Tư tưởng vì dân theo lời dạy của Bác Hồ

Thứ Năm, 23/02/2023 08:47

. TRẦN MẠNH TIẾN
 

Triệt để tuân theo nguyên tắc “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”[1]. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng biện chứng đầy ắp chất sống thực của cuộc đời: nhân dân muốn đảm bảo được quyền làm chủ thì cần có Đảng lãnh đạo. Đảng muốn giữ vai trò cầm quyền thì phải “lấy dân làm gốc”. Phải nắm chắc nguyên lý: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Thế nên, với dân, Bác Hồ mong muốn mỗi người dân học tập nâng cao tri thức để làm chủ được tốt hơn, hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bác dạy “quan tham vì dân dại”, dân hiểu biết thì quan tự phải “liêm”. Với cán bộ đảng viên thì phải “thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Bác Hồ mong muốn Đảng ta vì dân một cách thiệt thực, cụ thể: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo”. Đảng phải lo việc lớn “Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản... Đảng phải lo”. Đảng phải quán xuyến những việc nhỏ “Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”[2]. Đảng ta phải làm gì để xứng đáng với trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề ấy? Đây là vấn đề lớn lao nhưng cũng thường xuyên của Đảng. Đó là xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới Đảng.

Ba năm qua, trong những ngày Đại dịch Covid 19 hoành hành khắp thế giới, người Việt Nam lại đồng lòng đoàn kết theo Đảng để “chống dịch như chống giặc”. Đảng biết phát huy sức mạnh toàn dân, biết kế thừa truyền thống nhân văn nhân ái của dân tộc nên luôn chủ động, chiến thắng lớn nhất trong sự giảm thiểu thấp nhất về thiệt hại. Cả thế giới kính trọng Việt Nam khi trong “hoạn nạn” người Việt càng đùm bọc nhau hơn, chia sẻ, giúp đỡ nhau chí tình...

Sức mạnh Việt Nam nằm ở sức mạnh của Đảng Cộng sản cầm quyền với cái lõi của cơ chế lãnh đạo là quan hệ máu thịt Đảng với Nhân dân, với Nhà nước.

Đảng ta đã xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ của dân. Nhà nước ta do Đảng lãnh đạo là Nhà nước của dân, do dân, vì dân nên các cán bộ Nhà nước cũng là công bộc của dân, phục vụ dân vô điều kiện. Một sự chứng minh ư? Trong Đại dịch ấy, khi người dân yên ổn ở trong nhà thì những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, những cán bộ y tế, những anh bộ đội, những chiên sỹ công an... ngày đêm thao thức, lo âu và hành động quyết liệt, kịp thời để ngăn “giặc virut”. Họ là những người dễ bị tổn thương nhất nhưng không một ai than vãn hay nản chí... Nhìn ra thế giới chúng ta càng tự hào về Việt Nam, về những “công bộc” thật sự vì dân!

Cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất có tên Hồ Chí Minh và Ấn Độ (Ho Chi Minh and India) ngày 14/5/2022 tại Kolkata[3] đã khẳng định tư tưởng, nhất là tư tưởng về tổ chức mang tầm vóc vĩ đại vượt thời đại của Người. Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người sẽ mãi tỏa sáng cả văn hóa nhân loại. Cơ bản hơn, Hồ Chí Minh là hình mẫu cho bất cứ một cuộc cách mạng nào với công việc đầu tiên là tạo ra một tổ chức. Chính Người đã hiện thực hóa rất đẹp tư tưởng của V.I. Lênin: Hãy cho chúng tôi một tổ chức chúng tôi sẽ thay đổi cả nước Nga!

Đúng vậy, để có một Đảng Cộng sản Đông dương, Nguyễn Ái Quốc thực sự có một tầm nhìn vượt thời gian khi từ năm 1925, Người đã tổ chức một An Nam thanh niên cách mạng hội từ 1925, tuy “nó là quả trứng” nhưng từ đó “nở ra con chim non cộng sản” để rồi “sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn” như trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 2,3 năm 1930. Như vậy Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên sớm ý thức và hiện thực hóa ý thức đó về một tổ chức Đảng lãnh đạo – nhân tố then chốt quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Một nhà bác học nói nếu có một điểm tựa ông sẽ bẩy được cả quả đất. Tổ chức Đảng như cái điểm tựa ấy để nhà bác học Nguyễn Ái Quốc “bẩy” cả cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa Cộng sản. Chỉ nhờ thế mà nước Việt Nam mới có thể giành được độc lập, tự do “mưu cầu hạnh phúc”.

Hiện nay có người đề cao Phan Chu Trinh và “khẳng định” nhà cách mạng này mới làm “cách mạng” thực sự, qua đó có ý phủ nhận hoặc coi nhẹ sứ mệnh lịch sử của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng thực tế ai cũng thấy, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những nhà yêu nước lớn nhưng thiếu một đường lối chính trị đúng nên không thể có một tổ chức cách mạng chặt chẽ, khoa học tất nhiên không thể có sức sống trong quảng đại quần chúng. Các tổ chức của hai ông lập ra, như chính Phan Bội Châu từng cảm thán chua chát: “mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã biết triệu chứng là khó sống...”[4]. Chỉ có tài năng sáng tạo vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc mới tạo ra sự hợp lưu tuyệt vời ba dòng chảy của thời đại là Chủ nghĩa Mác- Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước để cho ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương “Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Vì mục tiêu của Đảng thống nhất với mục tiêu của toàn dân Việt Nam là độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự thống nhất này có ngay từ khi Đảng mới ra đời và được Hồ Chí Minh khẳng định, nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II (2/1951) “là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Bằng lý thuyết và thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời giáo dục, rèn luyện, lãnh đạo Đảng ta hoạt động theo tôn chỉ: Lấy nhân dân làm gốc và vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lênin; Phải được tổ chức chặt chẽ, thống nhất; Vận động, lãnh đạo quần chúng làm cách mạng kết hợp, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Từ khi ra đời cho đến nay và mãi mãi Đảng ta tự hào làm đúng với những lời căn dặn, dạy dỗ của Bác Hồ kính yêu. Thực sự gắn bó máu thịt với giai cấp, với nhân dân, với dân tộc, Đảng vừa là người cầm quyền vừa là “người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân.

Sứ mệnh cầm quyền của Đảng thể hiện rất rõ ở việc lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vừa lãnh đạo quần chúng và lãnh đạo bộ máy Nhà nước để hoàn thành nhiệm độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đang tập trung nghiên cứu lý giải về khả năng tập hợp và phát huy một cách cao nhất sức mạnh quần chúng của Đảng Cộng sản để tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại và triệt để chưa từng có, diễn ra trong khoảng thời gian nhanh nhất (hơn một tuần lễ), trong khoảng không gian dài rộng nhất (từ Bắc chí Nam). Đây là cuộc cách mạng thành công nhất trong lịch sử các cuộc cách mạng mà bài học cơ bản, quan trọng và phổ quát nhất của nó là dựa vào dân, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân.

T.M.T


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 572.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 272.

[3] Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam phát trực tiếp trên kênh Youtube 10h sáng Ấn Độ, 11h30 giờ Việt Nam ngày 14/5/2022.

[4] Phan Bội Châu Toàn tập. Nxb Thuận Hóa, 1990, tập 6, tr 218.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)