Vệt thẩm mĩ từ tiểu thuyết “trẻ”

Thứ Hai, 06/03/2023 00:31

. LÊ THỊ HƯỜNG
 

Trước sự xuất hiện ồ ạt các phương tiện truyền thông, sự đa dạng thể loại văn học, kể cả sự xâm nhập hay phá vỡ các thể loại, vai trò “cỗ máy cái” của tiểu thuyết có nguy cơ bị lung lay. Câu hỏi tiểu thuyết đi về đâu vẫn còn để ngỏ, quan niệm nhân vật tiểu thuyết đã chết vẫn còn được bảo lưu. Tuy vậy, thực tiễn sáng tác của các nhà văn “trẻ” (hai thập niên đầu thế kỉ XXI) đã minh chứng rằng tiểu thuyết đang chiếm lĩnh đời sống văn học Việt. Bởi, nói theo Milan Kundera, tiểu thuyết không chỉ là một thể loại (trong các thể loại văn học), mà còn là một giai đoạn, một cấp độ mới trong tư duy nghệ thuật của con người về thế giới.

1. Trong khoảng hai thập niên đầu thế kỉ XXI, bên cạnh những tên tuổi già dặn từng làm chủ văn đàn và dần thưa thớt, một thế hệ mới (không hẳn là chạy tiếp sức như một cách nói) vững vàng làm đầy đặn một diện mạo văn chương. Có những cây bút khẳng định ngay bằng tiểu thuyết đầu tay. Có những nhà văn vốn thành danh ở truyện ngắn cũng thành công ở tiểu thuyết. Dẫu chọn điểm khởi đầu như thế nào thì phần lớn các nhà văn “trẻ” đều viết tiểu thuyết từ nhu cầu tự thân. Đinh Phương “già dặn” với lối viết lạ, ảo, tạo mê cung (Nhụy khúc, Nắng Thổ Tang). Huỳnh Trọng Khang với những tiểu thuyết được viết ở tuổi 20, đã tìm tòi, thể nghiệm một lối viết khác về chiến tranh (Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ). Nguyễn Nguyên Phước (sinh năm 1976, nhưng tiểu thuyết của anh mới xuất hiện gần đây) với sêri tiểu thuyết đại diện cho một loại văn-chương-mê-cung (Chung một cuộc tình, Một chuyến đi, Nhà máy sản xuất linh hồn, Chết trong ngày chúa nhật). Phan Đức Lộc khá gây ấn tượng bởi những trang truyện ngắn đầu tay, nhưng không dừng lại ở đó, cây bút trẻ này khẳng định bút lực bằng tiểu thuyết (Tuyết đỏ). Nguyễn Khắc Ngân Vi “chung thủy” với thế giới đàn bà. Trong tiểu thuyết của Ngân Vi, những tâm trạng chồng chéo của nhân vật vừa đồng thuận với tâm lí chung của giới trí thức trẻ, vừa mang nỗi niềm riêng của một cây bút nữ sớm tìm đến thế giới phức tạp mà hư ảo của nữ giới (Đàn bà hư ảo, Phúc âm cho một người, Vạn sắc hư vô). Một số tác giả chọn mảng truyện trinh thám từng được xem là “cận văn học” để lần đầu thử bút. Trước đó, Di Li là nhà văn nữ tiên phong trên con đường “khôi phục” tiểu thuyết trinh thám - kinh dị. Tiểu thuyết của Di Li góp phần bác bỏ quan niệm xem truyện trinh thám là bên lề văn chương, là ngoại vi, là văn học thị trường/ tiêu thụ, hoặc chỉ phù hợp với nam giới. Chất li kì, hoang đường, tình dục và bạo lực của thể loại trinh thám được kết hợp khéo léo với chất tiểu thuyết làm nên phong cách thống nhất trong tiểu thuyết của Di Li. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của điện ảnh khiến tiểu thuyết của Di Li có tiếng vang xa (Trại Hoa Đỏ, Câu lạc bộ số 7, Hầm tuyết). Chọn thể loại trinh thám, không hề dễ dàng, Tuệ Nghi đã khẳng định một lối viết từ cuốn tiểu thuyết đầu tay. Luật ngầm đề cập một mảng của “xã hội đen” qua câu chuyện của một nữ tình báo có tuổi thơ sớm bị chấn thương và “tuổi thanh xuân đã bị đời xâu xé thành từng mảnh”, từng ngụp lặn trong thế giới ngầm trước khi gia nhập Interpol Việt Nam. Với lối kể theo tuyến tính, có phần dài dòng, Luật ngầm đã chạm đến một thế giới ở đàng sau, nói như tác giả là “có những bí mật không phải ai cũng có thể chạm vào”.

2. Các cây bút trẻ ít khi “tuyên ngôn”, nhưng qua những tâm sự đây đó, họ bộc lộ rõ quan niệm của mình. Nói về tiểu thuyết đầu tay Nhuỵ khúc, Đinh Phương tâm sự: “Tôi muốn mình có một hành trình sống thật sự bên trong và bên ngoài, về những cảm giác bắt buộc phải viết ra. Và những ngày viết cuốn tiểu thuyết tôi nhận ra mình đã sống một đời sống khác. Của tôi và không tôi.” Tác giả cuối 8x này cũng thẳng thắn nêu quan niệm: “Viết lách nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung là công việc rất ích kỉ. Tác giả sẽ phải chiều chuộng cái bản thân mình trước, viết cái mình thích như một lẽ tự nhiên, một thứ bản năng không thể làm khác được.” Những nhà văn trẻ vừa chú trọng đến việc viết cái gì vừa có ý thức làm mới lối viết. Họ không hẳn khước từ hệ hình/ tư duy tiểu thuyết trước đây nhưng luôn khẳng định một-cái-khác trên hành trình sáng tạo. Một lớp người viết mới đã trải nghiệm một mô thức tiểu thuyết, có âm hưởng từ những lí thuyết và kĩ thuật hiện đại, để tri nhận đa chiều về bản thể, về cuộc sống. Tác phẩm của họ dường như làm khó người đọc với cấu trúc tiểu thuyết vừa phân mảnh vừa kết nối chằng chịt, lan man. Nhìn chung, tiểu thuyết trẻ đã tạo được một vệt thẩm mĩ khác. Cái đẹp không ở sự hài hoà hay đối xứng mà chủ yếu là ở sự vênh lệch gây hiệu ứng thẩm mĩ. Trong tiểu thuyết Chung một cuộc tình, Nguyễn Nguyên Phước nêu rõ quan niệm: “Thế giới này đẹp và tàn nhẫn. Luôn luôn là như thế. Thế giới này đẹp chính bởi vì nó tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn bao giờ cũng là thứ làm cho cuộc sống mang một vẻ đẹp đích thực.”

Lối-viết-mê-cung là sự lựa chọn của một số nhà văn trẻ. Với kĩ thuật ảo hoá, tạo mê cung, tiểu thuyết của Đinh Phương đưa người đọc vào những khoảng trống, khoảng gần của lịch sử, đưa lịch sử về hiện tại, đan xen, phân mảnh, chồng chéo những câu chuyện được kể từ nhiều nguồn, nhiều dòng. Những đoạn khúc lê thê đan xen những mảnh trống. Những hiện tượng mơ hồ, những trạng huống hoài nghi hoặc bất khả tri. Triết lí sâu sắc nằm sau những con chữ cố tình vô nghĩa (Nhụy khúc, Nắng Thổ Tang). Đọc Đinh Phương thấy cái mơ hồ bảng lảng không xác định, những tưởng làm giảm độ xác tín về lịch sử, về thời đại, nhưng đây là một cách tạo không khí, gợi nhiều cách đọc. Với lối viết này, văn bản tiểu thuyết trở thành một mê cung, đan cài, pha trộn, rối mù thông tin. Nhân vật của Huỳnh Trọng Khang cũng phân tán; bí ẩn những mật mã, kí hiệu (kể cả kí hiệu người), những “mê cung ngày tháng”, những con chữ “rời rạc không trọn nghĩa, lủng củng những trang, những đoạn, những mẩu, những miếng...” (Những vọng âm nằm ngủ). Tiểu thuyết của Huỳnh Trọng Khang nối tiếp, xuyên văn bản, dựa vào bối cảnh lịch sử ngày 30 tháng 4. Nếu Mộ phần tuổi trẻ được kể từ điểm nhìn của một anh sinh viên miền Nam có cha từng làm trong chính quyền Sài Gòn thì Những vọng âm nằm ngủ được kể từ những ghi chép/ kí ức của một “bà lão” người Mĩ, tuổi thanh xuân đã từng ở Việt Nam làm phóng viên, về già ngồi ôn lại quá khứ với những cuộc truy tìm tuyệt vọng. Thời gian đông cứng. Xoay quanh một mốc giờ là 11 giờ 30, kí ức lan toả nhiều nhánh qua nhiều không gian khác nhau. Cuộc sống của những thuyền nhân; tình yêu, chiến tranh, hận thù, hoà giải… Những câu hỏi về sống chết. Những cuộc tìm kiếm tuyệt vọng. Những âm thanh lộn lạo vọng về, không-thời gian có lúc là những khoảng trắng tuyệt mù, có lúc dồn dập đan cuộn đồng hiện qua giọng điệu vừa bình thản, lạnh lùng vừa da diết. Tất cả đều nhằm tạo mê cung tâm hồn. Nguyễn Nguyên Phước đại diện cho một loại văn chương khước từ tâm lí, trống rỗng nội tâm. Những cuốn tiểu thuyết của anh từa tựa nhau ở chỗ mọi thứ đều như vô hình, con người sống trong một thực tại vừa thật vừa như “một thế giới không có ở đâu cả”. Nhân vật của anh chỉ là kí hiệu. Tác giả không khắc hoạ nhân vật tiểu thuyết mà tạo kí hiệu để gửi vào đó những suy niệm của mình. Thế giới tiểu thuyết của anh đúng là một mê cung, một cõi tù mù biểu đạt qua một lối diễn ngôn cố ý làm cho rối rắm với những câu văn dài lê thê; một kĩ thuật viết tạo độ thừa mứa, đầy mà rỗng. Những con chữ rối mù. Ẩn dụ và ẩn dụ. Giọng văn cay độc, lạnh lùng, ngột ngạt. Đọc tác phẩm không biết là anh đang và sẽ chơi trò gì qua lối viết gợi nhiều liên tưởng, nhưng suy cùng cũng là phi lí phận người trong một thế giới “đẹp và tàn nhẫn”. Hai cuốn tiểu thuyết Một chuyến điNhà máy sản xuất linh hồn đều tập trung vào những trạng huống giết chết con người trước khi họ tự giết mình. Một chuyến đi trên chiếc xe ma mị chẳng biết đi đâu, đi để làm gì. Nhà máy sản xuất linh hồn nhưng chẳng biết ở đâu, sản xuất cái gì, để làm gì. Chỉ là thế giới đồ vật phình to, lấn át, thậm chí nuốt chửng con người. Không có nhà máy, chỉ thấy tôn và tôn cứ dài bất tận. Biểu tượng làng, một quy ước cộng đồng cũng trở nên lỏng lẻo. Tất cả chỉ là khái niệm. Mọi điều xảy ra chỉ là giả định, chẳng có gì cụ thể rõ ràng, một mê cung khiến thần kinh căng thẳng đến phát điên. Những giấc mơ bị dồn đuổi. Con người đông đúc trở thành những cái bóng. Im lặng. Im lặng đến ngột thở dẫu có nhiều âm thanh. Vắng đến rợn dẫu đám đông lấn tràn. Đám đông cứ đi trong một mê lộ theo người dẫn đường và anh ta cũng chỉ biết một con đường quen thuộc của mình. Không ùn tắc. Nghìn nghịt. Rùng rùng. Họ đột ngột hiện ra thành đám, thành đoàn, thành dòng, rồi đột ngột biến mất như bụi. Một đám đông không hề ngạc nhiên về bất cứ điều gì. Họ hành ngôn theo một kiểu. Họ không dám khác biệt với chung quanh, kể cả trong ý nghĩ, nói như Gustave Le Bon, “họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất (Tâm lí học đám đông, Nxb Tri thức, 2019, tr.183). Tất cả như đã được lập trình, cuộc sống là một thứ tuần tự vô nghĩa và con người cứ chờ đợi những điều chẳng bao giờ xảy ra. Vô định, vô hình. Con người đánh mất nhận thức, đánh mất tâm trí. Lâm, từ khi hăm hở đến xin việc ở nhà máy, nhiều lần muốn trốn khỏi mê cung nhưng đến lúc thoát ra được lại đối mặt với cái già và cái chết. Dương trên chuyến xe “không người lái” sau cái chết bí ẩn của người tài xế, sau những tháng ngày lạc lõng, bị loại trừ khỏi đám đông, đã đốt xe và chiếc xe kinh hoàng trở thành mồ chôn những hành khách tình cờ cùng một chuyến đi. Đốt. Cháy. Đại bàng moi xác. Con người về lại với cát bụi hư vô, bởi lúc sống họ cũng chẳng biết về đâu. Từ một “trường vực văn hoá”/ trường xã hội (Pierre Bourdieu), điểm giao nhau trong tiểu thuyết “trẻ” là các nhà văn đã đi từ cảm nhận thế giới là hỗn độn, sự phì đại có lúc bị đẩy đến tận cùng để suy tư về hiện tồn. Một thực trạng của đời sống hiện đại là con người càng lúc càng chìm sâu trong nỗi cô đơn. Dự phần trong một thế giới mọi thứ đều trở nên phi lí, con người tìm cách trốn chạy khỏi bản thân. Tiểu thuyết trẻ thường viết về một thế hệ truy tìm bản thể, dửng dưng với những bình ổn vật chất, thèm đi, để trải nghiệm, để khám phá chính mình. Nhân vật tiểu thuyết luôn đối thoại tôi-với-tôi, luôn hoài nghi tra vấn và cái chết như một ám ảnh. Nhân vật bị biến mất hoặc tự bôi xóa mình (Nhuỵ khúc); có khi là tự diệt hữu thức (Vạn sắc hư vô, Một chuyến đi), có khi là vô thức dẫn đến hành vi sai lệch (Nhà máy sản xuất linh hồn). Triết lí về sống-chết ngày càng đậm rõ trong tiểu thuyết trẻ. Sống-chết, suy cùng, là một song đề chết ở hai dạng thức.

Nếu xem hoạt động sáng tác văn chương là hành trình cô độc thì điều đó thường diễn ra ở tiểu thuyết như một cõi riêng của nhà văn. Với các nhà văn nữ, mỗi tác phẩm là một tiếng kêu hướng về phụ nữ, một tiếng lòng bật lên từ sự thấu cảm của người-đàn-bà-viết. Nguyễn Quỳnh Trang với tiểu thuyết 1981 như là một sự khẳng định thế hệ, một thế hệ muốn là chính mình. Tiểu thuyết của Nguyễn Quỳnh Trang quay về thời tem phiếu với nhiều mặt trắng đen của một giai đoạn gian khổ, qua đó nói lên tâm trạng của những người trẻ khước từ mọi thứ, kể cả bản thân mình. Là Tôi chối bỏ tình yêu, là Nghi chối bỏ chính mình khi “vật vã muốn cắt phăng, nghiền nát vật biểu trưng cho giới tính của mình”. Khi WHO công nhận đồng tính không phải là bệnh lí rối loạn tâm thần và hành vi (trong Danh mục các bệnh quốc tế vào các năm 1990 và 2019) thì văn chương nhìn chung vẫn còn bỏ trống. Càng về sau mảng đề tài này càng được đề cập một cách tự nhiên. Nhục cảm đồng tính mang tính thẩm mĩ. Trước đây, các nhà văn Vũ Đình Giang, Bùi Anh Tấn… đã tạo “danh hiệu” khi đi sâu khai thác vấn đề lệch pha chủ yếu ở nam giới. Phải chăng, khi phụ nữ viết về đồng tính thì cái lệch pha được đi đến tận cùng cảm giác; cảm giác đắm say gần gũi nhưng thảng thốt vì “đã từng ấm nóng da thịt mình” mà vẫn “chưa thuộc hết nhau” (Sông - Nguyễn Ngọc Tư). Vũ Phương Nghi viết về thế giới hủ nữ như một niềm thấu cảm. Chuyện lan man đầu thế kỉ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vũ Phương Nghi, viết về cuộc sống của những “hủ nữ” với cái nhìn trẻ. Nguyễn Khắc Ngân Vi đi sâu vào cảm-giác-thân-xác. Thế giới nghệ thuật của Ngân Vi là những tổn thương tinh thần thời thơ ấu, mặc cảm tính dục, tiếng nói của thân xác lên tiếng một cách chính đáng. Đàn bà hư ảo là cuộc truy đuổi quá khứ đầy mâu thuẫn. Đó cũng là hành trình truy tìm bản thể với tâm trạng trống rỗng và cô đơn. Phúc âm cho một người viết về niềm tin tôn giáo, phúc phận đàn bà, tuổi già, thân xác nhưng trên hết là vết hằn thân phận. Cảm giác về sự đau đớn và khoái lạc, về niềm thống khổ đồng tính, lưỡng tính được đề cập trần trụi hơn, bạo liệt hơn trong Vạn sắc hư vô. Có vẻ như đây là dạng tiểu thuyết ngôn tình. Có vẻ như lesbian là phần chủ yếu khi nhà văn nhấn mạnh đến những cảm xúc ái ân. Mùi hương thân xác. Sức hấp dẫn đồng giới. Tuy vậy, chìm sâu trong niềm thống khoái đó là nỗi cô đơn muôn thuở của đàn bà với cái nhìn đàn ông như một giới-bất-toàn. Nhân vật của Ngân Vi vừa quay cuồng vừa bị đẩy ra bởi cái mà nhà văn gọi là “tinh thần thời đại”. Mọi thứ chung quanh Nhàn (một tiến sĩ ngành Trung văn) chật chội mà luễnh loãng. Một sự tràn-ứ-trống-rỗng về thân xác lẫn tâm hồn. Viết về cuộc sống “khác” của giới trí thức trẻ, thông qua những mối tình đồng tính, lưỡng tính, những cuộc say, những cuộc chơi, hôn nhân ràng buộc và vô vị…, tác giả ngẫm về bản thể, về hư vô đời người. Truy tìm bản thể, dẫu không đặt ra một cách riết róng câu hỏi tôi là ai, nhưng nhân vật của Ngân Vi luôn tra vấn chính mình. Con người cứ loay hoay giữa các chiều kích thời gian. Đối thoại bản thể trở thành cuộc truy vấn về khoảng cách thế hệ và xung đột văn hoá, về tình yêu, tình dục, đàn ông, đàn bà, hôn nhân, về hiện tồn và hư vô, con người và niềm tin Thượng đế, kể cả truy vấn với một cảm giác Thượng đế không còn. Nguyễn Khắc Ngân Vi có cách triết lí luẩn quẩn tới lui (có lẽ vì nương theo dòng tâm trí rối bời của nhân vật) về tình yêu, hôn nhân, tính dục... Những người trẻ tuổi bị cuốn trong mớ bòng bong tinh thần thời đại đó. Họ vừa che giấu vừa công khai các mối quan hệ rối rắm, đồng tính, lưỡng tính, những cuộc tình tay ba. Những cái “tôi” phụ nữ đầy cá tính tìm đến nhau, vừa chịu sức hút của nhau lại vừa đối kháng nhau. Và kết thúc như một tất yếu là cái chết. Tuy vậy, cuộc sống vẫn tiếp diễn theo cách của nó. Nhưng khi con người thiếu vắng một “trú xứ” thì trần gian vạn sắc cũng hoá hư vô.

3. “Mỗi người phải tạo ra lối viết của riêng mình và lối viết ấy sẽ được đánh giá sau” (J.P.Sartre). Viết, theo quan niệm của thế hệ trẻ, là hành trình khám phá bản thân đau đớn, là cuộc truy tìm đến tận cùng bản ngã. Đọc tiểu thuyết của thế hệ trẻ, cảm giác chung là những gì họ viết, họ “làm” đã từng xuất hiện trong văn chương thế giới. Các lí thuyết hiện đại xâm nhập vào cảm thức của các nhà văn trẻ bởi sự đồng thuận trong cái nhìn về con người, trong quan niệm viết và tính đa diện thẩm mĩ của tác phẩm. Câu hỏi đặt ra trong tầm đón quen thuộc của độc giả là: Đằng sau những cái chết, những tình dục hoang sơ, bạo lực, cái ác… đó là gì? Liệu có khoảng cách thẩm mĩ giữa tầm đón đợi của người đọc và tác phẩm? Cái đẹp lẩn khuất ở đâu giữa mê cung của cái nhàn nhạt, sền sệt và tàn nhẫn?... Dẫu sự tiếp nhận tiểu thuyết “trẻ” có lúc không đồng thuận, nhưng không là quá sớm khi nói về vấn đề “chuyển giao thế hệ”; một thế hệ đã tạo ra văn chương của họ khiến văn học Việt Nam đang dần chuyển sang một hướng khác và “làm nên tương lai”.

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)