Nhịp yêu thương trên bước thời gian

Thứ Sáu, 31/03/2023 09:53

 Rồi sẽ đến một lúc nào đó, khi tuổi đời nhiều thêm, năm tháng đã thấm xuống đời ta những đắng cay ngọt bùi, làm vơi đi bao vụng dại, ta mới hiểu rằng, đọc thơ, đôi khi là đọc chính mình, là lật dở từng trang tháng năm ta đã sống. Sẽ có người ưa những bài thơ triết lí thâm sâu; cũng có người sẽ thích những bài thơ thể nghiệm mới mẻ, với nét cách tân khiến ta vỡ òa vì sự thú vị độc đáo của nó; tuy nhiên, cứ lắng hồn mình lại, để nghe trong nhịp đập của trái tim, nghe trong hơi thở đã từng thổn thức vì biết bao điều thân thuộc, giản dị của cuộc sống, ta mới hay rằng, bài thơ nói với ta nhiều nhất là khi nó làm ta xúc động nhất. Tôi muốn nói như thế để dẫn vào những bài thơ của Nguyễn Đăng Độ, như một tâm thế, một nghi lễ, trước khi bước vào ngôi nhà của thi sĩ.

Thơ Nguyễn Đăng Độ trọng ở vần. Đó là điểm nổi bật thuộc về hình thức nghệ thuật. Vần thơ, tưởng đã khai tử trong cảm niệm của thi sĩ đương đại, nhưng không, với những ai am hiểu về thơ, nhất là về nhịp điệu và nhạc tính, người ta sẽ luôn biết rằng, vần là một phương cách để kết nối thanh âm, kết nối những khoảnh khắc, tạo nên một “cấu trúc đầy âm vang” như lời GS Đỗ Đức Hiểu. Tận dụng tối đa hiệu quả của vần trong các thể lục bát hay bảy chữ, năm chữ, những bài thơ của Nguyễn Đăng Độ dẫn người đọc đến thế giới quen thuộc của thơ ca, đánh thức điệu hồn con người, vốn đã quen với vần điệu nhịp nhàng trong lời ru thơ bé: Thiêng liêng hai tiếng nước non/ Quê hương nặng gánh vai mòn tháng năm (Dấu chân người lính).

Tác giả Nguyễn Đăng Độ là một người lính .

Đọc thơ Nguyễn Đăng Độ có cảm giác ta gặp lại cố nhân bởi những thanh hương quyến luyến tỏa ra từ vần điệu. Chẳng phải đó cũng là một niềm nhung nhớ mà đôi khi vì mê mải đuổi theo cái mới lạ tân kì, ta đã thờ ơ tẻ lạnh? Có một điểm rất thú vị trong đặc tính kết vần của thơ chính là khả năng nhận ra nhau, vẫy gọi nhau cùng tạo dựng nhịp - điệu - nhạc tính. Chữ ấy, chẳng phải là người sao? Vậy nên, giữa bộn bề mà thoảng nhạt, giữa trùng trùng liên kết mà cách ngăn đứt gãy, con chữ tìm thấy nhau, tựa vào nhau, đi những bước dìu dặt nhịp nhàng, hóa ra lại nói cùng ta điều gì đó lớn hơn về ân nghĩa ở đời: Thương quê biết mấy cho vừa/ Thương ta phiêu bạt có thừa nhục vinh/ Cổng làng gói trọn ân tình/ Là nơi lưu giữ bóng hình tuổi thơ/ Ta đi độ ấy đến giờ/ Cổng làng như vẫn đợi chờ người xa (Tuổi thơ).

Nhắc đến vần thơ, trong những dẫn liệu tại đây, tôi chợt nghĩ rằng, phải chăng con người hiện đại - đương đại đã quá vô tình? Trong bề dày mĩ học thi ca Việt Nam, vần là một phạm trù nổi bật, làm nên diện mạo, hơi thở của thơ truyền thống. Rồi thì, đó đây người ta nói, vần chẳng cần thiết nữa, bỏ vần đi cũng chẳng sao. Ừ, thì cũng chẳng sao, nhưng sao cứ thấy như bội bạc, như chính ta đã dứt áo ra đi khỏi cổng làng theo ngọn gió đam mê của tuổi trẻ. Vần thơ vẫn lặng im nhẫn nại, như một cố nhân, chờ ta ngày kia trở lại, tựa mình vào du dương nhịp nhàng mà ngơi nghỉ: Người quê thuần hậu thật thà/ Hương thơm của lúa ngọc ngà của hoa/ Sớm trưa câu ví ngân nga/ Chân quê bến nước cây đa ân tình. (Chân quê)

Vần và thể là hình thức của tâm hồn, còn yêu thương là cốt tủy làm nên thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Đăng Độ. Đọc thơ anh, đừng vội suy xét, hãy lắng lòng mình trở lại, nghe trong vần điệu nhịp đập của một trái tim đang rung lên trước cuộc đời - cuộc đời bình dị như mẹ cha ta, như quê hương xứ sở, như một ánh mắt thân quen, một làn áo mỏng, một sớm mai, một trưa hè, một thoáng gió heo may, một chiều thu xao xác. Thơ ở đấy, mỏng manh và lay động, khẽ khàng thôi, kín đáo mà lan thấm: Em có nhớ phút giây đầu tha thiết/ Hạnh phúc bay ngang nắng mới thuở ban đầu (Ánh mắt).

“Nắng mới thuở ban đầu” là một kí ức nên thơ. Dường như, còn nguyên trong màu nắng mơ màng ấy “phút giây đầu tha thiết”. Cảnh nhờ có tình mà sống, tình nhờ có cảnh mà đọng. Cảnh - tình dâng lên trong ánh mắt là bởi bao nhớ nhung vẫn chưa hề nguôi lắng. Mạch thơ của Nguyễn Đăng Độ tựa vào yêu thương. Đó là điểm trọng tâm để thấy rằng, dù có ham thích cách tân hay thể nghiệm đến mức nào, người ta vẫn cần một thứ dưỡng chất để làm nơi an trú cho thơ: Bao lần lũ lụt bão dông/ Đắng cay cơ cực long đong phận người/ Xin đừng bão nữa, trời ơi!/ Tấm thân mỏng mảnh rạc rời mưa chan (Bão lụt).

Những yêu thương không nói bằng lời hoa mĩ. Giản dị mà gan ruột, thấm thía, vần thơ lục bát như chính phận người qua dông bão long đong. Có ánh mắt ngước lên nhòa vào màn mưa chan chứa, thầm nguyện chút bình yên giữa ngày bão lũ. Nguyễn Đăng Độ cho ta cảm nhận những nhọc nhằn vây bủa lấy kiếp người trên mảnh đất quê hương miền Trung. Có lẽ, đó là nỗi khắc khoải thường trực trong tâm hồn, nên thơ vần vụ giăng đầy cơ cực: Tấm thân lam lũ hao gầy/ Thân cò lặn lội chân mây góc trời/ Con thơ đói sữa, mẹ ơi!/ Tiếng con loang giữa mưa rơi gió ngàn (Tình cha nghĩa mẹ).

Yêu thương là cốt lõi làm nên giá trị nhân sinh, nhân bản. Bởi thế, yêu thương mẹ cha, con cái; yêu thương những phận người bé mọn; yêu quê hương lam lũ khó nghèo; yêu cả những kí ức, hiện tại và cầu nguyện cho tương lai là điều Nguyễn Đăng Độ vẫn hằng tâm niệm trong thơ anh. Tuy nhiên, trong mạch trữ tình chủ đạo này, ta còn bắt gặp những suối nguồn yêu thương khác, hòa trong nhịp đập của trái tim mẫn cảm và trìu mến. Đó là tình yêu đôi lứa, là tình cảm dâng lên khi đặt chân đến những miền đất mới, những rung động trước thiên nhiên, mùa màng, năm tháng… Lời hò hẹn qua cầu nước chảy/ Tuổi mười lăm không níu nổi trăng rằm (Quán vắng chiều thu). Có phải trong mơ tiếng nai chiều thương nhớ/ Hay điệu cồng chiêng làm con suối bâng khuâng (Hẹn với Kon Tum)…

Đọc những vần thơ này, ta thấy, Nguyễn Đăng Độ là một hồn thơ tinh tế. Tinh tế khi nhận ra, “tuổi mười lăm không níu nổi trăng rằm”, chút bâng khuâng điệu cồng chiêng vỗ về con suối. Phải yêu thương người ta mới cảm được điều gì lắng sâu phía sau vẻ thường hằng của vạn vật. Có phải vì thế mà nước không chỉ là nước, sóng không chỉ là sóng, biển cả hay suối sông không chỉ là những quang cảnh vô tri. Cái tình ẩn trong lời làm thiên nhiên sống dậy, khoác lên mình tâm trạng của thi nhân. Cấu trúc cảnh - sự - tình vốn quen thuộc của thơ truyền thống đã chuyển hóa sang một mô hình mới ý - tình - hình - nhạc - lời, làm nổi bật vị thế của chủ thể. Nguyễn Du từng nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chẳng phải cũng là nhấn mạnh vào ý hướng chủ quan trong việc quan sát sự vật đấy sao? Ở đây, qua hình thức nhân hóa, nước chảy bỗng trở thành kẻ hờ hững vô tâm mải miết, sóng cũng vấn vương và lòng suối cũng bâng khuâng như người… Cảnh vật đã được chuyển hóa vào nội giới, trở thành tâm cảnh, soi chiếu cõi lòng thương yêu, nhung nhớ của tác giả.

Hương xa, Nxb Hội Nhà văn, 2022.

Có một sự chuyển hóa thuộc về cấu trúc trữ tình mà ta vừa nhắc tới một phần ở trên, đó là, từ cảnh - sự - tình sang ý - tình - hình - nhạc - lời. Tôi nghĩ rằng, đọc thơ Nguyễn Đăng Độ, chúng ta cần suy xét tới một cấp độ chuyển hóa khác nữa, từ ý - tình - hình - nhạc - lời sang ý - tình - giọng - chữ. Thực ra, chữ có thể bao hàm nhạc và lời, hay đúng hơn chữ là lời họa hình và tiềm ẩn nhạc điệu. Điểm nhấn mà tôi muốn bàn thêm ở đây là giọng. Giọng là một bình diện thuộc về thi pháp, thể hiện thái độ của chủ thể trữ tình. Để ý khía cạnh này trong thơ Nguyễn Đăng Độ, ta thấy xuất hiện chất giọng vỗ về an ủi như là nét nổi bật của lời - chữ mà rộng hơn là cấu trúc nội tâm thi sĩ. Nguyên cớ của giọng này, phải chăng xuất phát từ những khắc khoải, âu lo, thương yêu và đau đớn trong lòng người? Khi ta nhận ra một nhu cầu vỗ về an ủi, cũng là lúc ta nhận ra ai kia đã mang thương tổn: Về cùng anh dạo bước sớm mai/ Thấm vị mặn của biển xanh và cát/ Xin đừng để nỗi buồn cho sóng khát/ Một cánh buồm đơn độc với trời thu (Biển mùa thu).

Tôi đặc biệt có ấn tượng với bài “Tiễn con gái”. Không thực sự trau chuốt về lời - chữ, nhưng hình tượng, nhất là cái tình của người cha giấu trong giọng điệu vỗ về an ủi khiến chúng ta thổn thức. Tình yêu thương của mẹ cha dành cho con cái là vô biên, không một mảy may toan tính, nhưng có trong hoàn cảnh cụ thể mới hay, yêu thương nhiều lúc cũng đa đoan lắm nỗi:

Ngày con khoác áo cô dâu

Ba cười ngoài miệng thẳm sâu xé lòng

Thương con ba phải kìm mình

Cùng năm cùng tháng mà tình hẩm hiu

Tuổi thơ cay đắng muôn điều

Con sinh cha chẳng biết nhiều về con

Đắng cay hạnh phúc vuông tròn

Đêm khuya rét lạnh mẹ con một mình

Thiếu đi một nửa ân tình

Thiếu đi muôn nỗi gia đình thương yêu

(Tiễn con gái)

Vỗ về an ủi con gái, mà thực ra, cũng là vỗ về an ủi chính mình. Đã có những dở dang đành đoạn đâu đó trên hành trình của cha, của mẹ, của con, của gia đình trọn vẹn vuông tròn. Mặt đất chẳng bao giờ bằng phẳng, lòng người lại đầy vực thẳm non cao, khúc quanh, ngã rẽ, tránh sao được những nẻo đa đoan xé lòng như thế. Nhịp thơ lục bát vốn bao dung nghiêng xuống vỗ về, vậy mà ở đây, cứ thấy như chênh chao, hẫng hụt. Ấy là khi lòng người đầy vơi với cảnh đoạn trường.

Nói về thơ trữ tình không thể không nhắc đến cái tôi như là hạt nhân cấu thành thế giới nghệ thuật. Nếu vần - giọng điệu là sắc thái chủ đạo thuộc về thi pháp, yêu thương là nguồn mạch tâm tình, thì cái tôi là nhân cách đại diện của chủ thể trong thơ. Ở tập Những vần thơ yêu thương, ta bắt gặp một cái tôi mang nhiều tư cách. Khi là đứa con của mẹ cha, làng xóm; khi là người chồng, người cha; khi là một tình nhân; khi lại là một lữ khách với tâm hồn đầy xúc cảm qua những vùng đất khác nhau; cũng có khi, ta bắt gặp một cái tôi với tư cách công dân trước những người lính - người chiến sĩ công an - người cán bộ phục vụ nhân dân… Dẫu vậy, chụm lại trong mỗi vần thơ của Nguyễn Đăng Độ vẫn là thái độ trân trọng, nâng niu sự sống, con người, quê hương - đất nước: Những vần thơ hẹn một lời thề/ Khắc trên đá hồn thiêng non nước/ Dòng máu Lạc Hồng cha ông tiếp bước/ Giữ yên chiều biên giới ngàn năm (Chiều biên giới); Nơi con suối con khe em đi đào măng mới/ Nắng vàng vương qua vai áo thẹn thùng/ Nghe xào xạc bên rừng bước chân nai tìm lộc/ Hoa rừng thơm ngan ngát phía xa thung (Cao nguyên và nỗi nhớ).

Sự đa dạng của các vai phát ngôn - tư cách trữ tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ nói lên trải nghiệm của thi sĩ trước cuộc đời. Cũng từ đó, nguồn thơ được khơi mở với biên độ khá rộng lớn, kiến tạo nên trường thẩm mĩ - văn hóa của người thơ.

Đọc thơ là đọc một con người, là gặp gỡ với những khoảnh khắc tâm trạng được gìn giữ và chắt chiu dâng lên trong nhịp điệu của ngôn từ, hình tượng, cấu trúc. Thơ của Nguyễn Đăng Độ dẫu còn đôi nét chưa thật thỏa lòng, nhưng trong dung mạo thuần hậu, trong yêu thương rất đỗi thành thực, trong giọng điệu vỗ về an ủi, đã mang đến cho ta phút giây được sống với nhịp đời sâu lắng và bao dung. Thơ đương đại, trong tính mở của thể loại, sẽ còn vươn cành tỏa nhánh về nhiều hướng, nhưng gốc rễ của nó vẫn là cái tình thật đầy, thật sâu, ươm trồng giữa cõi nhân sinh đầy biến động. Xin những thương yêu không bao giờ ngừng lại, trên bước đi lặng lẽ của thời gian.

TS. NGUYỄN HẢI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)