Nâng niu từng giọt sống

Thứ Ba, 28/01/2020 06:26

Đọc Phút rành rang sống chậm của Nguyễn Trọng Hoàn, Nxb Hội Nhà văn, 2019

 

Định nghĩa về thơ, về nhà thơ, quan niệm về yếu tính của thơ thì có rất nhiều. Một trong những mẫu số chung đó là: thơ là tự sự của tâm hồn, nhà thơ là chủ thể duy cảm duy mĩ, yếu tính của thơ là cảm xúc cảm giác sống. Trường hợp Nguyễn Trọng Hoàn và thi tập Phút rành rang sống chậm nghiêng về mẫu số chung nói trên. Chủ thể thơ tự trì hoãn mình để lắng lọc chắt chiu chưng đốt từng cảm xúc cảm giác sống, rồi tượng hình hoá vật chất hoá chúng thành thơ, nhằm thặng dư hoá hữu hạn đời mình, khi mà trên từng satna hiện sinh cả ba thì thời gian đồng hiện: phút sống chậm giữa thời siêu tốc/ anh là độ dôi của nghĩa thôi mà (Sóng); những con chữ nghiệp dĩ phiêu lưu chứa lửa nồng nàn/ cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại (Phiêu cùng con chữ); không nhớ đầu tiên thì biết bao giờ cuối/ chưa hết mình sao chạm được chơi vơi (Và anh trở lại).

Tận tuỵ làm lữ khách của chính đời mình, nên với tác giả thi tập, những nơi đã qua như là cơn cớ để rung ngân nỗi niềm riêng tây. “Đi biển” thì đem nỗi niềm làm mồi câu, thấy lưới lấp lánh những vui buồn thanh sạch. “Lan man nghĩ trong Bảo tàng Van Gogh” thì bay qua những chân trời tri âm tưởng tượng vui buồn/ thị thực tâm hồn xuyên thế kỉ/ một chiều kích giằng xé bao mộng mị. “Newcastle đêm trắng” thì nhận ra có những điều nói thôi thì dễ/ ví như tập quen với cô đơn. “Âm độ Seoul” thì vỡ lẽ trái tim từ lâu ngỡ ổn/ chợt nhận biết rằng thực ra rất đau. “Đêm Nguyễn Du” thì cật vấn bao áo mũ có đủ lau nước mắt… Lúc nào ở đâu chủ thể trữ tình cũng là một cái tôi nội cảm, nếu hướng ra khách thể thì với điểm nhìn bên trong, để cảm xúc cảm giác hoá khách thể bằng tất cả run rẩy trắc ẩn bề bộn đa mang trái tim mình: sông cũng chảy xiết dòng trong đất (Yên tĩnh Tokyo); khe suối luồn dáng núi tìm sông (Krông Ana thức); đá khắc thề đá lại đổ mồ hôi (Âm độ Seoul); sóng nghiêng từng giọt mặn/ ngấn quầng mắt ban mai (Khúc thức Đồ Sơn)…

Caí nỗi người cứ đầy lên nơi hành nhân theo từng tiết điệu thao thức, trên liên hồi những cuộc chuyển di: anh đi mãi đến giờ không kịp nghỉ/ bao nhiêu năm phía trước một nỗi người (Đề dẫn). Tuy nhiên, vì biết thuỷ triều vô định thế/ biển phía nào xuất phát cũng từ sông, nên la bàn tâm hồn thi sĩ luôn chỉ về hướng Quê, Mẹ và Em: lúa chín cúi bông nhìn mặt ruộng/ chẳng nơi nào khuất được niềm quê (Tự học); kinh tuyến nào mẹ cũng là giờ gốc (Giao thừa nhớ); không nhất thiết phải mở mail nhấn phím/ vì nỗi nhớ ngấm ngầm đã mặc định trong nhau (Ẩn dụ). Quá khứ khả dụng là quá khứ tiếp diễn, dang dở, không hoàn kết: từ bây giờ anh mới biết chưa hết ngày hôm qua/ và ngày hôm qua không hẳn là xưa cũ (Hôm qua).

Sứ mệnh nếu có của thi ca là mài giũa kích hoạt lây lan cảm xúc cảm giác sống, kháng cự lại những bão hoà trơ mòn xơ vữa: phải chi chuông reo thốt gọi/ dẫu chỉ là điện thoại gọi nhầm cũng đỡ chờn ren chán nhàm cũng đỡ hun hút quạnh hiu (Phải chi). Chất lượng sống được quyết định bởi trữ lượng và cường độ cảm xúc cảm giác sống: người ta khổ là do không cháy được/ dù cháy vì vui hay cháy vì buồn (Hình như). Con người vốn bí ẩn trừu tượng, giải mã tường minh là bất khả: anh vẫn biết em là người rành mạch/ điều đó đôi khi phức tạp vô cùng/ và dẫu biết mây và chiều là một/ mà ở giữa mây và chiều lại ngơ ngác mông lung (Ẩn dụ). Loài thi sĩ lại càng đa nghĩa mơ hồ, vừa mong manh cạn hẹp vừa không bờ không đáy: như lạc giữa rừng nguyên sinh hổ phách/ tầm tã mưa nguồn vẫn khô rộp bờ môi (Ghi chú).

Rành rang sống chậm là cách người thơ tự mình cách biệt với những ráo rỗng xổi nông. Sống chậm để sống sâu, để tự phát quang mà trình hiện: học làn hương lặng im mà ngào ngạt/ cho ngày thường có mặt phải không em (Ngày thường). Một khi đi tới z chiều kích tâm hồn mình bằng tất cả năng lượng của sự có mặt thì cái “tôi” thi sĩ tất yếu chạm gặp cái “ta” nhân quần: vắt kiệt nhịp tim mình/ nâng niu từng giọt sống/ trong tuyệt đỉnh vô ngôn chiều dài chiều rộng/ tôi là tôi là bạn là ám ảnh âm giai là đắm chìm nốt lặng cháy chắt ngọn lửa quỳnh chỉ có thế mà thôi (Tới z).

HOÀNG ĐĂNG KHOA chọn và giới thiệu

 

Đọc sách ở đường mây

Tốc độ bay 922 kilômét một giờ
lòng ngổn ngang lúc lùi lúc tiến
kiêu hãnh núi hay bao la mặt biển
qua những dạt dào qua những rưng rưng

Hình như quên ánh mắt ngác ngơ trong một cánh rừng
hình như quên nụ cười trong veo ở một thành phố lạ
rất nhiều gụi gần mà sao xa quá
ta trở thành lữ khách của đời ta

Ta bụi trần ta vun vút mờ xa
có những lúc không biết là đi hay đến nữa
căn nhà gió không bao giờ khép cửa
dù lúc này ngoài kia đường mây

Chẳng ý nghĩ nào phụ thuộc sân bay
ngồi đọc sách và trăm lần hạ cánh.

 

Mẹ

Mẹ đã nhặt con từ vũ trụ
của một ban mai xanh
mà giọt sương phiêu bạt
mà ngọn gió vô hình

Mẹ đã nhặt con từ bùn đất
ấp iu tính tháng tính ngày
nên đời mẹ chênh vênh còn mất
quên tuổi mình đánh đổi những hôm mai

Mẹ đã ươm tơ dệt cửi
mà không hoàng hậu
chẳng cao xa

Bình dị cánh đồng
và nhân loại
mẹ vui buồn ấm lạnh
những mùa hoa.

 

Thư gửi mùa xuân


Đã nghe thì thầm ngày qua gió thổi. Mùa hoa cải mơ hồ
dào dạt bên sông

Đã nghe mây líu ríu soi mình, phía bờ bến đường chân trời thăm thẳm

Đã nghe sóng dìu nhau say đắm, biển phập phồng dự cảm vô ngôn

Hương ngát đằm từ những đoá môi hôn, nghe ánh ngày
mỗi bình minh bổi hổi

Ừ thế nhé nghe tim mình chỉ lối, phía rộn ràng rưng rức những khai sinh. Trước bâng khuâng chồi lộc trong lành, chẳng có gì phải vân vi em nhỉ?

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)