Chiều ngày 23/2/2019, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Nhà sách Tao đàn phối hợp với Trung tâm TPD tổ chức buổi toạ đàm ra mắt dịch phẩm Một con người và chiếu phim A Single Man (chuyển thể từ tác phẩm).
Đây là sự kiện mở đầu chương trình “Từ trang sách đến màn ảnh” của Tao đàn. Sự kiện có sự tham gia của dịch giả, nhà phê bình điện ảnh Nham Hoa và dịch giả Ngô Hà Thu.
Các diễn giả và người yêu văn chương, điện ảnh tại buổi giao lưu
Ra đời từ những năm 1960, tiểu thuyết Một con người (A Single Man) của nhà văn Christopher Isherwood đã khiến nhiều độc giả choáng váng khi khắc họa một cách trực diện đến tàn nhẫn những ngày cuối đời của một trí thức đồng tính. George, một giáo sư văn chương Anh, đang nỗ lực tìm lại cân bằng sau cái chết bất ngờ của người bạn đời. Anh quyết duy trì nếp sống cũ, và điềm nhiên quan sát nhân sinh như một kẻ ngoài cuộc. Nhưng bên dưới nhịp sống bình lặng ấy là sục sôi giận dữ, là cô đơn tột bực, và đau đớn khôn khuây… Nhà thơ Stephen Spender cảm nhận Một con người “là một cuốn sách tàn khốc, nhức nhối, tuyệt diệu”; nhà văn Edmund White nhận định “đây có thể coi là một trong những tiểu thuyết đầu tiên và xuất sắc nhất trong phong trào giải phóng người đồng tính hiện đại”; còn nhà văn Anthony Burgess cho rằng “cuốn sách này là bằng chứng cho sự lỗi lạc chưa hề thuyên giảm của Isherwood trong vai trò một tiểu thuyết gia”.
Bìa dịch phẩm Một con người
Từ những trang sách A Single Man của nhà văn Christopher Isherwood, năm 2009, đạo diễn Tom Ford hoàn thành và ra mắt bộ phim điện ảnh tâm lý cùng tên, với sự tham gia của các diễn viên Colin Firth, Julianne Moore, Matthew Goode…
Trước khi bén duyên với điện ảnh, Tom Ford nổi danh lẫy lừng ở lĩnh vực thời trang. Lần đầu vào vai đạo diễn, Tom Ford đã gây bất ngờ với A Single Man. Bộ phim tạo kinh ngạc cho khán giả bằng những sáng tạo nghệ thuật về mặt hình ảnh, kể một câu chuyện giàu cảm xúc xen trộn hiện tại và ký ức.
Một cảnh trong phim A Single Man
Tại buổi giao lưu, dịch giả, nhà phê bình điện ảnh Nham Hoa, dịch giả Ngô Hà Thu và những người yêu nghệ thuật đã có những chia sẻ thú vị về tiểu thuyết A Single Man, về bộ phim cùng tên và câu chuyện từ trang sách đến màn ảnh, từ nguyên tác đến bản dịch…
Dịch giả Ngô Hà Thu - người chuyển ngữ tác phẩm này - chia sẻ: Tên tiếng Việt Một con người là lựa chọn thuyết phục của phía Nhà sách Tao đàn. Trước khi Tao đàn ra mắt bản dịch này thì đã có một bản Việt ngữ của A Single Man với tên Người cô độc. “Single” nơi tên nguyên tác không chỉ biểu thị nét nghĩa là một mình, độc thân, cô độc, mà còn hàm chứa nét nghĩa là một cá thể người trong xã hội. Đây là tác phẩm mà tác giả của nó - một người đồng tính - đã “khoả thân”, phơi lộ con người thật của mình. Đặt trong bối cảnh năm 1964 khi tác phẩm ra đời càng cho thấy A Single Man là một cuốn tiểu thuyết cởi mở, xuất sắc về đề tài đồng tính. Tác phẩm miêu tả tinh tế tâm lý phức tạp của nhân vật chính: vừa muốn công khai giới tính, vừa bất an không biết mình trong mắt người đối diện như thế nào, thụ động, không tự do, bơ vơ, lạc lõng, cô độc…
Dịch giả Nham Hoa cũng tâm đắc với tên tiếng Việt lần này, vì cho rằng tên cũ Người cô độc vô hình trung đóng khung, không mở ra được những nét nghĩa khác của “single”. Nhà phê bình điện ảnh này cũng bày tỏ thích thú với việc đạo diễn - cũng là một người đồng tính - đã phát huy tất cả thế mạnh của một nhà thời trang để sáng tạo nên những thước phim với hiệu ứng thị giác sinh động, phản ánh chân thực, tự nhiên một cá thể người với ít nhất là bốn tầng cô độc: một người Anh sống ở Mỹ; một người đồng tính sống ở một căn hộ giữa cộng đồng trung lưu Mỹ - nơi mà thị dân kì thị gay gắt người giới tính thứ ba; một người mất đi người bạn đời lý tưởng; một giảng viên đại học tuổi lục tuần hàng ngày tiếp xúc với những sinh viên tuổi hai mươi…
Các diễn giả cũng chỉ ra những độ chênh nhất định, tất yếu khi từ trang sách đến màn ảnh. Bởi mặc dù nhà đạo diễn tri âm, thông hiểu với nhà văn vì cả hai đều là người đồng tính, tuy nhiên nhà văn viết tiểu thuyết vào những năm 1960 còn nhà đạo diễn lại làm phim vào những năm 2000; và với thời lượng 1 tiếng 40 phút, phim không thể lột tả, chuyển tải hết những cung bậc tâm lý phức tạp của một nhân vật phức tạp.
LỘC VĨNH
VNQD