. NGUYÊN THANH
Là lời ăn tiếng nói của nhân dân, thoát thai từ đời sống sinh động khỏe khoắn của nhân dân, thành ngữ, tục ngữ có sức sống mãnh liệt không chỉ thuyết phục người nghe nhờ sự ngắn gọn về câu chữ, giàu có về hình tượng còn thể hiện một vốn văn hóa dồi dào của người nói/viết. Bài viết tìm hiểu một số thành ngữ, tục ngữ Bác Hồ sử dụng để tố cáo tội ác giặc Mỹ xâm lược và kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đấu tranh.
Đây là một đoạn trích trong bài viết Trò xiếc tuyển cử Tổng thống Mỹ được Bác viết đăng trên báo Nhân dân số 3869 ngày 3-11-1964 chế giễu trò hề bầu cử dân chủ giả hiệu của đế quốc Mỹ. Tổng Giôn là người của Đảng Dân chủ, Gônoatơ thuộc Đảng Cộng hoà. Thế là hai ứng viên nói xấu nhau: “Giôn thì nói Gônoatơ là bạn thân của bọn đầu trộm đuôi cướp, chủ trương phân biệt chủng tộc, chống người Mỹ da đen, v.v... Mặt khác, cả hai chàng đều ra vẻ dân chủ, bắt tay với người này, cụng chén với người kia. Cả hai chàng đều ra sức lừa bịp nhân dân, hứa hươu hứa vượn, miễn là câu được lá phiếu của cử tri.
Mạt cưa mướp đắng hai bên cũng vừa.
Nhưng cả hai gã đều không dám nói làm thế nào để cải thiện tình trạng đen tối ở nội bộ Hoa Kỳ”[1]. Thành ngữ “Mạt cưa mướp đắng” là sự khái quát từ câu chuyện cổ, có anh lấy mạt cưa giả làm cám, có anh lấy mướp đắng giả làm dưa. Cả hai đều mang đi chợ, không ngờ vô tình lại bán cho nhau, thành ra “kẻ cắp gặp bà già” kẻ xấu nào cũng đều bị lừa. Thành ngữ này nói đích đáng về bản chất của hai ứng viên Giôn và Gônoatơ cũng đều là kẻ đểu giả mắc mưu nhau!
Làn sóng phản đối chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ ở ngay chính trong lòng nước Mỹ: “Hầu như ngày nào tờ Thời báo Nữu Ước cũng có đăng thư của giới trí thức công khai chống chính sách của Giôn. Nhưng “nói thẳng, mất lòng”. Tổng Giôn chẳng những không lắng nghe những ý kiến đó, mà còn nổi giận lôi đình... Nay Giônxơn nối nghiệp Kennơđi, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có chiều hướng biến thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác. Chẳng hay tổng Giôn có “đạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa mà sợ” không?...”[2]. Tổng Giôn sa vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan, như người cưỡi trên lưng cọp, cứ ngồi đấy cũng khó, bước xuống cũng nguy hiểm”[3]. Đế quốc Mỹ gây ra những tội ác “trời không dung, đất không tha”[4] đối với nhân dân Việt Nam. “Vỏ quýt dày thì móng tay nhọn. Lính Mỹ vào càng đông, thì nhân dân miền Nam hạ chúng càng nhiều”[5]. “Song “chết thì chết, nết không chừa”, giặc Mỹ vẫn rất ngoan cố. Thế mà với dư luận quốc tế chúng lại đưa ra những luận điệu “hoà bình”, “thương lượng”. Chúng “nói một đường, làm một nẻo. Trong khi chúng ba hoa về những danh từ “hòa bình”, “thương lượng” thì chúng lại ra sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và tăng cường ném bom, bắn phá miền Bắc”[6]. Đúng là những hành động “chó dại cắn càn”[7]. Không những thế chúng còn ba hoa thắng lợi để phô trương thanh thế khích lệ tinh thần lính Mỹ đang sa vào “con đường hầm không có lối thoát”, như Tổng thống Kennơđi đã thú nhận. Chính vì những thất bại của chúng mà đế quốc Mỹ đã buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, gây ra cuộc đảo chính quân sự đầu tháng 11 vừa qua ở Sài Gòn[8]. “Ném đá giấu tay” là thói quen của đế quốc Mỹ. Chúng hòng lừa bịp dư luận thế giới, làm ra vẻ chúng không bao giờ can thiệp vào nội bộ của nước ngoài”[9]. Đế quốc Mỹ và lũ tay sai đang dùng người miền Nam đánh người miền Nam. “Chúng đẩy binh sĩ tỉnh này đi giết hại nhân dân tỉnh kia. Chúng đẩy anh em vào tội lỗi “nồi da nấu thịt”. Và bản thân anh em cũng bị bọn Mỹ ngược đãi, xem khinh”[10]. Nhưng rồi “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột”[11], “chết mà nết không chừa”. Chúng đang lăm le ném bom Hà Nội, Hải Phòng và thành phố khác”[12]. Ở miền Nam chúng tìm đủ mọi cách tàn sát, giết chóc đồng bào ta như cách đưa chó săn vào tham chiến. “Đây là chuyện chó săn có bốn chân, chứ không phải loài chó săn mặt người bụng thú, rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, như bọn Thiệu - Kỳ… Vừa rồi, các báo đăng tin nhiều phái viên Mỹ đi khắp thế giới để phân trần cái gọi là chính sách “đi tìm hoà bình” của tổng Giôn... Phái viên Mỹ nói một đường. Chó săn Mỹ sủa một nẻo. Thật là mâu thuẫn”[13]. Lính Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam “như cá nằm trong chậu”[14] có thể bị quân dân ta “bắt” bất cứ lúc nào nên “Các ngài quân nhân Mỹ “to” gan như cáy, chưa tối đã rúc xuống hầm”[15]. Thế mà đối với dư luận thì chúng ra sức khuyếch trương “thắng lợi” nhưng khi bị dư luận tiến bộ chỉ trích thì chúng lại cãi chầy cãi cối[16]. Cứ nói dối “bán trời không giấy”[17] thì “giấu đầu lại hở đuôi”, và “thúng không úp được voi”. Thế giới đều biết rằng 4 phần 5 đất đai và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng”[18].
Tham vọng và hiếu chiến là “tính cách” của đế quốc. Khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh lên mặt trăng, thế là “Voi đua, chuột cũng đua”, Mỹ dốc hết lực lượng hòng phóng vệ tinh… “Hoạ vô đơn chí”, báo chí Mỹ đã đăng tin: “một tên lửa vượt đại châu của Mỹ đã nổ tung trên thành phố...”[19]. Thật là: “Mất tiền rồi lại thua thâm/ Để cho thiên hạ nhân dân chê cười!”[20].
Bác Hồ dùng thành ngữ ngồi mát ăn bát vàng[21] để chỉ bọn tư bản thực dân chuyên vơ vét bóc lột nhân dân cả chính quốc lẫn thuộc địa còn bọn chúng thì chỉ việc hưởng thụ. Nhưng cũng chính bọn này lại rán sành ra mỡ hết sức keo kiệt bủn xỉn với nhân dân lao động, và sẵn sàng lấy gậy thầy đánh lưng thầy[22] hết sức tráo trở, lật lọng, phản động, vô ơn bội nghĩa. Quan hệ giữa chúng cũng là quan hệ kiểu Cá lớn nuốt cá bé[23] chứ chẳng có tình người. Nếu có giúp nhau thì chẳng qua cũng là “giúp một để lột mười”[24]. Nhất là đế quốc Mỹ, với bản chất tham lam, thực dụng của tên đế quốc đầu sỏ đểu cáng thì “giúp” tức là gắn liền với điều kiện làm nô lệ cho chúng, “Lợi tao trước hết, ai chết mặc ai”[25]. Bác đã vạch ra bản chất nham hiểm này qua những tục ngữ: “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền chạy ngược chạy xuôi”... Các nước tư bản vì tài chính kiệt quệ, vì “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”, nên nhắm mắt mà vay. Vay xong, liền bị Mỹ “thế này” tức là Mỹ nắm hết quyền chính trị, kinh tế, quân sự của các nước mắc nợ”[26].
Bản chất hiếu chiến của thực dân đế quốc là hết sức ngoan cố “Đến chết nhưng nết không chừa, cho nên đế quốc Mỹ sẽ thất bại đến chết mới thôi”[27]. Mặc dù phải chịu tiền mất tật mang nhưng Mỹ vẫn không biết “đứt tay, hay thuốc”[28].
Đối với bọn tay sai bán nước cam chịu thân phận bù nhìn mà bán rẻ Tổ quốc nhưng không chịu hối cải thì “cứ để cho quỷ tha ma bắt”[29]. Nhưng đối với những người Việt Nam chẳng may sa chân lỡ bước “vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn cõng rắn bắt gà nhà, rước voi giày mả tổ, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian”[30] nên được đối xử theo tinh thần nhân ái: “Chính phủ kháng chiến độ lượng khoan hồng, thương hại các người như những đứa con lầm đường, cho nên nặng về giáo dục nhẹ tay xử phạt, để dìu dắt các người bỏ đường tà, theo đường chính”[31]. Thành ngữ Việt có câu: bỏ tà quy chính còn khó hiểu nên Bác dẫn giải cụ thể, rõ nghĩa hơn. Người thấu hiểu hoàn cảnh những kẻ bị thực dân đế quốc bắt ra chiến trường làm bia đỡ đạn[32] cho bọn lái súng mà nhiều khi "xôi hỏng bỏng tay"[33], tức không được gì về vật chất mà còn bị mất mát, đau đớn về thân xác. Thành ngữ có câu Xôi hỏng bỏng không có nghĩa là xôi cũng không được mà bỏng (một thứ đồ ăn được rang lên từ gạo) cũng không có, Bác mượn cấu trúc thành ngữ này để diễn tả ý mới, từ bỏng trong thành ngữ dân gian là danh từ chỉ sự vật được chuyển nghĩa thành tính từ chỉ trạng thái tính chất, đúng với nội dung, câu văn thêm sắc thái dí dỏm, chua chát, giễu cợt: “Kế hoạch Nava tan/ Thành đầu voi đuôi chó/ Kẻ thù đang còn đó/ Chó dại sẽ cắn càn/ Chúng ta chớ chủ quan”[34].
Trở lên chỉ mới là sự tập hợp các thành ngữ, tục ngữ Bác dùng trong chủ đề chống giặc Mỹ xâm lược. Còn rất nhiều các chủ đề khác cũng được Người sử dụng tương tự vào các mục đích khác nhau. Điều ấy chứng minh Bác Hồ là người Việt Nam nhất trong mọi người Việt Nam!
N.T
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 410.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 653.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 15.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 643.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 691.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 677.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 482.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 208.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 218.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 238.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 236.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 128.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 26.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 78.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 358.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9. Sđd, tr 195.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 157.
[18] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 8.
[19] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 481.
[20] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 332.
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 388.
[22] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 343.
[23] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 250.
[24] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 56.
[25] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 320.
[26] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 376.
[27] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 152.
[28] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 151.
[29] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 127.
[30] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 233.
[31] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 197.
[32] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 166.
[33] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 154.
[34] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 135.
VNQD