Những cuốn sách giúp nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật

Thứ Bảy, 04/03/2023 00:16

. NHO QUAN
 

Các cuốn sách nghệ thuật được xuất bản nhiều hơn, đa dạng về nội dung, đẹp về hình thức thể hiện giúp công chúng nâng cao khả năng cảm thụ cái đẹp. “Người nghệ sĩ vẽ nên bức tranh và bạn, người xem tranh, hoàn tất nó bằng cách nhìn ngắm với lối tư duy và những trải nghiệm cuộc sống của riêng mình. Nghệ thuật không nằm trong những quyển sách, không phải ở trường đại học, hay thậm chí trên những bức tường trong viện bảo tàng. Nghệ thuật sống trong bạn.” Những dòng trên trích từ bức thư mà Kathy Statzer, tác giả sách người Mĩ, viết gửi bạn đọc Việt Nam nhân cuốn Hiểu và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật của cô tái bản tiếng Việt. Nghệ thuật có trong mỗi người như lời Kathy Statzer. Nhưng để khơi dậy tác phẩm nghệ thuật trong mỗi người, nhất là để người xem biết thưởng thức tác phẩm, góp phần hoàn thiện bức tranh mà người nghệ sĩ tạo ra, cần trải nghiệm, tư duy và sự bồi đắp kiến thức. Khi mà không phải ai cũng có điều kiện để được đào tạo về nghệ thuật bài bản, thì những cuốn sách sẽ là những người thầy hướng dẫn công chúng trong việc thưởng thức cái đẹp.

Tuy vậy, trước đây, sách nghệ thuật ở nước ta là một khoảng trống. Theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books - khi thị trường mở cửa, mọi người đều bận rộn làm ăn mà lãng quên nghệ thuật. Thiếu tác giả viết sách, độc giả của dòng sách này không nhiều khiến số đầu sách nghệ thuật thưa thớt. Giờ đây, khi vật chất đầy đủ, công chúng có nhu cầu nhiều hơn tới những giá trị tinh thần. Nhờ đó, sách nghệ thuật cũng được quan tâm nhiều hơn. Trong khoảng vài ba năm trở lại đây, nhiều sách nghệ thuật được xuất bản, dòng sách này khởi sắc khi được công chúng đón nhận.

 

Chìa khóa mở cánh cửa vào thế giới nghệ thuật

Những cuốn sách nghệ thuật phương Tây được xuất bản nhiều, đa dạng về nội dung, dành cho nhiều đối tượng độc giả. Được ưa chuộng hơn cả có lẽ là những cuốn sách giúp công chúng hiểu và thưởng thức nghệ thuật. Cuốn Câu chuyện nghệ thuật của E.H.Gombrich là một tác phẩm kinh điển về nghệ thuật. Sách được Gombrich viết ra “với mong muốn dành tặng những ai muốn bắt đầu khám phá một lĩnh vực cực kì lạ lẫm và vô cùng lôi cuốn”. Cuốn sách 700 trang khổ lớn kể câu chuyện nghệ thuật từ thời tiền sử, nguyên thủy, qua nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, tới các ngã rẽ nghệ thuật và khép lại ở nghệ thuật thử nghiệm thế kỉ XX. Thông qua hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách, người đọc biết thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kì cựu trên thế giới. Tác giả Gombrich hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên môn, giúp đông đảo bạn đọc phổ thông tiếp cận thế giới nghệ thuật. Trong 70 năm qua, cuốn sách đã được dịch ra 30 thứ tiếng với 8 triệu bản được bán ra. Tại Việt Nam, cuốn sách từng được xuất bản với phiên bản rút gọn, cho tới tháng 12/2020, phiên bản đầy đủ của sách mới được ra mắt bạn đọc Việt qua bản dịch của Lưu Bích Ngọc. Theo ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Công ti Omega Plus, đơn vị xuất bản cuốn sách - công ti ông đã muốn thực hiện cuốn sách từ lâu, tuy nhiên, một trong những yêu cầu của Phaidon (nhà xuất bản giữ bản quyền tác phẩm) đưa ra là trong lần xuất bản đầu tiên phải in ít nhất 5.000 bản. Đó là một bài toán bởi nếu lượng người mua ít, 5.000 bản in đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, người làm sách sẽ thất thu. May mắn thay, ấn bản tiếng Việt đã được đón nhận ngoài mong đợi. Tác phẩm tái bản sau hai tháng phát hành, dù giá thành không hề rẻ (999.000 đồng/cuốn). Cùng mang tên Câu chuyện nghệ thuật, sách của tác giả Susie Hodge (Phạm Nữ Ngọc Linh dịch, Nxb Dân trí và Đông A phát hành) có dung lượng mỏng hơn và bố cục theo các trào lưu, chủ đề và kĩ thuật chính trong nghệ thuật. Sách đưa người đọc vào cuộc dạo chơi, thưởng ngoạn những bức vẽ đầu tiên của loài người trên hang động Lascaux (Pháp), điểm qua những tác phẩm then chốt của nghệ thuật đến những tác phẩm sắp đặt đương đại. Là một cuốn sách súc tích, cô đọng, tác phẩm của Susie Hodge giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt những phong cách, trào lưu nghệ thuật thay đổi vào thời điểm nào, như thế nào, những người tiên phong, các thuật ngữ nghệ thuật… Đối với các tác phẩm đương đại đôi khi gây bối rối cho người xem, cuốn …ism - hiểu về nghệ thuật hiện đại sẽ là chìa khóa đưa người đọc vào thế giới của những ý niệm, trò chơi của nghệ thuật thị giác. Trong tiếng Anh, hậu tố “ism” được dùng trong các từ để gọi tên những phong cách, trường phái, chủ nghĩa, thuyết; ví dụ: modernism - chủ nghĩa hiện đại, fauvism - trường phái dã thú, expressionism - trường phái biểu hiện, cubism - trường phái lập thể, suprealism - trường phái siêu thực, minimalism - nghệ thuật tối giản… Cuốn sách của Sam Phillips (Phạm Tấn Xuân Cao dịch, Nxb Thế giới và Omega Plus phát hành) giúp người đọc hiểu về các trường phái, phong cách nghệ thuật hiện đại từ đặc điểm chính của trường phái, các nghệ sĩ tiêu biểu, các thuật ngữ liên quan, các ý tưởng, phương pháp của các nghệ sĩ, lịch sử và sự phát triển của mỗi trường phái, cách phân biệt nó với các trào lưu nghệ thuật khác. Dành cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng, cuốn Đến với nghệ thuật (tác giả Rosie Dickins, Vũ Hiển và Phạm Quỳnh Châu dịch, Nxb Kim Đồng) kể câu chuyện khúc chiết và lôi cuốn về nghệ thuật. Với hơn 200 tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong sách, ấn phẩm giúp các em nhỏ tìm hiểu nghệ thuật là gì, khám phá những hình trang trí lăng mộ Ai Cập cổ đại, những kiệt tác của các bậc thầy hội họa châu Âu, những tác phẩm đương đại...

Mảng sách về cuộc đời, sự nghiệp các họa sĩ nổi tiếng không chỉ mang tới câu chuyện của những danh họa, mà qua đó giúp người đọc hiểu hơn về thời đại, các tác phẩm, những phong cách, trường phái mà người họa sĩ theo đuổi. Cuộc đời bi kịch của Van Gogh được thể hiện qua nhiều cuốn sách. Mới đây cuốn tiểu sử Van Gogh: The Life (tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith, Nxb Dân trí và Omega Plus phát hành) với dung lượng 1.200 trang ra mắt bạn đọc đã tái hiện chi tiết cuộc đời tác giả Đêm đầy sao. Cuộc đời danh họa Van Gogh còn được khắc họa qua tiểu thuyết Khát vọng sống (tác giả Irving Stone, Vũ Đình Bình dịch, Nxb Văn học và Đông A); sách tranh Vincent Van Gogh (tác giả Gerard Denizeau, Hoàng Nhung dịch, Nxb Thế giới và Omega Plus). Bạn đọc Việt cũng có thể tìm hiểu chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp các danh họa, bậc thầy nghệ thuật qua những cuốn sách mới được phát hành như: Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt (tác giả Miles J.Unger, Bùi Minh Hạnh, Nguyễn Thị Phương Lan, Lê Phương Thanh Uyên dịch, Nxb Dân trí và Omega Plus); Leonardo da Vinci (tác giả Walter Isaacson, Nguyễn Thị Phương Lan dịch, Nxb Thế giới và Omega Plus); Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci (tác giả Leonardo da Vinci, Nam Anh và Nam Thư dịch, Nxb Dân trí và Tân Việt); Michelangelo - sáu kiệt tác cuộc đời (Miles J.Unger, Nxb Dân trí và Omega Plus)…

Tuy chưa nhiều đầu sách, nhưng một số cuốn về thị trường nghệ thuật giúp người đọc bước đầu hiểu về một lĩnh vực chưa được biết đến nhiều. Sách Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật (tác giả Sarah Thornton, Nguyễn Như Huy dịch, Nxb Văn học và Đông A) giải thích cách thị trường nghệ thuật vận hành, cách để hiểu lối suy nghĩ, hoạt động của mọi thành phần trong thị trường nghệ thuật. Cuốn sách đưa người đọc khám phá một buổi bán đấu giá nghệ thuật, buổi phê bình nhóm, hội chợ nghệ thuật, giải thưởng nghệ thuật, tạp chí nghệ thuật, thăm xưởng nghệ sĩ, triển lãm... Sách Hồi ức của một nhà buôn tranh (tác giả Ambroise Vollard, Phạm Minh Quân dịch, Nxb Thế giới), thông qua câu chuyện sống động của một nhà sưu tầm, một tay buôn tranh, người đọc có dịp bước vào thế giới của thị trường nghệ thuật. Bạn đọc được biết tới những kĩ năng, thủ thuật, những “chiêu” trong giới buôn tranh, cuộc tranh đua săn lùng các tác phẩm. Theo chân nhà buôn tranh, độc giả cũng có được góc nhìn cận cảnh về những nhân vật huyền thoại của nghệ thuật như Manet, Matisse, Picasso, Renoir, Degas, Rodin, Paul Cezanne; tiếp cận các nhân vật thuộc giới tinh hoa văn nghệ sĩ, chính khách, tài phiệt.

Đi tìm mã gen nghệ thuật Việt

Song song sách dịch, công trình về nghệ thuật của tác giả Việt cũng được xuất bản nhiều hơn. Tác giả Phan Cẩm Thượng được biết tới qua những công trình nghiên cứu về kiến trúc, điêu khắc như: Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu - Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp… Những năm gần đây, các cuốn sách về văn hóa của Phan Cẩm Thượng đã được xuất bản như Nghệ thuật ngày thường (Nxb Đà Nẵng và Như Books). Trong bộ sách, tác giả dành nhiều “đất” để bàn về nghệ thuật, các họa sĩ. Nhà phê bình Nguyễn Quân là tác giả của 15 đầu sách về nghệ thuật, trong đó công trình Nhìn - thấy - yêu - hiểu (Nxb Thế giới và Nhã Nam) là cuốn sách mới nhất của ông ra mắt công chúng.

Tiếp nối những cây bút gạo cội, một số tác giả trẻ xuất hiện, mang màu sắc mới cho mảng sách nghệ thuật trong nước. Trong nhiều năm làm báo, Đào Mai Trang không ngừng mở rộng ngòi bút của mình, thử sức với những công trình nghiên cứu dài hơi. Chị là tác giả của hai cuốn sách giúp người đọc hiểu lĩnh vực mĩ thuật đương đại của Việt Nam. Cuốn 12 nghệ sĩ mĩ thuật đương đại Việt Nam (Nxb Thế giới) viết về các nghệ sĩ đương đại có thành tựu như Vũ Dân Tân, Trương Tân, Trần Lương, Đào Anh Khánh... Nghệ thuật và tài năng (Nxb Phụ nữ) là cái nhìn cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8x của mĩ thuật Việt với một số tên tuổi: Bàng Nhất Linh, Nguyễn Huy An, Thái Nhật Minh, Hà Mạnh Thắng, Phạm Huy Thông… Sách cũng nêu bối cảnh xã hội, cơ hội thu nhận kiến thức nghệ thuật, sự kết nối với thế giới nghệ thuật bên ngoài của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Không dừng lại ở đó, Đào Mai Trang còn đi sâu vào tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của những họa sĩ gạo cội Việt Nam. Cuốn Họa sĩ khóa Kháng chiến 1950 - 1954 (Nxb Mĩ thuật) viết về các họa sĩ học trường mĩ thuật trên chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, trong đó có các tên tuổi như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa… Tác giả Vũ Hiệp có lối đi riêng trong dòng sách lí luận nghệ thuật. Anh là tác giả của Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (Nxb Mĩ thuật), Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (Nxb Mĩ thuật). Trong Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, Vũ Hiệp nêu khái niệm “mã gen nghệ thuật”, hướng sự tìm tòi những khả tính mới của nghệ thuật từ chính nội hàm con người Việt với những điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, sinh thái, di truyền. Tiếp cận những di sản kiến trúc, văn hóa dân gian, tác giả nhận diện một số đặc tính nghệ thuật của Việt Nam được di truyền qua nhiều thế hệ. Các công trình của Vũ Hiệp đều gây tiếng vang trong cộng đồng quan tâm tới sách nghệ thuật, được ghi nhận qua các giải thưởng như: Giải B Giải thưởng Sách Quốc gia, Tặng thưởng (hạng A) của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Những cuốn sách dịch hay công trình của tác giả Việt không chỉ xuất hiện đơn lẻ mà còn được xuất bản thành hệ thống. Từ năm 2019, công ti sách Omega Plus đã hình thành tủ sách nghệ thuật. Bà Trần Hoài Phương (Giám đốc sản xuất Omega Plus) cho biết tủ sách nghệ thuật được chia làm ba mảng: lịch sử mĩ thuật, tiểu sử danh họa và danh họa qua tác phẩm. Sau khi thực hiện thành công nhiều cuốn sách dịch, tủ sách nghệ thuật của Omega Plus đã thực hiện sách của tác giả Việt, về nghệ thuật Việt; mở đầu là cuốn Vẽ gì cũng là tự họa của họa sĩ Trịnh Lữ.

Bên cạnh sự đa dạng về nội dung, sách nghệ thuật được đầu tư nhiều về hình thức. Hầu hết sách nghệ thuật được in màu trên giấy chất lượng cao, sử dụng công nghệ in hiện đại để thể hiện sắc nét các bức tranh, ảnh chụp tác phẩm nghệ thuật. Nhiều sách in các trang đôi, trang ba tạo ấn tượng mạnh về thị giác. Một số sách in có phần kết nối internet giúp bạn đọc trải nghiệm sách tốt hơn. Ví dụ, cuốn Đến với nghệ thuật có đường dẫn đến những kho hình ảnh sống động của Nxb Usborn; sách Hiểu và thưởng thức một tác phẩm mĩ thuật có mã QR để độc giả tương tác, viết bài thu hoạch, cảm nhận về nghệ thuật.

Quan sát dòng sách nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Đại học Mĩ thuật Việt Nam) nhận định, những năm gần đây, thị trường nghiêng về làm sách mang tính phổ cập thường thức nghệ thuật cho số đông. Sách lí thuyết chuyên sâu ở cả lĩnh vực hội họa và nhiếp ảnh, sách cho nhà sưu tập, sách lí luận chưa nhiều. Đánh giá cao vai trò của sách nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng dòng sách này được xuất bản nhiều hơn sẽ giúp người làm nghệ thuật nâng cao trình độ, người thưởng thức có thêm hiểu biết và cảm thụ nghệ thuật; giúp sinh viên nghệ thuật được bổ sung kiến thức quý.

N.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)