Dòng chảy  Văn nghệ

Ảnh ý niệm như là một ngoại ngữ

Thứ Bảy, 19/01/2019 21:35

Chiều 19/01/2019, tại Cà phê Thứ Bảy, 3A Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra buổi sinh hoạt nghệ thuật với chủ đề: “Hoang dã & hiện đại - ảnh ý niệm (Conceptual Photography) của Trần Đán”. Diễn giả là nhà nhiếp ảnh Trần Đán; điều phối là nhà điêu khắc Đào Châu Hải.

Nhà nhiếp ảnh Trần Đán (trái) và nhà điêu khắc Đào Châu Hải tại buổi sinh hoạt

Trong album ảnh “Hoang dã & hiện đại” của mình, Trần Đán đặt ra cho người xem câu hỏi: Môi trường sống và cách suy nghĩ, hành xử của con người gọi là “hiện đại” khác và giống như thế nào so với thủy tổ của họ qua triệu năm tiến hóa từ thời “hoang dã”? Mỗi tác phẩm tích hợp nhiều bức hình khác nhau chụp “bụi” từ cuộc sống thường nhật để kiến tạo “ý niệm” về sự bất an triền miên của cuộc sống, về những biểu hiện của bản năng sinh tồn, về động lực không ngừng khai phá, sáng tạo, về liên hệ cây-rừng giữa cá nhân và bộ tộc, về nhu cầu tin vào sự bất tử của linh hồn, v.v...

"Tiếng vọng quê hương" - ảnh ý niệm của Trần Đán

Tại buổi cà phê nghệ thuật, Trần Đán đã trình chiếu và thuyết minh về một số tác phẩm ảnh “bụi” và ảnh “ý niệm” của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trên thế giới và của bản thân, đưa ra những chia sẻ chân thành, thú vị về hành trình của anh từ chụp ảnh “bụi” đến ảnh “ý niệm”:

“Tôi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh chưa lâu. Khởi sinh là nhiếp ảnh “bụi” (tôi thích gọi “nhiếp ảnh bụi” hơn là “nhiếp ảnh đường phố”). Chụp ảnh “bụi” đơn thuần là chụp những cái đời thường, mà cái đời thường lại đồng thời là cái phi thường, khi nó có khả năng tác động mạnh mẽ, sâu sắc vào giác quan sống của con người. Thường chúng ta tìm kiếm cái đẹp chứ không muốn nhìn vào cái thực, trong khi chính cái thực mới là đời sống. Nếu ở Mĩ người ta có vũ khí sát hại hàng loạt, thì máy ảnh của tôi là công cụ yêu thương hàng loạt, nó chộp bắt những run rẩy trắc ẩn của tôi trước những “hạt bụi” thân phận, và đến lượt, những bức ảnh đó lại dẫn truyền, lan toả yêu thương sang những người thưởng lãm chúng.

Đi chụp ảnh “bụi” đem lại cho tôi nhiều khoái cảm nhưng đến một ngày nó không thoả mãn tôi. Tôi muốn hướng đến một cái gì có sức bao trùm, ôm chứa hơn. Và rồi, tôi tìm đến ảnh “ý niệm”. Nơi ảnh ý niệm, vật thể/cái được chụp không quan trọng, mà quan trọng là cách biểu đạt vật thể đó như thế nào để có khả năng truyền tải, khơi gợi, đối thoại về một ý niệm nào đó. Mỗi bức ảnh ý niệm của tôi thường được tích hợp, lồng phối từ nhiều ảnh chụp riêng lẻ. Từ hiện thực đến ý niệm chỉ như là cách ta đập hai viên đá vào nhau để tạo nên một tia lửa. Hiện thực thì phù du, thoáng qua. Ý niệm là nỗ lực vĩnh viễn hoá cái phù du, thoáng qua đó.

Ảnh ý niệm là một ngôn ngữ, đúng hơn là một ngoại ngữ, nếu người xem biết diễn dịch thì nó thành nội ngữ.

"Mỏi mòn" - ảnh ý niệm của Trần Đán 

Album ảnh của tôi có tên là “Hoang dã & hiện đại”. Tôi không ngừng chất vấn: Loài người đang tiến hoá hay thực ra là tiến hoá ngược? Câu hỏi lớn này tôi xin dành cho người thưởng lãm, các nhà xã hội học, nhân chủng học… tiếp tục đi tìm câu trả lời”.

Nhạc sĩ Dương Thụ nói về ảnh của Trần Đán như sau: “Cái đẹp của ảnh Trần Đán có thể là cái đẹp của miếng sắt gỉ, của bãi đất hoang, của đống phân ngựa…, tức là khác với cái đẹp theo chuẩn thẩm mĩ truyền thống: mĩ miều, thanh nhã… Nghệ thuật đương đại mang lại cho chúng ta một cái nhìn công bằng, bình đẳng, dân chủ về thế giới. Cái đẹp không phải nằm ở ngoại giới mà là ở mắt của người nhìn. Nghệ thuật nên là như thế, phải tự nhiên”.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải phát biểu: “Từ ảnh bụi đến ảnh ý niệm, Trần Đán có vẻ đang đi rất đúng con đường nghệ thuật nhiếp ảnh của mình. Nghệ thuật là sáng tạo ra thế giới chủ quan của người nghệ sĩ, chứ không phải là sao chụp thế giới khách quan”.

Trần Đán hiện sống tại Mĩ, vốn là kĩ sư điện tử, nay thực hành nghệ thuật ý niệm (ảnh, tranh, sắp đặt). Tuy là nghệ sĩ nhiếp ảnh tay ngang/nghiệp dư, nhưng ảnh của anh đã nhận được giải/ghi nhận của International Photo Awards, Monochrome Awards, LensCulture và Art Basel Miami. Năm 2012, anh mở triển lãm “Huyền thoại” tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam.

BẢO AN

 

 

 

 

 


 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)