Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Trưng bày chuyên đề về một người bạn lớn của nhà báo Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 16/05/2019 21:03

Nhân dịp kỉ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), nhằm hình dung và ghi nhận phần nào những nỗ lực và cống hiến to lớn của một nhà báo nước ngoài đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam ở thế kỉ XX, chiều ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Wilfred Burchett - ấn tượng Hồ Chí Minh và câu chuyện nhà báo chiến trường” & Lễ tiếp nhận hiện vật.

Sự kiện có sự hiện diện của đại diện gia đình cố nhà báo Wilfred Burchett, gồm họa sĩ George Burchett - con trai của cố nhà báo - cùng vợ và con trai của hoạ sĩ; nhà báo Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; nhà báo Lê Quốc Trung - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Nguyễn Đăng Tiến - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Bá Lạn và nhà báo Trần Đình Hương - nguyên Trưởng khoa Đào tạo báo chí, Học viên Báo chí và Tuyên truyền; ông Triệu Hiển - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, hiện là cố vấn cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam; nhà báo Nguyễn Văn Vinh - đạo diễn phim Việt Nam chiến thắng, người có công kết nối giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với họa sĩ George Burchett; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo, gia đình nhà báo, cộng tác viên của Bảo tàng Báo chí Việt Nam – những người trực tiếp mang đến những hiện vật, tư liệu quý để hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Ý tưởng trưng bày chuyên đề “Wilfred Burchett - ấn tượng Hồ Chí Minh và câu chuyện nhà báo chiến trường” là của họa sĩ George Burchett - con trai cố nhà báo Wilfred Burchett, khởi sinh sau chuyến hoạ sĩ về nguồn tại Thái Nguyên dự Lễ kỉ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, cũng chính là vùng ATK Việt Bắc nơi nhà báo Wilfred Burchett đã đặt chân đến 65 năm trước.

Hoạ sĩ George Burchett (trái) - con trai cố nhà báo Wilfred Burchett  

Trưng bày đã lựa chọn gần 40 bức ảnh trong số hơn 200 file ảnh do gia đình nhà báo Burchett cung cấp, trong đó có nhiều bức lần đầu tiên được công bố cùng nhiều tư liệu, bút tích gắn liền với những năm tháng hoạt động báo chí tại Việt Nam của Wilfred Burchett với tư cách là một nhà báo chiến trường xông xáo, quả cảm và rất mực gần gũi, thân thiết với các cán bộ, chiến sĩ, đồng nghiệp làm báo Việt Nam.

Nhà báo Wilfred Burchett (trái) phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội

Wilfred Burchett là một trong những tên tuổi lớn của làng báo trong thế kỉ XX. Từ những năm 1940, với tư cách là phóng viên của tờ London Daily Express, ông đã đến Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương để có được những bài tường thuật, phân tích kịp thời về Chiến tranh thế giới thứ hai. Bài báo về Hiroshima (Nhật Bản) có tên Thảm họa hạt nhân: Tôi viết để cảnh báo thế giới của ông đăng trên trang nhất báo Daily Express số ra ngày 5/9/1945 đã gây tiếng vang lớn. Năm 1954, Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc và kịp thời đưa tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc gặp của hai nhà báo lớn thực sự đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc về nghề báo của Burchett. Giữa thập kỉ 1960, Burchett áo vải, khăn rằn, đạp xe trong rừng với cán bộ, chiến sĩ ta tại khu căn cứ miền Nam. Các bài báo, sách và phim của ông về Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến dư luận thế giới, góp phần làm dấy lên phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa này. Burchett đã dũng cảm “nhảy vào lửa” như nhà báo Thép Mới từng nhận xét bởi từng trang viết của ông đều nhằm phản ánh sự thật về các cuộc chiến mà ông trực tiếp chứng kiến, cho dù điều này đi ngược lại quan điểm chính trị của phương Tây và cả chính phủ đất nước ông. Ông là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, cho tới khi qua đời vào năm 1983. Ông đã từng gửi nhiều lá thư bày tỏ thái độ đối với sự thật cuộc chiến tranh Việt Nam tới các tổ chức, cá nhân nổi tiếng trên thế giới trong đó có Hội Nhà báo quốc tế. Sau rất nhiều cống hiến không mệt mỏi của mình vì công lí và sự thật, Wilfred Burchett đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất và ông cũng được những người làm báo ở Australia vinh danh là một trong những nhà báo xuất sắc nhất của nước này.

Nhà báo Wilfred Burchett (phải) và nhà thơ Giang Nam, khoảng năm 1963-1964

Trưng bày chuyên đề về nhà báo Wilfred Burchett do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện một lần nữa kể câu chuyện về một người bạn lớn của nhà báo Hồ Chí Minh, và đặc biệt là câu chuyện về một nhà báo chiến trường đến từ phương Tây với lòng quả cảm, tài năng đã thực sự trở thành bất tử trong lòng nhân dân và các thế hệ nhà báo Việt Nam với những trang viết, tấm hình, thước phim gắn liền với lịch sử báo chí cách mạng của dân tộc.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập ngày 28/7/2017 và hiện đang khẩn trương triển khai thi công để có thể hoàn thành trưng bày vào cuối năm 2019. Với mong muốn sớm tập hợp, nghiên cứu sử dụng và phát huy kịp thời giá trị của các di sản văn hóa báo chí, ngay tại Lễ khai mạc Trưng bày về nhà báo Wilfred Burchett, Bảo tàng Báo chí Việt Nam kết hợp tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật. Gia đình cố nhà báo Wilfred Burchett hiến tặng Bảo tàng 3 cuốn sách quý đã xuất bản của cố nhà báo Wilfred Burchett về đề tài Việt Nam (Cuộc kháng chiến thứ hai của Việt Nam, 1965; Việt Nam chiến thắng, 1970 và Đường tới tự do, 1978), 1 tập bản thảo ghi lại những chuyến đi của Wilfred Burchett ở vùng giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1963-1966, hơn 200 file ảnh của nhà báo Wilfred Burchett và một số tư liệu khác trong thời kì chiến tranh Việt Nam và sau khi Việt Nam thống nhất từ năm 1954-1983 của nhà báo Wilfred Burchett. Ngoài ra nhiều tập thể và cá nhân cũng hiến tặng Bảo tàng nhiều tư liệu, hiện vật quý giá khác.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Giấy chứng nhận cho nhà văn, nhà báo Ngô Thảo - người hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 15 cuốn sách xuất bản giai đoạn 1949-1954 (của nhiều tác giả) và 1 cuốn Thư chiến trường (Ngô Thảo dịch, xuất bản 2014)

P.V

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)