Chiều tối ngày 14/02/2019, tại AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội đã diễn ra buổi nói chuyện của nghệ sĩ Phan Hải Bằng về chủ đề “TRÚC CHỈ - hành trình xây dựng một giá trị” với sự tham gia của khách mời danh dự là PGS.TS.Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương.
Diễn giả Phan Hải Bằng (cầm micro) và khách mời Nguyễn Nghĩa Phương tại buổi nói chuyện
TRÚC CHỈ là câu chuyện của Giấy và khả năng thoát khỏi thân phận làm nguyên liệu “nền” (cho các thao tác sáng tạo khác như in, vẽ, viết…) để trở nên một tác phẩm nghệ thuật độc lập, tự thân.
Theo quan niệm thông thường, Giấy chỉ có thể là một tác phẩm nghệ thuật khi được viết, vẽ, in… lên “trên” nó. Với TRÚC CHỈ, “giấy” đã có thể là tác phẩm nghệ thuật độc lập với những tín hiệu tạo hình “trong” nó; mặt khác, TRÚC CHỈ hoàn toàn có thể “đối thoại” với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó một cách sòng phẳng.
TRÚC CHỈ là một danh tính được định nên bởi nhà văn, dịch giả Bửu Ý từ tháng 4/2012, với hàm ý muốn dùng hình tượng tre/ trúc như là một biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt Nam để chỉ một loại hình nghệ thuật-giấy, giấy-nghệ thuật mới của Việt Nam (hoàn toàn không chỉ để nói về một loại nguyên liệu cụ thể). TRÚC CHỈ được hiểu là một nghệ thuật mới của xơ sợi và giấy Việt Nam.
TRÚC CHỈ là một loại hình mới của nghệ thuật-giấy, giấy-nghệ thuật của người Việt, mang đậm ngôn ngữ đồ họa. Một trong những nền tảng kĩ thuật của nghệ thuật TRÚC CHỈ là đồ họa TRÚC CHỈ (trucchigraphy) - sự kết hợp độc đáo giữa nghề làm giấy, kĩ thuật dùng áp lực nước và nguyên lí của nghệ thuật đồ họa (printmaking), dưới sự dẫn dắt của ý niệm: Giấy - tác phẩm tự thân.
TRÚC CHỈ là hành trình từ “chất liệu” đến một loại hình nghệ thuật, và một giá trị văn hóa Việt mới.
Bằng phép tiếp biến văn hóa, định hướng mở để có thể kết hợp nhiều ý tưởng, phương thức, chất liệu…, một loại hình nghệ thuật mới (mang đậm ngôn ngữ đồ họa) dần hình thành mà vẫn mang âm hưởng truyền thống và nghệ thuật tính.
Bằng việc định ra và thực hiện các tiêu chí Thẩm mĩ - Giáo dục - Xã hội, bằng việc tôn trọng và được hỗ trợ bởi nhiều nguồn tri thức, nhân sĩ trí thức ở Huế, trong và ngoài nước…, một giá trị văn hóa Việt mới đang hình thành và dần được khẳng định ở quy mô quốc gia và quốc tế.
Từ nghiên cứu độc lập về giấy thủ công từ năm 2000, qua các chương trình học bổng và điền dã trong và ngoài nước, Phan Hải Bằng đã cùng các cộng sự xây dựng nên dự án Nghệ thuật TRÚC CHỈ Việt Nam tại Huế, dựa trên giá trị của nghề giấy thủ công truyền thống, tiếp biến, kết hợp và vận dụng với các nguyên lí của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đồ họa, với nỗ lực không chỉ dừng lại ở việc tạo nên một “nguyên liệu” mới cho sáng tác nghệ thuật, mà còn là kiến tạo một loại hình nghệ thuật mới, một giá trị văn hóa mới cho Huế, cho Việt Nam.
Đây là 1 trong 5 bức của bộ "Vọng niệm" - đồ hoạ TRÚC CHỈ do Phan Hải Bằng và nhóm cộng sự thực hiện, thuộc dự án nghệ thuật trong đường hầm nhà Quốc hội vừa qua
Tại buổi nói chuyện, Phan Hải Bằng nhấn mạnh: “Tôi rất vui và hân hạnh được chia sẻ với mọi người về một giá trị đang được hình thành và ngày càng được củng cố, khẳng định. Điều cốt lõi nhất mà bản thân muốn đối thoại với những người yêu nghệ thuật nói chung, nghệ thuật TRÚC CHỈ nói riêng, đó là cách thức ứng xử với các giá trị truyền thống, cách tiếp biến văn hóa. Tôi cùng các cộng sự của tôi mong muốn xây dựng và chuyển giao một giá trị văn hóa mới được xây dựng trên nền tảng truyền thống, cụ thể là nâng tầm nghề giấy thủ công truyền thống bằng yếu tố nghệ thuật. Tâm thức sáng tạo, cách thế ứng xử với truyền thống, tri thức và sự chân thành, tự trọng, tâm huyết... tất cả sẽ xây dựng nên những giá trị mới, đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mà vẫn mang âm hưởng truyền thống”.
Phan Hải Bằng sinh năm 1971; tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế năm 1995; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật thị giác Đại học Maha Sarakham, Thái Lan năm 2012; hiện giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.
Buổi nói chuyện của Phan Hải Bằng về nghệ thuật TRÚC CHỈ là sự kiện mở đầu chuỗi các buổi giao lưu, trò chuyện, thực hành nghệ thuật bên lề cuộc trưng bày “Tranh tối tranh sáng” diễn ra trong một tháng, từ 12/02/2019 đến 12/3/2019 tại AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội .
THUẬN NGUYỄN
VNQD