Dòng chảy  Văn nghệ

“Đi tìm truyện ngắn hay”

Thứ Ba, 30/10/2018 00:52
chu phoong arial moi copy - Thực hiện kế hoạch chuyên môn của Trại, sáng ngày 29/10, tại Tuyên Quang, Trại sáng tác - phê bình văn học 2018 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Ban quản lí Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm tổ chức đã tiến hành buổi tọa đàm “Đi tìm truyện ngắn hay”, nhằm cổ vũ cho cuộc thi truyện ngắn “Lửa Mới” 2018-2019 đang diễn ra trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
 
Ngoài các trại viên Trại sáng tác - phê bình văn học 2018, buổi tọa đàm còn có sự hiện diện của ông Lê Quốc Thu - Trưởng Ban quản lí Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; tiến sĩ Trần Thị Lệ Thanh - Phó hiệu trưởng cùng các giảng viên và sinh viên trường Đại học Tân Trào; các nhà văn đang sống và viết tại Tuyên Quang như Vũ Xuân Tửu, Trịnh Thanh Phong, Lê Na, Tạ Ngọc Dũng... Buổi tọa đàm được dẫn dắt, điều hành bởi tiến sĩ-nhà văn Phạm Duy Nghĩa, phó giáo sư-tiến sĩ-nhà văn Văn Giá và nhà văn Uông Triều.

Tại buổi tọa đàm, những tiếng nói khác nhau của các nhà văn và các nhà nghiên cứu - phê bình gặp nhau ở những vấn đề rất cơ bản, như:
- Truyện ngắn hay là truyện được dụng công về cấu tứ. Nhà văn Mai Tiến Nghị cho rằng: “Viết truyện ngắn, quan trọng nhất là lập tứ. Một khi tứ được lập thì sẽ gọi về hệ thống chi tiết tương thích. Chi tiết nếu vượt khung/khuôn của tứ cũng hỏng”. Đồng quan điểm này, các nhà phê bình Bùi Việt Thắng và Văn Giá minh định hai khái niệm “kể chuyện” và “viết truyện”.

 
tọa đàm 3
 Nhà văn Vũ Xuân Tửu - giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ 2005-2006
phát biểu tại buổi tọa đàm

- Truyện ngắn hay là truyện ngắn tươi rẫy chất đời sống. Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì: “Người trẻ viết truyện ngắn hiện nay thiếu chất đời sống, thiếu trải nghiệm văn hóa trong đời sống, do vậy vốn văn hóa trong đời sống đi vào tác phẩm của họ chưa ngấu, tức là chưa chín, chưa thuyết phục. Văn bản văn học phải là dị bản của đời sống. Nhà văn phải sống thật với lòng mình, phải yêu và đau đến tột cùng cái đời sống này thì truyện viết ra mới khiến người ta rỏ lệ”. Nhà văn Vũ Xuân Tửu xác quyết: “Phải sống trước, truyện đến sau. Bây giờ người viết truyện ngắn nhiều nhưng đa phần là vẽ ra chuyện để viết”. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói: “Truyện ngắn trẻ ngày nay đề tài thì mở rộng nhưng vấn đề đời sống thì chưa sâu. Đọc vào khi thì có cảm giác như đang đọc tiểu luận, khi thì có cảm giác như đang đọc lại câu chuyện trên báo đài”. Nhà phê bình Cao Thị Hồng nói: “Nhà văn có thể trải nghiệm đời sống bằng nhiều con đường. Tuy nhiên, nếu không trải nghiệm thực, không xúc động hồn văn thực thì tác phẩm của nhà văn khó mà chạm đến được trái tim người khác”. Nhà văn Triều La Vỹ nói: “Truyện ngắn hay là truyện mà khi đọc xong nó người ta thấy yêu hơn cuộc sống này”.

 - Truyện ngắn hay là truyện ngắn có văn hay. Tiến sĩ-nhà văn Phạm Duy Nghĩa: “Truyện ngắn hay là truyện ngắn có chuyện hay và có văn hay. Chuyện hay thì có khi còn do ăn may, còn văn hay thì không thể ăn may được”. Nhà văn Vũ Xuân Tửu: “Người viết truyện ngắn phải dụng công về ngôn ngữ, phải thường xuyên làm việc với từ điển”. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng: “Truyện ngắn hay trước hết văn phải hay, bởi văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Truyện ngắn hay là truyện có ngôn ngữ riêng, người viết ra nó có khả năng làm chủ ngôn ngữ”.

- Truyện ngắn hay là truyện ngắn có tầm tư tưởng, văn hóa. Nhà phê bình Văn Giá: “Văn chương không chỉ là văn chương mà còn là câu chuyện của văn hóa, bồi đắp những giá trị văn hóa”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Trải nghiệm văn hóa trong đời sống khác với trải nghiệm đời sống”. Nhà văn Trịnh Thanh Phong: “Làm dày, làm đầy tầm tư tưởng, phông văn hóa là việc mà không ai có thể làm thay cho nhà văn được”.

- Truyện ngắn hay là truyện ngắn người đọc thấy hay. Nhà văn Uông Triều: “Truyện ngắn hay là truyện tạo được ấn tượng với người đọc. Muốn tạo được ấn tượng thì truyện phải khác biệt”. Nhà văn Tạ Ngọc Dũng: “Truyện ngắn hay là truyện đọng lại, ghim lại nơi người đọc, khiến họ nhớ lâu”. Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: “Truyện ngắn hay hay không hay là do người đọc, cách đọc”. Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thanh: “Các nhà văn nói về nghề, về tác phẩm của mình thì rất hay, nhưng thường khi người đọc lại đọc theo cách của họ”.

Truyện ngắn hay luôn là trăn trở, là đích đến của những nhà văn có sở trường viết thể loại tự sự cỡ nhỏ này. “Đi tìm truyện ngắn hay” là hành trình không có hồi kết.
 
ĐĂNG HOÀNG
 
 
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)