại giữa hai nước trong suốt những năm qua. Đó là nền tảng tốt để chúng tôi phát huy và góp phần tô đậm thêm. Và mỗi người lính, mỗi người thợ thực hiện nhiệm vụ tại Lào đều phải có trách nhiệm với điều đó, tiếp nối tinh thần đó.

PV: Khi đứng trước nhiệm vụ quan trọng này, là người đứng đầu Binh đoàn, chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, có lẽ anh cùng Ban lãnh đạo Binh đoàn cũng có nhiều trăn trở?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Chúng tôi luôn xác định, hoàn thành nhiệm vụ thi công Công trình Tòa nhà Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, lấy ý nghĩa về chính trị là trên hết. Vì thế, với nhiệm vụ đặc biệt cần phải có cách làm đặc biệt. Có những việc chưa có tiền lệ, có những thứ phải vượt qua những giới hạn. Công trình do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Khoảng thời gian đòi hỏi rất hạn hẹp để kịp cho mốc thời gian quan trọng của nước bạn. Nhiệm vụ thì nặng nề, thời gian thì ngày một rút ngắn. Có một cái khó nữa là, phía bạn tổ chức thiết kế, ta là bên thi công trong một nguồn kinh phí nhất định nên sự tính toán phải rất khoa học. Toàn bộ dự án lại phải tiến hành chặt chẽ, Bộ Công an phải kiểm tra vật liệu đầu vào. Có thể nói đây là một công trình đặc biệt của một mối quan hệ đặc biệt, vì thế rất cần những sự nỗ lực đặc biệt với những cách làm đặc biệt. Làm sao để sau khi nhận bàn giao, đi vào vận hành bạn hài lòng nhất. Và về phía chúng tôi cũng xác định, bạn chưa hài lòng chúng tôi sẽ chưa bàn giao. Cái khó nhất là thời gian để thực hiện các yếu tố dẫn đến việc hài lòng không còn nhiều. Nhưng chúng tôi quyết tâm làm, và sẽ làm được.

PV: Nghe anh chia sẻ tôi thấy đậm tinh thần quyết tâm của người lính với sự tiên phong, xả thân vì nhiệm vụ. Tôi có thể hình dung ngay sau khi được giao thi công công trình đặc biệt này, sự chuẩn bị triển khai đã khẩn trương như thế nào…
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho công trình đặc biệt. Chúng tôi đã nhanh chóng chuẩn bị, trước hết là chuẩn bị về tâm thế, về tư tưởng, rồi chuẩn bị về con người, vật tư, trang thiết bị để di chuyển sang Lào phục vụ việc thi công công trình. Để cập nhật thường xuyên và đảm bảo tính chính xác, kịp thời và bảo mật, chúng tôi đã đặt hàng Viettel viết một phần mềm điều hành công việc của dự án, dù chúng tôi ở Việt Nam hay ở Lào đều có thể giải quyết kịp thời mọi yêu cầu từ công trường cũng như những chỉ đạo từ cấp trên. Nhờ tiện ích này, khi thi công, mọi diễn biến tại công trình đã thường xuyên được báo cáo về Binh đoàn chính xác, kịp thời để Ban chỉ đạo của Nhà nước được cập nhật báo cáo và chỉ đạo xử lí kịp thời mọi tình huống phát sinh.
Cũng có thuận lợi là chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm từ Ban Chỉ đạo dự án của Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban và Ban Chỉ đạo xây dựng tòa nhà Quốc hội phía Lào do Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphan Phengkhammy làm Trưởng ban cùng các bộ ngành liên quan, tạo mọi điều kiện để công trình thi công đúng tiến độ. Vừa rồi, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã dẫn đầu đoàn công tác sang thăm, kiểm tra, nghe báo cáo về tình hình và tiến độ xây dựng công trình tại Lào. Những sự quan tâm đó vừa là nguồn động viên khích lệ, vừa là lời nhắc nhở để mỗi người lính Binh đoàn thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc nhất.

 
105
Phối cảnh tòa nhà Quốc hội Lào mà Binh đoàn 11 được giao thi công - Ảnh: TL

PV: Khi trò chuyện với anh tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện gây tranh luận trong xã hội thời gian gần đây, rằng Quân đội có nên tham gia các hoạt động kinh tế. Nếu nhìn từ một công trình cụ thể như Công trình xây dựng Nhà Quốc hội Lào mà Binh đoàn 11 đang thực hiện thì hẳn ai cũng thấy việc này là có lí, thậm chí là rất cần thiết đến mức không thể có phương án khác. Tuy nhiên nhìn rộng ra ở phạm vi lớn hơn thì cũng còn những ý kiến phản biện. Là người đứng đầu một đơn vị tham gia trong lĩnh vực xây dựng của Quân đội anh có cái nhìn thế nào về điều này?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Tôi nghĩ điểm khác biệt giữa doanh nghiệp thông thường và doanh nghiệp Quân đội chính là chất lính, phong cách lính. Không nói đến những công trình đặc thù, những công trình quân sự thì những công trình xã hội, những công trình dân sinh chúng tôi làm đều có một thương hiệu lính, một sự gắn mác âm thầm từ màu áo lính của những doanh nhân, những người thợ. Với chúng tôi thì đó còn là hướng tới sự tiên phong. Và để có được vị trí tiên phong trong lĩnh vực xây dựng chúng tôi đã phải không ngừng cập nhật công nghệ, không ngừng đổi mới tác phong, phương pháp quản lí. Tôi có thể khẳng định, các công trình mà Binh đoàn 11 thi công đều được áp dụng những kĩ thuật tiên tiến, hiện đại nhất, công nghệ quản lí tiên tiến nhất về xây dựng. Tòa nhà chúng ta đang ngồi, trụ sở của chúng tôi, là một tòa nhà thông minh. Nói thì nó hơi chuyên sâu, nhưng tôi chỉ ví dụ thế này, qua hệ thống máy tính, những người quản lí tòa nhà sẽ biết được chi tiết tình trạng của tòa nhà ở mọi góc độ, từ nhiệt độ trung bình bao nhiêu, độ thông gió thế nào… hoặc một cái van nước bị hỏng thôi thì nhiều năm sau người ta vẫn tra cứu được nó là loại vật tư gì, được lắp đặt và sử dụng thế nào để mà thay thế cho hợp lí. Tòa nhà 789 này khi xây xong và đưa vào vận hành đã có đối tác trả giá chúng tôi với số tiền rất lớn để được sở hữu nó, nhưng chúng tôi đã giữ lại như một hình ảnh về sản phẩm do mình làm ra với niềm tự hào và danh dự. Công nghệ BIM trong quản lí xây dựng đã được chúng tôi áp dụng tiên phong trong ngành xây dựng Việt Nam. Khi được chỉ định tổng thầu Công trình Nhà Quốc hội Lào, Bộ xây dựng là đơn vị chủ đầu tư đã sang làm việc với Binh đoàn, ban đầu họ không nắm được hết năng lực của chúng tôi, nhưng sau khi làm việc và tìm hiểu thực tế thì đã tâm phục khẩu phục, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của Binh đoàn. Có nghĩa là chúng tôi đã được trui rèn qua các công trình xây dựng, các công trình dân sinh khác để tiến đến vị trí tiên phong, để có đủ năng lực thi công những công trình có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, có tính bảo mật cao, chỉ doanh nghiệp Quân đội mới được tin tưởng trao gửi. Năng lực góp phần tạo nên uy tín, tạo nên sự tự tin để chúng tôi nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó để nói đến câu chuyện Quân đội làm kinh tế, nếu chúng tôi chỉ đứng yên để chờ những công trình quan trọng cần đến sự vào cuộc của doanh nghiệp Quân đội thì làm sao tích lũy được kinh nghiệm, củng cố được uy tín nghề nghiệp và vị thế, sự tự tin để hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ nói trong lĩnh vực xây dựng thì những doanh nghiệp như chúng tôi đã góp phần làm nên cái gọi là “tiềm lực xây dựng cơ bản” của Quân đội. Có những tiềm lực khác nhau sẽ góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó là chưa nói đến tâm thế làm việc. Trở lại với công trình đặc biệt này, ngay khi có lệnh là chúng tôi đã cho triển khai, dù chưa kí hợp đồng chúng tôi đã bỏ ra cả vài trăm tỉ để tiến hành làm. Dù chưa có hợp đồng thì phía bạn đã bàn giao mặt bằng hơn hai hecta để chúng tôi san nền, đào hầm, quây hàng rào… tiến hành ngay cho kịp tiến độ. Đấy cũng là phong cách, tố chất, niềm tin của doanh nghiệp lính đã tạo lập được, chỉ doanh nghiệp lính mới có. Doanh nghiệp bên ngoài thì lợi nhuận sẽ được đề cao, phải có hợp đồng họ mới bắt đầu… Với doanh nghiệp lính, lợi nhuận không nhìn thấy được, lợi nhuận là thương hiệu, là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ!

PV: Cám ơn những ví dụ rất xác đáng và thẳng thắn của anh. Anh vừa nói đến việc ứng dụng công nghệ BIM trong xây dựng. Nhân đây tôi cũng xin được tìm hiểu một chút về công nghệ quản lí này trong xây dựng nói chung và xây dựng Nhà Quốc hội Lào nói riêng?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: BIM (Building Information Modeling) được hiểu là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình. Building là công trình. Information là các thông tin hình học (như các kích thước dài - rộng - cao, khoảng cách giữa các cấu kiện như dầm - cột - sàn - cửa - cầu thang - mái…) và các thông tin phi hình học (như về đặc tính sản phẩm, thông số kĩ thuật vật tư đầu vào, giá, website về sản phẩm…). Modeling là mô hình sử dụng các phần mềm để tạo lập các mô hình thông tin. Có một số mô hình thông tin để các công ti áp dụng như thiết kế kiến trúc, thiết kế kết cấu, thiết kế cơ điện nước, bản vẽ thống kê, mô phỏng trình tự thi công lắp dựng, phục vụ chế tạo cấu kiện, quản lí tổng mặt bằng, đánh giá tính khả thi ngoài công trường và an toàn lao động… Điều đáng nói là BIM sẽ phục vụ cùng lúc cho công việc của các bên liên quan khác nhau như chủ đầu tư và quản lí hạ tầng; kiến trúc sư và kĩ sư công trình; nhà thầu, nhà thầu phụ và nhà chế tạo. Và nếu áp dụng với công trình tại một quốc gia khác như công trình Nhà Quốc hội tại Lào thì còn những tiện lợi về không gian, di chuyển, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lí điều hành từ xa, tiết kiệm chi phí nữa.
Ứng dụng BIM với chúng tôi là một bước đột phá trong quản lí chất lượng, quản lí thi công, thanh quyết toán sau xây dựng, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, giải quyết được mọi xung đột trong quá trình thi công, có tính kết nối và minh bạch cao, giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn giữa các bên liên quan khi xây dựng một công trình. BIM tạo lòng tin tuyệt đối giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa chủ đầu tư với cấp trên của chủ đầu tư. Hiện nay chúng tôi đã đưa BIM vào quản lí, điều hành thi công và thanh quyết toán rất hiệu quả.
Nếu vận dụng và triển khai BIM đúng quy trình sẽ hỗ trợ được rất nhiều. Với công trình quan trọng như xây dựng Nhà Quốc hội Lào, tất nhiên chúng tôi đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng trên hết, còn một yếu tố nữa tôi nghĩ cũng là tài sản vô hình của những người lính Binh đoàn 11 thực hiện nhiệm vụ tại Lào, đó là sự thủy chung son sắt giữa những người lính quân tình nguyện Việt Nam và những người lính quân giải phóng nhân dân Lào năm xưa cũng như tình cảm gắn bó chân tình giữa nhân dân hai nước Việt - Lào. Và tình cảm ấy vẫn được tô đẹp mãi đến hôm nay.

PV: Và tôi nghĩ, quan trọng hơn là tình cảm ấy đã thấm nhuần trong nhân dân hai nước mà trước hết là trong các cấp lãnh đạo cao nhất. Tôi nghe nói đồng chí Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou trong chuyến thăm Việt Nam, khi đến Hà Nội đã xin phép đến thẳng Binh đoàn 11?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Đúng là có chuyện này. Xuất phát từ những tình cảm đáng quý trong quá trình nhận nhiệm vụ thi công Nhà Quốc hội Lào, đồng chí nữ Chủ tịch Quốc hội mà chúng tôi coi như người chị, và chị cũng coi tôi như đứa em trong gia đình. Tuy Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội là Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphan Phengkhammy nhưng đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng luôn quan tâm sâu sát. Cũng còn một lí do nữa là đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội ghé vào Binh đoàn tại đường Hoàng Quốc Việt cũng rất tiện. Chị Pany đã điện cho Bộ Chính trị nước ta xin phép vào thăm Binh đoàn 11, chị và đoàn bộ trưởng Lào đã ở lại thăm Binh đoàn, đến tối mới về khách sạn. Chúng tôi đã đón tiếp và giới thiệu với chị về truyền thống của Binh đoàn, về những công trình mà Binh đoàn đã xây dựng, chị Pany Yatthotou rất cảm phục Bộ đội Việt Nam, những người lính Việt Nam thời bình. Đó thực sự là những tình cảm đáng quý, đáng trân trọng, hiếm có chuyện một lãnh đạo cấp quốc gia đã bỏ qua những nghi thức ngoại giao để đến với nhau như người anh em trong gia đình, có thể nói đó là những hành xử đặc biệt, xuất phát từ mối thâm tình, từ truyền thống tin tưởng, gắn bó giữa nhân dân hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Caysone Phomvihane đã dày công vun đắp. Chúng tôi sang Lào cũng vậy, tình cảm nhân dân và các cơ quan phía bạn vô cùng ấm áp chân tình. Những tình cảm ấy sẽ không thể có được với những đối tác làm ăn bình thường…

PV: Vâng! Chính vì thế mà mỗi người lính Binh đoàn 11 khi sang Lào làm nhiệm vụ tại công trình, ngoài những kiến thức chuyên môn còn có những hành trang văn hóa, hành trang tình cảm… Xin hỏi, mục tiêu quan trọng nhất mà các anh quan tâm trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này là gì?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng: Với công trình xây dựng tòa nhà Quốc hội Lào, lời Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Somphan Phengkhammy cũng là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng tòa nhà trong Lễ khởi công công trình cũng là mục tiêu để chúng tôi phấn đấu: “Nhà Quốc hội mới sẽ là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt và sẽ trở thành tài sản vô giá để lại cho con cháu…”. Bên cạnh đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Dự án phía Việt nam rằng, Việt Nam sẽ làm hết sức mình với quyết tâm chính trị cao nhất để xây dựng công trình Nhà Quốc hội với kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Lào, đồng thời đảm bảo công năng cho các hoạt động của Quốc hội với chất lượng tốt nhất, xứng tầm là trụ sở làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân Lào. Là những người thực hiện, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Quân đội, vì danh dự của Đất nước, của Quân đội và cũng là danh dự của người lính, trước hết chúng tôi cần phải hoàn thành công trình đúng thời hạn đề ra là năm 2021 với chất lượng tốt nhất, nhận được sự hài lòng thực sự từ phía bạn, xứng đáng là biểu tượng về tình hữu nghị giữa hai nước, như mùi hương hoa Chăm-pa trong bài dân ca Lào, để tháng năm còn vương mãi…

PV: Qua những chia sẻ của anh, tôi cũng tin rằng, những người lính Binh đoàn 11 sẽ bằng tình cảm và quyết tâm chính trị, với năng lực và sự tự tin sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ và đạt được những tiêu chí quan trọng mà các anh đã xác định. Cám ơn Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng về cuộc trò chuyện này!

P.V
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)