Dòng chảy  Văn nghệ

Giải thưởng năm 2018 của Hội Nhà văn TP.HCM: Để trắng tất cả các hạng mục

Thứ Ba, 22/01/2019 16:14

Sáng ngày 22/01/2019, tại 81 Trần Quốc Thảo, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức lễ Tổng kết hoạt động năm 2018, trao giải thưởng văn học hằng năm, kết nạp hội viên mới và liên hoan gặp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.

Về giải thưởng văn học thường niên, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP.HCM cho biết: Sau khi củng cố các Hội đồng chuyên môn, đặc biệt là việc đề cử các chủ tịch hội đồng chuyên môn không là thành viên Ban chấp hành Hội, không khí làm việc của các hội đồng đã tỏ ra chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn. Khá nhiều tác phẩm của các hội đồng đề cử lên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng. Hội đồng Chung khảo đã làm việc, bàn bạc, trao đổi một cách nghiêm cẩn và đi đến thống nhất:

1. Trao Giải thưởng vinh danh tác giả cho nhà thơ Lê Giang - người đàn bà làm thơ dần bước vào tuổi 90 với tác phẩm tản văn Bỏ qua rất uổng (NXB Trẻ, 2018) và những cống hiến của bà cho nền văn học thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

2. Không trao giải thưởng thường niên ở tất cả các hạng mục.

3. Trao tặng thưởng cho 2 tác phẩm:

- Tập thơ Những vàm sông đêm của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

- Dịch phẩm Vàng trên biển đá đen (nguyên tác của Elena Puccillo Trương) của dịch giả Trương Văn Dân.

Từ trái sang: nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, dịch giả Trương Văn Dân, đại diện nhà thơ Lê Giang và nhà văn Trần Văn Tuấn  (Ảnh: Nguyễn Tý)

Giải thưởng vinh danh tác giả được trao cho nhà thơ Lê Giang nhận được nhiều tiếng nói đồng thuận của dư luận. "Nhà thơ Lê Giang len lỏi, lặn lội giẫm lên bùn đất của miền đồng chua nước mặn để lắng nghe tiếng chim tu hú trong vườn xoài, tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè lẫn tiếng ầu ơ của bà mẹ ru con bên vách lá để tìm tòi, góp nhặt vài câu hát, vài câu hò, vài câu vè như con ong cần mẫn mang về tổ từng giọt mật ngọt cho đời. Vẫn giọng văn như có nhạc, có thơ pha đôi chút dí dỏm, hóm hỉnh, khôi hài đôi khi thoáng vẻ mộc mạc, quê quê, đó là cái quê của một 'lão nông tri điền' trò chuyện với bà con em cháu trong xóm, thì thiệt thà chân chất biết bao. Nhưng đó là cả một kho tàng chứa đầy kinh nghiệm, đạo đức, văn hoá, lễ nghi của một người ưu thời mẫn thế..." (NSND Viễn Châu). “Soi mình vào chiếc bàn hàng ngày. Nhưng soi để thưởng thức, để ngẫm nghĩ, để điều chỉnh, để nhìn từng màu sắc, ngửi từng hương vị trên bàn viết, bàn ăn mà rèn cho tâm hồn mình luôn hoà quyện vào thiên nhiên, vào cuộc sống chung quanh sao cho thích ứng hài hoà… như cách của nhà thơ Lê Giang thì không phải ai cũng làm được" (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). “Có thể nói nhà thơ Lê Giang là người sáng tạo bất chấp tuổi tác. Những tác phẩm và công trình của chị cứ dày theo năm tháng. Cứ chừng như nguồn nhựa chất chứa từ mùa Xuân mùa Hạ được nẩy lộc vào mùa Thu và kết quả tưng bừng vào mùa Đông. Sẽ lắm bất ngờ khi quan sát đời văn của Lê Giang: những ngoại lệ, nghịch lý. Những khép mở riêng chung. Những hoà trộn kỳ lạ. Ta như đứng trước một khu vườn trái mùa mà cây cối phong nhiêu, hoa quả xôn xao nở, đa sắc, đa hương và ta hoa mắt, rồi ta no mắt, rồi ta nói lạ quá, kể lại thế nào đây?" (PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân)…

Với hơn 50 năm cầm bút, khởi đi từ mùa Xuân năm 1968, người đàn bà làm thơ, viết văn, làm sưu tầm và phổ biến dân ca, người viết kịch bản phim tuổi Canh Ngọ 1930 đã sở hữu một gia tài tác phẩm khá đồ sộ: 5 tập thơ đã xuất bản từ NXB Văn nghệ Giải phóng như Phím đàn xanh, Vạn thọ đến Tuyển tập thơ Lê Giang (NXB Trẻ, 2012); 8 tập bút ký, tản văn, biên soạn như Tìm ngọc ở quê mình (NXB Văn nghệ TP.HCM) đến Lang thang gió cát, Gặp gì ăn nấy, xin mời (NXB Trẻ, 2000), Ừ, chỉ có vậy thôi (NXB Trẻ, 2012) và Bỏ qua rất uổng (NXB Trẻ, 2018); hàng chục tác phẩm sưu tầm, biên khảo dân ca ở các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ (cùng làm với chồng và con là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung); 6 kịch bản phim tài liệu nghệ thuật; 3 kịch bản phim ca nhạc chuyên đề…

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ: “Hội Nhà văn TP.HCM năm nay hân hạnh trao Giải thưởng của Hội cho chị Năm Kim - nhà thơ Lê Giang khi chị chuẩn bị bước vào tuổi 90 là một vinh dự. Chúng ta hãy cùng vui với nhà thơ Lê Giang vì những cống hiến không mệt mỏi của chị cho thi đàn và văn đàn thành phố nói riêng, và cho nền văn học khu vực, cả nước nói chung”.

Cũng theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Tập thơ Những vàm sông đêm của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh được cả Hội đồng Chung khảo thống nhất trao Tặng thưởng nhằm ghi nhận những cố gắng của tác giả trong sáng tác mang phong cách Nam Bộ, rất riêng. Thi phẩm đã mang đến tiếng chim, miệt vườn và những câu vọng cổ làm nức lòng người đọc, họ hiểu vì sao người Cần Đước mạnh như cây đước và hơn thế nữa để cảm nhận những thân quen như đã lạc phương nào giữa bộn bề phố thị. Một Tặng thưởng nữa dành cho lĩnh vực dịch thuật. Cách đây 2 năm, Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM đã trao Tặng thưởng cho tác phẩm Một phút tự do của Elena Puccillo Trương với người dịch là Trương Văn Dân bởi đó là tác phẩm của người nước ngoài viết về Việt Nam, về cảnh và người thành phố với những cảm nhận rất thật mang hơi hướng pha trộn Đông - Tây. Năm nay, Hội trao Tặng thưởng cho dịch giả Trương Văn Dân với tác phẩm dịch thuật Vàng trên biển đá đen của tác giả Elena Puccillo Trương. Với 14 truyện ngắn và 11 chân dung cũng như tạp bút, dịch giả đã chuyển tải đến người đọc những xúc cảm thật sự của một người phương Tây đang làm quen với nếp sống và văn hoá Á Đông, qua đó ta thấy tấm lòng của cô dâu Ý với quê chồng Việt Nam và đặc biệt là với những người bạn của chồng. Có thể nói, với Vàng trên biển đá đen, tác giả và dịch giả đã hoà quyện lại thành một khối vững bền để những nghĩ suy, phát hiện và cảm nhận của tác giả đã được dịch giả diễn đạt đúng tinh thần nhất và mang tính nhân bản, nhân văn cao nhất. Bằng tác phẩm của mình, dịch giả Trương Văn Dân đã chuyển tải được rõ ràng nhất những thông điệp mà tác giả Elena Puccillo Trương muốn truyền tải thông qua truyện ngắn và những chân dung, tạp bút. Phụ nữ Việt Nam với rất nhiều góc cạnh nhìn nhận là những cố gắng mà cô dâu Việt muốn khám phá thông qua những mảnh đời cô đã gặp, từ đó toát lên cái nhìn thân thiện Á Đông, rất thân thiện và gần gũi dù ở phố thị, nông thôn hay trên cao nguyên đá khô cằn ở Hà Giang xa xôi. Thông qua bản dịch của Trương Văn Dân người đọc nhận ra cái nhìn gần gũi của một người phương Tây về quê xứ Việt Nam thân quen của chúng ta.

PHƯƠNG NAM




 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)