. TRẦN THỊ MINH TÂM
Cũng như phần lớn các nhà thơ trong phong trào Thơ mới khi “cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kì”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã lựa chọn cho mình con đường đứng về phía đất nước, về phía nhân dân. Cùng với sự lựa chọn ấy, ông cũng tự nguyện rũ bỏ cái tôi cá nhân đầy kiêu hãnh, rũ bỏ những nỗi buồn vu vơ, lãng mạn, rũ bỏ những bài thơ, câu thơ tìm tòi về hình thức, rất mực tài hoa nhưng khó hiểu của thời sáng lập Xuân Thu nhã tập... để đến với nền văn nghệ cách mạng. Ngòi bút của Nguyễn Xuân Sanh từ 1945 trở về sau tập trung vào miêu tả hiện thực mới của đời sống cách mạng với ngôn ngữ bình dị, đại chúng. Ông viết nhiều về các đề tài người lao động, thiếu nhi, bộ đội… và về Bác bằng nhiều thể loại khác nhau với những cảm hứng thơ khác nhau.
Ra đi tìm đường cứu nước là một trong những đề tài quen thuộc về Bác Hồ. Trong khi nhiều nhà thơ lựa chọn thể loại trường ca hoặc thơ dài để viết về đề tài này thì Nguyễn Xuân Sanh lại ưa sử dụng thể lục bát. Mỗi bài lục bát có nhan đề riêng, gồm 4 câu, tồn tại một cách độc lập, nhưng khi ghép lại với nhau sẽ tạo thành bức tranh hoàn chỉnh khắc họa hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác từ bến Nhà Rồng cho đến khi trở về nước năm 1941. Bài Trời quê ta một mặt tái hiện những năm tháng vất vả, nhọc nhằn của Bác khi làm thủy thủ trên tàu Amiral Latouche Tréville hay làm lao công giữa châu Âu lạnh giá, một mặt phản ánh tấm lòng yêu thương nhân ái bao la đối với nhân dân lao động nghèo cũng như khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương, đất nước khỏi ách nô lệ, lầm than của Người: Làm bếp trên tàu đại dương/ Cũng như quét tuyết trong sương nước người/ Với người cùng khổ khắp nơi/ Bác vun cây sống cho trời quê ta. Bài Tim Bác rạng sáng ghi lại thời khắc Người đến nước Nga tìm gặp Lenin, nhưng Lenin đang ốm nặng và có chuyển biến xấu: Đến Nga tìm gặp Lê nin/ Lê nin sắp mất. Niềm tin. Nỗi buồn. Mặc dù không được gặp trực tiếp Lenin, nhưng Lenin đã ở mãi trong tâm tưởng Bác. Bài thơ tái khẳng định con đường Bác chọn đi chính là con đường Lenin đã vạch ra cho các dân tộc đang bị áp bức, làm nô lệ trong văn bản nổi tiếng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa: Ngoài trời dù tuyết rơi tuôn/ Tim Bác rạng sáng từ nguồn Lê nin. Bài Suối đèo chiến khu là lời hân hoan của dân tộc khi Bác về nước. Lịch sử đất nước từ đây mở ra một chương mới chói lọi, huy hoàng: Nhìn quanh sông núi thương đau/ Người ra gặp cảnh năm châu đói nghèo/ Người về hồn Nước đi theo/ Mở đường cách mạng suối đèo, chiến khu. Và chương mới hào hùng, chói lọi của đất nước ấy được bắt đầu từ ngày 2/9/1945. Bằng thể thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, Nguyễn Xuân Sanh đã làm sống dậy giây phút Bác - nhân dân - đất nước hòa làm một trong lời hỏi - đáp lịch sử: Ba Đình. Cả nước rộng mênh mông/ “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”/ Một tiếng đồng thanh sông núi “Có”/ Bao nhiêu thế kỉ dậy trong lòng.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh
Một trong những đề tài mà các nhà thơ thường khai thác khi viết về Bác là sự kiện ngày 2/9/1969. Bác ra đi để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc. Cả đất nước đau xót tiếc thương khi Bác về với thế giới người hiền. Trong muôn vàn lời khóc thương tiễn biệt ấy, có lời khóc thương của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ở thủ đô Ba Lan: Tôi đau nỗi đau chưa bao giờ có (Trên cuốn sổ tang). Ở nước ngoài xa xôi không thể về chịu tang Bác nhưng đọc những dòng ghi trong sổ tang của những người bạn Ba Lan đến viếng, nhà thơ cũng cảm thấy như được an ủi phần nào, càng cảm nhận được sự vĩ đại của Bác: Con ngồi con đọc cuốn sổ tang/ Ngoài cửa kính nắng ngả màu vàng/ Đọc những tiếng nấc lòng đồng chí/ Như tình cảm thắm nồng bên nước gửi sang (Trên cuốn sổ tang). Bác không những sống mãi trong lòng dân tộc mà còn có được sự tôn kính của người dân Ba Lan (cũng như người dân trên toàn thế giới nói chung), từ người lao động bình thường đến những anh hùng trong chiến tranh vệ quốc của Ba Lan, từ người già đến trẻ con, từ đảng viên hay người bình thường, tất cả đều chung niềm đau xót như mất đi người thân của mình: Anh công nhân từ mỏ than/ Từng biết cái đau ngày phát xít bạo tàn/ Chỉ nói đơn sơ Bác Hồ mất/ Nỗi nhớ trong lòng có bao giờ tan/ Con nghe những người anh hùng, chiến sĩ/ Từ đại chiến thế hai tóc đã hoa râm/ Vĩnh biệt Bác Hồ - người có trái tim lớn/ Nước mắt rơi thương tiếc khôn cầm/ Ông cụ xã viên mắt còn nhìn thấy xa/ Đến với con trai út mười ba/ Nói tôi không phải đảng viên cộng sản/ Xin nghiêng mình trước Bác đã quên mình vì Đảng (Trên cuốn sổ tang). Biến đau thương thành hành động, lời hứa của nhà thơ cũng là lời hứa của nhân dân Việt Nam đối với Bác, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, đưa đất nước đến thống nhất, giàu mạnh: Ôi lời Bác nói hôm nay/ Cho bao thế hệ ngày ngày mai sau/ Vươn xa trên nỗi đau sâu/ Chúng con nguyện giữ sáng màu kim cương (Di chúc thiêng liêng). Đối với nhà thơ cũng như mỗi người dân đất Việt, Bác không hề đi xa. Bác vẫn đồng hành cùng dân tộc, ở trong trái tim và suy nghĩ của mọi người: Nương bước Bác chúng con đi và suy nghĩ/ Như ông cha anh hùng vô cùng giản dị/ Bác Hồ ơi, Bác ở nơi nơi/ Như hồn vui cả nước, như đời (Bác ở nơi nơi).
Suy ngẫm về Bác, về mối quan hệ giữa Bác với Đảng, đất nước, dân tộc cũng là một trong những đề tài quen thuộc của các nhà thơ khi viết về Bác. Trong sâu thẳm tâm khảm, nhận thức của Nguyễn Xuân Sanh, Bác và Đảng là một, là nguồn sáng “vạch đường chỉ lối” cho người dân Việt Nam, dẫn dắt dân tộc đi về phía tương lai: Bác và Đảng dẫn chúng con về phía trước/ Có thời xưa lại có mai sau/ Dựng nước với sức mạnh mọi nỗi vui đầu/ Soi đời chúng con: lửa đời Tổ quốc (Bác và Đảng dẫn chúng con). Lịch sử dân tộc từ khi có Bác và Đảng đã sang trang, đã mở ra một thời đại mới, rực rỡ, huy hoàng như sóng nước sông Hồng: Con sinh ra buổi Nước ta cười/ Sau nỗi xé đau muôn thuở trước/ Sông Nhị phù sa hồng sóng nước/ Việt Nam hồng quyển sử Bác Hồ ơi (Quyển sử). Từ ngày có Bác và Đảng, đất nước ta đã trở thành lương tâm của thời đại. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất. Người Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng: Đất nước cùng nhau ra chiến khu/ Đã gặp niềm vui về ngược lại/ Ra theo chân Bác diệt quân thù:/ Về cả dân tộc với lương tâm anh hùng thời đại (30 năm chiến đấu và chiến thắng). Bác và Đảng là “mùa xuân” đem đến no ấm, yên vui cho dân tộc, là biểu tượng của chiến thắng, của đất nước và con người Việt Nam: Những con đường Bác hẹn ta qua/ Đảng vĩ đại dẫn chúng ta đi đến/ Hiên ngang thay, con người và trời biển/ Mùa xuân quê hương: mùa xuân đời ta/ Quê hương chúng ta là của chúng ta/ Miền Nam, miền Bắc nối tiếp bao la/ Ta đi, chân trời bát ngát/ Đường Tổ quốc bao giờ cũng có Bác (Con đường Bác đã đi qua).
Bên cạnh những đề tài lớn, quen thuộc về Bác, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn có những bài thơ đi vào những câu chuyện thường nhật xung quanh Người. Màu xanh Tuần Châu viết về chuyến đi thực tế của Bác ở Quảng Ninh. Với lời thơ dung dị, nhẹ nhàng, bài thơ như lời căn dặn, tâm tình của Bác đối với người dân xứ biển về việc gìn giữ và phát huy vẻ đẹp đảo Tuần Châu: Thăm Tuần Châu, Bác Hồ bảo/ Trồng thêm cây che lấy đảo/ Gọi chim đến ở với người/ Cho dân làng biển vui tươi/ Ngày đêm đất liền đi lại/ Cây khép cửa mùa nắng trải/ hiền lành tiếng hỏi chim câu/ Trong hai xóm sóng Tuần Châu/ Đảo của ba nghìn hòn đảo/ Bến mặn pha mùi long não/ Nghe lời Bác dạy Tuần Châu/ Màu xanh mênh mông trên đầu. Bài Miền Nam khắc họa nỗi nhớ miền Nam da diết, khôn nguôi của Bác: Mỗi tối Bác đều mơ Tổ quốc/ Mỗi ngày đều nhớ Cửu Long giang/ Lòng bay đến tận vùng kênh đước/ Tái sinh thế kỉ những Bạch Đằng. Bài Chúng con dâng Bác biểu thị niềm vui sướng chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ Nam chí Bắc, từ trẻ đến già, từ người nông dân nơi ruộng đồng, người công nhân trong nhà máy đến các chiến sĩ nơi chiến trường..., tất cả đều quây quần bên Bác, chúc Bác một sinh nhật vui vẻ, ấm áp: Các em phơi phới vui/ Mênh mông bài hát sáng/.../ Lòng anh dân cày hớn hở/ Mồ hôi anh ướt lá lúa/ Đồng quê của anh say/ Mừng vui trên khắp nước này/ Anh công nhân bắp tay tròn/ Ngày đêm đúc vỏ đan thon/ Ngang vai bụi lửa/ Lửa hồng reo, lửa hồng reo/.../ Bộ đội ta rũ áo bụi/ Mắt còn mang theo bóng núi/ Thế hệ đi từng đại đội/ Quây quần chúc Bác sáu mươi… Sinh nhật của Bác cũng là sinh nhật của đất nước: Hát dài theo lối cỏ non/ Quê hương đằm thắm Bác cười/ Quê hương vừa tuổi hai mươi/ Trẻ sao lúa đẹp màu người Việt Nam (Chúng con dâng Bác).
Mặc dầu cá tính, năng lực, phẩm chất khác nhau, nhưng các nhà thơ Việt Nam nói chung, các nhà thơ của phong trào Thơ mới nói riêng vẫn có những điểm giao thoa, gặp gỡ với nhau. Và một trong những điểm gặp gỡ đó là tình cảm yêu mến, kính trọng Bác. Những bài thơ viết về Bác của Nguyễn Xuân Sanh cũng như của các nhà Thơ mới khác như Chế Lan Viên, Xuân Diệu... là minh chứng rõ rệt cho điều đó. Trăm sông đều đổ về biển theo quy luật của tự nhiên. Một vĩ nhân có công lớn với dân tộc như Bác là cảm hứng lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ nhà thơ là lẽ đương nhiên, hợp với quy luật của lòng người, của nghệ thuật.
T.T.M.T
VNQD