Trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Cuốn sách ra đời là một nỗ lực của nhóm tác giả tâm huyết nhằm khôi phục làng nghề tranh dân gian, một di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, chủ dự án cuốn sách - chia sẻ những khó khăn trong quá trình phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng là dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta từ thế kỉ thứ XVII. Tranh Kim Hoàng có xuất xứ từ thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Dòng tranh này một thời là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm tưởng chừng có lúc đã biến mất khỏi đời sống văn hóa Việt Nam. Nhận thấy giá trị quý của di sản văn hóa này, bà Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cộng sự đã thành lập dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng" như một nỗ lực để khẳng định vị thế của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam. Trải qua 3 năm dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu tranh vẽ tay, tạo dựng được một số mẫu mới dựa theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng.
Cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, chủ dự án, GS.TS Trịnh Sinh và nhiếp ảnh gia Lê Bích được Nxb Thế giới ấn hành dịp đầu xuân 2019 Cuốn sách gồm 3 chương với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn. Các hình ảnh minh họa cho người đọc những góc nhìn toàn cảnh làng Kim Hoàng cho tới cận cảnh về từng họa tiết chạm khắc trong đình làng. Bên cạnh đó là những hình ảnh sinh động mô tả quá trình khôi phục tranh, in tranh và những giao lưu, triển lãm giới thiệu tranh Kim Hoàng với công chúng trong nước và quốc tế.
Chương một của cuốn sách có tiêu đề Làng Kim Hoàng khảo tả kĩ càng về cái nôi của dòng tranh, đó là làng Việt cổ xứ Đoài với ngôi đình được xây dựng từ năm 1704 có các mảng chạm khắc gỗ điển hình của thời Lê Trung Hưng. Chính những mảng chạm gỗ trong đình gần gũi với đề tài tranh dân gian, nên được nhóm tác giả giả định về niên đại dòng tranh này từ đầu thế kỉ XVII hoặc sớm hơn.
Chương hai của cuốn sách có tiêu đề Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng đã đi sâu vào vấn đề khôi phục dòng tranh theo căn cứ từ việc khảo sát thực địa, tham khảo tài liệu, phân tích và liệt kê những bức tranh Kim Hoàng có trong sách của M. Duarand.
Chương ba của cuốn sách có tiêu đề Tranh dân gian Kim Hoàng đề cập chủ yếu đến khía cạnh kĩ thuật và nghệ thuật cũng như nội dung tranh để hi vọng tìm ra được cái độc đáo của dòng tranh này bên cạnh các dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống nổi tiếng.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích, một trong ba tác giả cuốn sách chia sẻ về bố cục của cuốn sách. Bà Nguyễn Thị Thu Hoà chia sẻ: Trong quá trình nỗ lực lần tìm và phục dựng dòng tranh Kim Hoàng chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, bị xã hội và cả bà con làng nghề nghi ngại về mục đích thực hiện. Bằng sự chân thành và trong sáng với nền di sản văn hoá dân tộc, chúng tôi đã làm cho mọi người tin tưởng và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt trong quá trình khôi phục chúng tôi đã tiếp cận đươc tập sách quý có tên Tranh dân gian Việt Nam, xuất bản năm 1960 của học giả Pháp Maurice Durand, từ đây con đường khôi phục lại dòng tranh vắng bóng trên thị trường 7 thập niên đã có tín hiệu tích cực. Qua sàng lọc, nhóm dự án đã phân định và chắt lọc được nhiều bức tranh mang đậm bản sắc Kim Hoàng. Đó là cơ sở để hôm nay nhóm tác giả tập hợp lại thành cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ sự khâm phục đối với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hoà và nhóm tác giả. Hoạ sĩ cho rằng, nếu không có sự tận hiến với nền di sản dân tộc thì không thể khôi phục được làng nghề đã thất truyền. Việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng rất tốn thời gian và tiền bạc, đòi hỏi sự kiên trì. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương thích thú với việc khắc mảng chứ không phải khắc nét của dòng tranh Kim Hoàng. Việc in tranh bằng nửa khuôn úp, phụ thuộc nhiều vào cảm xúc và cách tiết chế mực của người thợ cũng là nét độc đáo bởi mỗi bản in tranh Kim Hoàng là một bức tranh khác nhau. Việc in bốn màu trên chất liệu giấy dó được nhuộm màu cũng tạo ra độ sắc nét, tươi sáng của dòng tranh này mà không dòng tranh nào có được.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ cảm nghĩ về dòng tranh dân gian Kim Hoàng tại buổi ra mắt sách. GS.TS Trịnh Sinh chia sẻ: Quá trình làm ra cuốn sách và phục dựng làng tranh đã được sự giúp đỡ của nhiều ban ngành chính quyền địa phương về vấn đề pháp lí. Tuy vậy, về mặt kinh tế nhóm phải tự túc. Là một nhà nghiên cứu khoa học lại có đam mê với những di sản văn hoá nên chúng tôi cố gắng tận hiến, bước đầu đã gặt hái được những thành công đáng tự hào. Chúng tôi còn nhiều dự án và hi vọng trong thời gian tới sẽ giới thiệu đến công chúng những dòng dân gian đặc sắc khác của văn hoá Việt Nam.
Cuốn sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng ra mắt vào dịp tết là lời tri ân với vị tổ nghề tranh dân gian làng Kim Hoàng cùng các nghệ nhân xưa đã có công giữ nghề để lưu truyền cho con cháu ngày nay. Hi vọng cuốn sách đưa đến độc giả món ăn tinh thần đầy hương vị trong ngày Tết Kỷ Hợi 2019.
Thành Duy
VNQD