Đặc trưng cái đẹp trong thơ văn Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 04/03/2023 08:29

. TRẦN THỊ TUYẾT MINH
 

Hồ Chí Minh rất hay dùng biểu trưng “hoa”. Như một lẽ tự nhiên, cảm quan cỏ cây hoa lá của người Việt đã tìm đến “hoa” làm biểu trưng cho những cái gì đẹp, quý giá, thánh thiện: Đẹp như hoa; Tươi như hoa… Để chỉ người con gái đẹp, thành ngữ có câu: Hoa cười ngọc thốt; Hoa dung ngọc mạo…; nói về người con gái còn trong trắng thì: Hoa xuân đương nhuỵ,… Lời nói câu văn hay thì: Hoa thêu dệt gấm… Những gì quý giá bao giờ cũng được coi trọng: Hoa thơm ai chẳng nâng niu… Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi… Trong bộ Toàn tập (15 tập) có khoảng 250 lần Người dùng “hoa” theo nghĩa biểu trưng. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong thơ Hồ Chí Minh hình tượng “hoa” là một tín hiệu thẩm mỹ truyền thống mà hiện đại, luôn toả sáng những ý nghĩa sâu sắc, thâm trầm. Không chỉ có trong thơ mà trong văn xuôi, hình tượng này cũng mang những ý nghĩa đặc biệt, tinh tế, nhân văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể Bác Hồ rất thích hoa và thường hay kể chuyện ở Nga cũng như ở các nước Âu Mỹ, “người ta dùng máy bay chở các thứ hoa ở xa về để trang điểm đời sống hàng ngày ở các đô thị lớn”[1].

Điểm đặc sắc trong quan niệm cái đẹp của Hồ Chí Minh là cái đẹp trong trắng, tinh khiết.

Đồng chí Vũ Kỳ có kể một dịp Tết Bác Hồ đến làm việc, thấy trong phòng của anh em có chậu hoa trà mi mới nở một bông rất đẹp, Bác nhớ đến câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, ứng khẩu đọc: “Đẹp thay một đóa trà mi/ Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về”. Trong Truyện Kiều, câu này Nguyễn Du nói về Thuý Kiều, một cô gái tài sắc, trong trắng là thế mà sống trong một xã hội đen bạc nên cuối cùng trinh tiết của nàng bị huỷ hoại bởi một tên vô lương, hèn hạ. Nguyễn Du than thở: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Bác Hồ dùng lại (tập cổ) hai câu ấy để ca ngợi vẻ đẹp của hoa trà mi, nên không có gì phải “tiếc”. Bác thốt lên: “Đẹp thay một đóa trà mi!”. Hoa trà mi đã đẹp rồi, nhưng Bác nói nó còn đẹp hơn nữa vì “Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về”[2]. Hai đại văn hào, hai khoảng không thời gian, hai quan niệm khác nhau nhưng đều có những ý thơ để đời. Cùng một đối tượng thẩm mỹ, Nguyễn Du xót xa, chua chát, bất lực. Hồ Chí Minh ý nhị, vui vẻ, lạc quan.

Hồ Chí Minh kế thừa cách diễn đạt của thơ thiền, dĩ nhiên để nói về quan niệm biện chứng của mình. Với một trực giác nghệ thuật kiệt xuất của tâm hồn nhạy cảm với nỗi đau, nỗi “bất bình”, nhà thơ còn “nghe” thấy cả tiếng của sự “vô tình”, trừu tượng. Như lời giãi bày của một bông hoa. Đã có nhiều nghiên cứu phân tích bài Vãn cảnh để tìm lý tưởng thẩm mỹ của chủ thể: “Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ/ Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình/ Hoa hương thấu nhập lung môn lý/ Hướng tại lung nhân tố bất bình” (Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình / Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình).

Chữ “hựu” (lại) đã tạo ra hình thức mâu thuẫn tương phản đặc sắc của thi phẩm, đây cũng là cái bản lề để mở ra thế giới tư tưởng mỹ học của thi nhân. Có tương phản không gian: trong tù và ngoài tù; tương phản hiện tượng: hoa hồng nở/ hoa hồng rụng. Hai câu đầu là quy luật khách quan hoa nở hoa tàn. Khó hiểu ở hai chữ “vô tình” (như nhiều người đặt ra câu hỏi: ai vô tình?). Tạo hóa hay con người nói chung, có thể cả hai nhưng dứt khoát không phải “lung nhân”. Vì “lung nhân” là bạn “tri âm”, có vậy “hương hoa” mới “tố bất bình” để chia sẻ, giãi bày. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Mà cái đẹp thời nào cũng vậy, luôn mong manh “Hoa thường héo, cỏ thường tươi”. Mà cái đẹp luôn là giá trị, cũng không vượt được quy luật sinh diệt khách quan. Thế mà tại sao con người và tạo hóa lại “vô tình”? Mà khi đã “vô tình” thì rất gần với “vô tâm”! Lời “hương hoa” là lời trách nhẹ nhàng: đừng vô tình với cái đẹp, đừng vô tình trước sự được mất, trước sự khai mở và kết thúc của một sự vật, hiện tượng, hơn nữa là của một giá trị. Không có sự mẫn cảm của một thiên tài nghệ thuật không thể “nghe” được như vậy. Sâu sắc, tinh tế và nhân ái biết bao!

Ở hầu hết mọi bài trong Nhật ký, như nói ở trên, chủ thể luôn có xu hướng vươn tới một vị thế khác, tự do và sang trọng. Nhưng ở bài này chủ thể lại trở về vị thế thực “lung nhân” trong “lung lý”? Hay nhà thơ muốn nói tới một quy luật này: khi tiếp nhận sự chia sẻ của tri âm thì con người phải ở vị thế thực để thành thực! Nhưng “hoa hương” (và bạn đọc) thì rất hiểu “lung nhân” chỉ là tên gọi, còn đích thực trong tâm hồn ấy vẫn là “thi nhân”, vì chỉ có thi nhân mới hiểu và cảm thông cho cái đẹp. Bài thơ ngắn mà tầng lớp ý nghĩa, nhưng ai cũng dễ đồng tình với những nét nghĩa này: phải biết yêu mến trân trọng cái đẹp; phải thấu hiểu mới thấu cảm cái đẹp, cũng vậy, có thấu hiểu người mới thấu cảm được lòng người! Để được như vậy, trước hết con người phải biết lắng nghe những điều rất nhỏ!!!

Chúng tôi xin chép bài thơ Mậu Thân xuân tiết của Hồ Chí Minh được Người làm tại Bắc Kinh ngày 14/4/1968: “Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên/ Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên/ Bạch điểu tóc ngư hồ lý khứ/ Hoàng oanh phi thượng thiên/ Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ/ Mang bả Nam phương tiệp báo truyền” (Tiết tháng tư trăm loài hoa nở đầy vườn/ Đỏ đỏ, tía tía hoa đua nhau khoe vẻ tươi/ Con chim trắng sà xuống hồ để bắt cá/ Chim hoàng oanh lại bay thẳng lên trời/ Trên trời những áng mây thong thả bay đến bay đi/ Lòng rộn lên tin thắng trận ở miền Nam báo đến). Bỏ câu cuối bài thơ rồi đối chiếu với thơ Thiền đời Lý, nhất là thơ của Viên Chiếu thiền sư dễ thấy trong bài thơ của Hồ Chí Minh có âm vang của thơ Thiền, về mặt thể tài, thi liệu, tình thơ, ý thơ.

Thơ thiền hay mượn “hoa” làm một hình tượng nghệ thuật, ngoài chức năng miêu tả thiên nhiên, ngoài một biểu tượng cho cái đẹp còn là biểu tượng cho cõi Niết bàn, nơi của thiền tâm thoát kiếp luân hồi. Thơ Hồ Chí Minh, có bài như thoát tục để vươn tới một thế giới “tiên”: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Theo GS Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi”[3]. Xin một so sánh, Mãn Giác thiền sư trong bài “Cáo tật thị chúng” có câu tuyệt hay: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một nhành mai). Nếu dịch là: “Đêm qua sân trước nở nhành mai” (như đã có bản dịch) thì thừa động từ “nở” vì không chỉ phá vỡ tính cô đọng, hàm súc của thơ cổ (thơ thiền càng thế) còn làm mất đi tính “vô ngôn” của biểu tượng. Chiều sâu triết học của “nhất chi mai” càng rõ khi hình tượng vận động như hướng về ánh sáng trên “sân” (sân Phật đường) tức một sự tĩnh tại hướng vào tâm. Thế đối lập của các “phạm trù” làm bật ra ý nghĩa: sự sống là bất diệt! Trong thơ Hồ Chí Minh cả “nhất chi mai” và con người chủ thể đều hướng về ánh sáng (mặt trời đỏ). Có thể hình dung đó là một “tam giác mỹ học”: con người - mặt trời - nhành hoa cùng soi chiếu nhau, nâng đỡ nhau trong bầu trời văn hóa!

Có rất nhiều câu trong trẻo tinh khiết lạ thường: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì” (Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi - Tặng Bùi Công). “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” (Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân - Tầm hữu vị ngộ)...

Trong con người Hồ Chí Minh có bóng dáng của vị thiền sư thoát tục nhưng cũng lại có tâm hồn của một lão nông thuần hậu yêu thiên nhiên, yêu con người: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi…”[4].

Trong bài Tầm hữu vị ngộ có câu cuối: “Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” (Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân). Bài thơ được Hồ Chí Minh viết vào năm 1954 gửi đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam sau khi Người tìm đến thăm mà không gặp. Trong Kinh thi có tích “hoàng hoa” là danh từ chỉ nơi (xa) người đi sứ đến nhậm chức. Chinh phụ ngâm cũng lấy tích này: “Xót người lần lữa ải xa/ Xót người nương chốn hoàng hoa dãi dầu”. Như vậy Hồ Chí Minh đã chơi chữ “hoàng hoa” vừa là danh từ chỉ hoa (hoa vàng) vừa là danh từ chỉ nơi chốn (nơi xa xôi). Câu thơ vừa tả cái đẹp của hoa vừa tả cái tình (tâm trạng) của người. Thật rất đúng với hoàn cảnh của Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam đánh Pháp.

Cái đẹp luôn là giấc mơ của nhân loại. Chỉ có những ai có tâm hồn nghệ sỹ, có tình yêu con người, thiên nhiên đất nước, có một năng lực cảm và hiểu mới có thể đến với cái đẹp. Cao hơn những điều ấy, Bác Hồ còn là một nghệ sỹ sáng tạo cái đẹp!

T.T.T.M


[1] Nguyễn Thị Kiều Anh - Nguyễn Thị Tuyết Minh (Tuyển chọn và giới thiệu) - Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb Công an Nhân dân, 2008. tr 613.

[2] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 2. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 139.

[3] Báo Văn nghệ, số 34, ngày 25/8/1990

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 187.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)