Dòng chảy  Văn nghệ

Viết văn ở Việt Nam có sống được không?

Thứ Sáu, 08/03/2019 18:30

Đó là chủ đề của buổi trò chuyện nghề nghiệp diễn ra vào tối ngày 7/3/2019 tại Toong 08 Tràng Thi, Hà Nội với sự tham gia của khách mời là tác giả Hiền Trang.

Hiền Trang là một cây bút trẻ khá quen thuộc trên các diễn đàn văn chương - âm nhạc - điện ảnh của nhiều tờ báo/tạp chí, tác giả vừa đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI với tác phẩm Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa.

Ngày nay có chỗ cho văn chương tử tế không? Làm sao để có thể sống được bằng viết văn? Có phải "xê dịch" nhiều thì mới viết được văn? Đọc gì và đọc như thế nào cho có hiệu quả? Bước đầu viết văn, làm sao để tích lũy kiến thức và trải nghiệm, trau dồi kĩ thuật, định hình phong cách hay lựa chọn thể loại?... Đó là những vấn đề được các bạn trẻ đưa ra để tác giả Hiền Trang chia sẻ quan điểm cá nhân tại buổi giao lưu.

Cây bút trẻ Hiền Trang (cầm micro) tại buổi giao lưu

Theo tác giả Hiền Trang, “văn chương tử tế hiện diện ở mọi thời, bất chấp sự khuynh loát của những gì là cận/phi/phản văn chương. Văn chương tử tế do chủ thể viết ra bằng tất cả lương tâm nghề nghiệp, tinh lực, bút lực của mình; tác phẩm được qua tay những biên tập viên tử tế, những nhà xuất bản/phát hành tử tế trước khi đến với người đọc tử tế, sống trong một môi trường văn chương tử tế”.

“Thật khó để có thể sống được bằng những tác phẩm văn chương đơn thuần. Nước Pháp là ‘kinh đô ánh sáng’ của văn chương thì có lẽ cũng không quá 20 nhà văn sống được bằng sáng tác. Ở Việt Nam thì may ra có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là ‘sống bền sống khoẻ’ bằng văn mà thôi. Nếu muốn ‘sống được’ thì nhà văn phải năng động, cập thời bằng vào những công việc bổ trợ cho sáng tác như viết báo, biên tập, xuất bản…, tuỳ thuộc vào năng lực, sở trường, cơ duyên của mỗi người. Dẫu vẫn biết, ‘cơm áo không đùa với khách thơ’, tuy nhiên nếu người viết không minh định được, rằng tiền chỉ là phương tiện để bản thân thực hiện mục đích văn chương, thì người đó sự nghiệp chẳng đi đến đâu. Đã là người viết tử tế, nếu không sống được bằng thu nhập từ văn chương thì cũng sống được bằng những điều tử tế”.

“Đi rất quan trọng, nhưng đi là chuyện của đi mà viết là chuyện của viết. Có người đi khắp thế gian mà không viết được gì. Có người cả đời không đi đâu nhưng vẫn viết được tác phẩm lớn. Chiều kích địa lí không quan trọng bằng chiều kích của thâu nạp, của nghiền ngẫm, của tưởng tượng”.

Sự kiện thu hút đông đảo khách văn chương, nhất là những người trẻ. Một bé gái đi cùng mẹ đã đứng lên nói rất dứt khoát: "Thưa cô Hiền Trang, con rất thích viết văn, con muốn biết là 9 tuổi rưỡi thì có thể thành nhà văn được chưa".

“Muốn thành nhà văn, không thể không đọc. Đọc sẽ làm dày làm đầy phông văn hoá. Nội lực thâm hậu mới làm nên sức bật. Đọc những tác phẩm kinh điển kim cổ của Đông, của Tây, của ta. Có nhận định rằng nếu những gì không có trong hai sử thi Ấn Độ là RamayanaMahabharata thì sẽ không có ở bất kì đâu. Sức dung chứa của văn chương đích thực là vô giới hạn. Đọc nhiều để tìm câu trả lời cho câu hỏi, rằng câu chuyện của mình có nên kể ra và nếu có thì nên kể theo cách nào. Bởi nhân gian cổ kim thì cũng bấy nhiêu câu chuyện, vấn đề là nhà văn có cách kể mới/khác hay không. Ngoài ra, sách khoa học, sách về các môn nghệ thuật, một bộ phim, một nhạc phẩm kinh điển… không gì là không làm lợi, làm giàu cho công việc viết văn. Chẳng hạn, âm nhạc sẽ giúp cho những câu văn mà ta viết ra trở nên giàu nhạc tính”.

“Loay hoay tìm phong cách viết là một tất yếu, là hành trình tự phủ định để nhận diện mình. Đa dạng hoá phong cách không phải lúc nào cũng khả dụng. Murakami quanh đi quẩn lại cũng kể câu chuyện về con mèo biến mất, về người đi xuống giếng… nhưng người đọc vẫn cứ háo hức chờ đợi tác phẩm mới của ông. Nguyễn Huy Thiệp ra tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu lại bị từ chối, người ta chỉ muốn tiếp tục đọc những truyện ngắn rất Nguyễn Huy Thiệp như đã từng may mắn được đọc mà thôi… Nhà văn là người kể chuyện, sức quyến rũ của văn chương nằm ở cách kể chuyện riêng khác của nhà văn”.

“Những gì bạn viết ra phải là cuộc sống thật của bạn. ‘Ta là ai, tại sao lại ở đây và để làm gì?’, chỉ tự bản thân nhà văn mới trả lời được. Bản chất của văn chương là hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy, những câu hỏi trước hết thuộc về câu chuyện cá nhân của nhà văn. Chừng nào không còn thấy cuộc đời đáng sống hay phi lí, nghĩa là đã bão hoà, trơ lì cảm giác sống thì lúc đó nhà văn không nên tiếp tục cầm bút”.

*

*    *

Khởi đầu với một trang blog về nghệ thuật, sau 3 năm, Hiền Trang đã tạo lập vị thế là một cây bút trẻ tiềm năng với 3 tác phẩm đa thể loại: Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi, Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ; cùng nhiều bài viết trên các tờ báo/tạp chí như Tuổi trẻ, Đẹp, ELLE Man, An ninh Thế giới, Zing

Nhà văn Phan Hồn Nhiên - thành viên Ban chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI - từng chia sẻ về bút pháp của Hiền Trang như sau: “Với sở trường của người kể chuyện, sự tinh tế trong các phép ẩn dụ như một nhà thơ, cách nắm bắt sắc màu và đường nét như một họa sĩ, Hiền Trang mang đến một không khí văn chương tự nhiên và thuần khiết, điều đang rất thiếu trong văn học những năm gần đây".

HUYỀN ANH



 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)