Hình tượng Bác Hồ tỏa sáng trong văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 25/02/2023 08:06

. NGUYỄN XUÂN ĐỨC


Nghiên cứu văn hóa của thế giới hôm nay đang đi theo khuynh hướng kiến tạo và giải mã biểu tượng (một nhánh của ký hiệu học văn hóa). Các nghệ sỹ sáng tạo kiến tạo các mã mới, các nghiên cứu lại đi “giải mã” (thường trong văn hóa quá khứ) các hiện tượng. Muốn làm tốt các điều ấy phải có vốn hiểu biết. Chưa bao giờ sự hiểu biết lại đòi hỏi cao như bây giờ bởi tri thức có kết tinh, lắng đọng thì mới tạo được các “lớp mã” văn hóa. Hiện tượng nào càng “dày” “mã” càng hấp dẫn. Nghiên cứu là công việc bóc dần những lớp mã, càng bóc càng thấy những giá trị mới, với hiện tượng văn hóa lớn thì “bóc” mãi mà không đến đáy. Hồ Chí Minh là một mã văn hóa như vậy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, độc đáo, đa dạng hội tụ nhiều phương diện: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ... mà lĩnh vực nào cũng thể hiện một tài năng kiệt xuất. Nhưng giữa các phương diện ấy lại có mối liên hệ thống nhất, hài hòa tuyệt đẹp. Ngày nay hướng nghiên cứu liên ngành đang được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới, người ta lại nhận thấy Hồ Chí Minh là một biểu hiện “liên văn hóa” sinh động nhất ở sự kết tinh văn hóa của hôm qua và hôm nay, phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, cách mạng và cổ điển, chiến sỹ và nghệ sỹ... Con người và cuộc đời huyền thoại của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng vĩ đại lại là sự biểu hiện một cách đầy đủ cho các phạm trù mỹ học cơ bản: cái cao cả, cái đẹp, cái hài, cái bi... vừa là đối tượng tìm hiểu cũng vừa là chủ thể sáng tạo của nhiều chuyên ngành nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên về khả năng tập hợp và phát huy một cách cao nhất sức mạnh của quần chúng để tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại và triệt để chưa từng có trong lịch sử, diễn ra trong khoảng thời gian nhanh nhất (hơn một tuần lễ), trong khoảng không gian dài rộng nhất (từ Bắc chí Nam). Nhiều nước châu Mỹ đang tìm hiểu sức ảnh hưởng to lớn của Người với Quốc tế, với người dân Việt Nam. Nghiên cứu đương đại Pháp đang nghiên cứu Hồ Chí Minh là người kiến tạo một nền văn hóa mới với chủ thuyết và hệ khái niệm rất hiện đại... Ở ta có hẳn một chuyên ngành “Hồ Chí Minh học” nghiên cứu, tìm hiểu về con người, di sản tư tưởng, văn hóa của Người.

Đó là nhìn từ góc độ vĩ mô trên các bình diện quan hệ Bác Hồ với cách mạng, dân tộc, thời đại. Xét từ góc độ con người cá nhân cũng thấy Người là một đối tượng thẩm mỹ có sức thu phục, thuyết phục, cảm hóa khác thường. Ở Hồ Chí Minh là sự hội tụ đầy đủ nhất những tiền đề của một nghệ sỹ lớn. Một phong thái nghệ sỹ đặc biệt vừa là con người thực, vừa như một “ông tiên” đã góp phần quan trọng hình thành nên một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, cá tính nổi bật. Một trí tuệ kiệt xuất, một lối ứng xử văn hóa tinh tế, phong thái nghệ sỹ ấy đã tạo ở Người một hấp lực khó cưỡng đối với người đối thoại. N.X. Khơrutsôp - Cố Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô kể lại ấn tượng của mình trong Hồi ký khi gặp Người: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh”. Con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh luôn vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy. Thế giới ca ngợi Bác có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/ 1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ hiếm có trên cơ sở sâu thẳm một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại. Ở Người còn là một tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, là người của thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ, vô tư, không màng danh lợi. Còn là một trái tim nhạy cảm, giàu cảm hứng, liên tưởng, tưởng tượng. Là một tâm hồn vui vẻ, lạc quan, hay đùa vui, một trí nhớ siêu việt, một tinh thần kiên trì, vượt khó, một vốn sống vĩ đại, một sự hòa nhập tự nhiên vào đời sống... Nhiều nhà văn nhà thơ ví Bác như mặt trời tỏa sáng, như ngọn hải đăng dẫn lối, như ánh sáng xua tan bóng tối, như dải Trường Sơn hùng vĩ, như cánh chim đại bàng... Ngay từ đầu thế kỷ trước một nhà báo Nga đã nhận thấy ở Người toả ra một thứ văn hóa của tương lai. Ngày nay dưới góc nhìn của triết học văn hóa nhiều nhà nghiên cứu châu Âu ví Bác như một cây đại thụ cường tráng lực lưỡng cắm chùm rễ khỏe khoắn vào ba mảnh đất văn hóa của truyền thống Việt, của phương Đông và phương Tây mà vươn cao cành lá vào bầu trời nhân văn nhân loại để quang hợp những ánh sáng tiến bộ của thời đại. Nhờ vậy trái ngọt tư tưởng Hồ Chí Minh có thể dành cho cả thế giới, cho mọi cộng đồng... Không chỉ chúng ta - người Việt Nam tự hào về Bác mà cả nhân loại tiến bộ tự hào vì có một Hồ Chí Minh là CON NGƯỜI “người nhất”, trong sáng đến tận cùng, yêu thương bao la, nhân ái đến tuyệt đối và trí tuệ mẫn tiệp đến khôn cùng... Thế nên Người là nguồn cảm hứng vô tận để văn nghệ sỹ sáng tạo.

Ngôi nhà văn hóa Hồ Chí Minh có một nền móng truyền thống vững vàng, được xây cất bằng nguyên vật liệu hiện đại mới mẻ, được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón nhiều luồng gió văn hóa đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngôi nhà ấy lại có nhiều cửa thể loại như thơ, văn, kịch, sân khấu, hội họa, điện ảnh... để mỗi người, tùy theo sở trường, năng lực của mình mà đi vào chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Nhìn ở góc độ nghệ thuật ngôn từ thì Bác Hồ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo lớn. Ngoài sử dụng điêu luyện tiếng Việt, Bác làm thơ bằng tiếng Hán, viết truyện bằng tiếng Pháp, viết báo bằng tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan... Trong số bạn quốc tế của Bác, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm một tỉ lệ khá cao. Pháp có Raymông Lơphevrơ, Pôn Vayăng Cutuyriê, Gaxtông Môngmutxô, Catxem Xembát, Rômanh Rôlăng, Sác Lôngghê, Gioocdơ Piôsơ, Hanrinê, Côlét, Rapôpo… Liên Xô (cũ) có I.Erenbua, O.Mandetxtan, Ruf. Bersatxki; Ý có Giôvanni Giécmanettô; Ba Lan có M. Giu-láp-ski; Nhật có: Kiôsi Cômatxư; Trung Quốc có Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch, Tiêu Tam… Hăngri Bacbuýt, nhà văn nổi tiếng thế giới, là một trong những người bạn Pháp gần gũi nhất của Bác. Thế nên các văn nghệ sỹ, không chỉ ở trong nước mà nước ngoài lấy hình tượng Bác Hồ làm nguồn cảm hứng sáng tạo là việc tất nhiên vậy. Đây là nhiệm vụ của một đề tài lớn, chúng tôi chỉ xin đưa ra những nét khái lược cơ bản nhất.

Các nhà thơ nổi tiếng ít nhiều đều có những thi phẩm viết về Bác với cảm hứng ngợi ca, kính trọng, yêu thương. Nếu Tố Hữu khai thác những nét vĩ đại, tầm vóc lớn lao thì Xuân Diệu, Huy Cận lại đi tìm những nét gần gũi, giản dị, thanh tao, Chế Lan Viên khẳng định giá trị mở đường, sự hy sinh, những cống hiến lớn lao, đặc sắc... Sau khi Bác mất, cả thế giới nghiêng mình. Biết bao những bài thơ, diễn ngôn, câu nói, ký, tuỳ bút… của các chính khách tên tuổi, các văn nghệ sỹ lớn trên thế giới viết/nói về Bác. Gần đây ở nước ngoài cũng có nhiều sáng tác về Bác có giá trị, cảm động, chân thành mà sâu sắc, và cũng rất thật, tinh tế. Ở trong nước, về văn xuôi, là nhà văn Sơn Tùng lão thành với Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất…, Hồ Phương có Cha và con, Hoàng Quảng Uyên có Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng, Cao Năm có Hai ngày và mãi mãi, Nguyễn Thế Quang có Khúc hát những dòng sông, Nguyễn Thế Kỷ có Nợ nước non (2022). Ngày 31/1/2023 tác giả Nguyễn Thế Kỷ vừa cho ra mắt tập 2 có tên Lênh đênh bốn biển khắc họa hình tượng anh thanh niên Văn Ba trên tàu những năm 1919 - 1921… Về thơ, tiêu biểu là trường ca Trăng Tân Trào (2018) của Hữu Thỉnh, trường ca Một người - thơ - tên gọi (2019) của tác giả cao niên đáng kính Nguyễn Thế Kỷ (viết trong 10 năm ròng, vài chục năm tích lũy tư liệu). Trước đó, Lê Đạt có Trường ca Bác (1990) rất cảm động… Những trường ca này đều thành công ở mức độ nhất định nhưng chưa có tác phẩm nào vượt được Theo chân Bác của Tố Hữu. Về nghiên cứu, tìm hiểu văn xuôi Hồ Chí Minh có khoảng 100 công trình, bài viết; về thơ có khoảng 150 cuốn sách, bài viết; về quan điểm văn nghệ có khoảng 70 bài viết. Các nghiên cứu này đều tập trung tìm hiểu những giá trị mới mẻ, hiện đại nhưng cũng rất cổ điển ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật nhưng chưa có công trình nào tương xứng với tầm vóc văn chương lớn lao của Người.

Hồi nhỏ cậu bé Cung đã theo cha (cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc) đến thăm và nghe nghệ sỹ tuồng lỗi lạc Thượng thư Đào Tấn nói chuyện về sân khấu tuồng. Sau này Người viết vở kịch Con rồng tre (công diễn ở Pháp năm 1923). Năm 1929 về Thái Lan Người viết nhiều vở kịch về đề tài lịch sử. Sau này khi là Chủ tịch Nước Người gần gũi, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về sân khấu với các nghệ sỹ. Người là bạn “vua hề Sác-lô”, hai người từng tương giao tâm đắc về sân khấu kịch. Bác Hồ là người của sân khấu vừa ở tư cách chủ thể sáng vừa ở tư cách đối tượng thẩm mỹ.

Năm 1976, lần đầu tiên một vở diễn về Bác Hồ có tên Người công dân số một (kịch bản Hà Văn Cầu - Vũ Đình Phòng, đạo diễn Dương Ngọc Đức) đoạt giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc trong năm. Tiếp đó là các vở Đêm trắng (kịch bản Lưu Quang Hà), Không còn con đường nào khác (kịch bản Văn Sử, đạo diễn Đoàn Anh Thắng), Sáng mãi niềm tin (kịch bản Lê Duy Hạnh), Lịch sử và nhân chứng (kịch bản Hoài Giao, đạo diễn Vũ Minh), Những vần thơ thép (kịch bản Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sừ); Cái chết chẳng dễ dàng gì (tác giả Xuân Đức, đạo diễn Dương Ngọc Đức), Hồi ức màu đỏ (kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Ngọc Bình), Bác không phải là vua (kịch bản Lê Quý Hiền, đạo diễn Trần Nhượng)... Trong lịch sử sân khấu Việt Nam chưa có hình tượng nào được xây dựng nhiều như Bác Hồ. Các vở diễn đều chọn bối cảnh thật điển hình để tập trung làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp ở nhiều khía cạnh. Đặc biệt là sự nhập vai của các nhân vật đóng vai chính hầu hết đều đạt, làm toát ra được cái thần thái của nhân vật. Các diễn viên đóng vai Bác Hồ để lại được dấu ấn tốt đẹp nơi khán giả như Tiến Thọ, Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân...

Với những phẩm chất kiệt xuất, theo lẽ tự nhiên Bác Hồ là nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Nhiều nhạc sỹ có những tác phẩm để đời về đề tài Bác Hồ như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Dân Huyền, Huy Thục, Lê Giang, Phong Nhã, Trần Kiết Tường... Riêng nhạc sỹ Thuận Yến đã có tới gần 30 bài hát viết về Bác. Phù hợp với cảm hứng ngợi ca, phong cách tụng ca của âm nhạc được triệt để phát huy, không ngẫu nhiên ngay tên nhiều bài hát là “Bài ca...” hoặc “Ca ngợi...”... Điều này đúng với cả các nhạc sỹ nước ngoài như Ewan MacColl (nhạc sĩ Anh) có The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh), Vladimir Fere (Nhạc sĩ Nga) có Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh, Suphat Mukhophathiai (Ấn Độ) có bài Hát mừng Bác Hồ vĩ đại... Đặc biệt Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk có bài Cảm ơn đường Hồ Chí Minh, nói về con đường mang tên Bác nhưng là để ca ngợi Bác Hồ kính mến.

Là một họa sỹ mà theo danh họa nổi tiếng Pi-cát-xô (bạn thân của Người) nếu đi vào chuyên nghiệp Người sẽ là một Danh họa. Từ nguồn cảm hứng tôn kính, trân trọng, cảm phục, mến yêu vô bờ, hội họa đương đại Việt Nam có nhiều bức tranh đáng quý khắc họa thành công Bác Hồ ở nhiều lĩnh vực: ra trận, làm việc, trồng cây... ở nhiều khoảng không thời gian, thời niên thiếu, thời thanh niên.... Ngành Bưu chính cách mạng tự hào với con tem đầu tiên cất cánh bay ra với thế giới có tên Chân dung Bác Hồ (do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1945). Đặc điểm các bức tranh về Bác là đẹp, sức khái quát cao, giàu biểu cảm, sống động. Đó là đóng góp nghệ thuật lớn của các họa sỹ tên tuổi Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Nguyễn Văn Chiến, Văn Đa, Dương Bích Liên, Phạm Văn Đôn,... Sau này là Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Quang Phòng, Trần Khánh Chương...

Từ năm 1920 để kiếm sống và hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm nghề ảnh. Như một cơ duyên sau này Người trở thành đối tượng để các nhiếp ảnh gia khai thác những nét rất đẹp, vĩ đại nhưng cũng rất đời thường, trí tuệ anh minh nhưng cũng rất dân giã thuần hậu. Các nghệ sỹ tên tuổi như Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Kim Côn, Vũ Năng An, Vũ Đình Hồng, Mai Nam... đều chụp Bác với những nét thần thái vừa đậm chất mỹ cảm vừa giàu tính tư liệu. Thời kỳ chống Pháp, nghệ sỹ Đinh Đăng Định là người được đi theo Bác và được chụp nhiều về Bác ở chiến khu Việt Bắc. Có khoảng gần 200 bức ảnh về Bác, nghệ sỹ Mai Nam tự hào về bức Hồ Chủ tịch - Người công dân số 1 chụp Người bỏ lá phiếu bầu cử đầu tiên Quốc hội khoá II ngày 8-5-1960 không chỉ đảm bảo tính thời sự mà còn rất nghệ thuật. Có thể xếp bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn của nghệ sỹ Lâm Hồng Long vào hàng kiệt tác vì không chỉ cân đối về bố cục, chuẩn mực về ánh sáng, đường nét, cái chính là có được một cú chớp máy xuất thần khi Bác Hồ ở vị trí người chỉ huy dàn nhạc trước một dàn nhạc hợp xướng đông đảo. Cái tinh tế nghệ sỹ ở cả người chụp lẫn người được chụp cùng bối cảnh là khoảnh khắc tuyệt vời nói lên tinh thần “kết đoàn” của lãnh tụ và nhân dân.

Về điện ảnh có thể kể tới các phim truyện thành công như Hẹn gặp lại ở Sài Gòn (kịch bản nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn); Hà Nội mùa đông năm 46 (Đạo diễn Đặng Nhật Minh); Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ); Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu); Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức); Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng); Vượt qua bến Thượng Hải” (đạo diễn Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ)... Các bộ phim xây dựng hình tượng Bác ở nhiều giai đoạn lịch sử, từ thời trẻ đi học rồi tìm đường cứu nước đến khi là lãnh tụ nhưng đều tập trung làm nổi bật tâm hồn yêu nước, ý chí, bản lĩnh và tầm nhìn cách mạng vĩ đại. Mảng phim tư liệu, thời sự về Bác cũng để lại ấn tượng sâu đậm với những thước phim quý giá của các đạo diễn tên tuổi Phạm Quốc Vinh (Những giờ phút cuối đời của Bác); Nguyễn Văn Thông (Chúng con nhớ Bác); Phan Quang Định (Muôn vàn tình thân yêu)... Đặc trưng của những phim này là chân thực, truyền cảm và cảm động, vì là hình ảnh ngoài đời của Bác, rất tự nhiên, sinh động, lôi cuốn.

Bác Hồ là một biểu hiện sinh động cho các cơ sở đối thoại văn hóa của thế giới hôm nay: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Dưới thấu kính văn hóa là sự hiểu biết vĩ đại, viên ngọc Hồ Chí Minh hội tụ, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại nên lóng lánh đa sắc màu mà đứng ở góc nhìn nào cũng thấy phát sáng những vẻ đẹp mới mẻ. Vì thế Bác Hồ mãi là đối tượng thẩm mỹ “nói mãi không cùng”!

N.X.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)