Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Di sản tư liệu như một can dự sinh động vào hiện tại

Thứ Sáu, 15/03/2019 20:18

Sáng ngày 15/3/2019, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Hà Nội), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bảo tàng Hà Nội - Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội chính thức mở cửa Triển lãm “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới”. Đây là hoạt động ý nghĩa diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2019.

Các bản gốc mộc bản triều Nguyễn được trưng bày trang trọng tại tầng 1 Bảo tàng Hà Nội nhân dịp Hội báo toàn quốc 2019

Mộc bản là những tư liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kì phong kiến ở nước ta và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009. Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ.

Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lí, thương mại, v.v… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các thể chế nhà nước đặc biệt coi trọng.

Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phù hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt để ngang hàng với Đại Tống, Đại Minh; hay Đại Nam để ngang hàng với Đại Thanh… Những lần thay đổi kinh đô cũng thể hiện sự cân nhắc sâu sắc để lựa chọn được nơi thắng địa, chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Kế thừa truyền thống dân tộc, sau khi thực hiện thành công cuộc Cách mạng tháng Tám và đấu tranh thống nhất đất nước, Nhà nước ta đã lấy quốc hiệu là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặt thủ đô tại Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong không khí xuân Kỉ Hợi, Ban tổ chức lựa chọn và đưa ra 32 tài liệu tiêu biểu với chủ đề “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt qua mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới”. Đây là những tư liệu có nội dung phản ánh về những lần đặt, đổi quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước đến triều Nguyễn, thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào, tự cường dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm

Đặc biệt, trong cuộc Triển lãm này, Ban tổ chức trưng bày 20 bản gốc mộc bản triều Nguyễn để giới thiệu đến các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Bảo tàng Hà Nội trong dịp Hội báo toàn quốc 2019. Các mộc bản trưng bày gồm:

  1. Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1)
  2. Hùng Vương dựng nước và đặt quốc hiệu là Văn Lang (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 1, mặt khắc 3)
  3. Vua Hùng cho đóng đô ở Phong Châu (mộc bản sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 1)
  4. An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc (mộc bản sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 1, mặt khắc 8)
  5. An Dương Vương cho xây dựng thành Cổ Loa (mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 2)
  6. Trưng Nữ Vương dựng nước và cho đóng đô ở Mê Linh (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 3, mặt khắc 2)
  7. Lý Nam Đế đặt quốc hiệu Vạn Xuân và cho đóng đô ở Long Biên (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 4, mặt khắc 14)
  8. Ngô Quyền cho đóng đô ở Loa Thành (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 5, mặt khắc 20)
  9. Vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thìn 968 (mộc bản sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 1, mặt khắc 1)
  10. Đại Hành Hoàng đế cho đóng đô tại Hoa Lư năm Tân Tỵ 980 (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 1, mặt khắc 13)
  11. Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ năm Canh Tuất 1010 (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 2, mặt khắc 2)
  12. Vua Lý Thánh Tông lên ngôi và đặt quốc hiệu là Đại Việt năm Giáp Ngọ 1054 (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 2, mặt khắc 39)
  13. Hồ Quý Ly cho dời kinh đô đến An Tôn năm Đinh Sửu 1397 (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 8, mặt khắc 28)
  14. Hồ Quý Ly xưng Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Ngu năm Canh Thìn 1400 (mộc bản sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 11, mặt khắc 36)
  15. Lê Thái Tổ đóng đô ở Đông Quan năm Mậu Thân 1428 (mộc bản sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 15, mặt khắc 7)
  16. Lê Thái Tổ lên ngôi và dựng quốc hiệu là Đại Việt năm Mậu Thân 1428 (mộc bản sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 10, mặt khắc 57)
  17. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho đóng đô ở Phú Xuân năm Bính Ngọ 1786 (mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 2, mặt khắc 22)
  18. Vua Gia Long cho đổi quốc hiệu Việt Nam vào năm Giáp Tý 1804 (mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 13)
  19. Bìa sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ
  20. Vua Minh Mệnh cho đặt quốc hiệu Đại Nam vào năm Mậu Tuất 1838 (mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 190, mặt khắc 1)
Bản gốc mộc bản Vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Lược dịch: "Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng đế năm thứ nhất... Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT. Vua người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, cha là Công Trứ, mẹ họ Đàm. Công Trứ, trước kia làm Nha tướng của Dương Diên Nghệ, tạm giữ chức Thứ sử Hoan Châu..."

Triển lãm “Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới” góp phần đưa những di sản tư liệu của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước; khẳng định giá trị tư liệu - văn hoá - lịch sử vô giá nằm trong khối mộc bản triều Nguyễn, qua đó cho thấy tư liệu lưu trữ can dự sinh động vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

NGUYÊN NGUYÊN

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)