Dòng chảy  Văn nghệ

Văn học Việt Nam: “Tự do” hay “sắp đặt”?

Thứ Bảy, 16/02/2019 23:20

Trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, chiều ngày 16/02/2019, tại Hội trường 37 Hùng Vương, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Văn học Việt Nam - sức sống của một dân tộc yêu hoà bình”.

Hội thảo có sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền của Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III - chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đi sâu vào vấn đề dịch thuật, quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Mục tiêu của Hội thảo là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để tìm kiếm, lựa chọn được những tác phẩm văn học Việt Nam tốt nhất và từ đó có được những bản dịch tốt nhất để quảng bá ra thế giới? Hội thảo còn là một cuộc gặp gỡ lý tưởng giữa các dịch giả nước ngoài và các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, trong đó nhiều người đã có tác phẩm được chọn dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và quốc tế đã bàn thảo sâu về các vấn đề: chất lượng các bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga; mối quan hệ giữa văn chương và lịch sử; sự mâu thuẫn truyền thống giữa văn chương “sắp đặt” và văn chương “tự do”; các xu hướng chính của văn học Việt Nam hôm nay; tính khoan dung trong chiến tranh; vấn đề thụ động và chủ động trong quảng bá văn học ra thế giới; sứ mệnh kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của văn chương…

Giáo sư, dịch giả Nga Irina Andreyevna (đứng) nói về chất lượng các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga 

Dịch giả Nga Igor Britov có những phát biểu bằng tiếng Việt gây chú ý: “Văn học dạy chúng ta sống và giúp chúng ta sống. Và với người đọc, tác giả là người nước nào không hề quan trọng. Đúng, tất cả chúng ta đều khác nhau, nhưng văn học chủ yếu mang đến cảm xúc, và điều này là dễ hiểu đối với độc giả ở mọi quốc gia. Tất cả chúng ta đều yêu và ghét, vui mừng và đau khổ. Do đó, người đọc ở Nga sẽ hiểu hành động, cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch sang tiếng Nga.

Việt Nam đang ngày càng thể hiện các cơ hội kinh tế của mình, điều này cho lý do để tin rằng sự thúc đẩy văn hoá Việt Nam trên thế giới sẽ được mở rộng. Đầu tư tài chính trong chính sách hợp tác văn hoá quốc tế sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế. Kết luận của tôi rất rõ ràng: Ngày nay, việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga đa phần là khu vực hành động của chính người Việt Nam. Việc quảng bá thực sự văn hoá Việt Nam ở Nga sẽ chỉ diễn ra, nếu người Việt Nam tự thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau.

Văn học giúp chúng ta trở nên thông minh hơn, tử tế hơn, hạnh phúc hơn. Hãy tiếp tục viết, dịch, xuất bản và đọc tác phẩm văn học”.

Ngải đắng trên núi cao là tuyển tập truyện ngắn hiện đại Việt Nam do Igor Britov, Elena Nikulina và Nguyễn Quỳnh Hương dịch, Nguyễn Thị Kim Hiền hiệu đính, xuất bản tại Moskva năm 2015, gồm truyện ngắn của các tác giả: Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Chu, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Thuỵ Anh, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc Tư và Thuỳ Linh

Kết luận Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh phấn khởi phát biểu: “Hôm nay, tại đây là một dịp hiếm có, khi các dịch giả và các nhà văn ngồi cùng nhau, đối thoại cùng nhau. Hội Nhà văn Việt Nam xin tiếp thu và xử lý ngay những vấn đề có thể xử lý được. Cảm ơn các dịch giả nước ngoài đã theo dõi, đồng hành, đón đợi những tác phẩm văn học Việt Nam. Bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh đến thời kỳ đổi mới rất rộng lớn, khó có thể bao quát được. Bất cứ nhìn nhận, đánh giá nào cũng cần thận trọng, cần gọi đúng và trúng sự thể”.

Về cái gọi là văn chương “sắp đặt” ở Việt Nam mà giáo sư, tiến sĩ Gunter Giesenfeld - Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức Việt - nêu ra, người lãnh đạo cao nhất Hội Nhà văn Việt Nam phản biện: Thứ nhất, nói như ý của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì viết cái gì và viết như thế nào là lựa chọn của từng cá nhân nhà văn, chứ chẳng có mệnh lệnh nào áp đặt, chỉ đạo nhà văn cả. Thứ hai, văn học chiến tranh là tình thế của lịch sử, chịu sự quy định tất yếu của lịch sử. Thứ ba, kể cả văn học chiến tranh, nếu “sắp đặt” mà thiếu chiều sâu, tầm cao tư tưởng, thẩm mỹ thì công chúng lúc bấy giờ cũng quay lưng.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hứa sẽ có chiến lược tương tác tích cực hơn với các dịch giả nước ngoài, sẽ hỗ trợ các dịch giả nước ngoài về tài chính để hướng đến có được những bản dịch tốt nhất, từ đó, tiếp thị, quảng bá sâu rộng hơn văn học Việt Nam ra thế giới.

ĐĂNG HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)