Chợ quê trong phố

Thứ Ba, 11/02/2014 08:03

Tản văn. NGUYỄN VĂN THỌ

Ở Hà Nội nhiều nơi tự nhiên hình thành một cái chợ, chỉ họp từ sớm tinh mơ tới chín mười giờ sáng ở những nơi khuất nẻo. Có nơi Ủy ban nhân dân muốn dẹp, song cũng nhiều nơi cán bộ Ủy ban biết và thông hiểu, không dẹp bỏ, chỉ nhắc nhở bà con tới bán hàng nhớ đừng bày bán cản trở giao thông. Tự nhiên trong khoảnh khắc ấy cái chợ quê tồn tại bao nhiêu năm với thành phố, vô danh, không tên tuổi.

Ở Phường Ngọc Hà có ba cái chợ như thế. Tôi thường tới chợ, cạnh hồ B52, nơi từng chôn xác chiếc phản lực cơ khổng lồ của Mỹ năm nào để mua bán.
Những kẻ thôn quê dậy từ ba giờ sớm, ở những vùng trồng hoa và rau tận Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm hay vài huyện ở Hà Tây cũ thu hái rau màu hay cá mú đem về Hà Nội.Xa thì hơn ba bốn chục cây, gần cũng ngót nghét 10 cây. Nào là đủ các loại hoa, quả Việt Nam, nào là rau các loại, từ mớ húng cọng hành tới con cá lá rau chả thiếu thứ gì, mà rau nào rau ấy cứ mơn mởn tươi bởi từ khi cắt tới lúc trao cho người tiêu dùng chỉ bốn năm tiếng đồng hồ. Tiếng là buôn bán song các sản phẩm đa phần là tự sản tự tiêu nên giá thường thấp hơn giá nhiều nơi khác, lại ít nhiều bảo đảm về giá trị dinh dưỡng, bởi rau quả mà bao trong gói nilon như trong siêu thị, ít nhiều đã có hóa chất lại thêm một lần hóa chất nữa để giữ tươi sao ngon như rau kiểu chợ quê này. Với lại, lâu dần, giữa người bán, người mua tự dưng hình thành một mối thâm tình. Khiến cho người bán, vốn là nông dân, càng thật thà với khách quen của họ. Ngay cả với một gã đàn ông lớ ngớ như tôi, đi mãi thành quen, dù có áp tết cũng không bị "hét" giá.
Muốn hay không muốn, ở cơ cấu xã hội với lưu thông hàng hóa như ta hiện nay, chợ kiểu này vẫn cứ tồn tại, bởi nó đáp ứng tức thời nhu cầu cần của người tiêu dùng.
Tôi thường thích tới những khu chợ thế này, bởi không chỉ về sự tươi mới của sản phẩm hay giá cả vừa phải, mà rất quan trọng với tôi là qua cái chợ có một sợi dây gắn kết vô hình để tôi, một người thành phố gốc gác từ nông thôn, không bị đứt rời khỏi nguồn gốc. Hà Nội bỗng không còn đoạn tuyệt vời vợi với nông thôn từ đời sống đô thị bộn bề chen chúc mà chỉ hơn tiếng dạo chợ thôi người ta vẫn còn được sống cùng với người nhà nông, chính là lực lượng gắn bó với chúng tôi ở suốt chiến tranh giữ nước.

Tết nhất năm nay do hoàn cảnh riêng tôi không được ăn Tết trọn vẹn. Ra chợ sau Tết như thấy cả mùa xuân đang hừng hực từ những bó hoa tươi tím tới kinh ngạc của bà con vùng hoa ngoại thành mà nhát cắt còn ứa nhựa. Những mớ xà lách, xu hào, lơ xanh đỗ rau và hàng chục sản vật khác cứ mơn mởn xuân. Trong câu chuyện cà kê với một người bán rau ở Mê Linh, tôi giật mình nghe cô gái nói, bố mua cho con đi... 10 ngàn 5 củ. Tôi nhìn sọt xu hào củ to hơn cái bát ăn cơm, cứ xanh như có phấn rắc. “Thế mà một chị cứ chỉ trả con có mười ngàn mười củ thì sao bán được hả bố. Một sọt của con 50 củ, dậy từ nửa đêm cắt, đèo tới đây. Sọt rau này là nửa luống, vườn nhà mười luống . Có bán sạch bách vụ rau này chắc cũng chỉ đủ tiền giống má phân tro...“ Tôi nhìn sọt cải cúc của cô gái. Nhưng ngọn rau xanh rờn tươi hơn hớn đều săm sắp cứ như muốn vươn lên chua chúa. Ba mớ cải cúc bó lớn đẫy chít tay chứ không mỏng dạt như cải cúc ở chợ khác, được cô mời với giá năm ngàn. Chao ôi cải cúc.
Tôi mua của cô gái Mê Linh ít rau củ tươi hết sức là tươi, cả bó hoa phăng tươi bẩy sắc màu, ba bó cải cúc, để mang lại hơi xuân cho gian nhà nhỏ của tôi sau Tết và cũng mang về câu chuyện kể với vợ ở chợ bên cái bờ hồ nhỏ xanh ngặt tảo và rong, vẫn chồi lên cái xác nổi phềnh phàng của thằng B52, rằng nhà nông chân lấm tay bùn lắm, bao thời nay rồi, vẫn và đã làm ra bao mùa xuân, và chính mình lại được hưởng những mùa xuân trọn vẹn đó.

Ngọc Hà, những ngày đầu xuân Giáp Ngọ

N.V.T

Chợ họp ngay trong phố

Dưới hồ, xác chiếc máy bay B52 năm nào vẫn còn đó

Những mớ rau xanh nõn

Và hoa vừa cắt từ vườn nhà lúc nửa đêm

Cá còn đang bơi

Tranh thủ bày bán trước khi chủ nhà mở cửa

Ảnh: NGUYỄN VĂN THỌ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)