Dòng chảy  Văn nghệ

Pierre Bourdieu và nghệ thuật phi vụ lợi

Thứ Năm, 24/01/2019 22:17

Sáng ngày 24 tháng 1 năm 2019, tại Viện Văn học, tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên đã có buổi thuyết trình khoa học “Nghệ thuật vị nghệ thuật qua góc nhìn xã hội học của P. Bourdieu”.

P. Bourdieu (1930-2002)

Buổi thuyết trình tập trung vào một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng của lí thuyết xã hội học văn học của Pierre Bourdieu - một nhà khoa học xã hội đã xuất bản hơn 30 đầu sách và nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng cũng có thể được xem như một “chủ phái” gây ảnh hưởng và thu hút được nhiều môn đệ. Bắt đầu từ quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật được gợi dẫn từ triết học Kant, quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật coi sáng tạo là một hành động phi vụ lợi, chủ trương nghệ thuật độc lập với đời sống chính trị xã hội, giá trị của nghệ thuật nằm trong chính nghệ thuật chứ không phải nội dung. Những dẫn chứng sống động minh chứng cho quan niệm này được diễn giả chọn lọc dẫn lại từ những tuyên bố gây sốc trong lịch sử văn học Pháp của Flaubert và Bauderlaire. Đó là kiểu diễn ngôn chỉ xuất hiện khi thị hiếu tư sản phát triển, gắn với sự hình thành của những tiêu chuẩn khẳng định tính tư sản và cùng với nó là hệ diễn ngôn mang tính áp đặt về phong hóa hay văn chương. Việc Bourdieu lựa chọn hai trường hợp gây tranh cãi vào thời điểm xuất hiện (Flaubert và Bauderlaire) không chỉ là sự lựa chọn hai nhân vật tạo nên bước ngoặt sang văn chương hiện đại, mà còn hàm chứa ý đồ về hai hiện tượng mang tính đối lập về vị thế xã hội nhưng đều tìm được cho mình một hệ giá trị riêng, tách biệt với ý thức hệ tư sản đương thời. Madame Bovary, như chính khẳng định của Flaubert, là một cuốn sách hầu như không có chủ đề hay ít nhất chủ đề của nó là không nhìn thấy. Vào thời điểm đó ở Pháp nổi lên xu thế viết tiểu thuyết dài kì cổ vũ cho phong hóa tư sản, chẳng hạn, viết về ngoại tình dưới góc nhìn châm chọc cái chính thống và bảo vệ phong hóa, ca ngợi đức hạnh. Trào lưu này tự định danh nó là Chủ nghĩa hiện thực (hoàn toàn khác với cách chúng ta ngày nay hiểu). Chính Flaubert cũng khẳng định, vì căm ghét Chủ nghĩa hiện thực, nên tôi viết Madame Bovary. Tác phẩm, bởi thế, bị coi là sự xâm phạm phong hóa vì bị cho là có tư tưởng “ngợi ca ngoại tình” và bị đưa ra tòa. Bauderlaire cũng đưa ra những tuyên bố gây sốc về nghệ thuật, chẳng hạn, “Thơ ca, nó phải là chính nó”. Cũng như Flaubert, tác phẩm Hoa ác của Bauderlaire bị đem ra tòa. Đây là hai đại diện tiêu biểu cho bước ngoặt văn xuôi và thơ Pháp. Flaubert trắng án trong khi Bauderlaire chấp nhận sự thất bại trước tòa, vì không muốn thuê luật sư, không những thế, vì chính ông chối bỏ mọi liên hệ và sự trợ giúp từ gia đình. Đó là hai cách ứng xử khác nhau trước hoàn cảnh - đều là sự chối bỏ trật tự tư sản. Từ đó, Bourdieu nêu lên khái niệm về sự “đoạn tuyệt kép”: thứ nhất là sự đoạn tuyệt với lối sống tư sản; thứ hai là đoạn tuyệt với thị hiếu tư sản. Đây chính là bước trưởng thành của nền văn học Pháp để đạt tới sự tự trị. Điều kiện phong túc khiến Flaubert viết văn không để kiếm tiền (viết vì cái đẹp), còn Bauderlaire thì chấp nhận sống trong nghèo khổ. Tóm lại, bằng cách đưa ra hai cặp song song với cùng tuyên ngôn nghệ thuật vị nghệ thuật, Bourdieu đã khái quát được phương thức xác lập sự tự chủ cho trường nghệ thuật cuối thế kỉ 19. Từ đó, khái niệm “giá trị tượng trưng” (gắn với ý thức nghệ thuật vị nghệ thuật) cũng được đặt ra như là sự chối bỏ giá trị kinh tế. Nếu như trong sản xuất tiêu dùng, sản xuất số lượng càng lớn với giá thành không cao thì giá trị lợi nhuận càng lớn, thì sản xuất nghệ thuật có thể được hình dung dưới mô hình tháp lộn ngược của không gian văn hóa: sản xuất càng lớn giá trị tượng trưng càng nhỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tượng trưng cao rồi sẽ đưa lại giá trị kinh tế bền vững hơn bởi các tác phẩm thị trường chỉ sống trong khoảng vài năm, ngược lại, các tác phẩm tinh hoa không ngừng được tái bản và có năng lực chiếm lĩnh thị trường lâu dài.

Diễn giả Phùng Ngọc Kiên

Phùng Ngọc Kiên sinh năm 1976, master 2 về văn học so sánh tại Université Marseille 1, tiến sĩ về văn học Pháp và văn học so sánh tại Université Paris - Diderot, hiện làm việc tại Viện Văn học Việt Nam.

ĐẶNG THÁI HÀ

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)