Những không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội trong tản văn giai đoạn 2010 - 2020

Thứ Sáu, 24/03/2023 15:43

. ĐỖ THỊ THANH NGA
 

Là kinh đô lâu đời, trung tâm của cả nước, Hà Nội mang trong mình những nét đẹp truyền thống của cả một dân tộc. Đó là nơi hội tụ văn hóa trăm miền, nơi in dấu ngàn năm kinh kì lịch lãm trong ứng xử, chuẩn mực và tinh tế từ trong cuộc sống thường ngày cho đến những hoạt động văn hóa đỉnh cao. Các tác giả tản văn khi khám phá Hà Nội thường khai thác ở khía cạnh con người và không gian văn hóa đặc trưng của mảnh đất kinh kì. Bức tranh đời sống đô thị trong tản văn viết về Hà Nội có sự hồi cố về kí ức ngàn năm của Thăng Long. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2020, Hà Nội thay đổi chóng mặt vì đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, sáp nhập vùng ven đô, ngoại tỉnh về thành phố. Đây cũng là thời số hóa, thời công nghiệp 4.0 làm thay đổi diện mạo cuộc sống, tâm tính, thói quen sinh hoạt của người Hà thành. Có những không gian, ngành nghề từng như một nét văn hóa của Thủ đô đã biến mất. Những trang tản văn không chỉ tái hiện những điều đã mất để lưu giữ như một kí ức mà còn gửi vào đó tâm thức của những thế hệ người Hà Nội muôn năm cũ.

Không gian phố phường

Phố là gương mặt của đời sống đô thị. Ở đó bộc lộ rõ nhất những nét văn hóa, tập quán của người dân trên mảnh đất ấy. Ở Hà Nội - đô thị cổ - đất Kẻ Chợ ngàn năm, phố phường là một khái niệm gắn với những phường hội bán buôn truyền thống, từ đó mà có câu thành ngữ “Buôn có bạn, bán có phường.” Những phường hội được lập ra để tương trợ về nghề nghiệp đã tự lập thành những dãy phố và ngày nay vẫn còn 53 con phố có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng” nhưng chẳng còn mấy phố bán đúng mặt hàng ấy nữa. Tính tương trợ của thời kinh tế thị trường cũng đã chuyển sang sắc thái cạnh tranh nhưng điều đặc biệt là không hề có sự kèn cựa của các hàng trên cùng một dãy phố, mỗi hộ kinh doanh đều tự khẳng định thương hiệu và có lượng khách quen ổn định, đó cũng là nét văn hóa đặc biệt của người Hà Nội.

Những không gian quán xá vỉa hè, từ quán cóc bán trà đá, trà nóng đơn sơ, đến quán bia hơi một thời bao cấp, những quán cà phê như là thương hiệu của phố đều là những không gian giao tiếp mang dấu ấn đặc trưng văn hóa của người Hà Nội. Những “biểu tượng vỉa hè” ấy, được giải mã, đem đến nhiều điều thú vị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, thái độ sống, thái độ văn hóa của một vùng đất. Nguyễn Trương Quý viết: “Quán nước chè đã từ lâu là hình ảnh đặc trưng của góc phố Hà Nội”(1). Không gian ấy tuy đơn sơ “xưa ghế băng gỗ tạp, nay ghế nhựa”, “quán chẳng bao giờ có biển hiệu, tên của chủ quán chính là tên của quán” nhưng nó như một thứ salon vỉa hè cho giới bình dân. Nhà văn so sánh: “Quán nước Hà Nội tựa như quán rượu bên Tây hay quán cà phê cóc Sài Gòn, nơi những người áo cao mũ rộng cũng có thể ghé vào, phục hồi lại phần thanh bần từng trải qua, hòa mình vào đám người bé mọn… Quán nước như chốn dung nạp cuối cùng của những người vĩnh viễn không thành đạt, hoặc nhiều khi nao nao thấy mọi sự ham hố ở đời là viển vông, vào đấy mượn trà nóng hay rượu cay để tiêu sầu. Chính cái vẻ cũ kĩ, nhem nhuốc của quán lại khiến họ được quên đi những lỉnh kỉnh ràng buộc nghi thức của đời sống”(2).

Nhắc đến không gian quán xá Hà Nội, không thể không nhắc đến các quán cà phê - một không gian văn hóa đặc biệt. Dù mùi vị, cách pha chế không đặc biệt so với các vùng miền khác nhưng điều biến cà phê Hà Nội thành văn hóa đặc trưng chính là nhờ không gian quán xá. Khung cảnh quán cà phê Hà Nội vài ba chục năm trước thường trầm mặc, gợi cảm giác hoài cổ, và khách vào uống cũng mang tâm thế trịnh trọng hoặc suy tư. Nhà văn Uông Triều khẳng định cà phê ở Hà Nội tạo ra nét văn hóa phố. Tác giả khám phá những quán cà phê nổi tiếng ở nhiều góc Hà Nội để đối sánh từ hương vị đồ uống đến vị trí, đặc biệt là phong cách mỗi quán lại đáp ứng thị hiếu những kiểu khách hàng khác nhau: quán của văn nghệ sĩ, quán của khách Tây du lịch, quán của người Hà Nội gốc ưa sống chậm. Nói như nhà văn Nguyễn Trương Quý, “...cà phê tuy không có được danh xưng quốc túy như phở, nhưng cùng với những thứ của Tây như bánh mì pate, xe đạp hay tàu điện một thời, đã kí tên đồng tác giả cho khung cảnh một Hà Nội không có tuổi”(3).

Thói quen của người Hà Nội, đặc biệt là cánh đàn ông “thích ngồi chém gió, lười đi lại động chân động tay” đã “sinh ra các hàng chè chén và bia hơi khắp phố cùng chợ”. “Ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng”, là nơi cánh đàn ông có thể xả ra “cái dồn nén của những khát vọng không thành, những Chí nhớn chưa về bàn tay không…, chúng nhè nhẹ thôi, những tâm sự vặt đồng điệu với những thức quà vặt ấy”(4). Những thói quen trong văn hóa sống của người Hà Nội định hình nên những con phố, nhất là thói quen ẩm thực. Có phải “ngõ sâu quán nhỏ” mới “làm nên phần hồn riêng biệt của từng miền đất”?(5) Đỗ Phấn viết về những phố ăn đêm của dân lao động và dân chơi Hà thành xưa và nay, ẩn trong những dòng tự sự là nụ cười ý nhị, tự trào: “Có lẽ uống rượu nhắm với cơm rang là hình ảnh bi thảm cuối cùng của thời bao cấp.”(6) Những hàng quán xa trung tâm bán thâu đêm hay những quán quà sáng trong ngõ hẻm cũng cho thấy phần nào lối sống khác biệt của thế hệ trẻ và thế hệ già Thủ đô.

Hầu hết các tác giả khi viết về quán xá Hà Nội thường tìm đến những địa chỉ lâu năm, những thương hiệu lâu đời để khẳng định giá trị không hẳn nằm trong mặt hàng mà nằm ở chính không gian kiến trúc mang tính lịch sử, thâm niên ấy. Trong cảm hứng sáng tạo, nhà văn thường liên tưởng hay đối chiếu xưa - nay để thấy sự biến đổi, sự phôi phai nét hào hoa, thanh lịch, nền nã của Hà Nội trong quá trình hiện đại hóa.

Không gian thiên nhiên đặc trưng của Hà Nội

Đỗ Phấn, với đôi mắt của họa sĩ, nhìn thành phố trong “sắc màu chớm đông” thấy một bức tranh “...sặc sỡ sắc màu nhất là những ngày trời bắt đầu trở rét. Đi trên những con phố vàng ửng lá bàng vẫn thấy thấp thoáng đâu đó màu hoa sữa trắng muốt nặng trĩu trên cành. Đã thấy thảm lá cây cơm nguội trải dày nôn nao đón gió trên con đường Yên Phụ. Bầu trời xám đục làm nền cho những gánh hoa rực rỡ len lỏi trên phố.”(7) Trong Kí ức cây Hà Nội, tác giả cho ta biết “cây Hà Nội được thừa hưởng quy hoạch của nền văn minh đô thị châu Âu do người Pháp để lại sau hòa bình”. Những hàng bàng trên phố Tràng Thi, bồ đề trên đường Trần Nhân Tông, sao đen trên phố Lò Đúc, hoa sữa đường Nguyễn Du, sấu đường Trần Hưng Đạo... mỗi loài cây thậm chí đã trở thành đặc trưng cho từng con phố, đi vào thi ca, nhạc họa. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, tốc độ đô thị hóa, quy hoạch giao thông thiếu khoa học đã dẫn đến việc tàn phá màu xanh của thành phố, vẻ thanh bình của cả những vùng xa trung tâm thành phố cũng mất. Nguyễn Việt Hà bâng khuâng, hoài niệm dấu ấn Hà Nội xưa trong hình ảnh hoa đào ngày Tết. Một cách tinh tế, tác giả chỉ ra sự khác biệt của hoa đào xưa và nay đồng thời chỉ ra nguyên nhân tạo ra sự đổi thay ấy bằng giọng điệu có chút xót xa: “Không những cánh của nó bị mỏng lớp mà sắc thắm cũng bị kém hơn nhiều nếu phải so với đào cũ Nhật Tân, hồi vườn ở đây còn mênh mông trùng trùng điệp điệp gốc đào chưa bị đám bê tông cốt thép của khu biệt thự liền kề hay chung cư cao cấp hung bạo lấn. Màu đào đã không còn nồng nàn thắm thì đương nhiên má của mấy thiếu nữ đứng bán hoa đào dọc theo hai bên đường đê Yên Phụ cũng tai tái vắng sắc hồng”.(8) Cùng cảm xúc ấy, Đỗ Phấn viết về nỗi buồn nhớ những cánh đồng lúa chín chỉ còn là “mùi của kí ức”, bởi những cánh đồng ngoại ô như Cầu Diễn, Văn Điển, Thanh Xuân... chỉ còn là “những tổ hợp chung cư hiện đại với nét kiến trúc thực dụng không thể xấu hơn”(9). Với Uông Triều, hồ Tây là nơi hội tụ vẻ thanh lịch và hào hoa nhất Hà thành với “thiên nhiên hoa cỏ, là cá tôm chim trời, là cuộc sống muôn màu trong lòng thành phố có nghìn năm tuổi”(10). Tản văn Tiếng chim trong thành phố của Đỗ Phấn đưa người đọc về Hà Nội quá khứ của những năm vừa tiếp quản “là một sân chim vô cùng phong phú”, đúng nghĩa là “đất lành chim đậu”. Để rồi nhà văn lại ngậm ngùi khi dấu tích những loài chim ấy dần biến mất khi người ta phá cảnh quan tự nhiên để xây dựng ồ ạt. Hà Nội có thêm những tiếng hót ai oán từ trong lồng, bởi con người vẫn thèm khát thanh âm của thiên nhiên nhưng bản thân cũng đâu có khác gì những con chim mất tự do trong những khối hộp bê tông và kính.

Không gian thiên nhiên của Hà Nội vốn là tổng hòa của cỏ cây, hoa lá, ruộng đồng, chim muông, dấu tích của đô thị xuất thân từ văn minh nông nghiệp. Đặc biệt, không có ở nơi đâu, thành phố ngập sắc hoa đặc trưng theo từng tháng, từng mùa nhờ sự đa dạng của khí hậu và những loài cây đã được quy hoạch theo từng con phố, đó cũng là nét riêng ở Hà Nội. Chỉ đến khi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa chạy theo lợi ích trước mắt, không gian thiên nhiên mới bị xóa sổ dần và thay vào đó là những khối bê tông lộn xộn, phi thẩm mĩ và đầy thực dụng. Các nhà văn tâm huyết với Thủ đô đều xót xa khi thấy vẻ đẹp nên thơ của mảnh đất xanh này đang từng ngày biến dạng, họ hoài niệm và so sánh cũ - mới để tìm sự đồng cảm và thức tỉnh lương tri của những người yêu Hà Nội, muốn bảo tồn, giữ gìn cho bản sắc của nơi đây.

Không gian văn hóa lịch sử

Hà Nội có nhiều không gian lịch sử mang dấu ấn đặc trưng đã đi vào văn học nghệ thuật. Qua tản văn, có thể nói được nhắc đến nhiều nhất, gắn liền với kí ức về Hà Nội xưa là khuôn viên kiến trúc hồ Gươm. Hầu hết các tác giả khi viết về Hà Nội đều nhắc đến địa danh Hồ Gươm với những góc tiếp cận khác nhau. Nguyễn Ngọc Tiến khai thác dựa trên những cứ liệu lịch sử về đền Ngọc Sơn từ lúc bắt đầu xây dựng đến nay đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử(11). Nguyễn Trương Quý quan sát từ góc nhìn của một kiến trúc sư thấy rằng hồ gắn với quy hoạch truyền thống ảnh hưởng từ Trung Hoa với hệ thống các công trình đài Nghiên, tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đình Thủy Tạ dẫu cho trăm năm trước hồ chỉ như chiếc ao làng, không có trục hệ thống rõ ràng. Khi người Pháp bình định Bắc Kì xong, hồ Gươm thành trung tâm của công cuộc chỉnh trang đô thị Hà Nội mà dấu ấn là mở ra con đường rộng bốn làn xe bao quanh hồ, những trục công viên hướng ra hồ và lấy tháp Rùa làm đích. Những kiến trúc mới bao quanh và đan cài với những kiến trúc cổ khiến bố cục không gian của khu vực này trở nên mạch lạc, rõ ràng. Cho đến hiện tại, quy hoạch kiến trúc không gian hồ Gươm vẫn là mẫu mực cho những không gian công cộng, không gian mặt nước của Hà Nội(12).

Uông Triều khám phá những không gian mang trầm tích lịch sử của Thủ đô như hồ Trúc Bạch và ngôi đền thiêng, chùa Huy Văn, kí ức sông Tô Lịch, chùa Kim Liên, Mã Mây… Mỗi di tích ấy gắn với những huyền sử của Thăng Long xưa, với những danh nhân và các biến cố lịch sử của đất nước. Cùng khai thác kí ức vẻ đẹp ngàn năm của Hà Nội nhưng trong sáng tác của các nhà văn lứa trưởng thành gắn với thời Đổi mới có cái nhìn trân trọng và thể hiện niềm tin gắn bó với thực tại, trong khi đó các nhà văn lớp trước thường gắn bó với những kỉ niệm vang bóng một thời. Không gian văn hóa Hà Nội xưa đặc biệt gắn với nếp nhà mà ngày nay chỉ còn thấy trong những hoài niệm phong vị ngày Tết truyền thống, với những không khí náo nức mà điềm đạm len lỏi trong các phố phường, trong mỗi gia đình. Không khí ấy được Đỗ Phấn tái hiện giản dị và chân thực mà vẫn dậy lên xúc cảm nôn nao, rưng rưng về một vẻ đẹp yên bình, thiêng liêng đang dần mai một: “Chiều hăm sáu Tết, bà nội trải hai chiếc nia rộng lên chiếu... Cụ dạy con cháu gói bánh chưng. Gói xong bắc bếp. Đặt nồi cá kho mía bên cạnh. Nổi lửa... Bố tôi lên phố Hàng Trống. Chơi ở đấy lâu lắm. Tối mang về bức tranh Lí ngư vọng nguyệt đã bồi trục cuốn cẩn thận treo lên bức tường trang trọng nhất trong nhà. Cành đào phai thế bạt phong cắm trong lọ Hán. Khói hương trầm thơm ngát bên mâm ngũ quả đầy ắp sặc sỡ. Lũ trẻ thao thức ngồi chờ nghe tiếng pháo giao thừa. Cứ ngỡ đó là hình ảnh vĩnh cửu của một cái Tết phố phường.”(13) Trong hoài niệm của các tác giả, kí ức Hà Nội có sự kết nối đến thực tại, từ truyền thống đến hiện đại hóa, vì thế mang sắc màu tươi sáng chứ không u hoài như thế hệ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan nhìn về Thăng Long xưa.

Không gian kiến trúc hiện đại

Hà Nội dưới trang viết của các tác giả hiện lên đầy màu sắc đô thị đang đổi mới với những nét tích cực và tiêu cực, cùng với đó là sự băn khoăn, trăn trở về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước những thay đổi lớn lao của xã hội. Không trẻ trung như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, không khuôn mình trong nền nếp cũ như cố đô Huế..., Hà Nội dung hợp cả những kiến trúc cổ nghìn năm tuổi bên cạnh những kiến trúc hiện đại, liên tục đổi thay với tốc độ chóng mặt và mở rộng biên độ không gian. Không gian Bờ Hồ mang đủ những đặc trưng ấy nhưng không chỉ vậy, khi gắn với những ý niệm văn hóa. Cụm từ “Bờ Hồ” vốn chỉ không gian cụ thể, dấu ấn quy hoạch thời Pháp thuộc đã chuyển thành những định danh mới trong thời hiện đại. Trong giai đoạn đầu Đổi mới, quanh hồ Hoàn Kiếm người ta bán tranh làm lưu niệm cho khách du lịch, những bức vẽ không có giá trị nghệ thuật đã biến “tranh Bờ Hồ” thành khái niệm rẻ tiền. Sau đó, “Bờ Hồ” cũng chuyển thành dạng tính từ hóa để chỉ những gì thuộc về “một đẳng cấp thẩm mĩ tương đối thấp kém”(14). Nguyễn Trương Quý lí giải sự mỉa mai trong định danh ấy là vì tính công cộng của không gian Bờ Hồ và ba con đường bao quanh hồ là ranh giới phân định giàu nghèo rất rõ: “Những người nghèo, những người lên Hà Nội làm việc tranh thủ ngày nghỉ ra Bờ Hồ ăn que kem hay tha thẩn ngắm tủ kính (như một trăm năm qua người ta vẫn thế), họ chỉ quanh quẩn ở cái ốc đảo với ranh giới là vỉa hè phía hồ. Bên kia đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ hay Hàng Khay là những cửa hiệu sáng choang, những đồ xa xỉ đắt tiền, những người chủ oai vệ, khiến họ chùn bước không dám bước sang”(15).

Những công trình kiến trúc như cầu Long Biên, nhà hát Lớn của thành phố dù tuổi đời đã đi qua một thế kỉ vẫn là những không gian văn hóa hiện đại. Đây là sản phẩm mang dấu ấn của thời Pháp thuộc cũng như những biệt thự kiểu Đông Dương, kiểu Pháp ẩn mình dưới những hàng cây xanh trên phố Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… thường được các cây bút tản văn nhắc đến như chứng nhân lịch sử và tỏa dài bóng dáng hào hoa của một Hà Nội xưa. Có một điều rất lạ, khi viết về các kiến trúc hiện đại, các cây bút cùng lắm chỉ nhắc đến những khu tập thể lắp ghép thời bao cấp hay chung cư hiện đại đang phá vỡ mọi quy tắc kiến trúc, hiếm khi nhắc đến những cây cầu, những nhà hát hay những công trình kiến trúc là sản phẩm thời xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Trương Quý có lẽ là một người trong số hiếm hoi ấy viết về cầu Chương Dương - cây cầu mang dấu ấn của thời bao cấp. Dù không phá vỡ bất cứ kỉ lục nào về kiến trúc nhưng “cầu Chương Dương nuôi cả một thành phố xôn xao đi kinh doanh, nuôi cả một miền Bắc xôn xao mở cửa, nuôi những giấc mơ giải thoát khỏi quanh quẩn phố xá cho người Thủ đô, nuôi những hi vọng đổi đời cho người ở quê lên tỉnh kiếm sống”(16). Nhà văn cũng so sánh: “Nhà hát Lớn dẫu là dấu vết hậu kì của chủ nghĩa cổ điển, không mang yếu tố thời đại, nhưng cùng hệ thống công trình và quy hoạch của người Pháp, đã để lại vết hằn trong tâm lí người Hà Nội… Những nhà hát và cung văn hóa sau này của Hà Nội đã không có được cái may mắn đó, vì bản chất động của các trào lưu kiến trúc - xã hội hiện đại luôn phủ định cái đi trước”(17).

Đô thị đáng sống là tên một tản văn của Đỗ Phấn viết về sự hình thành những khu nhà tập thể những năm 60 của thế kỉ trước - kết quả cuộc nhập cư của những người ngoại tỉnh vào Thủ đô. Những căn hộ chật chội dung chứa cả đại gia đình, thậm chí còn là không gian để chăn nuôi gà lợn trong những năm bao cấp thiếu thốn. Trong vòng hai mươi năm nay, Hà Nội ngập tràn chung cư nhưng đa phần dân vẫn là dân nhập cư và thói quen nông thôn, tác phong sinh hoạt từ những khu tập thể cũ vẫn còn bền chặt. Những tập tính ấy không phải của người Hà Nội thanh lịch, hào hoa xưa cũ. Nhà văn nhắc đến chợ Đồng Xuân - ngôi chợ lâu đời từng là hình ảnh biểu tượng của Hà Nội trước kia, trong quá khứ đã mang tiếng “hổ lốn, ô hợp và trộm cắp” nhưng ngày nay, đặt chân đến đó, như tìm về hồn cốt của Hà Nội xưa cũ, với những tiểu thương nhã nhặn, nhẹ nhàng, không hề có cái chao chát xô bồ của chợ búa. May thay, trong dòng chảy miệt mài, chen lấn của phố, vẫn còn một nơi cho những ai ưa hoài niệm tìm về(18).

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, diện mạo của Hà Nội đã có nhiều biến đổi. Không gian đô thị mở rộng ra các vùng ngoại ô theo nhu cầu nhập cư của một lượng lớn người lao động mỗi năm. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt đang đặt ra cho những người quản lí bài toán hóc búa về sự bảo tồn, gìn giữ những không gian đô thị truyền thống và hiện đại, không gian thiên nhiên, để thành phố là “đô thị đáng sống, đô thị kiểu mẫu” của cả nước. Phố phường nhiều thay đổi, những không gian đậm chất Hà Nội cũng dần mai một để lại nuối tiếc cho bao người ưa hoài cổ. Những tản văn với tình yêu, sự am hiểu và từng trải về Hà Nội không chỉ tái hiện không gian văn hóa mà còn ấp iu cất giữ linh hồn của mảnh đất này.

Đ.T.T.N

--------

1. Nguyễn Trương Quý (2015), Mỗi góc phố một người đang sống, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.12.

2. Nguyễn Trương Quý (2015), Mỗi góc phố một người đang sống, sđd, tr.15.

3. Nguyễn Trương Quý (2010), Hà Nội là Hà Nội, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.41.

4. Nguyễn Trương Quý (2020), Hà Nội bảo thế là thường, Nxb Hội Nhà văn, tr.13.

5. Nguyễn Trương Quý (2020), Hà Nội bảo thế là thường, sđd, tr.9.

6. Đỗ Phấn (2018), Bâng quơ một thời Hà Nội, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.8.

7. Đỗ Phấn (2018), Bâng quơ một thời Hà Nội, sđd, tr.147.

8. Nguyễn Việt Hà (2013), Con giai phố cổ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.285.

9. Đỗ Phấn (2018), Bâng quơ một thời Hà Nội, sđd, tr.74.

10. Uông Triều (2019), Hà Nội - quán xá, phố phường, Nxb Hội Nhà văn, tr.19.

11. Nguyễn Ngọc Tiến, Đi dọc Hà Nội, Nxb Thời đại, Hà Nội, tr.333.

12. Nguyễn Trương Quý (2015), Mỗi góc phố một người đang sống, sđd, tr.94-105.

13. Đỗ Phấn (2013), Hà Nội thì không có tuyết, Nxb Trẻ, tr.50-51.

14. Đỗ Phấn (2018), Đi chơi Bờ Hồ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.39.

15. Nguyễn Trương Quý (2010), Hà Nội là Hà Nội, sđd, tr.114.

16. Nguyễn Trương Quý (2010), Hà Nội là Hà Nội, sđd, tr.51.

17. Nguyễn Trương Quý (2012), Xe máy tiếu ngạo, Nxb Trẻ, tr.115.

18. Đỗ Phấn (2018), Đi chơi Bờ Hồ, sđd, tr.46.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)