Tối ngày 27/2/2019, tại AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội, nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế đã có buổi trò chuyện về chủ đề: "Những biến đổi của mặt đứng kiến trúc trong những ngôi nhà đầu thế kỉ XX".
Nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế tại buổi trò chuyện
Khoảng từ năm 1908 - 1909, có một trí thức trẻ Pháp Henri Oger quan tâm đến đời sống văn minh vật chất của người An Nam. Ông cùng với những nghệ nhân An Nam đã khắc chừng 4.577 hình vẽ mọi khía cạnh của đời sống từ sản xuất, buôn bán, vui chơi, tang ma cưới hỏi. Thấp thoáng trong các bức tranh là hình ảnh các ngôi nhà người Việt. Đặc biệt, xuất hiện trong bộ tranh khắc này là ngôi nhà hai tầng mà trên nóc ghi rõ dòng Hán tự với nghĩa là “trường đua ngựa”. Ngoại trừ dòng chữ Hán, từ con người, trang phục đến kiến trúc ngôi nhà đều là của Tây phương.
Cùng thời gian đó, ở xứ An Nam bắt đầu mọc lên các ngôi nhà Tây đúng với tiêu chí “nhà cao cửa rộng”; “nhà Tây” trở thành một trong những tiêu chí thành đạt.
Đã hơn 100 năm trôi qua, những ngôi nhà Tây này dần biến dạng, biến hình và biến mất.
Bằng phương pháp đa ngành, liên ngành, chủ yếu là điền dã, trực quan, khảo cứu, phỏng vấn những người liên quan đến kí ức của ngôi nhà…, trong nhiều năm, nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế đã thực hiện dự án phục dựng mặt đứng kiến trúc trong những ngôi nhà đầu thế kỉ XX thông qua những bản vẽ của mình.
Tại buổi trò chuyện, nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế chia sẻ:
“Đứng trước các ngôi nhà, tôi thường nảy sinh những câu hỏi: Kiểu thức kiến trúc của ngôi nhà này từ đâu tới? Ai là chủ nhân đầu tiên? Những người tới sau là ai? Vì sao họ lại cải tạo nó? Hình thức nguyên bản của nó là gì?...
Rõ ràng, mặt đứng một ngôi nhà định hình một phong cách kiến trúc, và hơn thế nữa, ở Việt Nam, nó còn biến chuyển rất nhiều, mang dấu ấn lịch sử, những đổi thay thời cuộc. Việc vẽ lại các bản vẽ dựa trên kí ức của chủ nhân các ngôi nhà này là nỗ lực của bản thân nhằm đối thoại với di sản, khôi phục lại kí ức văn hoá. Tuy vậy, ở một phương diện nào đó, công việc này khó khăn hơn những gì mà Henri Oger đã tiến hành hơn 100 năm trước. Vì nó không phải là sự ghi chép, tái hiện đơn thuần một hiện thực đang diễn ra. Thao tác này giống như việc phẫu thuật chỉnh hình cho một nạn nhân sau một tai nạn giao thông và kích thích những vùng tối của kí ức. Không giống với thao tác vẽ ghi thông thường của các kiến trúc sư, mà đúng hơn, đây là một hành vi nghiên cứu của người làm nhân học nghệ thuật.
Hà Nội đã từng rất đẹp. Tôi luôn day dứt, cảm giác bị tổn thương vì một thành phố đang tha hoá trước làn sóng toàn cầu hoá, thương mại hoá. Biến đổi của mặt đứng là một sự thật bất khả cưỡng. Tôi muốn góp phần níu kéo hơi tuyệt vọng những giá trị cứ trượt đi không trở lại.”
Những hình vẽ kiến trúc cũng được Trần Hậu Yên Thế thực hiện dưới dạng nét trên giấy dó gần giống như tập “Technique du peuple Annamite” của Henri Oger hơn 100 năm trước. Đây là một phần của dự án “Kĩ nghệ xây và cải tạo nhà Tây của dân Việt Nam”. Dự án này ban đầu khảo sát những ngôi nhà Tây thời Pháp thuộc. Phần tiếp theo sau của dự án này là khảo sát các khu tập thể cao tầng. Cũng là một dạng nhà Tây (phe Ta) như các khu nhà do chuyên gia Triều Tiên, Liên Xô… thiết kế. Một phần của dự án này đã công bố trong triển lãm “Thay hình đổi mặt” năm 2016 của hai nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ thêm:
“Cách làm của đồng nghiệp Trần Hậu Yên Thế là làm ở dạng hồ sơ, là làm nghệ-thuật-phương-án. Nghệ thuật phương án là một dạng nghệ thuật ý niệm mang đậm màu sắc Á Đông được đóng gói dưới dạng văn bản kèm đồ án vẽ nên những phương án giả tưởng nhằm kích thích sự liên tưởng của người xem. Những phương án này nếu có kinh phí để thực hiện có thể trở thành những tác phẩm dạng vật chất như sắp đặt, trình diễn hay các hình thức nghệ thuật thị giác, còn không sẽ nằm ở dạng hồ sơ phương án để người xem có thể đọc. (Nghệ thuật phương án được thực hành phổ biến tại các Học viện nghệ thuật thực nghiệm ở Trung Quốc.)
Ở Singapore, người ta có nguyên tắc kiến trúc là, sửa gì thì sửa không được phá hỏng mặt tiền. Kí ức của một ngôi nhà, một thành phố, một cộng đồng chắc chắn hằn sâu vào từng chi tiết của mặt tiền. Việc phục dựng mặt đứng kiến trúc trong những ngôi nhà đầu thế kỉ XX của anh Trần Hậu Yên Thế đồng nghĩa với việc khai quật những lớp trầm tích lịch sử nơi mặt đứng của những ngôi nhà đó. Có nhiều trung tâm trong một công trình kiến trúc. Nên việc giữ lại mặt tiền không làm đứt gãy với các xu hướng kiến trúc đương đại.”
Vẽ lại mặt đứng kiến trúc trong những ngôi nhà đầu thế kỉ XX thuộc dự án dài hơi của Trần Hậu Yên Thế và cộng sự trong nỗ lực tìm lại khuôn mặt cũ của thành phố. Dự án có khả năng truyền cảm hứng, kích hoạt sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai trong tâm thức, tâm thế sống của mỗi người Hà Nội hôm nay.
Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970 tại Hà Nội. Hiện công tác tại Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mĩ thuật, di sản văn hóa như: Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác, Đồ án trang trí mĩ thuật ở đền Vua Đinh - Lê, Song xưa phố cũ… Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho cuốn Song xưa phố cũ.
SONG AN
VNQD