Dân tộc: Tày
Sinh năm 1984
Quê: Xuân Lai, Yên Bình, Yên Bái
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
Hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Yên Bái
Tác phẩm thơ đã xuất bản:
- Cánh diều tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, 2012
- Giọt núi (thơ song ngữ Việt - Tày), Nxb Hội Nhà văn, 2018
- Cây cỏ và hoa (thơ song ngữ Việt - Tày), Nxb Hội Nhà văn, 2021
“Trong rừng cây sẽ có cây cao, cây thấp, cây to, cây bé, cây có hoa, cây không có hoa và có cả cỏ dại… Sự đa dạng, đa sắc đó đã tạo nên vẻ đẹp cho một rừng cây. Trong thơ ca cũng vậy, có người viết thế này, người viết thế kia, mỗi người một phong cách, mỗi bài hay một kiểu, bài không hay coi như cỏ dại trong rừng, đấy là đời sống của thơ”.
Ruộng bậc thang
…
Những lều nương chênh vênh
em bé Mông trĩu lưng lù cở(1)
những người đàn bà, đàn ông Mông khắc khổ
đập lúa như nốt trầm
Hạt thóc thủy chung
âm thầm cõng bao khắc nghiệt
một phần mẩy hai phần lép
người Mông nhọc nhằn vẽ bức họa ấm no
Có ai nghe lúa âm thầm bén rễ
có ai biết những con người nhỏ bé
đôi tay sần chai khuất phục núi đồi
ruộng bậc thang
bắc tới chân trời
rì rầm
kể chuyện biên cương.
--------
1. Gùi của người Mông.
Tiếng chim pò ơi
Pò ơi!
tiếng chim gọi mùa giáp hạt
chiến tranh, mất mùa, hạt gạo chia ba
ông bà xưa lên rừng đào củ mài, củ bấu…
Pò ơi!
tiếng chim vọng từ rừng sâu
như kêu thương, trách móc
nao nao lòng người
có ai còn lên rừng đào củ mài củ bấu nữa đâu
mà tiếng chim vẫn buồn quay quắt
Bản mình nay ấm no rồi
ông bà đã chín mươi
bưng bát cơm đầy
nghe tiếng chim gọi mùa giáp hạt đâu đây
rưng rưng ánh mắt
Tiếng chim vọng về từ xa lắc
gọi kí ức người già…
Cây cỏ và hoa
Rừng có cây cao cây thấp
cây thấp đua nhau thoát bóng cây cao
cây cao nhận ra mình cô độc
hiểu bão gió nắng mưa nên bình thản giữa trời
Sống dưới cây
thiếu nắng
thiếu mưa
bão nổi ở trên
đất động ở dưới
biết phận mình thấp bé như nhau
cỏ víu lấy cỏ
làm nên bất diệt mùa xanh
Cây sinh ra cây
cỏ sinh ra cỏ
dù là cây
dù là cỏ
hết một đời cũng dâng một lần hoa.
VNQD