Bác Hồ học tập, kế thừa, nâng cao mỹ học truyền thống dân tộc

Thứ Bảy, 11/03/2023 07:36

. NGUYỄN THANH TÚ
 

Cái cổng tam quan của ngôi làng văn học trung đại Việt Nam có cửa chính là cửa bi, nhưng người ta thường bước vào từ hai cửa hài phụ[1]. Tiếng cười trên sân khấu chèo rất tiêu biểu cho tiếng cười Việt: trong hài là bi. Bi là cái lõi. Cái hài nâng đỡ, phát triển cái bi. Tiếng cười Nguyễn Trãi đanh thép, trí tuệ, hùng hồn là thế nhưng thẳm sâu vẫn có giọng bi của người dân một nước nhỏ yêu hoà bình bị nạn xâm lăng bởi nước lớn, có giọng nhún nhường với “thiên triều” để tránh hậu hoạ chiến tranh. Tiếng cười Hồ Xuân Hương đanh đá ngạo nghễ là vậy nhưng vẫn không che được cái giọng chua chát ngậm ngùi. Ẩn bên trong tiếng cười Nguyễn Khuyến hóm hỉnh thâm thúy là cái giọng cay đắng bất lực. Tiếng cười Tú Xương quyết liệt giòn giã nhưng vẫn lắng đọng một nỗi đau của người yêu nước mà bị mất nước… Có thể coi đây là đặc trưng chung chi phối mỹ cảm cùng các biểu hiện mỹ học truyền thống của người Việt.

1. Cái cao cả - một nét tính cách Việt.

Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Theo các khảo cứu đã công bố riêng tỉnh Bắc Ninh trong số 600 vị Thành hoàng thì có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hoá. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị Thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Đức Thánh Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã (tỉnh Nam Hà cũ) và có trên mọi miền đất nước. Trong các vị “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, như Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ và không chân là thiên tai. Sự ngưỡng vọng của người Việt còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị Tiên rồi phong thánh bất tử cho họ. Có thể nói phẩm chất anh hùng của sử thi sẵn có ở trong máu của mỗi người dân Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Người Việt giàu có khát vọng. Biểu tượng Đức Phật nghìn tay nghìn mắt là một hình ảnh rõ nhất, tập trung nhất về khát vọng cao cả nhìn thấu bốn cõi (nghìn mắt) để thấy sự đau khổ trầm luân của chúng sinh mà ra tay (nghìn tay) cứu độ. Nhờ có những nét tương đồng mà tinh thần Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập, ăn sâu rồi trở thành “quốc giáo” một thời gian dài ở đất nước Đại Việt.

Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả, chết trong còn hơn sống đục. Dù có đang sống nơi giàu sang nhưng vẫn hướng về quê nhà, không đâu bằng quê nhà có thể là nghèo nhưng trong sáng êm đềm: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Biểu trưng cho người nông dân Việt, con cò trong ca dao dù chẳng may chịu cảnh sa cơ lỡ bước, dù có chịu chết nhưng vẫn hướng tới sự trong sạch Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Tính cách này rất phù hợp với đặc điểm tôn thờ, ngưỡng vọng cái cao cả của sử thi.

Vì lẽ ấy người Việt không chịu làm nô lệ cho ngoại bang, không chịu khuất phục bất kỳ kẻ thù nào. Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển và nâng cao tinh thần ấy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”!

2. Vì con người – Một đặc điểm văn hóa Việt.

Quan niệm của người Việt luôn hướng đến con người, coi con người là cái đẹp cao nhất. Từ ngàn xưa người Việt có câu: Người ta là hoa đất, hoa là đẹp, là thơm, là quý. Triết lý sâu sắc của họ là thiêng liêng quý trọng con người, nên mới có câu: Ra đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta. Đã là con người thì dù ở đâu, ở hoàn cảnh nào, chẳng may có lỡ làng cũng phải “hai tay nâng lấy” như vậy. Mỹ cảm người Việt hướng về cái hiền lành, nhường nhịn, hiếu thảo đến quên mình. Nàng Thị Kính cả một đời chịu oan không một lời ta thán. Nàng Thoại Khanh cắt thịt mình nuôi mẹ chồng… Người Việt sống nặng tình, nặng nghĩa: Muối ba năm muối hãy còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay… Người được ca ngợi là người hiếu nghĩa, trong ca dao, thì: Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con. Nếu Truyện Kiều là kết tinh đỉnh cao của tâm hồn và nghệ thuật dân tộc thì nàng Kiều được đánh giá mẫu mực vì là Người đâu hiếu nghĩa đủ đường.

Tình yêu quê hương, thiên nhiên, gắn tình yêu với thiên nhiên. Người Việt lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp: mắt bồ câu, mắt lá răm, mũi dọc dừa, lông mày lá liễu… Con người là một phần của thiên nhiên, thiên nhiên lại là chuẩn mực của con người: Những người con mắt lá răm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Ca dao tình yêu luôn mượn thiên nhiên như là một phương tiện để trao gởi, giãi bày: Bây giờ mận mới hỏi đàoĐêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá nên sàng hay chăng… Thiên nhiên là nhịp điệu sống sinh hoạt: Bao giờ đóm đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng. Thiên nhiên là thước đo tâm trạng, tình cảm: Bèo dạt mây trôi, tang tính tình/ Em vẫn đợi/ Bèo dạt… Bác Hồ là người Việt Nam đẹp nhất vì luôn sống giữa thiên nhiên: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi

Lịch sử văn hóa cho thấy người Việt coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất. Bác Hồ là người tiếp bước sự thành công của các bậc tiên liệt để lãnh đạo cách mạng: “Các cô, các chú có biết vì sao mà cách mạng của ta thành công không? Vì tinh thần”, “Vì sao đoàn kết? Là do tinh thần!... Như các đồng chí ta mà bị hy sinh trong lúc làm việc bí mật trước cách mạng, bị nó bắt được, nó treo, nó kẹp, nó tra tấn, nó bắn nhưng nhất định không nói, chẳng những không nói mà còn chửi vào mặt nó. Đấy là vật chất hay tinh thần? Trong kháng chiến có chiến sỹ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân ngăn cho súng khỏi lăn, hy sinh lấy tài liệu của địch…, thì đó là tinh thần hay vật chất? - Tinh thần”[2].

Các luồng văn hóa tiến bộ tiếp biến vào văn hóa Việt như tinh thần Ấn Độ, tư tưởng tích cực của đạo Phật ảnh hưởng tới và cùng với văn hoá bản địa góp phần tạo ra một tính cách Việt khoan hoà, nhân ái, hướng thượng, không thích chiến tranh, nếu buộc phải chiến tranh thì cũng vì mục đích hoà giải, hoà hợp, hoà bình. Hồ Chí Minh là người Việt Nam thấu hiểu, thấu cảm tình yêu hòa bình từ tính cách dân tộc, biểu hiện cụ thể qua tư tưởng Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc đuổi Pháp và Mỹ, tuy đã cố “nhân nhượng” nhưng kẻ thù càng lấn tới nên bắt buộc Người cùng cả dân tộc phải cầm súng. Xét đến cùng cầm súng cũng là vì tình thương yêu đất nước, yêu con người cao cả, sâu nặng. Với kẻ thù, Người khoan dung; với đồng bào mà lầm đường, Người “khoan hồng đại độ”; với đồng chí, Người dìu dắt trong “tình thương yêu lẫn nhau”; với dân, Người “hết sức kính trọng, giúp đỡ”…

3. Người Việt giàu có niềm tin.

Lý tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Người ta yêu nhau trước hết là vì tin nhau: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua”. Yêu nhau, tin nhau thì “củ ấu cũng tròn”. Các cụ ta dùng chữ “thuận” để nói về những cặp vợ chồng cùng chung mục đích ước mơ, yêu nhau, tin nhau thì có thể vượt qua mọi trở ngại, dù khó khăn gian khổ đến mấy: “Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn”. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt thì vấn đề lý tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc kháng chiến. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chính là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc Nguyên. Thời đánh giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được dân tin, quân mến “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử…” nên mới có thể làm nên “cỗ nhung y chiến thắng”. Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mỹ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, của Đảng. Nhìn rộng ra trên thế giới chưa thấy dân tộc nào trở nên hùng cường tự chủ mà lại thiếu lý tưởng, niềm tin. Ở phương diện con người cá nhân nếu mất lý tưởng, niềm tin là mất tất cả: “Tưởng giếng sâu em nối sợi dây gầu dài. Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”. Em tưởng anh “sâu sắc” nên trao gởi tình yêu. Ai ngờ anh “nông nổi”, em tiếc cho niềm tin, ước mơ, khát vọng của mình, tiếc cho thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Mà những thứ đó thì một đi không trở lại, không bao giờ lấy lại, nhất là tuổi xuân người con gái có thì… Đặt ý tứ bài ca dao này vào hoàn cảnh xã hội phong kiến xưa càng thấy nỗi đau đắng đót sâu thẳm của những cô gái có thể bị lỡ làng cả cuộc đời vì bị mất niềm tin vào một người con trai nào đó. Ngược lại, có lý tưởng, niềm tin là có tất cả, chúng luôn là cơ sở là động lực để thúc đẩy những phẩm chất khác, như dũng cảm, kiên trì, tự tin, đức hy sinh.

Nhìn vào văn hóa, văn học dân gian sẽ thấy rõ hơn chân lý người Việt vẻ vang chiến thắng kẻ thù bốn chân (thú dữ), không chân (thiên tai), hai chân (địch họa) bằng tinh thần đoàn kết, bằng lẽ phải đạo lý, bằng khát vọng hòa bình và tình yêu thương con người, bằng ý chí tự cường. Để rồi hôm nay đang vươn lên đài vinh quang của hạnh phúc, dân chủ, văn minh bằng niềm tin kiên định, sắt đá còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.

Ở Hồ Chí Minh là sự hội tụ, kết tinh giá trị niềm tin của người Việt. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập[3] cụm từ tôi tin xuất hiện 245 lần, có 205 lần chủ thể phát ngôn là Bác Hồ. Hai chữ tin tưởng xuất hiện 348 lần, 302 lần biểu hiện trạng thái tâm lý tích cực của chủ thể tác giả Hồ Chí Minh. Mở đầu Di chúc là một niềm tin chiến thắng: Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều. Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ càng thấy đó là một niềm tin của chân lý. Niềm tin luôn đi cùng quyết tâm, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành độc lập. Đó không chỉ là lời Bác Hồ mà còn là lời của lịch sử, của chân lý và đạo lý.

N.T.T


[1] Kiến trúc tam quan cấu trúc theo thuyết tam tài của triết học phương Đông cổ. Chính giữa để cho vua đi nên không mấy khi mở, bên tả dành cho quan văn, bên hữu dành cho quan võ. Kiến trúc cổng đình chùa miếu cũng theo quan niệm này.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 10, tr. 580.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, xuất bản lần thứ ba (thao tác trên máy tính qua đĩa CD-ROM).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)