Tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương bản tiếng Pháp do nhà nghiên cứu, dịch giả Emmanuel Poisson chuyển ngữ vừa được Nhà xuất bản Riveneuve ra mắt tại Pháp.
Bản Pháp ngữ tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương được Nxb Riveneuve ra mắt đầu năm 2019 với tên mới là Bầu trời khác
Trí nhớ suy tàn được Nhà xuất bản Thanh niên in lần đầu vào năm 2000. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ năm trong số chín tiểu thuyết đã công bố của Nguyễn Bình Phương (sau các tiểu thuyết Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, và trước các tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi, Mình và họ, Kể xong rồi đi). Trí nhớ suy tàn là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và xuất bản tại Pháp (sau tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ được dịch và in năm 2014).
So với các tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương, Trí nhớ suy tàn là tác phẩm có nhiều khác biệt.
GS Phùng Văn Tửu nhận định: Nếu như nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương chủ yếu xây dựng nhân vật trên bối cảnh vùng quê Thái Nguyên quê hương ông, thì “em” trong tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn là người Hà thành, mọi sự việc diễn ra ở chốn Hà thành với những hồ Tây, hồ Gươm, chùa Trấn Quốc, thảo cầm viên, các khu phố cổ… Người con gái ấy thấm đậm chất thành thị, chất trí thức, mang trong mình sự phức tạp của phố phường.
Còn PGS.TS Phùng Gia Thế thì cho rằng: Trí nhớ suy tàn là dòng độc thoại miên man của “em” với những câu văn trong veo. Như tiếng chuông gõ. Giàu chất thơ. Đây là “thơ” trong cõi vô thức, kí ức. Còn ở những tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương, nhân vật ở trong hiện thực nên khốc liệt bất nhẫn. Khi nhân vật được "thả" ra cõi thực, ngôn từ trở nên thô nhám. Đọc Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Ngồi, thấy những từ thông tục, từ tục (mà nhân vật dùng) xuất hiện với tần số cao và có xu hướng ngày càng công nhiên. "Chuẩn mực tính" của ngôn từ văn học truyền thống bị phá vỡ. Có lẽ, với lối hành văn dùng từ như thế, Nguyễn Bình Phương muốn khai thác triệt để những ưu thế của thể tiểu thuyết để thể hiện sự hỗn tạp của cuộc đời. Trong sự đối sánh như vậy, có thể coi Trí nhớ suy tàn là những trang viết giàu chất thơ nhất của Nguyễn Bình Phương, thể hiện sinh động những vùng “hiện thực mờ”, vùng khuất lấp và cả sự thánh thiện trong cõi sâu thẳm mịt mù của con người. Ở đây, ngôn từ của người làm thơ đã giúp ích cho Nguyễn Bình Phương rất nhiều.
Tuy nhiên, vì là sản phẩm sáng tạo của một trong những tiểu thuyết gia cách tân hàng đầu của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới, nên Trí nhớ suy tàn có nhiều điểm chung so với các tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương, đơn cử như có sự mờ nhoè, bất định về ngôn từ nghệ thuật, “làm khó” cho các dịch giả khi chuyển ngữ.
Theo GS Phùng Văn Tửu: Trí nhớ suy tàn là sự thách đố đối với những ai muốn dịch tiểu thuyết ấy ra tiếng nước ngoài. Chẳng hạn, từ “em” trong tác phẩm này vừa là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, vừa có thể cho chúng ta cảm giác đấy là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, cả hai trường hợp đều mang sắc thái biểu cảm rõ rệt. Ở nhiều ngoại ngữ, có sự phân biệt rạch ròi không thể chồng lấn giữa hai ngôi đại từ nhân xưng ấy. Không có từ nước ngoài nào chuyển dịch được từ “em” mà đồng thời gánh được cả hai chức năng ngữ pháp như trong Trí nhớ suy tàn, chưa nói đến sắc thái biểu cảm.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Ảnh: Thu Hiền)
Mấy năm trước, khi phóng viên trong nước tò mò muốn biết dạng tác phẩm mờ nhoè, bất định như Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương sẽ như thế nào khi mang sắc diện ngôn ngữ khác, PGS.TS Đoàn Cầm Thi - người phụ trách Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của Nhà xuất bản Riveneuve Paris - trả lời như sau: “Thoạt kỳ thủy đã được một đồng nghiệp của tôi là Danh-Thành Do-Hurinville dịch sang tiếng Pháp, và Riveneuve xuất bản năm 2014. Cá nhân tôi, cũng như nhiều bạn bè và công chúng thân quen đều đánh giá cao bản dịch này. Tuy nhiên ai cũng nghĩ đó là một tác phẩm kén khách. Nhà phê bình Pháp Régis Poulet, trong bài viết ngày 27 tháng 3 năm 2014 trên tạp chí Revue des Ressources, bị mê hoặc bởi cách Nguyễn Bình Phương mô tả nhân vật Tính: thấm đẫm bạo lực (máu và dục vọng hủy diệt), đầy dương tính và cần âm tính (Hiền, mẹ và trăng lạnh). Đặc biệt từ hình thức đến tâm hồn và số phận, Tính đều gắn với loài vật: đi như vượn, ngồi như gấu, tiếng kêu như dê, nằm mơ thấy lợn, ám ảnh bởi mắt chó còn cuộc đời thì song hành với loài cú. Jean-Pierre Han, trên tờ báo nổi tiếng Les Lettres Françaises số tháng 6 năm 2014, cảm nhận sự chính xác và bình thản đến lạnh lẽo của Nguyễn Bình Phương khi anh mô tả thế giới hỗn mang qua hình tượng con cú bị bắn rụng lúc 11giờ15. Bay lên lúc 12giờ. Không rõ bay tới đâu. Cả hai nhà phê bình đều ca ngợi chất thơ của tiểu thuyết vô cùng đặc biệt này, trong đó tác giả phá vỡ mọi logique kể chuyện thông thường, từ chối phân tích tâm lí để xây dựng một thế giới giữa ánh sáng và bóng tối. Jean-Pierre Han cũng nhận định là thế hệ của Nguyễn Bình Phương đã đưa tiểu thuyết Việt Nam đi một bước rất xa so với thế hệ trước đó”.
Quá trình chọn, dịch, chất lượng bản dịch và sức lan tỏa cuốn tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương ở Pháp hẳn là một tò mò thú vị mới đối với bạn đọc trong nước.
Đầu năm 2019, việc Nhà xuất bản Riveneuve ra mắt bản Pháp ngữ tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương là một sự kiện đáng phấn khởi mới đối với văn học Việt Nam. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16/2/2019 (tức ngày 12 tháng Giêng Kỷ Hợi) tới.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, nguyên quán Hà Nội. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khoá IV. Từng đóng quân và làm báo tại biên giới phía Bắc, từng làm biên kịch tại Đoàn Kịch nói Quân đội, làm biên tập tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngoài chín tiểu thuyết đã kể, Nguyễn Bình Phương còn là tác giả của các tập thơ có tiếng vang: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Thơ Nguyễn Bình Phương, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa.
P.V
VNQD