Sáng ngày 15/8/2019, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919) - 100 năm nhìn lại”. Hội thảo vinh dự có sự hiện diện của Giáo sư Hue-Tam Ho Tai - chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại Đại học Harvard - trong vai trò chủ toạ.
Những thập niên đầu tiên của thế kỉ XX đã chứng kiến sự thay đổi của một trong những lĩnh vực gây tác động sâu sắc nhất đến thượng tầng kiến trúc xã hội, đó là lĩnh vực giáo dục. Khoa cử Nho học với lịch sử 844 năm bắt rễ trong xã hội Việt Nam đã mất đi địa vị độc tôn của nó để thay thế bằng một hệ thống giáo dục kiểu mới, kéo theo sự lay chuyển dữ dội của nền tảng tư tưởng, đạo đức, triết lí xã hội, và thực tiễn khoa học. Bản thân các nhà nho cấp tiến của Việt Nam lúc đó đã nhận thấy sự lỗi thời của khoa cử Nho học, từ đó họ chủ trương một phong trào Duy tân dựa trên những nguyên tắc giáo dục mới, họ ủng hộ những cải cách giáo dục sâu rộng diễn ra vào đầu thế kỉ XX nhằm xoá bỏ lối cử nghiệp Nho học. Để rồi, năm 1919 kì thi Hội cuối cùng diễn ra ở Trung Kì, và Dụ ngày 14/7/1919 của vua Khải Định tuyên bố về việc áp dụng Luật Giáo dục mới đã chính thức đặt dấu chấm hết cho khoa cử Nho học truyền thống để chuyển sang hệ thống giáo dục kiểu mới, sau bước đệm là chương trình cải lương giáo dục khoa cử từ năm 1906. Tuy nhiên, trên thực tế, ảnh hưởng của nền khoa cử truyền thống ấy vẫn còn sâu đậm trong ý thức xã hội Việt Nam sau này; việc trở lại với những giá trị Nho giáo từ đạo đức học đường tới tư tưởng quản trị xã hội vẫn thường xuyên được đặt ra, thậm chí ngay cả khi nền giáo dục hiện đại theo kiểu phương Tây đã tìm được chỗ đứng vững chắc của nó trong xã hội.
Năm 2019 đánh dấu 100 năm khép lại khoa cử truyền thống. Mặc dù thiết chế chính thức của nền giáo dục Nho học bị bãi bỏ nhưng ảnh hưởng của nó dường như vẫn bám chặt vào mọi mặt đời sống xã hội của các nước Đông Á - trong đó có Việt Nam. Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 -1919) - 100 năm nhìn lại” được diễn ra nhân mốc thời gian quan trọng này, do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì với sự phối hợp tổ chức của Viện Sử học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm và sự tài trợ một phần kinh phí của Viện Harvard-Yenching (Đại học Harvard, Mĩ).
Hội thảo quy tụ 62 nhà khoa học là đại biểu chính thức đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mĩ, Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các trung tâm, cơ sở nghiên cứu và giảng dạy trên cả nước. Bên cạnh những tham luận chuyên sâu về một vấn đề trong lịch sử khoa cử Việt Nam, các tác giả nước ngoài đã đem đến những cái nhìn mang tính so sánh giữa khoa cử Việt Nam với các nền khoa cử khác ở Đông Á mà họ là chuyên gia trong những lĩnh vực ấy.
Trong khuôn khổ thời gian diễn ra Hội thảo, Ban tổ chức đã căn cứ vào nội dung chuyên môn của các tham luận để chia thành 9 tiểu ban chuyên môn, diễn ra đồng thời tại 3 phòng hội thảo:
- Nhóm tiểu ban a (1a, 2a, 3a) được bố trí phiên dịch các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Trung, gồm 17 tham luận, tập trung phân tích một số vấn đề chuyên sâu và cụ thể về khoa cử Việt Nam, đồng thời mở rộng so sánh với các nền khoa cử ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan để tranh thủ tri thức và kinh nghiệm của các học giả quốc tế.
- Nhóm tiểu ban b (1b, 2b, 3b) có 20 tham luận, tập trung thảo luận vấn đề khoa cử với sinh hoạt làng xã, sự kết thúc của khoa cử, tư liệu khoa cử và trường thi.
- Nhóm tiểu ban c (1c, 2c, 3c) có 20 tham luận theo chủ đề lịch sử khoa cử Việt Nam thế kỉ XV - XVI, lịch sử khoa cử Việt Nam thế kỉ XVII - XX, và kết thúc bằng vấn đề văn hoá khoa cử.
Cuối mỗi phiên tiểu ban là thời lượng thảo luận tổng thể, trên tinh thần khoa học, khách quan, cầu thị, sẵn sàng tiếp thu và đối thoại với các quan điểm khác biệt.
Hội thảo khoa học quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919) - 100 năm nhìn lại” thực sự là một diễn đàn khoa học có chất lượng cao, nơi các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế thảo luận về tiến trình phát triển của khoa cử Nho học, các giai đoạn manh nha, phát triển, đỉnh cao, thoái trào, cũng như ảnh hưởng sâu rộng của khoa cử Nho học trong lịch sử văn hoá Việt Nam và mở rộng ra trong tương quan so sánh với khu vực Đông Á đồng văn.
P.V
VNQD