Ngày 12/7/2019, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Quản lí, bảo tồn di sản văn hoá Hội An và Viện Social Life tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giao lưu văn hoá tại các thương cảng quốc tế thời trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á”.
Cách đây hơn một thế kỉ, khi phân định các thời kì phát triển của nhân loại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mĩ John Hay đã chọn biển chứ không phải lục địa làm tiêu chí phân kì. Ông nói: “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai”. Dự báo đó của John Hay đã trở thành hiện thực khi hai bờ Tây và Đông Thái Bình Dương hiện tại là hai vùng phát triển năng động nhất thế giới. Thế kỉ XXI được gọi là “Thế kỉ của biển và đại dương”. Nghiên cứu và khai thác biển đã trở thành vấn đề mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả quốc gia không có biển. Và do đó, vị thế của các thương cảng ngày càng được khẳng định từ nhiều góc độ: địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá…
Xét ở góc độ văn hoá - văn minh, thương cảng có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Các nền văn minh lớn thời cổ đại như văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập, Hi Lạp - La Mã, Ấn Độ… đều hình thành ở những cửa sông lớn hoặc cửa biển. Lịch sử trung đại tiếp tục chứng kiến sự kết nối các nền văn minh Đông - Tây thông qua các thương cảng quốc tế, từ đó xác lập các mối quan hệ thương mại và giao lưu văn hoá mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII, các thương cảng và thị tứ vùng duyên hải góp phần kết nối quốc gia Đại Việt với thế giới Đông Á, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương và trao đổi văn hoá với nhiều thành tựu còn để lại đến hôm nay.
Hội thảo khoa học quốc tế “Giao lưu văn hoá tại các thương cảng quốc tế thời trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á” là diễn đàn trao đổi và thảo luận các kết quả nghiên cứu mới về giá trị và thành quả giao lưu văn hoá tại các thương cảng quốc tế trong khu vực thời trung đại. Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận. Trong khuôn khổ thời gian một ngày, các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Australia, Việt Nam đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cốt lõi nhất, trọng tâm nhất, xoay quanh các chủ đề chính như:
1. Quá trình xác lập và ảnh hưởng của các trục giao lưu văn hoá - thương mại ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á thời trung đại.
2. Bối cảnh lịch sử và những nhân tố nội sinh, ngoại sinh tác động đến quá trình giao lưu văn hoá tại các thương cảng quốc tế ở Việt Nam và Đông Nam Á thời trung đại.
3. Chính sách của chính quyền Việt Nam (thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn) trên các lĩnh vực văn hoá và thương mại, gắn với hoạt động của các thương cảng.
4. Hoạt động và hệ quả giao lưu văn hoá của cộng đồng cư dân tại các thương cảng của Việt Nam: Vân Đồn, Vị Hoàng, Phố Hiến, Bao Vinh, Thanh Hà, Đà Nẵng, Hội An, Thu Xà, Thị Nại, Mô Xoài, Cù lao Phố, Sài Gòn, Bãi Xàu, Hà Tiên, cùng các thương cảng Ayutthaya (Thái Lan), Muara Jati - Cirebon (Indonesia), Penang (Malaysia), Sulu (Philippinnes), Nagasaki (Nhật Bản)…
5. Vai trò, tác động của các thương cảng đến quá trình chuyển biến tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ của cư dân địa phương và vùng lân cận.
6. Vai trò của người Hoa đối với hoạt động của các cảng thị Việt Nam.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hội An - chia sẻ: “Hội thảo này không chỉ là diễn đàn để trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến chủ đề đặt ra, mà còn là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chung ý tưởng nghiên cứu được gặp gỡ và kết nối, thiết lập và mở rộng quan hệ để xúc tiến những dự án nghiên cứu ở quy mô lớn hơn trong tương lai. Nói cách khác, hi vọng Hội thảo sẽ là bước khởi đầu, là cú hích cho những chương trình nghiên cứu toàn diện về thương cảng ở Việt Nam và khu vực xuyên suốt các thời kì lịch sử, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực này”.
THU HƯỜNG
VNQD