Lim Khim Katy - Nữ họa sĩ của những nỗi đau đời thường

Thứ Năm, 02/03/2023 00:09

. THU SANG
 

Mĩ thuật Việt Nam đương đại được hình thành và nối tiếp bởi sợi dọc là lịch sử sáng chói “vàng son một thuở” của các “cây đa, cây đề” và sợi ngang là các họa sĩ trẻ tài năng. Lim Khim Katy là một nữ họa sĩ nằm trong những sợi ngang đó: hiền hòa, dịu dàng, nổi tiếng và hiện đại. Chị là người dân tộc Khmer, sinh năm 1978 tại An Giang, trong một gia đình có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật, Lim Khim Katy từng thất nghiệp, chuyên chép tranh để kiếm sống. Cuộc đời người họa sĩ “vô danh” chỉ thay đổi vào năm 2004 khi chị được một nhà sưu tập Thái Lan chú ý và mời triển lãm tranh tại Bangkok. Kể từ đó duyên trong nghề đã đến với chị. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Lim Khim Katy liên tiếp nhận các giải thưởng, những chứng nhận nghề, tranh được các nhà sưu tập nước ngoài tìm mua…

Lim Khim Katy là nữ họa sĩ của nỗi đau đời thường. Đề tài chủ yếu trong tranh chị là tầng lớp người nghèo đang phải vất vả mưu sinh. Không xù xì, gai góc hay cố diễn tả chất táo bạo, tranh của Lim Khim Katy nhẹ nhàng nhưng thấm sâu, từ hành động nhân vật chỉ quanh đi quẩn lại vài ba dáng điệu quen thuộc hàng ngày cho đến gam màu chủ đạo là trắng sáng, be hoặc vàng thổ đậm. Ta không thể tìm thấy ở các nhân vật của Lim Khim Katy sự bóng bẩy, điệu đà, kiểu cách mà trái lại, họ giản dị, chân chất, mộc mạc trong những bộ quần áo cũ bạc màu, đầu đội chiếc nón rách, bàn tay và đôi chân gân guốc toát lên sự tần tảo nhọc nhằn qua nhiều năm tháng. Chị vẽ những đàn ông, đàn bà, thợ lao động, những người làm thuê làm mướn, những người nghèo vô danh, những thân phận lang thang cơ nhỡ... Có khi chị chỉ vẽ một nhân vật, khi lại vẽ một nhóm, một tốp người cùng cảnh ngộ, gặp gỡ nhau, chuyện trò với nhau, cùng làm, cùng ăn ngủ với nhau. Các dáng hình, hành động của nhân vật trong thế giới hội họa của Lim Khim Katy hầu như không mới, vẫn là ăn, ngủ, đứng, đi, bê, vác… được trở đi trở lại, có khi là sự lặp lại y hệt nhau từ tranh này qua tranh khác như để nói lên rằng họ chỉ hiện hữu qua công việc chân tay cực nhọc.

Có người từng nhận định, các tác phẩm của Lim Khim Katy là sự pha trộn bất thường, khó nắm bắt của nhiều phong cách hội họa, từ hiện thực biểu hiện đến siêu thực, giữa nghệ thuật hàn lâm và pop art... Nói như thế không hề sai bởi người xem dễ dàng nhận thấy các nhân vật của Katy đều được tả như thực, khiến ta có cảm giác như đang đối diện, trò chuyện được với họ và cả chứng kiến những sinh hoạt thường ngày diễn ra. Sức mạnh hiện thực này hơn một lần nữa được thuyết phục bởi khả năng truyền đạt hình họa vững chãi cũng như bút pháp sơn dầu có nghề của họa sĩ. Tác phẩm Vội vẽ ba người hai nam, một nữ, đầu đội chiếc mũ vải cũ mèm đang vội bưng bát cơm ăn sau giờ lao động. Bàn tay thô ráp, đen đúa bưng bát cơm trắng ngần không có thịt cá, ăn trong trạng thái vừa ăn vừa ngóng người gọi mình đi làm việc. Gương mặt lo âu, khắc khoải, căng thẳng, đôi mắt sụp xuống biểu lộ sự mệt mỏi, cực nhọc. Người xem như đang “tham gia” bữa ăn cùng họ, nhìn họ ăn mà lòng đầy lên nỗi thương cảm. Hình ảnh bưng bát cơm ăn còn được lặp đi lặp lại ở nhiều tranh của Katy như trong tác phẩm Bữa trưa hằng ngày với nhóm bốn người hay đơn giản chỉ vẽ một người phụ nữ đơn độc cùng gương mặt lờ đờ mệt mỏi đang cố nuốt từng miếng cơm. Những nhân vật của Lim Khim Katy dường như đang thu mình trong vỏ ốc riêng, âm thầm chịu đựng những nhọc nhằn gian khó mà gánh nặng cơm áo gạo tiền mang lại.

Bên cạnh những tác phẩm miêu tả sự nhọc nhằn của người lao động trong sinh hoạt ngày thường, Lim Khim Katy còn có nhiều bức vẽ phác họa hình ảnh họ trong giấc ngủ. Về điều này, nữ họa sĩ từng tâm sự: “Tôi đi xem họ ngủ như thế nào ở các khu lao động nặng, lao động nông nghiệp... Họ ngủ thật dễ, sau khi đặt tô cơm vừa ăn vội sang một bên và chỉ cần một cái mặt phẳng đủ đặt phần lưng là họ ngủ, còn chân, tay thả đâu cũng được. Thật đẹp về tạo hình, thật hay về ý tứ.”

Tác phẩm Khoảnh khắc tuyệt vời gây ấn tượng mạnh bởi gam màu u tối, hiếm gặp trong các sáng tác của Lim Khim Katy. Tranh vẽ mẹ và cậu con trai nhỏ đang ôm nhau ngủ ngon lành trên bờ tường cũ rích, rêu mốc sau những mệt mỏi bủa vây. Nền được nữ họa sĩ vẽ xôm xốp tựa như đồng cỏ xanh vàng. Dường như Lim Khim Katy muốn họ được ngủ trong bình yên, ấm áp của thiên nhiên để giấc ngủ được dài, xua đi cái mệt mỏi, vất vả ngày thường. Dáng ngủ yên bình như một sự ngầm khẳng định họ là những lao động nghèo mà lương thiện. Xa xa một vòng tròn màu trắng be phẳng lì được tạo như thể mặt trời đang lấp ló đối lập với mảng tạo chất nơi hai mẹ con đang nằm ngủ là một “ẩn dụ nghệ thuật”. Hai mẹ con như hai thiên sứ giữa cuộc đời. Mặc dù khổ cực, vất vả nhưng vẫn luôn tỏa sáng yêu thương... Cạnh đó người cha với bộ quần áo sờn rách, phủ bụi, tay cầm bát cơm nhỏ lên ăn một cách vội vã. Với những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhất thời, luôn ở thì hiện tại, tranh của Katy đầy sức mạnh hiện thực, một hiện thực xót xa buồn bã cho những người nghèo buộc phải vất vưởng, tha hương kiếm sống, ăn bờ ở bụi.

Nghỉ trưa là tác phẩm quen thuộc của Lim Khim Katy bởi một thời nó được công khai trưng bày ở Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam khi vẽ một gia đình đầy đủ thành viên: bố, mẹ, con đang cùng gá lên chân nhau ngủ. Cái hay ở chỗ bố cục dích dắc theo hình chữ Z miêu tả mọi tư thế ngủ, cùng màu nền là đồng cỏ trắng toát như bông cho người xem ấn tượng mạnh đến nỗi khó quên được. Nội dung dễ hiểu, hình họa chắc nịch, tranh của nữ họa sĩ đi vào lòng người thật dung dị. Có lẽ họ đã quá mệt mỏi sau những giờ lao động khổ cực, họ cần được nghỉ ngơi và ước mơ về cuộc sống đỡ vất vả. Nhưng trong tranh, họ vẫn không giấu được sự khắc khổ trên gương mặt lam lũ. Hiện thực và ước mơ luôn tồn tại một khoảng cách.

Có thể nói, nghệ thuật của Lim Khim Katy thật sự đã chạm tới cảm xúc sâu thẳm nhất của người xem. Nữ họa sĩ vẽ bằng tấm lòng thương cảm, bằng trái tim nhân ái. Chị là nữ họa sĩ của những nỗi đau đời thường.

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)